Cảnh trong phim Vượt qua bến Thượng Hải - Ảnh: hãng phim cung cấp
Vượt qua bến Thượng Hải - bộ phim truyện nhựa được coi là phần tiếp theo của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông sẽ ra mắt khán giả trong tháng 8 tới.
Vượt qua bến Thượng Hải có bối cảnh diễn ra vào năm 1933. Nhờ sự giúp đỡ của luật sư Frank Loseby, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu cuộc hành trình từ Hồng Kông tới Hạ Môn, Thượng Hải, rồi từ đây tìm đường sang Liên Xô. Nhưng đó là cuộc hành trình đầy nguy hiểm, gian khổ, Người luôn phải đối mặt với bọn mật thám Pháp và Quốc dân đảng Trung Quốc ráo riết săn lùng. Với sự giúp đỡ của Việt kiều, người dân trong xóm An Nam (cơ sở do Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu xây dựng), bà Tống Khánh Linh (giúp liên lạc với Quốc tế cộng sản)…, năm 1934, Nguyễn Ái Quốc đã tới được Liên Xô.
Ngoài việc bám sát vào những sự kiện, chi tiết có thật trong lịch sử, Vượt qua bến Thượng Hải có nhiều nhân vật, tình tiết hư cấu để tăng thêm tính hấp dẫn. Trong phim, nữ y tá Phương Thảo là người chăm sóc tận tình cho Nguyễn Ái Quốc khi Người bị thương. Theo nhà biên kịch Hà Phạm Phú: “Phương Thảo là hình tượng được xây dựng đại diện cho các tầng lớp người dân Việt Nam. Qua nhân vật, chúng tôi muốn nói đến tình yêu, sự ủng hộ của quần chúng với cách mạng, với Nguyễn Ái Quốc”.
Hình tượng Nguyễn Ái Quốc trong phim - theo nhà biên kịch - được xây dựng rất gần gũi, Người trưởng thành từ các phong trào trong quần chúng và sớm tỏ rõ cốt cách, phẩm chất của một lãnh tụ. Với đạo diễn Triệu Tuấn, khó khăn lớn nhất cho ông khi thực hiện bộ phim là “giữ được hình tượng Nguyễn Ái Quốc gần gũi với suy nghĩ, tình cảm vốn đã ăn sâu trong lòng khán giả”. Trong khi vai Phương Thảo do NSƯT Mỹ Duyên đảm nhận, thì vai Nguyễn Ái Quốc được mạnh dạn giao cho diễn viên trẻ Minh Hải (Nhà hát kịch Việt Nam). Mới chỉ tham gia một số vở kịch, một bộ phim video trong vai Bác Hồ, nhưng Minh Hải được ông Nguyễn Xuân Hưng - Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá rất hợp vai, bởi có ngoại hình, chất giọng giống Bác (diễn viên quê ở Nghệ An). Vào vai Tống Khánh Linh là nữ diễn viên Trung Quốc Chương Diễm Mẫn.
Các cảnh phim được thực hiện tại trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc), Huế, Hạ Long, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng… Đạo diễn Triệu Tuấn cho biết mục tiêu của các nhà làm phim Vượt qua bến Thượng Hải là thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ. Ông Nguyễn Xuân Hưng cho rằng bộ phim mang tính chính trị nhưng không khô cứng, hình ảnh của Bác không chỉ thể hiện ở cốt cách mà còn ở diễn biến tâm lý. Còn đạo diễn Triệu Tuấn tiết lộ: “Phim có tiết tấu nhanh, nhiều pha hành động nguy hiểm. Các mật thám vô cùng nham hiểm, đánh võ và bắn súng thiện nghệ, sự an nguy của Nguyễn Ái Quốc luôn bị đe dọa. Nhưng người trợ lý bên cạnh, bảo vệ Nguyễn Ái Quốc cũng vô cùng mưu trí”.
Ông Nguyễn Xuân Hưng cho hay bộ phim được đầu tư kinh phí 16 tỉ đồng, trong đó Nhà nước cấp 70%, còn lại Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam tự lo. Vì thế, theo ông, hãng phim bắt buộc phải thực hiện phim làm sao để hấp dẫn khán giả, nếu không sẽ bị lỗ. Bộ phim dự kiến ra mắt khán giả trên toàn quốc từ 27.8 tới 2.9 và dự định phát sóng trên kênh CCTV6 (Đài truyền hình Trung Quốc).
Khác với Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (là sản phẩm hợp tác giữa Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Hãng phim Châu Giang - Trung Quốc), Vượt qua bến Thượng Hải do Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam chịu trách nhiệm sản xuất và thuê ê kíp Trung Quốc thực hiện cùng ê-kíp làm phim Việt Nam. Kịch bản: Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh (Việt Nam), Giả Phi (Trung Quốc), đạo diễn: Triệu Tuấn (Đài truyền hình Việt Nam), Phạm Đông Vũ (Đài truyền hình Trung Quốc). |
Theo TNO
NXB Hà Nội chiều 11-6 đã công bố những sản phẩm đầu tiên của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - công trình văn hóa phi vật thể trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đánh giá về hoạt động điện ảnh và truyền hình TPHCM trong 5 năm qua, Đại hội Hội Điện ảnh TPHCM cho rằng điện ảnh thành phố đã có nhiều thành tựu. Một thị trường phim ảnh đang hình thành và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trong thời gian tới.
Với thực tiễn công việc của một người tham gia những phim về lịch sử và truyền thống dân tộc, nhiều năm liền tôi trăn trở về những thước phim tư liệu, mà những nhà làm phim tiền bối đã thực hiện từ chiến trường đẫm máu và nóng bỏng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Theo nhà nghiên cứu, tiến sĩ sử học Trần Đình Luyện (Nguyên giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Ninh), loại hình sinh hoạt ca trù vốn là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa xưa ở nhiều làng xã vùng Kinh Bắc, Bắc Ninh.
Một trong những chương trình chính rất được kỳ vọng trong Festival Huế năm nay là tác phẩm sân khấu hóa diễn xướng nghệ thuật truyền thống “Hơi thở của nước” do Công ty truyền thông Vẻ đẹp Việt sản xuất, kịch bản của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng và nhà văn Trần Ngọc Linh, tổng đạo diễn Lương Tử Đức. Chương trình được biểu diễn vào ba tối 6, 9 và 11/6.
Sau ba ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tối 10-6, Liên hoan phát thanh (LHPT) toàn quốc lần thứ chín năm 2010, do Ðài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, đã thành công tốt đẹp và bế mạc.