Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, để tỏ lòng tôn kính người cao tuổi (NCT), thực hiện tốt truyền thống "Uống nước nhớ nguồn”, "Kính lão trọng thọ”, các địa phương huyện Tân Lạc tổ chức lễ chúc thọ, mừng thọ NCT. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống ông cha ta đã xây dựng, gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi, các con cháu sum họp đông đủ.
Chưa Tết năm nào gia đình cụ Hoàng Thị Dần ở khu Minh Khai, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc lại sum họp đông đủ các con cháu như năm nay. Cụ Dần năm nay tròn 100 tuổi. Ngày mùng 2 Tết, con cháu phấn khởi tổ chức chúc thọ cụ thật long trọng, đầm ấm. Cả gia đình sum họp đông đủ, mặc trang phục đẹp cùng ăn bữa cơm vui vẻ. Dịp này, cụ vinh dự được nhận quà của Chủ tịch nước gồm 5 m vải lụa, 1 túi quà và 1 triệu đồng. Trong ngày mừng thọ, cụ phấn khởi mặc bộ quần áo lụa ngồi giữa con cháu. Nghe con cháu, xóm giềng chúc thọ, cụ Dần vui vẻ chia sẻ: Điều vui nhất là con cháu ở xa đều về sum vầy đông đủ và nhận được sự quan tâm của địa phương, bà con trong xóm. Đây chính là món quà tinh thần thực sự ý nghĩa.
Xuân này, với cụ ông Trần Văn Ngọ, 90 tuổi và cụ bà Trần Thị Quế, 85 tuổi ở khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc như được nhân lên niềm vui khi cả 2 cụ đều được Chi hội NCT phối hợp với Ban công tác Mặt trận khu tổ chức mừng thọ cùng các cụ khác tròn năm chẵn tại nhà văn hóa khu Tân Phong. Lễ mừng thọ diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi với sự có mặt của các hội viên chi hội NCT, người dân trong xóm và con cháu của các cụ. Chị Trần Thị Nam, con gái của hai cụ chia sẻ: Việc tổ chức lễ mừng thọ tập thể như thế này ý nghĩa và vui vẻ. Đây là dịp để con cháu tri ân công lao các bậc sinh thành, có trách nhiệm hơn trong việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Đối với những người con, việc mừng thọ tại nhà văn hóa với sự tham dự của đông đủ các đoàn thể, chính quyền, người dân là sự động viên tinh thần để cha mẹ chúng tôi "sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
Nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Lạc đã tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi. Không tổ chức lễ nghi tốn kém, lễ mừng thọ tuy đơn giản nhưng trang trọng, đầm ấm, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên.
Ông Bùi Như Đình, Chủ tịch Hội NCT huyện Tân Lạc cho biết: Năm nay, huyện Tân Lạc tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho 1.240 NCT. Trong đó, 54 cụ 90 tuổi, 17 cụ 95 tuổi, 10 cụ 100 tuổi, 13 cụ trên 100 tuổi... Đây là những hội viên cao tuổi có đóng góp tích cực cho địa phương.
Lễ mừng thọ thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo của con, cháu đối với ông bà, cha mẹ, cũng là nét đẹp văn hóa đậm tính nhân văn của dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Dù mỗi địa phương, gia đình có cách mừng thọ khác nhau nhưng đều hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp. Đây là dịp để con cháu, những người thân ở khắp nơi dù bộn bề với cuộc sống mưu sinh vẫn trở về sum họp, quây quần bên gia đình. Đầu xuân mới, việc mừng thọ thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của người dân tộc ta.
Quyên Anh
(Trung tâm VH, TT&TT huyện Tân Lạc)
Trong khuôn khổ Lễ hội chùa Tiên huyện Lạc Thủy năm 2024, sau Lễ khai hội đã diễn ra Chương trình giao lưu nghệ thuật dân gian bao gồm: Trình diễn nhạc cụ dân tộc, trình diễn nghệ thuật chiêng Mường, múa hát dân ca, chầu văn… của các CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường của thị trấn Ba Hàng Đồi, các xã: Hưng Thi, Phú Thành, Phú Nghĩa, cùng các Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Mạnh Hùng… tại sân khấu chùa Tiên.
Ngày 14/2 (tức mồng 5 tháng Giêng), thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) tổ chức khai hội đu mường Vôi xuân Giáp Thìn – 2024. Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương tham gia, trải nghiệm các hoạt động.
Tối 14/2 (nhằm mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 235 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789 – 2024) tại sân khấu trước Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề "Sáng mãi hào khí cờ đào”.
Tối 14/2 (tức ngày 5 tháng Giêng), tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, UBND thành phố Bắc Giang tổ chức khai mạc Lễ hội 597 năm Chiến thắng Xương Giang (1427 - 2024) và công bố Lễ hội Xương Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nằm trên độ cao khoảng 800 m so với mực nước biển, trong khu rừng tự nhiên núi đá của xóm Bo Trẳm, xã Ngổ Luông (Tân Lạc), thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ngọc Sơn - Ngổ Luông có quần thể 11 cây nghiến đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Đây là quần thể cây nghiến cổ thụ có đường kính từ hơn 1m đến hơn 3m, chiều cao vút ngọn từ 20 - 38m, đường kính tán từ 8 - 30m, tuổi đời từ 663 -1.433 năm, cây to nhất 6 người ôm không xuể.
Việt Nam sở hữu hàng ngàn lễ hội - tài nguyên to lớn để phát triển du lịch lễ hội hấp dẫn, đặc sắc. Không chỉ lễ hội truyền thống, các lễ hội mới cũng đã hình thành thương hiệu, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế. Việt Nam đang hợp tác với ASEAN để phát triển loại hình du lịch lễ hội bền vững.