Màn hòa tấu cồng chiêng tại Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hòa Bình được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Guiness vào tháng 10/2011. Ảnh: T.L
(HBĐT) - Cồng chiêng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Mường Hòa Bình. Những cụ cao niên đất Mường kể rằng: âm hưởng tiếng cồng, tiếng chiêng từ rất lâu đã tồn tại trong tâm thức của người Mường. Khi xưa, con người thưa vắng, núi non trập trùng, rừng suối hoang vu, tiếng cồng chiêng đã xua đổi muông thú. Tiếng cồng chiêng gọi bạn nơi rừng thẳm. Tiếng cồng chiêng vui duyên đôi lứa, ngày hội đầu xuân. Tiếng cồõng chiêng tiễn đưa người về với ông bà, tổ tiên.
Đồng chí Bùi Tú Cao, Trưởng phòng nghiệp vụ Sở VH-TT&DL cho biết: Đối với người Mường Hòa Bình, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Cồng chiêng nối dài cùng lịch sử phát triển cũng như hồn cốt, khí chất của dân tộc Mường. Giai điệu cồng chiêng dường như luôn thường trực trong đời sống thường nhật. Cồng chiêng gắn bó với người Mường không chỉ để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc mà có vai trò lớn trong lao động, sản xuất. Trong khi trống đồng là loại vật linh được coi là quyền sở hữu của tầng lớp lang, đạo lớn xưa thì cồng chiêng chiếm lĩnh, lan tỏa trong không gian rộng lớn, in sâu, hòa đậm trong mỗi bản làng, gia đình một cách dung dị. Từ những tư liệu, cứ liệu sưu tầm được cũng có thể nhận biết rằng âm nhạc cồng chiêng, không gian văn hoá cồng chiêng Mường đã hình thành từ rất sớm và đang được phát triển theo sự phát triển của lịch sử dân tộc. Cồng chiêng có mặt mọi lúc, mọi nơi trong lao động sản xuất, sinh hoạt đời thường; trong quyền lực của lang, đạo xưa và trong lễ nghi tín ngưỡng phong tục, trong suốt cuộc đời người Mường từ khi sinh ra đến khi về với Mường ma. Chiêng còn là dụng cụ thông tin liên lạc, báo hiệu, phát lệnh khi bản làng có cướp bóc, giặc giã để tập hợp nhân dân cùng đoàn kết bảo vệ sự bình yên. âm thanh cồng chiêng trầm hùng, vang vọng, khi dập dìu đưa đẩy, mỗi vùng Mường có những phương thức đánh chiêng phù hợp với đặc trưng của dân tộc địa phương.
Đồng chí Bùi Tú Cao cho biết thêm: Qua thống kê, cả tỉnh còn lưu giữ được gần 1 vạn chiếc cồng chiêng. Trong đó, cồng chiêng chủ yếu được lưu giữ ở các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc và thành phố Hoà Bình. Dân tộc Mường có 34 lễ hội lớn thì 24 lễ hội có sử dụng cồng chiêng như: lễ mừng nhà mới, thành hôn, hội đánh cá, khai hạ, xắc bùa, cơm mới… Trải qua lịch sử phát triển lâu đời đã định hình một giàn chiêng gọi là xắc bùa. Chiêng xắc bùa phải có từ 4, 5, 7, 9 chiếc. Một bộ hoàn thành phải có đủ 12 chiếc, cùng 12 cô gái xinh đẹp đánh chiêng. Giàn chiêng 12 chiếc còn được quan niệm biểu hiện 12 tháng trong một năm. Giàn chiêng đông nhất, lớn nhất với 12 chiếc được phân ra làm 3 bộ nhỏ: 4 chiêng dàm, 4 chiêng bồng và 4 chiêng tlé. Những chiếc chiêng, bộ chiêng thuộc quyền sở hữu của từng gia đình nhưng khi sử dụng trình tấu lại ở không gian văn hoá cộng đồng. Sự góp sức thành bộ chiêng cho thấy tính gắn kết, cộng đồng của người Mường rất cao và bền chặt. Khác với cồng chiêng Tây Nguyên chủ yếu do nam giới thực hiện, cồng chiêng của người Mường chủ yếu là nữ giới đánh. Nhiều tài liệu ghi lại, trước đây, người Mường đã sử dụng trên 1.000 cô gái với phương thức hòa tấu, trình diễn trên 1.000 chiếc chiêng. âm nhạc nền nếp, sôi động, giai điệu hòa thanh chuẩn mực, động tác, đội hình chuyển động thướt tha, giàu thẩm mỹ.
Theo nghệ sỹ ưu tú Bùi Chí Thanh, nhà nghiên cứu văn hóa Mường, đồng bào Mường coi cồng chiêng là vật báu, linh hồn bất tử của gia đình và cộng đồng. âm nhạc cồng chiêng của người Mường Hòa Bình là sự hội tụ đầy đủ của tự nhiên và cuộc sống, tiết tấu nhịp nhàng, có lúc êm đềm, sâu lắng, có lúc rộn ràng, sôi động... Thưởng thức âm hưởng của cồng chiêng phải đứng từ xa, đứng trong khung cảnh suối khe, đồng bãi, nhà sàn, mới cảm nhận hết cái tinh tuý, hùng tráng của nó. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tỉnh ta đã quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Mường, trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng. Tỉnh quan tâm tạo môi trường phục hồi, gìn giữ các lễ hội truyền thống tốt đẹp của người Mường, tổ chức các màn trình diễn cồng chiêng, tổ chức gìn giữ, truyền dạy dân ca, âm nhạc cồng chiêng. Đã có một số đề tài khoa học về bảo tồn văn hóa cồng chiêng được thực hiện. Văn hóa cồng chiêng bước đầu được bảo tồn và có sức sống khá bền vững trong đời sống của người Mường. Lễ hội khai hạ cùng những màn trình tấu cồng chiêng đã trở thành lễ hội truyền thống của nhiều địa phương. Màn trình tấu cồng chiêng “Vật báu - hồn thiêng” và màn diễu hành cồng chiêng đường phố tại Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hòa Bình đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Guiness màn trình tấu cồng chiêng lớn nhất Việt Nam vào tháng 10/2011.
Tỉnh ta may mắn có được nền văn hoá Hoà Bình rực rỡ, nổi tiếng, trong đó có một kho tàng cồng chiêng đồ sộ với những bản nhạc, phương thức trình diễn đặc trưng. Những giá trị tinh thần, văn hóa, nghệ thuật của không gian văn hóa cồng chiêng đã và đang khẳng định sức sống trong lòng dân tộc. Tỉnh đang đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hương Lan
(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh miền núi, cửa ngõ khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Tỉnh có 6 dân tộc chính là: Mường, Kinh, Thái, Tày, Mông, Dao; trong đó, dân tộc Mường chiếm 63% tổng số dân. Hòa Bình là cái nôi của văn hóa Việt - Mường cổ, là một trong số ít vùng đất có nền văn hóa lâu đời ở Việt Nam, vùng đất ẩn chứa nhiều nét văn hóa, tập quán đặc sắc của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.
(HBĐT) - Tân Lạc được biết đến là một trong 4 vùng Mường cổ của tỉnh với nhiều nét văn hoá, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống riêng. Để những nét văn hoá truyền thống không bị mai một, những năm qua, huyện Tân Lạc đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt học tập đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện, trong đó, huyện đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Mường Tân Lạc.
(HBĐT) - Ngày 24/10, UBND xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) tổ chức Lễ đón bằng công nhận Làng nghề truyền thống Dệt thổ cẩm làng Lục (xã Yên Nghiệp).
(HBĐT) - Đường phố phong quang, sạch sẽ, người dân có ý thức bảo vệ môi trường là điều mà chúng tôi được chứng kiến khi đến khu 1, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn). Hai buổi/tuần mới có người đến thu gom rác nhưng tuyệt nhiên không có hiện tượng rác rưởi ngoài đường.
(HBĐT) - Ngày 23/10, đoàn công tác kiểm tra phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” T.Ư do lãnh đạo Cục Phòng, chống TNXH (Bộ LĐ-TB&XH) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh. Làm việc với đoàn có các đồng chí thành viên BCĐ phong trào của tỉnh, các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan của Sở VH-TT&DL.
(HBĐT) - Là tỉnh miền núi vùng đất cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội - tỉnh Hòa Bình được coi là cái nôi của người Mường cổ với nền văn hóa Hòa Bình đặc sắc. Thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, cảnh quan sơn thuỷ hữu tình, lòng người thân thiện với bao điều thú vị đang chờ đón du khách muôn phương về với Hòa Bình.