Hàng năm, lễ hội chùa Hang luôn thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến vui hội.

Hàng năm, lễ hội chùa Hang luôn thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến vui hội.

(HBĐT) - Mỗi độ hoa đào đua nhau khoe sắc, cánh én chao nghiêng giữa bầu trời xanh cũng là lúc mùa xuân đã về, năm mới đã sang và khắp các làng quê của xã Yên Trị (Yên Thủy) lại náo nức vào mùa trẩy hội - lễ hội chùa Hang. Có lẽ hiếm nơi nào lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng một vẻ đẹp vừa nên thơ, vừa kỳ vĩ và cũng thật độc đáo như chùa Hang - Hang Chùa mà cổ nhân gọi tên Văn Quang Động. Bởi lẽ chùa được xây dựng trong hang động núi non hùng vĩ, nhũ đá rêu phong tạo sự tôn nghiêm mà không kém phần nên thơ, huyền ảo.

 

Xưa nay, khách đến vãn cảnh chùa Hang - Hang Chùa đều trầm trồ thán phục  4 chữ hán uy nghi được tạc vào vách đá “Lăng tiêu triệu bích” (ngọn núi biếc cao, sương phủ mờ ảo) cùng 4 câu thơ:

 

Thanh cao nhất động chấn hùng quan

Vạn khoảng thiên thai, tứ hạ hoàn

Biệt ái, Văn Quang khai nhãn phúc

Bút phùng hoành tả toại doanh sơn.

(nghĩa là: Hang động thanh cao giữa hùng quan/ Bốn phương chen đứng trập trùng san/ Bệ Văn Quang toả ngàn ánh phúc/ Đưa bút đề thơ tạc núi non). Bài thơ lột tả thật đủ cảnh, đủ tình. Vậy nên, chùa Hang - Hang Chùa từ biết bao lâu nay đã trở thành niềm tự hào, là điểm đến không thể thiếu của người dân  xã Yên Trị nói riêng và huyện Yên Thuỷ nói chung mỗi khi tết đến, xuân sang.

 

Thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trị Nguyễn Phi Diệp phấn khởi giới thiệu: Gọi là Hang Chùa vì trong 4 động thì có tới 2 động có chùa. Theo các nhà khảo cổ học từng đến đây nghiên cứu, Hang Chùa là di tích khảo cổ thuộc nền văn hoá Hoà Bình. Trong hang 2 và hang 3 đã tìm thấy các công cụ đá và có tầng văn hoá rất dày thuộc thời đại đá giữa. Tại đây cũng đã tìm thấy các trầm tích hoá thạch thức ăn của người xưa như vỏ sò, mảnh công cụ... Vào thời trung đại, dấu tích văn hoá để lại khá đậm nét đó là quả chuông đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783). Thiên nhiên đã tạo dựng cho nơi đây một hệ thống hang động tương đối tập trung. Các cửa hang đều cao từ 4 - 5 m, rộng 5 - 6 m nhìn về hướng tây nam nên luôn khô ráo, thoáng mát. Hang nào cũng có chiều sâu từ 18 - 21 m. Đến nay, núi Hang Chùa còn giữa được hệ thống nhũ đá, bậc thang, bàn cờ đá tự nhiên. Những cây si cổ thụ  4 mùa xanh tốt ôm ấp vách đá tựa như mối tình thuỷ chung, bền chặt. Dưới chân Hang Chùa có dòng nước trong vắt quanh năm không bao giờ khô cạn, tạo nên vẻ sơn thuỷ hữu tình.

 

Những dòng chữ Hán được tạc trên vách đá là minh chứng cho giá trị văn hóa, lịch sử của nơi này.

 

Những ngày đầu xuân năm mới, bước trên những bậc đá mát lạnh đến ngắm cảnh Hang Chùa và được thắp hương cầu nguyện sự bình an ở Chùa Hang mà lòng thấy thư thái lạ thường. Chùa Hang có 2 ngôi, xây dựng trong 2 hang, được kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ. Ngôi bên trái là tam bảo, ngôi bên phải là chùa thổ thần. Trong chùa có hệ thống tượng Phật tạc từ thế kỷ XVIII. Theo kinh phật A Di Đà, Phật có nghĩa là vô lượng thọ (sống lâu vô cùng) cũng có nghĩa là vô lượng quang (sáng suốt vô cùng), đó thể hiện tính nhân văn cũng là ước nguyện mà con người luôn muốn hướng tới.

 

 

Chính vì từ những giá trị văn hoá, lịch sử đặc biệt trên mà năm 1994, chùa Hang - Hang Chùa đã được Bộ Văn hoá công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Cũng từ ngày đó, cứ vào những ngày đầu năm, xã Yên Trị lại tưng bừng mở hội chùa Hang. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phi Diệp phấn chấn: Hàng năm, trong không khí náo nức của mùa xuân mới, dưới tiết trời thượng nguyên như khêu cảnh, gợi tình là chùa Hang mở hội để khơi dậy khí thế rộn ràng và tấm lòng thành kính, tôn nghiêm của người dân địa  phương đang hướng về điều thiện, nhớ tới cội nguồn với lòng ngưỡng mộ cảnh chùa, cảnh Phật từ bi quảng đại từ bốn phương hội tụ. Lễ hội được tổ chức từ ngày 13-15 tháng giêng, trong đó, chính hội vào ngày 15 - Tết Nguyên tiêu. Những ngày lễ hội thường thu hút hàng chục nghìn lượt người ở khắp các xã, thị trấn trong huyện và cả người dân các huyện, tỉnh giáp ranh tới kéo tới. Trước là chiêm ngưỡng cảnh chùa đã được thiên nhiên ban tặng, các bậc tiền nhân dày công xây dựng, giữ gìn. Sau là có nén hương thành kính thắp lên cầu đức Phật ban lộc tiếp tài và cùng tham gia các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian vui nhộn.

 

Vào ngày chính hội, từ sáng sớm, cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong xã đã tất bật sắp sửa đồ lễ, trang phục truyền thống để tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa lên chùa. Nhiều gia đình từ tờ mờ cũng lục đục chuẩn bị xôi, gà, bánh trái, hương hoa để dâng lên đức Phật. Đồ tế lễ thường là những sản vật ngon nhất của chính người dân trong vùng làm ra như muốn báo cáo với tổ tiên về kết quả một năm lao động sản xuất và cầu cho xuân này thịnh vượng an khang, cho ruộng đồng hoả cốc phong đăng, cho mùa màng tươi tốt, cho mưa thuận, gió hoà. Cầu cho quê hương giàu đẹp, thôn xóm yên ấm, nhà nhà an vui, cho tài lộc người người tăng gia. Cầu cho đất nước phồn vinh, thịnh vượng...

 

Ông Tống Công Tràng, Phó Ban quản lý khu di tích kể lại: Trước kia, cứ vào ngày rằm tháng giêng, trời cao trong vắt, các hộ gia đình nơi đây lại góp gạo, góp tiền, chung lợn, chung gà làm cỗ dâng lên chùa rồi sau đó cả làng cùng thụ lộc trong sự phấn khích, nhộn nhịp, cõi lòng thảnh thơi. Trên chùa có bàn cờ đá tự nhiên nên cũng thường mở hội thi đánh cờ. Giờ đây, tuy hoạt động này không được duy trì nhưng trong những ngày lễ hội, xã lại tổ chức nhiều hoạt động văn hoá có ý nghĩa khác. Ngay từ ngày 13 tháng giêng đã tổ chức giao lưu văn nghệ mừng Đảng - mừng Xuân không chỉ có sự tham gia của đội văn nghệ các xóm mà còn thu hút các đội văn nghệ của nhiều xã, thị trấn trong huyện đến chung vui. Tiếp đó là hội múa lân và giải bóng chuyền nam, nữ cũng có sự góp mặt của các đội trong huyện. Trong 3 ngày lễ hội, các hộ gia đình thường gác lại mọi công việc đồng áng. Con em trong xã đi làm ăn, công tác xa cũng trở về vui hội, cùng chúc nhau may mắn, sức khoẻ, mọi sự tốt lành trong năm mới. Đặc biệt, Hội NCT thường hợp lại thành từng tổ thành tâm tiễn lễ lên chùa cầu chúc cho con cháu an khang, biết kính trên, nhường dưới, dốc công sức xây dựng gia đình, quê hương ngày càng giàu mạnh và cũng là dịp giáo dục con cháu không được quên gốc gác tổ tiên, truyền thống văn hoá của địa phương.

 

Chùa Hang - Hang Chùa, một di tích lịch sử - văn hoá và một danh lam thắng cảnh đã được sử sách ghi nhận cùng một lễ hội mang đậm tính nhân văn. Mùa lễ hội năm nay, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Yên Trị sẽ vui mừng, phấn khởi kính cáo với các bậc tiền nhân về những thành quả nổi bật trong phát triển KT-XH, đời sống người dân ngày càng ấm no và người dân Yên Trị cũng luôn mong mỏi di tích Chùa Hang - Hang Chùa sẽ được các cấp, ngành quan tâm đầu tư tôn tạo để khơi dậy một tiềm năng du lịch tâm linh độc đáo và cũng để xứng tầm với một di tích cấp quốc gia.

 

                                                                                    Hoàng Nga

 

Các tin khác

Chơi ném pao dịp Tết Notra.
Công trình biểu tượng TP Hoà Bình.
Không có hình ảnh
Trò chơi dân gian ném còn thu hút được đông đảo người dân Mường vang tham gia tại lễ hội đầu xuân.

Giữ gìn ngọn lửa yêu thương trong mỗi gia đình

(HBĐT) - Tại hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh giai đoạn 2007- 2012 tổ chức vừa qua, nhiều mô hình gia đình điển hình đã được tôn vinh. Mỗi gia đình được ví như một bông hoa đẹp giữa cuộc sống đời thường đầy hương sắc. Tết đến, xuân, về chúng tôi có dịp thăm một số gia đình văn hóa tiêu biểu. Mỗi gia đình có hoàn cảnh riêng nhưng mỗi thành viên trong gia đình đều có một điểm chung là sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ giúp họ vượt qua mọi bộn bề khó khăn trong cuộc sống đời thường.

Sức sống của các áng Mo trong đời sống của người Mường

(HBĐT) - Người Mường cũng như nhiều dân tộc anh em khác có một nền văn hóa từ lâu đời và đậm đà bản sắc. Trong kho tàng văn hóa phong phú của mình, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mo Mường là một hiện tượng văn hóa đặc sắc mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của người Mường. Trải qua hàng ngàn năm, mo Mường vẫn hiện hữu trong đời sống của người Mường Hòa Bình.

38 tiết mục tham gia đêm văn nghệ “Mừng Đảng, mừng xuân” huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Ngày 6/2, huyện Đà Bắc đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề “Mừng Đảng, mừng xuân”. Tham gia giao lưu có 38 tiết mục của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn với các thể loại: hát đơn ca, tốp ca, múa, hát múa, trình tấu nhạc cụ. Các tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đổi mới và những ca khúc về mùa xuân.

Nhớ hương vị lá dong ngày Tết ở Mường Vang

(HBĐT) - Năm nay, Tết đến sớm hơn một ngày. Cũng như mọi năm, tôi sẽ cùng gia đình lại về quê ở vùng Mường Vang ăn Tết để thực sự cảm nhận cái Tết đơn giản, mộc mạc mà ấm áp của quê hương...

Giữ “hồn” chợ Tết xưa

(HBĐT) - Nếu như ở địa bàn thành phố và các trung tâm huyện lỵ, chợ Tết được khởi động từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp thì ở nhiều nơi vùng cao, sâu, xa trong tỉnh, chợ Tết là phiên chợ cuối của một năm, diễn ra duy chỉ một ngày. Trong tâm thức của nhiều người, chợ Tết nay vẫn giữ được cái “hồn” của chợ Tết xưa, vẫn là một trong những phong tục vui xuân ẩn chứa nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Hội hoa Xuân năm 2013 được tổ chức từ ngày 1 – 7/2

(HBĐT) - Từ ngày 1 – 7/2, Sở Công Thương và UBND thành phố Hòa Bình phối hợp tổ chức Hội hoa Xuân năm 2013 tại Cung Văn hóa tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục