Hòa Bình hiện còn lưu giữ trên 10.000 cồng chiêng; cồng chiêng là một phần trong đời sống tinh thần của các Mường: Bi, Vang, Thàng, Động.

Hòa Bình hiện còn lưu giữ trên 10.000 cồng chiêng; cồng chiêng là một phần trong đời sống tinh thần của các Mường: Bi, Vang, Thàng, Động.

(HBĐT) - Hòa Bình có vị trí địa lý quan trọng, là vùng đệm trung gian giữa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với vùng núi cao miền Tây Bắc, giáp ranh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Hà Nam và Thanh Hóa. Hòa Bình có diện tích 459.635 km2, 10 huyện và 1 thành phố với 210 xã, phường, thị trấn. Tỉnh có 6 dân tộc chính sinh sống là Mường, Kinh, Tày, Thái, Dao, Mông (trong đó, dân tộc Mường chiếm 63% dân số) tạo nên nền văn hoá đặc sắc. Tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thể thao và du lịch. Trong những năm qua, hoạt động VH-TT&DL của tỉnh đã được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đã đạt được nhiều thành tích nổi bật.

 

Năm 2013, Hoà Bình vinh dự được đăng cai tổ chức Ngày hội VH-TT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII. Với chủ đề “Các dân tộc Tây Bắc - đoàn kết - hội nhập hướng tới tương lai”, Ngày hội có sự tham gia của 6 tỉnh vùng Tây Bắc là: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc. Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc thông qua các hình thức giao lưu và giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc... góp phần thực hiện NQT.Ư 5 (khóa VIII) và kết luận Hội nghị lần thứ X BCH T.ư Đảng (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Sau đây, Báo Hòa Bình xin giới thiệu một số nét cơ bản của VH-TT&DL của tỉnh.

 

Đặc sắc nền văn hóa Hòa Bình

 

         

                     Bắn nỏ - một trong những môn thể thao trong Ngày hội.

 

Với dân tộc Mường chiếm 63% dân số, do vậy, văn hóa Mường rất rõ nét và mang tính đặc trưng của tỉnh với 4 vùng Mường nổi tiếng “Nhất Bi - nhì Vang - tam Thàng - tứ Động”. Các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn tự hào là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng cách ngày nay tới 2 vạn năm, là tỉnh có số lượng trống đồng lớn thứ hai trong cả nước, là nơi lưu giữ gần 10.000 chiếc cồng chiêng quý giá, là nơi sản sinh ra sử thi “Đẻ đất - đẻ nước”, là nơi diễn ra các lễ hội rộn rã cồng chiêng, tưng bừng các lời ca điệu múa, là nơi ấm tình người trong những thuần phong mỹ tục vẫn đậm nét văn hóa của người Việt cổ.

 

Mo sử thi “Đẻ đất - đẻ nước” là niềm tự hào của nền văn hóa Mường. Trong hệ thống diễn xướng tín ngưỡng dân gian bao gồm sử thi “Đẻ đất - đẻ nước” phán ánh sống động tinh thần văn hóa của con người từ thuở khai thiên lập địa và suốt quá trình phát triển của lịch sử loài người, được biểu hiện qua 12 đêm mo tang lễ và trong một số nghi lễ chính trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng. áng mo đồ sộ này đã được sưu tầm có hệ thống và xuất bản thành sách “Mo Mường Hòa Bình” năm 2010.

         

Bản Mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) lưu giữ trên 100 nếp nhà sàn truyền thống.

 

Tỉnh có hơn 294 di tích các loại đã được kiểm kê, 41 di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia và 26 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt, cái nôi văn hóa của người Việt cổ in đậm trong các quần thể di tích có giá trị khảo cổ như: hang Ma (Tân Lạc), hang Giỗ, hang xóm Trại (Lạc Sơn), hang Chổ (Lương Sơn)... Hang Núi Sáng, huyện Lương Sơn, nơi phát hiện bộ xương đười ươi cách ngày nay khoảng 12 nghìn năm, được các nhà khoa học mệnh danh là viên kim cương của ngành khảo cổ.

 

Di sản văn hóa tỉnh hiện nay còn được lưu trữ trong Bảo tàng Hòa Bình 11.200 hiện vật, đặc sắc quý hiếm là bộ hiện vật trống đồng gần 70 chiếc và gần 1.000 hiện vật gốm có giá trị, hiện vật nghề gốm, thạp gốm và âu gốm thể hiện được tinh hoa văn hóa dân tộc trong quá khứ. Về lễ hội, Hòa Bình cũng là tỉnh với hàng trăm lễ hội truyền thống mang đậm yếu tố dân gian, đậm đà văn hoá dân tộc thiểu số như: lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội xên Mường của người Thái Mai Châu, lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội chùa Kè, xã Phú Vinh (Tân Lạc), lễ hội Mường Động (Kim Bôi)... cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, hướng về nguồn cội. Hòa Bình cũng là nơi lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống, tiêu điểm nghề làm rượu cần, nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, làm trang sức truyền thống... Về văn hóa ẩm thực, từ lâu, Hòa Bình đã nổi tiếng với những món ngon như rượu cần, cỗ lá, cá sông Đà, bánh kiến, thịt trâu... Trong đó, rượu cần của người Mường phản ánh những sáng tạo văn hóa trong sản xuất đồ uống và văn hóa tổ chức ẩm thực phong phú, đa dạng của đồng bào Mường.

