Bản Mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) còn giữ nguyên bản sắc truyền thống, thu hút đông đảo du khách.
(HBĐT) - “Mai Châu em vui hội xoè hoa/ Nào về đây hỡi bạn gần xa”... Theo câu hát da diết, ngọt ngào, chúng tôi cùng anh Vũ Văn Thông ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) và nhóm bạn gia đình của anh bon bon trên chiếc Inova ngược dốc Thung Khe mờ sương để lên với Mai Châu. Mặc dù đã lần thứ hai trong năm nhóm gia đình này lên Mai Châu nhưng suốt dọc đường đi họ vẫn háo hức và nhất định phải dừng xe ở đỉnh dốc nhìn xuống thung lũng xinh đẹp giữa điệp trùng núi rừng để chụp ảnh.
Mai Châu mùa xuân hiện ra như một dải lụa được tô điểm bởi những màu sắc vừa gần gũi của ngô, rau, đậu, vừa hoang sơ của những bông lau, cây đào phai và lác đác màu trắng tinh khôi của hoa ban rừng. Mở hết cửa kính ô tô, hít căng lồng ngực để thưởng thức không khí trong lành, đung đưa theo nhịp hát... chúng tôi đã đến bản Lác. Như hẹn trước, cả đoàn vào nhà một cô bạn thân hồi học phổ thông. Chú Hà Văn Lá và cô Hà Thị Giềng xuống tận chân cầu thang đón khách. Ngôi nhà nằm ở cuối bản, cạnh con suối hiền hoà. Đã lâu không trở lại nhưng nếp nhà sàn lợp gianh, dát bương và những kén tằm, khung cửi dưới gầm sàn vẫn vậy, quang cảnh sạch sẽ, dân dã. Cô Giềng vẫn nồng hậu, chất phác trong trang phục dân tộc Thái với chất giọng tiếng phổ thông còn lơ lớ. Bao căng thẳng, lo toan, xô bồ nơi phố thị bỗng chốc tan biến khi chúng tôi được đi cùng cô Giềng chặt ống tre non để cho gạo vào làm cơm lam. Bên bếp lửa bập bùng, từng ống cơm lam làm từ gạo nếp nương được nướng cẩn thận, thơm phức. Mỗi ngôi nhà ở bản Lác vừa để ở, vừa để đón, phục vụ khách du lịch. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động sinh hoạt, làm việc của gia chủ để khám phá bản sắc văn hóa. Buổi tối ở bản Lác vui nhất là được tham gia vào vòng xòe trên bãi đất trống ở đầu bản. Qua câu chuyện với cô Giềng được biết, hiện ở bản Lác, Pom Coọng có 7 đội xòe. Khi tiếng trống, tiếng chiêng thúc giục, bước chân lữ khách thêm rộn rã, tâm hồn được thăng hoa thì vòng xòe như bông hoa ngũ sắc được mở rộng thêm mãi. Không còn phân biệt già, trẻ, gái, trai, chẳng kể người Việt hay du khách nước ngoài, tất cả cùng ngất ngây trong vũ điệu đam mê của núi rừng Tây Bắc. Một thoáng ngỡ ngàng khi ngắm cô gái Thái xinh đẹp ban ngày miệt mài bên khung cửi, chăm chỉ trên nương lại có thể xúng xính trong váy áo nhịp nhàng, uyển chuyển theo những điệu xòe. Họ không chỉ xòe giỏi, hát hay mà còn biết chơi nhạc cụ dân tộc. Cũng theo cô Giềng, các đội văn nghệ ở đây vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch, tăng thêm thu nhập, lại có cơ hội gìn giữ, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc mình tới bè bạn muôn phương. Khách du lịch bây giờ họ cũng tinh lắm, thứ đồ nào không phải của đồng bào làm ra là họ không mua, nhất là khách nước ngoài, có người kiên nhẫn ngồi đợi bằng được dệt xong tấm vải thổ cẩm mới lấy. Cái quý nhất để du khách đến đây chính là bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc. Chẳng thế mà khi đến với vùng đất xứ Mường, du khách không thể bỏ qua lễ hội Khai hạ Mường Bi, lễ hội đu Vôi, đi thăm các bản làng còn giữ nguyên bản sắc. Đến đây, du khách được khám phá kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian độc đáo với những điệu thường rang, bọ mẹng, tiếng cồng chiêng pông pêng; được nhâm nhi vị ngọt, men say của hương rượu cần, được sống ở nhà gác, uống nước vác, ăn cơm đồ với thịt lợn thui; được hòa mình vào trò chơi đánh mảng, ném còn... và cảm nhận lòng mến khách, sự nồng ấm, chân tình của những người dân chất phác. Có lẽ đây cũng là “đặc sản” của xứ Mường có sẵn từ đời ông cha để lại, khiến cho không ít người ra về vẫn mong có dịp trở lại. Đặc biệt, lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh lần thứ nhất trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh đã khẳng định giá trị của văn hóa Hòa Bình nói chung, cồng chiêng nói riêng. Hàng chục ngàn người dân và bè bạn trong, ngoài nước cùng hòa mình trong lễ hội đều trầm trồ và hân hoan khi bản sắc được tôn vinh.
Du khách nước ngoài cùng say đắm trong điệu múa sạp với đồng bào dân tộc Thái Mai Châu.
Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH-TT&DL) Ngô Trọng Thược khẳng định: Sản phẩm du lịch của Hòa Bình chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của văn hoá cộng đồng dân tộc. Hoà Bình là cái nôi của nền văn hoá Hoà Bình nổi tiếng thế giới với kho tàng văn học nghệ thuật dân gian đồ sộ, phong phú, từ bài mo “Đẻ đất, đẻ nước”, truyện thơ út Lót, Hồ Liêu, Nàng Nga, Hai Mối, các làn điệu dân ca, dân vũ còn lưu truyền trong cộng đồng đến những di tích về lối mòn cổ có niên đại cách đây khoảng 21 - 22 nghìn năm ở hang Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn), dấu vết cư trú của người Việt cổ tại hang Chổ (Lương Sơn)… Trên địa bàn tỉnh có quần thể 185 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó, 37 di tích cấp quốc gia và khoảng 30 lễ hội cộng đồng dân tộc. Những di sản đó được khai thác, quảng bá kết hợp với khai thác tiềm năng về môi trường sinh thái có sức hấp dẫn với du khách. Trong đó phải kể đến các khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Hang Kia - Pà Cò, Pu Canh với hệ động, thực vật đa dạng, môi trường sinh thái trong lành và hoang sơ. Vì vậy, Công ty CP Du lịch Hòa Bình đã và đang phối hợp với các công ty lữ hành mở các tour đi bộ như tuyến Mai Châu - Hang Kia - Pà Cò - Cun Pheo; Mai Châu - Pù Luông (Thanh Hoá); đi bộ xuyên rừng già Pu Canh. Lên Hòa Bình đi bộ xuyên rừng để khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân bản địa ở những bản làng nằm đan xen đã thực sự tạo được dấu ấn riêng cho du lịch Hoà Bình. Với nhiều giải pháp tích cực, những năm qua, ngành công nghiệp “không khói” của tỉnh đã ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt
Suối nước khoáng Kim Bôi - điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh.
Hòa Bình đang mở rộng cửa đón những nhà đầu tư có tiềm năng. Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch năm 2011 của tỉnh thành công đã mở ra nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Các dự án đang được triển khai như khách sạn 4 sao Cảng Nghiêng, khu du lịch Lâm Sơn Resort, khu du lịch sinh thái Hồ Ngọc hứa hẹn khi hoàn thành sẽ tạo thêm sức hút du khách đến với tỉnh. Song, theo chính những người có tâm huyết trong ngành du lịch, vấn đề cốt lõi nhất là phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn các di sản văn hoá, tôn trọng các giá trị nguyên bản. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch, kết nối giữa các tuyến, điểm.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Năm Tân Mão chưa qua, năm Nhâm Thìn chưa tới và dường như mùa thu vừa đi qua, mùa đông còn đang dùng dằng, gió rét vừa đến đã đi. Vào thời khắc này, tôi quyết thực hiện một cuộc trở về với vùng đất gần gũi thân thuộc mà mình còn nhiều duyên nợ.
(HBĐT) - Đến Mai Châu những ngày đầu xuân, chúng tôi được nghe các cụ cao niên kể về những câu truyện dân gian được viết bằng chữ Thái đã lưu giữ từ ngàn xưa để lại, từ những bài dân ca đến tập tục cúng trong những ngày lễ, Tết, đám cưới, đám tang... Hỏi đến ông Hà Trung Tín và Vì Văn Dấng không ai không biết đến hai ông.
Trò chơi dân gian trẻ em đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước.
Đầu xuân Nhâm Thìn 2012, đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Nùng, Phù Lá... tỉnh Lào Cai lại mở hội cúng rừng. Ðây là nét mới trong bảo vệ rừng, được kết hợp giữa yếu tố tâm linh và văn hóa mới, được tỉnh Lào Cai khuyến khích nhân rộng.
(HBĐT) - Cứ mỗi xuân về, Tết đến, đêm giao thừa, giờ phút thiêng liêng, nhân dân ta náo nức đón nghe những lời thơ chúc tết của Bác Hồ. Đã 43 năm rồi vắng lời thơ chúc Tết của Người, tâm tư của những người con đất Việt:
(HBĐT) - Lễ hội Khai hạ Mường Bi được tổ chức hàng năm để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ công ơn của các vị thánh thần đã có công xây dựng, che chở và phù hộ cho dân Mường có một năm cũ gặp may mắn, cầu mong một năm mới được no đủ, yên vui. Về với lễ hội còn được hòa chung không khí rộn ràng của tiếng cồng, tiếng chiêng, được thưởng thức món ăn truyền thống của người Mường và một điều đặc biệt khi đến đây mọi người được gặp gỡ, giao hòa cởi mở, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng.