Họa sĩ Đào Hải Phong

Họa sĩ Đào Hải Phong

Hòa nhạc "Điều còn mãi" năm nay không chỉ thuần Việt mà còn "thuần Hà Nội" bởi những tác phẩm âm nhạc đều do các tác giả là người Hà Nội hoặc đã định nghiệp ở Hà Nội sáng tác. Họa sĩ Đào Hải Phong, một người con của thủ đô sẽ tham gia sự kiện âm nhạc giàu ý nghĩa này bằng 30 bức tranh vẽ về Hà Nội, bày ở sảnh Nhà hát Lớn vào lúc 14h ngày 2/9/2010.

 

Là một họa sĩ đã tạo được dấu ấn trong hội họa, vì sao ông nhận lời tham gia vào cuộc mít tinh âm nhạc “Điều còn mãi” 2010, tổ chức đúng vào lúc 14h ngày 2/9 và cũng là một sự kiện âm nhạc gắn với chủ đề Ngàn năm Thăng Long?

- Trước tiên, đây là một cơ duyên và một may mắn với tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở HN, từ nhỏ được tiếp cận những âm hưởng HN, tạo thành những dấu ấn in sâu vào ký ức, vì vậy không có lý do gì mà tôi lại không vẽ về HN. Khi trưởng thành, HN vừa thân quen, vừa ấm áp, lại vừa bao bọc tôi. Đến lúc quyết tâm trở thành một họa sĩ, tôi chợt nhận ra, những chất liệu nghệ thuật để cho mình một sự nghiệp, là cái gần gũi, thân quen, bình dị nhất. Thông qua sáng tạo, người họa sĩ có thể đánh thức cái đẹp của HN ở ngay bên cạnh bạn.

Cụ thể, trong những bức tranh ở triển lãm lần này, vẻ đẹp của Hà Nội sẽ hiện lên như thế nào?

- Vào những dịp như thế này, trước kia chúng ta thường đưa ra những tác phẩm mang tính cổ động, tuyên truyền cho sự kiện. Lần này tôi muốn đưa những tác phẩm thật sự có dấu ấn của hội họa, là dịp để tôi được giãi bày cùng với những bài hát vô cùng hay về HN trong chương trình “Điều còn mãi”. Nhạc và họa có cơ hội được hòa quyện cùng nhau với hy vọng sẽ đem lại cho công chúng một điều gì đó. Đây là một cuộc gặp gỡ rất văn hóa và sang trọng.

 

 

Những bức tranh về Hà Nội ông vẽ trong thời gian nào? Nó có thể hiện con đường hội họa của ông?

- Tôi vẽ về HN từ rất sớm. Và trước tôi, cũng đã có rất nhiều họa sĩ đã vẽ về HN. Nhưng tôi nghĩ, HN không phải của riêng ai, nên bằng tình yêu và cảm xúc của mình, tôi vẽ một Hà Nội trong ký ức, để người xem thấy mình gặp những ngõ nắng, phố mưa, bức tường vôi lở ở đâu đó, mà lại không phải là một chỗ cụ thể nào. Đây là những nỗi nhớ về HN, như một tiếng gọi của mẹ về ăn cơm…

 

 

Tiếng gọi ấy vang lên trong những bức tranh như thế nào?

- Ngày xưa tôi vốn là một đứa trẻ mải chơi. Có những buổi chiều về, gặp cơn mưa bất chợt, phải nép dưới mái hiên nhà xa lạ. Hay những buổi mưa cha tôi đèo tôi bằng xe đạp, 2 cha con chung nhau chiếc áo mưa, tôi thường hỏi: “Đến phố nào rồi cha?” Tất cả những ký ức, tình cảm ấy đã được đưa vào trong tranh. Và nó trở thành tiếng gọi, một sức vang vọng hy vọng được người xem chia sẻ.

 

 

Có một thực tế là trong nước chưa có nhiều những sản phẩm nghệ thuật thỏa mãn được công chúng, và họ đã phải đi tìm những cái dễ xem, dễ dãi có nguồn gốc từ bên ngoài. Vậy trách nhiệm của những nghệ sĩ như các ông thế nào? Chúng ta không thể đổ lỗi hết cho công chúng?

- Đúng vậy. Công chúng có công việc của mình cũng như công việc của các nghệ sĩ là có tác phẩm tốt. Và công chúng là người quyết định sản phẩm nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Một tác phẩm dù là hội họa, văn học hay âm nhạc đều là thứ trang sức sang trọng nhất của một đất nước. Ở những nước phát triển, người ta tự hào về nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ nào đó nổi tiếng của đất nước họ, chứ họ không tự hào về… nhiều tiền.

Tôi không hiểu các doanh nhân VN khi ra nước ngoài thì họ sẽ “khoe” với bạn về cái gì của đất nước mình? Khoe tiền thì chắc chắn là thua xa.Tôi có cảm giác họ còn tự ti, thiếu sức tưởng tượng khi đến với nghệ thuật, dẫn đến thờ ơ trước những sự kiện nghệ thuật.

 

 

Từ lâu, âm nhạc nghiêm túc đang bị nhạc thị trường lấn át, hội họa đích thực bị “tranh nhái” hạ thấp. Ông có nghĩ sự gặp gỡ giữa hội họa và âm nhạc lần này là một thông điệp hướng công chúng tới những chuẩn mực nghệ thuật cần được đặt đúng vị trí ?

- Thú thật là trước kia tôi ít tham gia những chương trình mang tính “mậu dịch”. Thế nhưng chương trình “Điều còn mãi” do VNN tổ chức khiến tôi hy vọng đây là một sân chơi mới, là nơi tôn vinh những tinnh hoa và những giá trị nghệ thuật đích thực được gọi là hàn lâm, đưa nó đến với công chúng. Tôi rất hào hứng và chờ đợi nó diễn ra và cũng cố hết sức để bày tỏ tấm lòng của mình. Hy vọng rằng sau sự kiện này, công chúng sẽ có một câu hỏi: Tại sao chúng ta lại không biết hoặc thờ ơ với nghệ thuật thế này?

 

 

Vì sao ông đặt tên phòng tranh của mình là “Những cảm xúc về HN”? Ông định tạo ra một dấu ấn, hay một phong cách?

- Cũng xin nói thật, hội họa của tôi đã định hình một phong cách và được thừa nhận thông qua nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế.

HN của tôi hôm nay không cụ thể ở đâu, mà chỉ là những mảnh vụn còn sót lại qua dư âm của quá khứ và HN thuở ấu thơ. Người xem sẽ chỉ có thể ngờ ngợ mình đã thấy, đã gặp một Hà Nội ở đâu đó. Bạn sẽ thấy mình, thấy tôi và thấy bạn của bạn ở trong đó… Ai muốn đi tìm một địa danh cụ thể sẽ thất vọng, nhưng họ sẽ thấy những cảm xúc.

Tôi để những dấu ấn thời gian lưu giữ trên những bức tường vôi lở, những mùa thay lá, những con phố vừa ráo cơn mưa… là những cái mà chúng ta đều gặp, nhìn thấy, xảy ra. Tranh của tôi ít khi vẽ người, nếu có chỉ thấp thoáng một chiếc xích-lô, một người dắt xe đạp bán hoa trong mưa – một hình ảnh rất đẹp mà tôi thấy hầu hết người nước ngoài khi gặp đều giơ máy chụp ảnh.

Chúng ta ngồi và tưởng tượng ra những cái cao siêu nhưng lại quên đi việc lưu giữ những gì bình thường, con người nhất, nhân văn nhất… bởi đó mới chính là những cái cao siêu nhất.

Nghệ thuật là một hành trình đi tìm là cái đẹp khác, chứ không phải là để so sánh cái nào đẹp hơn cái nào. Cái đẹp khác ấy chính là bản sắc của một dân tộc và của chính mình

 

 

Tranh vẽ về HN của ông hầu hết là sơn dầu, tại sao vậy?

- Bởi vì chất liệu sơn dầu đã giúp tôi diễn đạt tất cả những điều tôi muốn nhất, phù hợp với "tạng" của mình nhất.

Đã từng có nhiều họa sĩ nổi tiếng vẽ về HN. Trong trường hợp này nếu được gọi ra một câu “Hà Nội của Đào Hải Phong” là gì, ông sẽ nói thế nào?

- Nói đến HN người ta không thể không nói đến họa sĩ Bùi Xuân Phái. Bác Phái là một họa sĩ lớn. Đã có nhiều họa sĩ khi vẽ về HN từng dẫm chân lên bước của bác Phái, trong đó có tôi, thậm chí có những lúc tôi không muốn vẽ về HN nữa.

 

Nhưng thật may là tôi đã không dẫm chân quá lâu ở chỗ bác Phái. Phố của bác Phái là những con phố cụ thể, bước ra ngoài cửa đã gặp một HN gần như nguyên vẹn. Còn HN của tôi là những tưởng tượng, có một tí Hàng Mắm, Hàng Bè, rồi Mã Mây… những con phố làm tôi xúc động. Đó chính là những cảm xúc về HN của Đào Hải Phong.

 

30 bức tranh tôi bày lần này thì 2/3 không còn là sở hữu của tôi nữa. Một họa sĩ chuyên nghiệp, chỉ sống bằng nghề thì đương nhiên phải bán tranh. Nhưng trong cuộc này, những tranh cần bán tôi đã bán xong rồi. Rất may là các chủ sở hữu đã cho tôi mượn lại. Bày tranh là tôi muốn níu nó lại, muốn được gần những đứa con tinh thần của mình thêm một lúc nữa, quanh một chủ đề duy nhất: Hà Nội, mà tôi đã vẽ trong vòng 3-4 năm trời. Tôi muốn có một ngày không phải bận tâm về cơm áo gạo tiền, và việc này cũng sung sướng không kém gì khi các bức tranh được dán nơ đỏ (đã được bán)!

 

                                                                                 Theo VietNamnet

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

 “Phụ mẫu tại tiền như Phật tại thế”

(HBĐT) - Tích xưa kể lại rằng Đại lễ Vu Lan bắt nguồn khi Đức Phật Bản sư – người đã dạy đạo hiếu và giúp cho Bồ tát Mục Kiều Liên giải thoát mẹ khỏi cảnh ngạ quỷ - đi hành hoá (giáo hóa). Trên đường đi hành hoá, thấy một đống xương khô bên đường, Đức Phật liền đảnh lễ (cúi lạy).

Chương trình Âm nhạc của tôi tháng 8: Mùa lá bay

Với chủ đề: Mùa lá bay, chương trình “Âm nhạc của tôi” tháng 8 sẽ là cuộc hội ngộ của những giọng ca đang được yêu thích hiện nay, cùng những tình khúc làm say đắm lòng người.

Xã hội hóa biểu diễn tới đâu?

Phải nhìn nhận làm nghệ thuật không thể không theo hướng thị trường vì thị trường chính là vấn đề cốt lõi trong chủ trương xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn

Làm phim độc lập: Tay không bắt giặc

Làm phim độc lập gần như giống với tay không bắt giặc. Từ xuất phát điểm là số không để có được thành công và quan trọng hơn hết là để phim của mình được công nhận.

Triển lãm ảnh mừng tuổi 20 của CLB nhiếp ảnh nữ Hải Âu

CLB nhiếp ảnh nữ Hải Âu vừa khai mạc triển lãm ảnh mừng tuổi 20 của mình tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mang tên “Hà Nội - Những góc nhìn”. Đây cũng là hoạt động chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long của CLB Hải Âu.

 Ứng xử trong gia đình - khi sự im lặng không có nghĩa là "đồng ý"

(HBĐT) - Ông cha ta vẫn có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", câu nói đó được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Dễ hiểu, dễ thuộc lòng nhưng không phải bất cứ ai và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thực hiện được đúng như vậy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục