Tối 14/2 (tức ngày 5 tháng Giêng), tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, UBND thành phố Bắc Giang tổ chức khai mạc Lễ hội 597 năm Chiến thắng Xương Giang (1427 - 2024) và công bố Lễ hội Xương Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái trao chứng nhận Lễ hội Xương Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho cán bộ và nhân dân thành phố Bắc Giang. 

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái đã trao chứng nhận Lễ hội Xương Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho cán bộ và nhân dân thành phố Bắc Giang.

Cách đây 597 năm, tại mảnh đất Xương Giang lịch sử đã diễn ra trận quyết chiến của nghĩa quân Lam Sơn, lập nên chiến công vang dội, tiêu diệt 10 vạn quân Minh, buộc chủ tướng Vương Thông phải đầu hàng và rút quân về nước. Chiến thắng Xương Giang năm 1427 đã chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh đối với nước ta, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc. 


Màn trống khai hội. 

Để ăn mừng chiến thắng, năm 1428 sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi đã mở hội khao quân, tuyên đọc "Đại cáo Bình Ngô”. Trong niềm vui chung đó, ở Kinh Bắc có trị sở là thành Xương Giang cũng được hưởng lộc và tổ chức lễ hội lớn để cáo tế trời đất ban phúc lộc cho nhân dân. Từ đó về sau, nhân dân vùng Xương Giang đều tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng. Đó cũng là dịp các làng quanh thành Xương Giang tổ chức hội làng truyền thống, nên nhân dân địa phương tổ chức rước lễ vật về thành Xương Giang làm lễ tế, mở hội ăn mừng chiến thắng. Từ đấy lễ hội mừng chiến thắng Xương Giang trở thành một lễ hội lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân cả vùng quanh thành Xương Giang. Không gian lễ hội không chỉ diễn ra ở khu vực quanh thành Xương Giang mà còn trải khắp các phường khác ở thành phố Bắc Giang.

Từ năm 1998 đến nay, Lễ hội Xương Giang hàng năm được tổ chức với quy mô cấp thành phố, ngay tại khu vực diễn ra trận chiến Xương Giang xưa để kỷ niệm sự kiện lịch sử, khẳng định tầm vóc, ý nghĩa, giá trị to lớn của Chiến thắng Xương Giang trong lịch sử dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.   


Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Chiến thắng Xương Giang - muôn thuở còn truyền”. 

Đọc diễn văn khai hội, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang Đặng Đình Hoan, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội nhấn mạnh: Địa điểm chiến thắng Xương Giang và Lễ hội Xương Giang đã hình thành, tạo dựng nên và mang những giá trị tiêu biểu đậm đà bản sắc văn hóa của vùng đất Kinh Bắc - Bắc Giang; cũng như đại diện cho văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Trước những chứng tích và giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia Địa điểm Chiến thắng Xương Giang; năm 2019 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang là Di tích quốc gia đặc biệt. 

Ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 3443/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Lễ hội truyền thống Xương Giang, thành phố Bắc Giang vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội đầu tiên ở thành phố được vinh danh và là niềm tự hào to lớn đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Bắc Giang.

Sau phần lễ, đại biểu cùng toàn thể nhân dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Chiến thắng Xương Giang - muôn thuở còn truyền” gồm 3 phần: phần 1 "Xương Giang - Bản hùng ca vang mãi”; phần 2 "Bài ca đất nước” và phần 3 "Bắc Giang - niềm tin, khát vọng”


Theo TTXVN

Các tin khác


Lễ xin mở hội chùa Tiên huyện Lạc Thủy năm 2024

Ngày 12/2 (tức mồng 3 Tết Giáp Thìn), Ban Tổ chức Lễ hội chùa Tiên huyện Lạc Thủy tổ chức lễ xin mở hội. Tham dự buổi lễ có các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện; lãnh đạo một số phòng, ban, đơn vị thuộc huyện Lạc Thủy; Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phú Nghĩa.

Pháp phát hành bộ tem Rồng

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tập đoàn Bưu chính Pháp (La Poste Group) đã phát hành một bộ tem đặc biệt gồm 2 con tem để kỷ niệm năm con Rồng theo truyền thống của người châu Á.

Làng Mường trên đất Triệu Voi

Được biết thông tin qua kỹ sư Quách Tự Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hoà Bình về bản Đon, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào có một cộng đồng người Mường từ Việt Nam sang. Như có duyên, tháng 3/2023, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhận được thư mời của Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Hủa Phăn mời sang giúp bạn nghiên cứu, làm rõ nguồn gốc và văn hóa của người Mường ở địa phương. Được tỉnh cho phép, Hội VHNT tỉnh thành lập đoàn công tác, lên đường sang làm nhiệm vụ.

Ngày Xuân vang điệu sáo ôi

Sáo ôi là nhạc cụ dân tộc độc đáo của người Mường. Tiếng sáo gọi mùa Xuân du dương khắp bản làng, trong trẻo, tình tứ mà da diết tựa làn gió xuân mềm mại, ngọt ngào, như chứa đựng tâm tư, tình cảm của đồng bào vùng cao Tây Bắc.

Đào phai bản Mông gọi mùa Xuân đến sớm

Tháng Chạp, khi mọi người tất bật với công việc cuối năm thì đồng bào Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) đã chờ đón Tết. Đồng bào Mông ăn Tết sớm hơn Tết Nguyên đán 1 tháng. Khi những nụ đào phai hé nở là bà con trút lúa nếp nương vào cối xay cho ra hạt gạo trắng ngần để chuẩn bị những mẻ bánh dày thơm dẻo đón Tết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục