7 hợp đồng xuất bản - kết quả thu được của hội nghị giới thiệu văn học VN - đều chủ yếu chọn thơ và truyện ngắn VN đương đại.
Đó phải chăng đã là câu trả lời cho câu hỏi từng khiến chúng ta băn khoăn bối rối: Nên dịch gì để giới thiệu văn học VN ra thế giới?
Nên ưu tiên thơ và truyện ngắn?
Lễ ký văn bản hợp tác xuất bản diễn ra sáng nay (8.1), 7 hợp đồng được ký, trong đó có hai chương trình dài hạn 5 năm, được ký với Trung tâm William joiner thuộc ĐH Massachusetts (do nhà thơ Kevin Bowen – Trưởng phái đoàn Mỹ tại hội nghị, làm giám đốc), và với NXB Tranan (Thụy Điển) – NXB in nhiều sách VN nhất tại Thụy Điển (10 đầu sách).
Còn lại là 5 hợp đồng “thời vụ”, chủ yếu ký với các nước trong khu vực, đó là: Thái Lan, Mông Cổ, Philippines... Mẫu số chung của các dự án hợp tác cả dài hạn lẫn ngắn hạn này đều chọn thơ và truyện ngắn VN đương đại.
Vậy là câu trả lời phải chăng đã có: Người nước ngoài quan tâm đến thơ và truyện ngắn đương đại VN? Nhưng vì sao họ quan tâm? Vì thành tựu của văn học đương đại VN là chủ yếu trông vào đó, hơn là tiểu thuyết? Hay bởi đặc thù về dung lượng của thể loại, sẽ ít nhiều đỡ làm khó người dịch hơn?
Nghiêng về lý do thứ hai, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Thơ và truyện ngắn sở dĩ được chọn, theo tôi có lẽ là vì nó đỡ mất thời gian và công sức của người dịch, so với dịch tiểu thuyết. Còn nếu để dùng chữ “thành tựu”, tôi e là nó vô cùng lắm, vì “thành tựu” với mình, biết đâu lại không là “thành tựu” với họ, cái mình thích chắc gì người ta đã thích! Không dễ trả lời câu hỏi người nước ngoài thích dịch gì của văn học VN đâu! Bởi có những thứ họ chọn dịch mà ta không thể ngờ tới như “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, vì đến nhiều người Việt chúng ta còn chưa từng đọc tác phẩm này, thậm chí chưa từng nghe tên”.
Là người hiện hoàn thành bản dịch Truyện ngắn VN đương đại của 20 tác giả (do nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tuyển chọn), dịch giả Điền Tiểu Hoa (Trung Quốc) lại đưa ra một lý do đáng chú ý khác: “Khám phá một nền văn học, cũng như một đất nước, không thể chỉ qua một tác giả, dù có lớn tới đâu. Tiểu thuyết dù quy mô hơn, nhưng cũng chỉ là tiếng nói và cái nhìn của một người. Còn một tập truyện ngắn hay một tập thơ, nó lại là tập hợp cho nhiều tiếng nói, nhiều cái nhìn, đại diện cho nhiều vùng đất, nhiều hoàn cảnh sống, động lực sáng tác và vì vậy, nó sẽ giúp mở nhiều cánh cửa sổ hơn”.
Tuy cũng chọn thơ và truyện ngắn để dịch lần này, nhưng nhà thơ Mỹ Kevin Bowen lại không cho rằng thể loại là điều đáng để tâm. “Điều tôi quan tâm hơn cả vẫn là những giá trị văn chương của tác phẩm, bất luận nó thuộc thể loại gì. Với văn học VN, đó trước hết phải là tinh thần Việt, phong vị Việt. Cố nhiên, để đến được với bạn đọc nước ngoài, còn cần đến tính phổ quát!”.
“Ai bảo dịch thơ là đỡ mất công hơn dịch tiểu thuyết? Dịch thơ mới là khó nhất!” – nhà thơ, dịch giả Ngô Tự Lập - nói. Một mặt, anh cũng lưu ý đến gu đọc của từng thị trường: “Chẳng hạn như độc giả Pháp, họ lại hầu như không đọc truyện ngắn. Với họ, số một phải là tiểu thuyết!”
Còn bỏ qua các kênh trong nước
“Nên dịch thơ và truyện ngắn” – điều đó dù chưa hẳn là câu trả lời chắc chắn, nhưng ít ra cũng giúp chúng ta gỡ gạc được những thắc mắc, trước câu hỏi: Văn học VN nên giới thiệu cái gì ra với thế giới? Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nhiều người lại cho rằng: Đó là một câu hỏi không nên đặt ra.
“Vấn đề không phải ở chỗ chúng ta nên chọn cái gì để giới thiệu, hay nên ưu tiên thể loại nào. Vì quyền lựa chọn không thuộc về chúng ta, mà thuộc về các dịch giả, các NXB và người đọc nước ngoài. Việc chúng ta cần làm là cung cấp thông tin tốt nhất cho họ!” – nhà thơ Hữu Thỉnh nói.
Người ta muốn chọn gì, đã đành! Nhưng một mặt, còn cần đến những cố gắng trong nước và khi đó, câu hỏi: Nên chọn tác phẩm nào, thể loại nào để giới thiệu, thêm lần nữa lại vẫn cần được đặt ra. Có một điều đáng tiếc là trong khi ngồi đợi những kênh bên ngoài, thì nhiều kênh trong nước vẫn đang bị bỏ ngỏ và chưa được đầu tư đúng mức.
Tương tự, là bài toán về tờ “Văn chương VN” xuất bản bằng tiếng Anh, từng giữa đường đứt gánh vì bị kêu về chất lượng dịch thuật và bí đầu ra. Mới đây trách nhiệm “chủ trò” vừa được giao cho nhà thơ, dịch giả Ngô Tự Lập, nhưng giấy phép được cấp lại chỉ là để ra... một số nhằm phục vụ kịp thời hội nghị, còn số phận tiếp theo của nó thì vẫn chưa có câu trả lời.
Theo Báo Laodong
Người ta vẫn cứ bàn miên man về cái gọi là Bảo tồn phố cổ Hà Nội bấy lâu nay, với nhiều dự án và chuyên gia, nhưng tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy. Hết hội thảo này đến hội thảo khác, nhiều đến nỗi các nhà chuyên môn mới ớ ra rằng, quên tiếng nói của dân. Thậm chí cả đến các nhà quản lý cũng ít thấy có mặt, chưa xắn tay vào việc, họ đâu còn nghĩ tới sự đóng góp của đồng bào Thủ đô.
Festival hoa Đà Lạt 2010 đã khép lại nhưng dư âm về một vài chương trình trong khuôn khổ festival hứa hẹn ấn tượng đã không được trọn vẹn.
Nằm trong khuôn khổ cuộc bình chọn The Sexiest Woman Alive (Mỹ nhân đương đại gợi cảm nhất), sáng nay, 6-1, trang web Globalbeauties đã công bố danh sách 7 người đẹp biển đại diện cho 7 khu vực trên thế giới
Không ít điều chỉnh đã được đưa ra trước thềm Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN (5 - 10.1) để mong hội nghị thu được thành công như kỳ vọng. Nhưng ngay trong ngày đầu tiên diễn ra, cũng như khi nhìn vào bảng lịch trình hội nghị, đã thấy khá nhiều bất cập.
Sáng 5-1, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả Cuộc vận động sáng tác và triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đề tài "Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng" do Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam, Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức.
Diễn viên người Việt từng làm việc ở Hollywood khen ngợi “cô Pao” có tố chất một ngôi sao và chờ đợi được cộng tác với “cô Trúc” trong bộ phim "Cánh đồng bất tận".