 

Ngày nay, văn hóa Hòa Bình tiếp nối truyền thống vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Thành tựu văn hóa được phát huy. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.067 làng, bản, KDC. Trong đó, hàng năm có gần 500 làng đạt tiêu chuẩn văn hóa, 2.000 làng, bản, KDC có đội văn nghệ thường xuyên hoạt động, 1.528 làng, bản, KDC có NVH, 1.046 làng, bản, KDC có sân bãi TD-TT được xây dựng bằng nguồn vốn huy động của nhân dân đóng góp là chủ yếu.

 

Thể thao Hòa Bình tự tin hướng tới Ngày hội

 

Trong những năm qua, thể thao tỉnh đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Hoạt động thể thao quần chúng được đặc biệt quan tâm. Năm 2012, toàn tỉnh có 25,1% tổng dân số tập luyện TD-TT thường xuyên, 17,4% tổng số hộ gia đình thể thao, 67.031 người đạt chế độ rèn luyện thể thao theo tiêu chuẩn, 520 CLB TD-TT cơ sở. Về thể thao trường học, trong năm 2012, tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII tại thành phố Cần Thơ, đoàn Hòa Bình xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành theo tổng sắp huy chương. Thể thao thành tích cao đã có bước phát triển, tiếp cận và đạt được những thành tích tại các đấu trường trong nước và quốc tế. Riêng năm 2012 đã giành được 36 huy chương, trong đó có 10 HCV, 10 HCB và 16 HCĐ...

 

Ngay từ đầu năm 2013, để chuẩn bị cho công tác đăng cai, tỉnh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa Nhà thi đấu TD-TT tỉnh. Sở VH-TT&DL đã tổ chức nhiều hoạt động TD-TT sôi nổi hết sức ý nghĩa thiết thực chào mừng Ngày hội như: giải quần vợt tỉnh Hòa Bình mở rộng năm 2013, giải bóng đá Khối các cơ quan tỉnh; giải bóng đá 7 người vô địch tỉnh, Đại hội TD-TT cấp cơ sở có 203/210 xã, phường, thị trấn tổ chức. Để chuẩn bị lực lượng cho đoàn VĐV của tỉnh Hòa Bình tham dự Ngày hội, đoàn VĐV được triệu tập, tập huấn từ ngày 25/10/2013 với tổng số 53 người gồm 10 HLV và 43 VĐV, bắn nỏ 8 VĐV; đẩy gậy 15 VĐV; kéo co 20 VĐV, việt dã 8 VĐV, tu lu 2 VĐV; tung còn 4  VĐV, trong đó, 12 VĐV thi đấu 2 môn tham dự  thi đấu 6/6 môn, ở tất cả các các nội dung, tranh tài ở 37 bộ huy chương.

 

Phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua, luôn giành vị trí nhất, nhì toàn đoàn tại các Ngày Hội VH-TT&DL các  tỉnh vùng Tây Bắc và hội thi thể thao các dân tộc thiểu số 22 tỉnh khu vực I phía Bắc được tổ chức, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tập thể các đồng chí lãnh đạo sở, sự huấn luyện bài bản, khoa học của các HLV và đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng trong các buổi tập, tình thần thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo quê hương của các VĐV, đoàn VĐV tỉnh sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

 

Du lịch Hòa Bình - độc đáo, bản sắc hấp dẫn du khách

 

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TU về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2015: cần gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh đã bước đầu khai thác được tiềm năng, thế mạnh. Là vùng đất cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội - tỉnh được coi là cái nôi của người Mường cổ với nền văn hóa Hòa Bình đặc sắc, nơi quy tụ gần 200 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó có 64 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Cùng với đó là trên 50 bản, làng du lịch - văn hóa đều là những nơi được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Đây là lợi thế để du lịch    tỉnh hấp dẫn du khách thập phương. Trong đó, gần đây tạp chí Business Insider đã bình chọn Mai Châu là một trong 10 địa danh hấp dẫn trên thế giới dành cho tour du lịch văn hóa địa phương. Cách trung tâm TPHB 12 km, bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) cũng  là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong nước và nước ngoài với gần 100 ngôi nhà sàn còn giữ nguyên bản từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt, hệ thống dẫn nước, cối giã gạo, cung, nỏ săn bắn, ruộng bậc thang cùng phương thức làm ruộng truyền thống. Xa hơn, du khách có thể về với bản Cú, xã Tử Nê (Tân Lạc), bản Thấu, xã Lạc Sỹ (Yên Thủy)...  Đặc biệt, cái nôi văn hóa của người Việt cổ giờ đây được in đậm trong các quần thể di tích có giá trị khảo cổ như hang Ma (Tân Lạc), hang Giỗ, hang xóm Trại (Lạc Sơn), hang Chổ (Lương Sơn) và mới đây là quần thể hang động núi Đầu Rồng (Cao Phong) được công nhận là di tích cấp quốc gia sẽ là điểm đến mới của du khách ưa khám phá. Trên địa bàn còn có nhiều khu nước khoáng quý phục vụ hoạt động nghỉ dưỡng như Kim Bôi (Kim Bôi), Quý Hòa (Lạc Sơn), Ngọc Lương (Yên Thủy). Các khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn- Ngổ Luông, Pu Canh, Thượng Tiến, Hang Kia - Pà Cò... đang là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách.

