Những quán hàng trong sương trên đỉnh đèo Thung Khe.
Nói đến đèo dốc miền núi cao phía bắc, người ta chỉ biết đến Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pì Lèng..., chí ít thì cũng là đèo Giàng, đèo Gió, chứ nói Thung Khe thì chả mấy ai biết. Tôi cũng thế, lần nào bắt đầu vòng cung Tây Bắc theo quốc lộ 6 qua Hòa Bình lên Mộc Châu, Sơn La cũng đi qua con đèo này, nhưng phải đến lần thứ ba, thứ tư gì đấy mới biết tên nó là Thung Khe. Với nhiều người, Thung Khe không quá hùng vĩ về cảnh sắc, nhưng lại khá nổi tiếng về tai nạn. Đèo cao vực sâu thì Thung Khe tất chẳng bằng Mã Pì Lèng, Ô Quy Hồ..., nhưng có lẽ vì đông xe tải, xe khách chạy quốc lộ 6 – tuyến đường nối Hà Nội với Tây Bắc, lại bởi cứ rong ruổi cung đường Tây Bắc là phải đi qua đây, hoặc vì gì nữa tôi không rõ, nên năm nào cũng nghe tai nạn ở đây, ít là một vụ, nhiều thì đếm quá một bàn tay, chỉ riêng trong giới phượt.
Thế mà tôi - mỗi lần nhớ về Thung Khe - lại chẳng nghĩ đến đèo cao vực sâu, mà chỉ nhớ đến những thứ rất đẹp và bình dị, là biển mây và... ngô luộc. Chẳng phải vì tôi là “tay lái lụa”. Cũng vì tôi chẳng cầm lái bao giờ, chỉ ngồi sau cười tít mắt khi chiếc xe đổ đèo vun vút, hay chun mũi hít hà mùi ngô luộc bốc khói thơm sực trên đỉnh đèo, nên... “điếc không sợ súng”.
Lần đầu tiên tôi vượt Thung Khe là buổi tối. Lần ấy vừa kịp qua dốc Cun, dốc Kẽm, đến Thung Khe thì trời sập tối. Người và xe bồng bềnh trong sương, không còn nhìn thấy đường. Đèn pha phản chiếu sương mù lóa mắt, chỉ còn cách nhấp nháy xinhan đèn vàng dò dẫm theo vạch sơn trắng giữa đường mà đi, thỉnh thoảng lại giật mình hú hồn lách qua một chiếc xe tải kềnh càng bò rì rì giữa đường. Đi mãi vẫn thấy quanh co khúc khuỷu, vẫn dốc chồng dốc ngược lên trời đêm tối mịt, lờ mờ đoán rằng mình đang qua đèo. Chỉ đến lúc quay về, khi trời chiều còn sáng, mới sững sờ biết mình đã vượt con đèo cao ngất dốc ngược quanh co, cua tay áo khúc khuỷu giữa đêm tối và sương mù quánh đặc như cháo – “đặc sản” của Thung Khe.
Giờ thì đã qua Thung Khe bao lần, cũng là bấy nhiêu bận ghé vào dãy quán lợp lá xiêu vẹo giữa đỉnh đèo. Lấy cớ là để cho xe dừng, cho gối chồn chân mỏi nghỉ ngơi, nhưng chủ yếu là để được xúm xít quanh bếp ngô luộc nghi ngút khói. Dãy quán tồi tàn ấy bán đủ thứ: Ngô luộc, mía tía, cơm lam, cải mèo, thêm đôi ba thân cây rêu mốc treo nhánh lan rừng, nhưng chúng tôi chỉ chúi mũi vào nồi ngô luộc. Co ro chen chúc trên chiếc bàn, hay gọi là phản cũng đúng, ghép lại từ những cây gỗ xù xì, xuýt xoa gặm bắp ngô luộc nóng hổi, mơ màng ngắm thung lũng dưới chân đèo, chẳng có gì thú vị bằng. Có lần về muộn, từ Mộc Châu xuống đến Thung Khe đã sâm sẩm tối, đã bảo nhau đi thẳng, nhưng qua đỉnh đèo, tất cả lại tấp xe vào dãy quán, vớt vát những bắp ngô luộc cuối nồi trên bếp than đỏ gần tàn. Cứ như thể không dừng giữa đỉnh đèo, không ăn bắp ngô luộc, thì như thiếu thiếu cái gì, như chuyến đi không trọn vẹn.
Qua Thung Khe bao lần, cũng là bấy nhiêu bận mê mải ngắm thung lũng trải dài dưới chân đèo. Thung Khe một ngày như có bốn mùa. Sáng trong trẻo, thung lũng dưới chân đèo mướt những thảm xanh đầy sức sống mùa xuân. Trưa chói chang, nắng từ trời cao xanh ngắt đổ ập xuống thung lũng cái oi ả ngày hè. Chiều dìu dịu, con đường đèo như dải lụa vắt ngang lưng núi chìm trong ánh vàng man mác mùa thu. Rồi khi đêm buông, sương mù kín đặc, trời quá mù ra mưa ướt lạnh tê tái như ngày đông giá.
Nhưng tuyệt nhất là khi Thung Khe dâng mây ngập đỉnh đèo. Có những tay lái vượt Thung Khe đến mòn lốp xe, nhưng cũng mới một hai lần được chiêm ngưỡng biển mây dưới chân đèo. Tôi thì mới một lần được Thung Khe cho thưởng mây, ngất ngây đến mãi sau này. Một biển mây trắng tinh bồng bềnh từ từ dâng lên từ dưới thung lũng. Cỏ cây, núi non dần chìm ngập trong mây. Lên đến ngang đỉnh đèo, biển mây lững lờ thả trôi. Dãy quán đen đúa, xiêu vẹo in hình trên biển mây trắng, đẹp liêu trai, ma mị. Mây luồn qua vách quán, vờn quanh làn khói bếp, ôm ấp những kẻ lữ hành đang ngây người trước cảnh sắc tựa chốn bồng lai. Mây trắng xốp như bông, khiến lũ chúng tôi thi nhau giơ tay nắm lấy những cục mây trắng, để thấy tay mình tan biến trong không khí ướt lạnh, hồn nhiên như lũ trẻ lên ba. Có đứa còn mơ màng, ước được ngả lưng trên biển mây bồng bềnh giữa lưng núi.
Nhưng chúng tôi chỉ ước thế thôi, chưa hồn nhiên đến mức thả mình vào giữa biển mây trắng xốp đầy mời gọi kia, bởi biết rằng dưới biển mây ấy là vực sâu thăm thẳm, sẵn sàng nuốt chửng những gì sểnh chân rơi xuống.
Hà Nội đang mưa phùn, rét buốt. Bất giác lại nhớ đến những lúc vượt Thung Khe trong sương mù ướt lạnh tê tái, lại thèm bắp ngô luộc bốc khói giữa biển mây bồng bềnh trên đỉnh đèo.
HBĐT tổng hợp
(HBĐT) - Cùng với nhiều dân tộc khác trong tỉnh, lễ hội “xên bản - xên Mường” của dân tộc Thái huyện vùng cao Mai Châu có từ lâu đời. Đặc biệt dưới ánh sáng của Nghị quyết T.ư 5 (khóa VIII) về giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, lễ hội xên bản - xên Mường đã được khôi phục cơ bản nguyên vẹn các phong tục, mang đậm bản sắc dân tộc Thái Mai Châu.
(HBĐT) - Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa (2007 - 2012) toàn huyện Cao Phong có 8.082 hộ đạt văn hóa, trong đó có 123 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc. Đó là minh chứng cụ thể cho thấy phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển ngày càng sâu rộng trong nhân dân. Mỗi người dân đã có ý thức rõ tầm quan trọng việc xây dựng đời sống văn hóa ở KDC.
(HBĐT) - Vào cữ cuối tháng hai, đầu tháng ba âm lịch là lúc cây cối đã hoàn tất quá trình nẩy lộc, đâm chồi, con người vẫn thường gọi quá trình ấy là mùa xuân. Xuân tiết tràn trề sinh lực thúc giục muôn loài có mặt trong những cánh rừng. Lớn là con nai, con hoẵng, bé là con ong, con bướm, con kiến toả đi các ngả rừng mà ăn lộc, hút mật về tổ, đẻ trứng, nuôi con.
(HBĐT) - Sau Tết Nguyên đán, nhiều lễ hội lớn, nhỏ diễn ra tại khắp các huyện, thành phố. Mở màn là lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc) khai hội từ ngày mùng 4 Tết. Tiếp đến là lễ hội Khai hạ (Mường Bi), đu Vôi (Lạc Sơn), chùa Hang (Yên Thủy), xên Bản, xên Mường (Mai Châu) và nhiều lễ hội nhỏ tại các xóm, bản khác. Các lễ hội nhỏ thường diễn ra từ 1 - 3 ngày. Các lễ hội lớn: chùa Tiên, đền Bờ kéo dài đến khoảng hết tháng 3 âm lịch.
(HBĐT) - Sáng ngày 8/3, tại UBND xã Thu Phong (Cao Phong), Hội Phụ nữ xã Thu Phong đã tổ chức giao lưu kỷ niệm 103 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Dự buổi giao lưu có 16 đội đến từ 14 xóm và 1 chi hội nữ công, chi hội mầm non trên địa bàn xã.
(HBĐT) - Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, tháng Giêng ở Hòa Bình là thời gian của các lễ hội. Từ lễ hội chùa Tiên (huyện Lạc Thủy), lễ hội xên bản, xên Mường (huyện Mai Châu) đến các lễ hội chùa Hang (huyện Yên Thủy), chùa Khánh (huyện Cao Phong)… đã thu hút đông du khách từ khắp nơi về tham dự. Nhờ đó, hoạt động du lịch đầu năm trở nên sôi động, cùng với các tour du lịch truyền thống như Mai Châu – Hòa Bình, Mai Châu – bản Lác…những ngày đầu năm này, du khách đến với Hòa Bình để hòa mình với các lễ hội.