Nhũ đá non trong các động khô thuộc hệ thống hang động núi Đầu Rồng (Cao Phong) vẫn không ngừng phát triển.
(HBĐT) - Năm 2012, quần thể di tích danh lam thắng cảnh núi Đầu Rồng (Cao Phong) được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia. Với địa thế gần trung tâm huyện cùng các điểm du lịch trên địa bàn, quần thể núi Đầu Rồng có vẻ đẹp tự nhiên của các hang động như Hoa Sơn thạch động, Nhãn Long sơn động, động Không Đáy... đã mang đến cho di tích nhiều tiềm năng về du lịch tâm linh, du lịch khám phá.
Cao Phong là mảnh đất có nhiều danh thắng đẹp, địa hình thung lũng bằng phẳng, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành đã tạo cho vùng đất này có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Ai đã từng một lần đến bản Giang Mỗ (Bình Thanh) sẽ một lần nữa muốn được trải nghiệm với cuộc sống của người dân bản địa nơi đây: khu di tích lịch sử cách mạng chiến khu Thạch Yên - Cao Phong, chùa Quèng Ang, chùa Khánh, đền thác Bờ là những điểm đến mà du khách mỗi lần đặt chân đến vùng đất Mường Thàng. Đặc biệt, khu di tích núi Đầu Rồng có nhiều hang động đẹp liên kết với nhau tạo thành quần thể thắng cảnh hang động đẹp liên kết với nhau tạo thành quần thể thắng cảnh với thế giới nhũ đá lung linh, huyền ảo. Đây là một kỳ quan tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho mảnh đất Cao Phong. Quần thể di tích núi Đầu Rồng cách QL6 khoảng 500 m về phía đông thuộc khu 3 - thị trấn Cao Phong. Theo đó, các tuyến, cụm, điểm du lịch được quy hoạch định hướng như tuyến du lịch Bình Thanh - Thung Nai - lòng hồ sông Đà, thăm quan khu di tích lịch sử văn hóa Cù Chính Lan, đền Bờ, du lịch sinh thái hồ Hòa Bình, tuyến du lịch Tân Phong - Dũng Phong - Yên Lập - Yên Thượng, du lịch bản Mường xã Yên Thượng, Yên Lập, tuyến thị trấn Cao Phong - Xuân Phong với du lịch sinh thái, du lịch hồ Cạn Thượng, thăm làng dân tộc Mường xóm Cạn, Mừng (xã Xuân Phong)...
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, xác định quần thể di tích núi Đầu Rồng là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho huyện. Để giữ gìn, phát huy được giá trị vốn có của quần thể, huyện đã có những định hướng đầu tư xây dựng, phát triển nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch trọng yếu của huyện Cao Phong. Trước mắt, huyện đã xây dựng quy hoạch chi tiết khu di tích với tổng diện tích khoảng 56 ha, trong đó, theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ danh lam thắng cảnh quần thể hang động núi Đầu Rồng tại khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) trên 11 ha (khu vực 1 trên 8 ha, khu vực 2 gần 3 ha) và 45 ha đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm khác). Đây là cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch và là điều kiện tiên quyết để các cá nhân, tổ chức đầu tư vào khu di tích. Đồng thời, huyện đã lập và triển khai dự án trồng cây xanh tại khu di tích nhằm tạo thêm không gian cho quần thể.
Cùng với quy hoạch, huyện đầu tư xây dựng hạ tầng sơ bộ để bảo vệ thắng cảnh như khu nhà BQL khu di tích, san ủi mặt bằng, đường dẫn vào 5 hang chính với tổng chiều dài trên 1 km và hệ thống đèn chiếu sáng với độ dài trên 1,4 km. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ, thăm quan và nhà đầu tư vào khảo sát di tích.
Du khách tham quan Hoa Sơn thạch động.
Đồng chí Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong cho biết: Quần thể di tích núi Đầu Rồng được quy hoạch bao gồm cả diện tích vườn cam đang cho thu hoạch của nhân dân. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền giải phóng mặt bằng được thị trấn đặc biệt chú trọng để người dân hiểu được giá trị của quần thể và có ý thức bảo vệ quần thể di tích.
Tại lễ công bố và đón nhận di tích, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong tiếp tục làm tốt công tác quản lý, xây dựng và phát triển khu di tích xứng tầm với vị thế của một di tích cấp quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về tiềm năng, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi thủ tục hành chính về chính sách đất đai, tài chính đối với nhà đầu tư; tiến hành rà soát, điều phối hiệu quả các điểm, tuyến du lịch trong toàn huyện để từng bước nâng cao chất lượng du lịch trên địa bàn; sưu tầm phục dựng các tích cũ về tín ngưỡng của nhân dân; chú trọng và phổ biến cho người dân biết cách làm du lịch kết hợp với bảo tồn giá trị văn hóa...
Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút nhà đầu tư vào di tích quốc gia danh lam thắng cảnh quần thể núi Đầu Rồng, trước mắt, huyện sẽ hoàn chỉnh thiết kế quy hoạch chi tiết các hạng mục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời hướng dẫn các nhà đầu tư xây dựng các thủ tục pháp lý cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào khu di tích theo đúng quy hoạch của địa phương - đồng chí Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Hồng Nhung
(HBĐT) - Năm 2013, với việc khai thác nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch văn hóa, sinh thái, thắng cảnh, lễ hội, số lượt du khách đến thăm quan, vãn cảnh tại huyện Lạc Thủy ước đạt gần 500.000 lượt, doanh thu ước đạt trên 50 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương.
(HBĐT) - Là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn, mới đây giáo viên và học sinh cả ba trường mầm non, tiểu học, THCS xã Đ. rất phấn khởi khi nhận được thông báo của Phòng GD-ĐT huyện chuẩn bị đón đoàn từ thiện tặng quà cho các trường và học sinh nghèo vượt khó.
(HBĐT) - Theo thống kê của phòng VH-TT, huyện Yên Thủy hiện có 158 đội văn nghệ xóm, KDC (100% xóm, tổ dân phố thành lập được đội văn nghệ) từ đầu năm đến nay, hoạt động VH-VN đã phục vụ trên 20.000 lượt người xem. Tại mỗi hội diễn, bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng, người xem sẽ được thưởng thức các ca khúc, tiểu phẩm, hoạt cảnh dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc... do quần chúng sáng tác và biểu diễn.
(HBĐT) - Cách trung tâm TP Hòa Bình 12 km, bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) nằm dưới chân núi Mỗ với hơn 100 nóc nhà sàn của người Mường còn giữ nguyên bản từ hình dáng nhà cửa đến nếp sinh họat, ăn ở. Đến đây, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, cảm nhận được lối kiến trúc nhà cổ, cách ứng xử mang đậm nét văn hóa và phong tục tập quán đặc sắc của người Mường…
(HBĐT) - Ngày 18/11, BTC Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc đã trao giải các nội dung văn hoá nghệ thuật Trại Văn hóa và Trình diễn nghi thức sinh hoạt Văn hóa, Thi Thuyết minh viên Du Lịch, Trình diễn Trang phục dân tộc, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tại Ngày hội. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII năm 2013 đã tới dự.
(HBĐT) - Hòa Bình có vị trí địa lý quan trọng, là vùng đệm trung gian giữa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với vùng núi cao miền Tây Bắc, giáp ranh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Hà Nam và Thanh Hóa. Hòa Bình có diện tích 459.635 km2, 10 huyện và 1 thành phố với 210 xã, phường, thị trấn. Tỉnh có 6 dân tộc chính sinh sống là Mường, Kinh, Tày, Thái, Dao, Mông (trong đó, dân tộc Mường chiếm 63% dân số) tạo nên nền văn hoá đặc sắc. Tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thể thao và du lịch. Trong những năm qua, hoạt động VH-TT&DL của tỉnh đã được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đã đạt được nhiều thành tích nổi bật.