 

Ngày 1/7/2013, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1112 về việc ban hàng kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở, mục tiêu cụ thể để xây dựng quy hoạch tổng thể du lịch tỉnh trong thời gian tới.

 

 

                                                                                    P.V (TH)

 

 

 

Các tin khác

Bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) luôn giữ được bản sắc văn hóa Thái truyền thống.
Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BTC Ngày hội trao cờ cho các đơn vị tham gia.
Lễ hội đầu xuân ở Tả Phìn - Sa Pa.
Thêu thổ cẩm của dân tộc Dao Đỏ, huyện Văn Yên.

Nét đẹp văn hóa các dân tộc Lai Châu

(HBĐT) - Tỉnh Lai Châu cách Hà Nội khoảng 400 km; có 8 huyện, thị, 108 xã, phường, thị trấn, dân số trên 40 vạn người. Lai Châu là vùng đất có 20 dân tộc anh em gồm: Thái, Tày, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Việt (Kinh), Mường, Khơ Mú, Mảng, Kháng, Hà Nhì, Cống, La Hủ, Si La, Phù Lá, Lô Lô, H’Mông, Dao và Hoa. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc sắc tạo nên diện mạo đa sắc màu của văn hóa Lai Châu. Văn hóa Lai Châu chứa đựng nhiều truyền thống tốt đẹp.

Du lịch lòng hồ Hòa Bình - điểm thăm quan lý tưởng của du khách

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình có vị trí địa lý đặc biệt, nằm trong vùng du lịch trung tâm phía Bắc của đất nước, liền kề với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đây là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch, khách công vụ, đặc biệt là khách nghỉ cuối tuần từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến thăm quan nghỉ dưỡng. Phong cảnh đẹp, đa dạng, thuận lợi và phù hợp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp, nghỉ dưỡng cuối tuần. Hệ thống đảo trên hồ có hệ động, thực vật phong phú, cùng với vị trí đẹp sẽ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn khi được đầu tư đúng mức.

Khai mạc Trình diễn trang phục các dân tộc Tây Bắc

(HBĐT) _ Chiều 17/11, Ban tổ chức Ngày hội VH-TT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc làn thứ XII tại tỉnh Hòa Bình, năm 2013 tổ chức lễ khai mạc Trình diễn trang phục dân tộc Tây Bắc.

Huyện Cao Phong đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh quần thể hang động núi Đầu Rồng

(HBĐT) - Ngày 17/11, huyện Cao Phong tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh quần thể hang động núi Đầu Rồng. Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Cửu – Phó chủ tịch TT UBND tỉnh; lãnh đạo Sở, ban, ngành, huyện Cao Phong và đông đảo nhân dân địa phương.

Thành phố Hòa Bình - những cơ hội mới

(HBĐT) - Thành phố Hòa Bình đang có sự đổi thay mạnh mẽ sau 7 năm được Chính phủ ban hành Nghị định công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Một hình ảnh mới, diện mạo mới đang hiện diện ở thành phố trẻ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Hòa Bình đã đoàn kết chung lòng khắc phục gian khó, thay đổi nhận thức, tư duy và hành động cùng vun đắp cho tương lai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết trên chặng đường xây dựng thành phố hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc, trở thành trung tâm đô thị, cửa ngõ vùng Tây Bắc.

Các dân tộc Tây Bắc đoàn kết, hội nhập hướng tới tương lai trong sự phát triển chung của các dân tộc Việt Nam

Đồng chí Trần Đăng Ninh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội 

(HBĐT) - Tây Bắc gồm 6 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và Hoà Bình. Diện tích trên 5,56 triệu ha với trên 9,8 triệu dân. Đây là địa bàn cư trú bản địa lâu đời trong sự đoàn kết của hơn 30 dân tộc thiểu số. Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, AN-QP của đất nước. Trong lịch sử hình thành và phát triển, các dân tộc vùng Tây Bắc luôn gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục