Đón năm mới theo quy định thường chỉ có nhà lang hoặc những nhà có dòng dõi nhà lang mới mời “thầy trlượng” (thầy cúng) làm lễ.
(HBĐT) - Với quyền uy tột bậc trong xã hội Mường thời phong kiến vậy nên chỉ khi nào nhà lang “phát lệnh” người dân mới bắt đầu được đón Tết. Tuy nhiên có một điều đặc biệt, đó là Tết của nhà lang hầu như cũng chẳng khác mấy so với nhà dân và trong những ngày Tết, cửa nhà lang luôn rộng mở cho ai cũng có thể đến...
Có lệnh nhà lang mới được đón Tết
Ông Bùi Đức Òm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) cho biết: Cũng giống như nhiều dân tộc khác, đối với người Mường, Tết Nguyên đán là cái tết quan trọng nhất, to nhất trong năm. Thế nên, thời xưa người Mường thường ăn Tết trong 7 ngày. Do có bộ lịch riêng với cách tính riêng theo quan niệm ngày lui, tháng tới nên ngày 30 Tết của người Kinh lại được tính là ngày “chín tủn” (ngày 29) và ngày mùng một là ngày “pa mươl” theo cách tính của người Mường.
Tết của người Mường thường kết thúc vào ngày “páy” (tức ngày mùng 8 tháng giêng của người Kinh) sau khi ăn xong “thệt láng” (tết làng). Đó là ngày ăn tết chung, hòa hợp giữa nhà lang và người dân lao động trong vùng. Ông Bùi Văn Nguyên, hơn 70 tuổi ở xóm Thao Cả, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) là một người khá am hiểu về phong tục ngày Tết của người Mường ở vùng Mường Động cho biết: Dưới thời phong kiến, lang đạo, Tết cổ truyền của người Mường thường hướng về nhà lang. Vì thế nên việc chuẩn bị Tết được tiến hành từ đầu tháng chạp. Những người đàn ông khỏe mạnh vào rừng chặt cây làm củi dùng trong dịp Tết. Lá dong rừng dùng để gói bánh cũng được lấy trước hàng tháng đem về ngâm đầu cuống xuống suối. Đến rằm tháng chạp, những phụ nữ trong Mường lại tụ đám cùng nhau giã gạo chuẩn bị việc gói bánh cho ngày Tết.
Ông Bùi Đức òm cho biết thêm: Tết của người Mường ở vùng Chiềng Động bắt đầu từ đêm “pa mươi” (tức ngày mùng 1 Tết của người Kinh), khởi đầu của việc đón Tết là lễ “dâl chiêng” (dậy chiêng - thức chiêng) ở nhà lang, sau đó là ba hồi trống đại (loại trống vẫn dùng để gọi dân Mường khi có việc). Tiếp đến theo lệnh của quan lang, người ta sẽ bắn 3 phát trụ (ống sắt dài, kiểu như súng thần công) về phía Khụ Chanh (núi Chanh thuộc Mường Chanh - Vĩnh Đồng) như là hiệu lệnh tiễn năm cũ. Sau khi bắn xong 3 phát trụ về phía Khụ Chanh, người ta mang trụ về nhà lang, ở đó họ lại bắn thêm 3 phát nữa. Đó chính là hiệu lệnh đón năm mới. Như vậy, chỉ khi nào nhà lang “phát lệnh” thì người dân trong Mường mới chính thức được đón Tết và dọn mâm cỗ cúng tổ tiên trong thời khắc giao thừa. Còn nếu chưa nghe thấy hiệu lệnh được phát ra từ nhà lang thì dù khi đó đã bước sang ngày mới của năm mới, người dân trong Mường vẫn chưa được đón Tết.
Ngày Tết, người dân thoải mái... trách quan lang
Theo trí nhớ của ông Đinh Công Giữ (73 tuổi) ở xóm Chiềng 4, xã Vĩnh Đồng vốn là dòng dõi quan lang vùng Chiềng Động kể lại: Việc đón Tết ở nhà lang khi xưa cũng có những khác biệt hơn so với nhà dân. Ngay sau khi “phát lệnh” đón giao thừa, không khí ngày Tết ở nhà lang cũng bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên với việc tổ chức cúng tế tổ tiên. Bao giờ cũng vậy, trong thời khắc đầu tiên đón năm mới, nhà lang đều có một mâm cỗ chay gồm các loại rau quả, bánh chay không có nhân để cúng vua trời, vua đất và vua của người Mường. Sau khi cúng vua xong mỗi người ăn một chút gọi là lấy lộc vua ban. Tiếp đến, người ta bày mâm cỗ mặn lên trên để thầy trlượng mời tổ tiên về ăn tết. Theo quy định thường chỉ có nhà lang hoặc những nhà có dòng dõi nhà lang, các buổi cúng trong dịp Tết phải có thầy cúng làm lễ. Bởi quan niệm của người Mường chỉ có “thầy trlượng” mới là người có thể nói chuyện được với các vị thần và mời tổ tiên của nhà lang về ăn Tết cùng con cháu.
Mâm cỗ cúng trong dịp Tết Nguyên đán của người Mường ngoài các món chế biến từ thịt lợn, thịt trâu, bò, cá, gà và các loại thịt thú trên rừng, đối với mâm cỗ cúng của nhà lang nhất thiết phải có 7 loại bánh như bánh chưng, bánh rán, bánh dày, bánh gai, bánh gói lá chít, bánh uôi, bánh nếp. Trong suốt lễ cúng, bên trong khuôn viên nhà lang, người ta đánh chiêng, đánh trống, gõ nhịp một cách đều đặn như bản giao hưởng chào đón mùa xuân mới.
Trong những ngày Tết, thường từ sáng sớm đã có người đến chúc mừng năm mới. Ông Đinh Công Tiến (70 tuổi) em trai ông Đinh Công Giữ kể lại: Thường những người đến chúc Tết nhà lang đầu tiên là phường bùa. Đó có thể là phường bùa trong làng, xóm, cũng có thể ở những làng, xóm khác. Đứng đầu phường bùa bao giờ cũng là một người hát hay, đánh chiêng giỏi và biết cách ứng đối nhanh nhẹn. Đến nhà lang, phường bùa thường đi theo thứ tự từ người hát rằng thường đến những người xách các loại chiêng cái, chiêng năm, chiêng bảy và cuối cùng là chiêng đàm. Với nhà lang thì phường bùa đến chúc năm mới được coi là những người mang may mắn đến xông đất với những lời hát chúc tụng, ca ngợi gia đình sang năm mới sức khỏe, hạnh phúc, luôn gặp nhiều may mắn và làm ăn thật phát đạt.
Ngoài ra, theo ông Bùi Văn Nguyên ở xóm Thao Cả, xã Vĩnh Tiến, trong ngày Tết, người Mường, kể cả nhà lang lẫn nhà dân đều thực hiện nghi lễ gọi vía trâu, bò và tổ chức lễ cúng cho trâu, bò ăn Tết. Đồ cúng chỉ là chiếc nồi đất để trong đó một ít cơm gạo, một ít muối, một nén hương. Trong lễ cúng, mỗi con trâu, bò sẽ được gia chủ cúng một chiếc bánh chưng. Nếu là trâu, bò cái chửa thì người ta lại cho thêm một cái bánh chưng nhỏ hơn. Nghi lễ trên ngoài việc thể hiện sự hàm ơn của con vật với gia đình trong suốt một năm, đó cũng là một sự cầu khấn các vị thần bảo hộ cho súc vật nuôi, xua đuổi bệnh cho trâu, bò.
Năm nay dù đã ngoài 70 tuổi nhưng những cái Tết xưa ở nhà lang là phần ký ức không thể phai nhạt của anh em ông Đinh Công Giữ, Đinh Công Tiến ở xóm Chiềng 4, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).
