Bất chấp sự tăng trưởng nhanh chóng số phòng chiếu phim 3D trên toàn thế giới, tỷ lệ doanh thu phòng vé cho phim 3D vẫn sụt giảm đáng kể trong mùa hè 2011. Xem ra khán giả đã bắt đầu quay lưng với công nghệ điện ảnh đầy tính đột phá nhưng lại thiếu chiều sâu sáng tạo và nghệ thuật này.
Doanh thu sụt giảm
Theo thống kê của Hollywood, doanh thu bán vé của 4 trong số 5 bộ phim 3D bom tấn vừa ra mắt trong mùa hè 2011 là Cướp biển Caribe 4, Kung Fu Panda 2, Siêu nhân xanh, Harry Porter và Bảo bối tử thần 2 chỉ đạt một nửa so với dự kiến. Duy nhất có Robot đại chiến 3 (Transformers 3) là thành công khi lập kỷ lục mới, thu về 181 tỷ USD sau tuần đầu công chiếu. Việc chỉ 1 trên 5 phim bom tấn mùa hè thành công với phiên bản 3D cho thấy công nghệ điện ảnh ba chiều đã bắt đầu mất dần sức hút đối với khán giả.
Trong khi đó, cũng với 4 bộ phim trên, số tiền thu được từ phiên bản 2D lại nhiều hơn phiên bản 3D. Ngay ở tuần đầu công chiếu, người Mỹ đã chi tới gần 300 triệu USD để xem Harry Porter và Bảo bối tử thần 2. Nhưng điều đáng lưu ý là chỉ chưa đầy 1/3 số khán giả chọn xem tập phim này trong phiên bản 3D, còn lại đều tìm đến với phòng chiếu 2D kinh điển.
2 năm trước, việc bộ phim Avatar phá kỷ lục về doanh thu của phim 3D đã hứa hẹn rằng những bộ phim dạng này sẽ giải cứu ngành điện ảnh vốn đang gặp khó khăn do doanh số DVD đi xuống, dẫn đến việc các nhà làm phim Hollywood cũng như thế giới hăm hở nhảy xô vào các dự án phim theo công nghệ mới. Có tới 40 phiên bản phim 3D được lên kế hoạch tung ra vào năm 2011. Thế nhưng, những gì đã và đang diễn ra bắt đầu khiến các nhà làm phim nghi ngờ về sự trụ vững của phim 3D trong tương lai. Theo kết quả nghiên cứu của Hãng nghiên cứu thị trường IHS Screen Digest, Mỹ vừa đưa ra: năm 2010, lượng khán giả đến rạp xem phim 3D tại Mỹ giảm 10%, còn doanh thu giảm 2,6% so với năm 2009. Cũng trong năm 2010, nhiều bộ phim 3D đã thất bại. Năm 2011, tình hình cũng chưa thấy khả quan hơn. Bộ phim hoạt hình 3D Cars 2 tiêu tốn 200 triệu USD, nhưng doanh thu toàn thế giới cũng chỉ đạt 270,428 triệu USD.
Chuyên gia điện ảnh nổi tiếng người Mỹ Dov Simens cho rằng, sự sụt giảm này chứng tỏ công nghệ làm phim 3D đang dần thể hiện nó không phải là một xu hướng có vai trò trong việc định hình tương lai của ngành công nghiệp điện ảnh, càng không thể thống lĩnh được thị trường điện ảnh. Nhưng nó cũng không phải là một chiêu hút khách để rồi sẽ biến mất. Nói thế có nghĩa là phim 3D chỉ giống như một thị trường “ngách”. Để có thể khai thác triệt để các dòng doanh thu và đảm bảo không bị thua lỗ, các hãng phim của Hollywood vẫn phải làm một phim với cả phiên bản 2D và 3D.
Transformer 3 - Bộ phim thành công trong mùa hè 2011. |
Khán giả “cả thèm chóng chán”
Lịch sử điện ảnh thế giới hẳn sẽ còn ghi nhớ cảnh tượng khán giả rồng rắn xếp hàng chờ vào rạp và sự kiện các kỷ lục doanh thu phòng vé liên tiếp bị phá vỡ bởi những siêu phẩm 3D như Avatar, Harry Porter… Nhưng rồi chính lịch sử ấy cũng nhanh chóng nhận ra khán giả đã sớm không còn háo hức với phim 3D. Nhiều người cho rằng công nghệ 3D chỉ là một kiểu trang trí, không chính thống; là những trò kỹ xảo bịp bợm với những hình ảnh kém chất lượng. Quá trình phân cực tạo nên hiệu ứng ảo của 3D khiến hình ảnh không sắc nét, màu sắc kém rực rỡ. Với họ, xem phim 3D đúng là một trải nghiệm mới mẻ nhưng chỉ sau vài ba lần là chán vì rốt cục đó chỉ là những ứng dụng của một công nghệ mới mà thiếu chiều sâu sáng tạo và nghệ thuật.
Đó là chưa kể, việc cần phải đeo những cặp kính chuyên dụng mới xem được hình ảnh trong không gian ba chiều cũng đóng một vai trò tiêu cực khiến nhiều khán giả không cảm thấy thích thú ngay sau lần trải nghiệm đầu tiên. Đã thế, theo nghiên cứu của giới khoa học, hiệu ứng rung của công nghệ 3D còn gây đau đầu, buồn nôn, làm tăng nguy cơ mắc các tật về khúc xạ. Trên mạng internet ngày càng có nhiều trường hợp than thở cảm thấy choáng váng, chóng mặt và mờ thị lực sau khi xem phim 3D.
Một nguyên nhân nữa khiến khán giả không còn mặn nồng với phim 3D là do giá vé đã tăng vọt.
Tuy vậy, chất lượng phim 3D mới là yếu tố chính khiến cho doanh thu phòng vé 3D sụt giảm thảm hại. Theo ông Katzenberg, CEO của hãng Dreamworks Jeffrey, các nhà làm phim đã quá coi trọng yếu tố kỹ xảo mà không đầu tư tương xứng cho nội dung dẫn tới việc ra đời hàng loạt bộ phim 3D có nội dung kém hấp dẫn, khiến khán giả chán nản. “Thật đáng tiếc khi có một số nhà làm phim cho rằng cảm giác mới lạ mà phim 3D mang lại có thể khỏa lấp cho chất lượng nội dung thấp kém của phim và vẫn giúp họ kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên họ đã lầm, khán giả sẽ nhìn ra sự thật” - Katzenberg nói.
Thế mới thấy, việc phim được sản xuất với công nghệ nào, dù tiên tiến hay đột phá đến mấy cũng không phải là vấn đề cốt yếu quyết định sự hấp dẫn khán giả. Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật và chỉ có chất lượng nghệ thuật mới có đủ sức mạnh để thu hút khán giả dài lâu.
Theo Báo SKĐS
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành thăm dò sơ bộ khảo cổ nền móng di tích Đông Khuyết Đài-Đại Nội, Huế từ tháng 6/2011 đến nay.
Đang rất bận rộn với những dự án âm nhạc sắp ra mắt, cô “Bống” Hồng Nhung không giấu nổi vẻ hạnh phúc khi sở hữu một gia đình nhỏ yên ấm luôn vui vẻ và hoà thuận bên người chồng ngoại quốc.
Từ một diễn giả triết học chuyển sang làm phim, Terrence Malick luôn đem đến cho điện ảnh thứ ngôn ngữ đầy tính ẩn dụ nhưng không kém phần thơ.
Không ít lần, tác giả viết bài này phải ngây người ra trước những họa phẩm danh tiếng của Monet bị chép một cách suồng sã tới khó tin...
Trong khuôn viên đẫm chất Phật, tôn nghiêm, thanh tịnh ở Thiền viện Vạn Hạnh (phường 8, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) có một tiểu bảo tàng hiện vật khá độc đáo.
Chàng diễn viên đào hoa và nam ca sĩ 'Trọn đời bên em' cùng các thành viên trong đội bóng nghệ sĩ góp tiền và vật liệu xây dựng 3 trường học tại tỉnh Bình Phước, chiều 8/8.