Bước vào các thập kỷ đầu của thế kỷ XX, văn học - nghệ thuật Việt Nam theo xu hướng hiện đại đã từng bước được khẳng định. Ðó là kết quả của sự vận động nội tại trước yêu cầu của lịch sử, là kết quả của quá trình tiếp biến với văn hóa - văn minh phương Tây, là sự xuất hiện của một đội ngũ văn nghệ sĩ "kiểu mới"...
Ðiều này được chứng minh qua sự ra đời của nền văn học Quốc ngữ với các thành tựu của Thơ mới và tiểu thuyết, truyện ngắn viết theo lối mới; rồi nữa là kịch nói, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình... Tuy nhiên, sự ra đời và phát triển của nhiều loại hình văn học - nghệ thuật lại hầu như chưa có sự kết hợp với nhận thức mới về vị trí, vai trò của văn học - nghệ thuật đối với xã hội, đối với việc thức tỉnh con người, góp phần tìm ra lời giải cho vận mệnh dân tộc... Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 trong những bước gập ghềnh, nhiều biến cố phức tạp của nó luôn cần tới vai trò của văn nghệ sĩ, nhưng làm thế nào để văn nghệ sĩ có thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội - con người lại là vấn đề liên quan trực tiếp tới các yếu tố - tư tưởng thẩm mỹ mà họ được trang bị một cách tự giác hay tự phát. Thực tế cho thấy, trước năm 1945, văn học - nghệ thuật Việt Nam diễn biến khá phức tạp. Bên một số văn nghệ sĩ tiếp nhận các yếu tố mới từ phương Tây kết hợp một cách sáng tạo với tinh hoa của văn hóa truyền thống để chấn hưng và phát triển văn học - nghệ thuật, bên một số văn nghệ sĩ thông qua tác phẩm đã cất lên tiếng nói căm phẫn, phê phán cái xấu, cái ác và sự bất công... đang tồn tại dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân,... thì lại có một số nghệ sĩ vì bế tắc về tinh thần mà lui vào "tháp ngà nghệ thuật", lãng quên kiếp sống của nhân quần. Nhưng, ngay cả các nghệ sĩ tiến bộ nhất lúc bấy giờ vẫn chưa có thể tìm thấy đâu là con đường, đâu là giải pháp để giành lại nền độc lập của dân tộc, giành lại quyền làm người... Trong bối cảnh ấy, sự ra đời văn học - nghệ thuật cách mạng với tác phẩm của Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Sóng Hồng,... đã có tiếng vang rất lớn trong đời sống xã hội; và đây chính là cột mốc đánh dấu một giai đoạn mới, với những thay đổi về chất, trong quá trình phát triển của văn học - nghệ thuật Việt Nam.
Xét về lịch sử, vào thời điểm văn học - nghệ thuật Việt Nam đang có một số chuyển biến phức tạp thì cả dân tộc Việt Nam đã đồng lòng đứng dưới lá cờ cách mạng của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhất tề đứng dậy làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Và không có điều gì khác, tính đúng đắn của lý tưởng cách mạng, phong trào yêu nước của quần chúng, lòng tự tôn dân tộc, ý chí giành lại độc lập,... đã tác động tới thế giới tinh thần của văn nghệ sĩ và đa số văn nghệ sĩ Việt Nam đã không đứng ngoài cuộc. Người hồ hởi, nhiệt tình tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, người dấn thân với cách mạng,... và cách mạng đưa tới cho họ một cái nhìn mới để xác định vai trò, trách nhiệm của mỗi người đối với sự nghiệp dân tộc. Chính vì thế, ngay trước và sau Cách mạng Tháng Tám, trong đội ngũ văn nghệ sĩ của cách mạng đã có mặt những tên tuổi lớn từ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyên Hồng, đến Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Văn Cao, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Võ An Ninh... Và từ "cái thuở ban đầu Dân quốc ấy" (Xuân Diệu) họ đã có một "đôi mắt" (chữ của Nam Cao) để tự giác đứng cùng đội ngũ với các văn nghệ sĩ trưởng thành từ phong trào cách mạng, tìm nguồn sinh khí cho sự sáng tạo từ phong trào cách mạng, từ đó cho ra đời các tác phẩm văn học - nghệ thuật của một nước Việt Nam mới. Ðề cập tới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Tám đối với sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Tuân coi đó là sự "lột xác", Hoài Thanh tâm sự rằng, từ khi gặp cách mạng, ông "đã có đủ trí tuệ và dũng khí để băng mình vào giữa cuộc sống bao la, kỳ diệu, giữa rừng cây đời mãi mãi xanh tươi" và Nguyễn Công Hoan đã viết: "Cách mạng Tháng Tám đến đã cứu sống tôi. Cách mạng Tháng Tám giải phóng cho gia đình tôi, đồng thời, giải phóng cho ngòi bút viết tiểu thuyết của tôi"...
Tuy nhiên, bước ngoặt của văn học - nghệ thuật Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám không chỉ được tạo nên bởi các thế hệ văn nghệ sĩ, mà trước hết và sâu xa hơn, là vai trò của lý tưởng cách mạng, là sự quan tâm, chăm lo phát triển văn học - nghệ thuật của Nhà nước dân chủ nhân dân còn non trẻ. Nhìn về thời gian, từ trước khi tổ chức và lãnh đạo toàn dân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Ðảng ta đã xây dựng một cương lĩnh văn hóa qua Ðề cương văn hóa (1943) với các nguyên tắc "dân tộc - khoa học - đại chúng". Sau ngày cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một vấn đề có tính nguyên lý là "văn hóa soi đường cho quốc dân đi"... Từ nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa nói chung, của văn học - nghệ thuật nói riêng, đối với sự phát triển của xã hội mới có thể xây dựng một chiến lược đúng đắn cho sự phát triển văn học - nghệ thuật, đó là biện chứng của quá trình từ nhận thức lý luận đến hoạt động thực tiễn. Ðiều đó đã trực tiếp làm hình thành nên các thế hệ nghệ sĩ lấy phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân làm mục đích phấn đấu và cống hiến. Ðó là một căn nguyên lý giải tại sao sau những ngày hồ hởi, hân hoan cùng thắng lợi của cách mạng, văn nghệ sĩ Việt Nam đã sẵn sàng cùng toàn dân bước vào những năm tháng gian khổ của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và ngày nay đang tích cực tham gia thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðó cũng là căn nguyên lý giải tại sao trong các điều kiện khó khăn của tiến trình cách mạng, văn học - nghệ thuật Việt Nam vẫn không ngừng phát triển phong phú, đa dạng về các loại hình, loại thể, thu được rất nhiều thành tựu trong cả những thể loại vốn chưa có trong truyền thống như điện ảnh, âm nhạc hiện đại, sân khấu kịch nói...
Tới hôm nay, nền văn học - nghệ thuật Việt Nam được khai sinh từ những ngày mùa thu năm 1945 đã phát triển hơn nửa thế kỷ. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta không thể không nhớ tới thế hệ các nghệ sĩ - chiến sĩ đã hy sinh vì vận mệnh của Tổ quốc, vì sự nghiệp cách mạng, như Trần Ðăng, Tô Ngọc Vân, Nam Cao... và Hoàng Việt, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân... Tác phẩm của họ đã trở thành tài sản, con người họ đã trở thành niềm tự hào của văn học - nghệ thuật Việt Nam. Bối cảnh mới của sự nghiệp cách mạng đang đặt ra các yêu cầu mới đối với văn học - nghệ thuật, và văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục sự nghiệp của thế hệ đi trước như thế nào đang là câu hỏi đặt ra trực tiếp. Thiết nghĩ, dù điều kiện chủ quan và khách quan đã có những chuyển dịch khác với giai đoạn trước đây, thì bài học quan thiết nhất mà thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành từ Cách mạng Tháng Tám đã đem lại là cần phải xây dựng ý thức tự giác, lành mạnh về vị trí, vai trò của nghệ sĩ với Tổ quốc, xã hội và công chúng. Và bài học ấy vẫn còn nguyên ý nghĩa với văn nghệ sĩ Việt Nam hôm nay.
Theo ND
Các nghệ sỹ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ có một chương trình biểu diễn giao hưởng, vũ kịch đặc biệt diễn ra vào tối 20-21/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Cách làm phim vội vã, hời hợt từ khâu kịch bản đến dàn dựng như hiện nay khiến diễn viên dù có xuất hiện liên tục trên màn ảnh nhỏ thì vai diễn nào của họ rồi cũng mau chóng bị lãng quên
Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ ba - Hà Nội 2010 là một trong những sự kiện chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hội tụ 257 gương mặt diễn viên đến từ chín quốc gia: Cam-pu-chia, Cu-ba, Ðức, Nga, Mông Cổ, Lào, U-crai-na, Trung Quốc và nước chủ nhà Việt Nam. Với 23 tiết mục được chia làm hai chương trình, liên hoan đã kết thúc sau gần một tuần đua tài sôi động từ ngày 6 đến 11-8. Ðã có 14 giải thưởng được trao tặng trong đó có một huy chương vàng dành cho tiết mục Sức mạnh đôi tay của Ðoàn Xiếc TP Hồ Chí Minh cùng sáu Huy chương bạc, bảy huy chương đồng cho các tiết mục khác.
(HBĐT) - Tối ngày 14/8, Hội Phật tử huyện Tân Lạc đã tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu với sự tham dự của trên 300 phật tử trên địa bàn huyện và một số huyện lân cận như Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi.
Là gương mặt gây chú ý, là nhân vật được đánh giá cao, nhưng người ta dự đoán Đặng Thị Ngọc Hân chỉ vươn tới top 5 là cùng. Vụt sáng trong phần thi ứng xử, cô gái Hà Nội đã trở thành tân chủ nhân của vương miện Hoa hậu Việt Nam 2010.
Cô gái đến từ Hà Nội Đặng Thị Ngọc Hân (SBD 516) đã trở thành Hoa hậu Việt Nam 2010 trong đêm chung kết 14.8 diễn ra tại Khu du lịch Tuần Châu, Quảng Ninh, sau khi vượt qua 36 thí sinh khác bằng phong cách tự tin và sự trình diễn chuyên nghiệp,