Trong lịch sử thời phong kiến thì hầu hết các quan lang ở vùng Mường Động là những quan lang yêu dân. Không mấy ai có tư tưởng đàn áp, bóc lột nhân dân mà họ luôn ý thức được vai trò là những người cai quản, dẫn dắt nhân dân, giữ gìn cuộc sống bình yên cho bản Mường. Thế nên, ngay cả việc coi sóc đồng áng, đảm bảo nước trồng cấy cho ruộng đồng họ cũng thường quan tâm. Cũng chính vì sự gần gũi đó mà trong suốt những ngày Tết, nhà lang luôn mở rộng cửa, ai cũng có thể vào. Chẳng vậy mà ở những khoảng sân rộng trước cửa nhà lang, ngày Tết lúc nào cũng rộn ràng lời hát đối đáp thường rang, bọ mẹng, rộn ràng những nhịp chiêng, trẻ con chạy nhảy nô đùa. Khi đó, cái ranh giới giữa nhà lang và nhà dân dường như đã bị xóa nhòa.
Không chỉ vậy, theo ông Đinh Công Giữ có một điều đặc biệt ở vùng Mường Động thời phong kiến là trong bữa Tết Mường (Tết làng), mọi người dân đều được nói lên ý kiến của mình về việc Mường. Kể cả việc chỉ trích nhà lang về những khúc mắc trong cuộc sống năm cũ, về những việc nhà lang phải làm trong năm mới và cả những lời hứa xuông mà nhà lang vẫn chưa thực hiện. Thậm chí, trong buổi Tết làng, những nhà lang kém làm gương trong cuộc sống cũng bị mọi người nói ra, chỉ trích. Dù cho là người có uy quyền tột bậc trong xã hội Mường thời phong kiến nhưng trong Tết Mường người dân vẫn có thể mời rượu và có quyền... ép rượu nhà lang mà không bị coi là phạm vào tội bất kính. Trong Tết Mường, nhà lang cũng luôn lắng nghe mọi điều và hoan nghênh mọi lời nói phải. Kể cả đó là những lời chỉ trích về sự cai quản, những điểm chưa tốt trong việc cai quản Mường của mình.
Đó chính là sự khác biệt giữa nhà lang vùng Mường Động với nhà lang các vùng Mường khác. Có thể nói, cũng chính vì lối cai quản yêu dân và tư tưởng bình đẳng đó mà trong xã hội cũ dù còn nghèo khó nhưng Mường Động vẫn được coi là một vùng Mường trù phú, yên bình.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Trong cái se lạnh của những ngày giáp Tết, người Tày ở huyện Đà Bắc lại tất bật chuẩn bị lễ vật cúng, đan mâm, làm đũa hoa cho mâm cỗ mừng Tết cơm mới. Đây là lễ cúng truyền thống quan trọng nhất đối với mỗi gia đình của đồng bào dân tộc Tày với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hoà và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà, tổ tiên đã khuất.
(HBĐT) - Cô gái có cái tên rất đẹp: Hồng Nga cùng tôi đứng rất lâu ngắm nhìn thành phố Hoà Bình lung linh trong ánh điện. Chiếc khăn trong tay Nga đã ướt vì những giọt nước mắt xúc động, song mùi nước hoa sang trọng xứ trời âu vẫn phảng phất đâu đây. Giọng Hồng Nga như quánh lại:
(HBĐT) - Năm hết, Tết đến - đó là điệp khúc bao đời nay của dân tộc ta, mỗi người dân đều phải lo - nghĩ tới, nhất là người có tuổi, chủ gia đình, chủ cơ quan, doanh nghiệp... Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo ngày nghỉ tết Giáp Ngọ cho cả nước trong phiên họp Chính phủ vừa qua đó sao!
(HBĐT) - Hội đu Vôi ở xã Liên Vũ (Lạc Sơn) là lễ hội cầu mùa của người dân trong xã cầu mong thần linh phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi và cho nam, nữ trong Mường, ngoài xứ có dịp gặp nhau tìm hiểu giao duyên.
(HBĐT) - Ngày 27/1, LĐLĐ tỉnh, Sở VH – TT&DL tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao CNVCLĐ, giai đoạn 2014 – 2019.
(HBĐT) - Thực hiện Thông báo số 19/PHP-NVKT-TB ra ngày 20/1/2014, từ ngày 25/1 đến ngày 10 Tết Giáp Ngọ (trừ ngày 29, 30/1 và mùng 1 Tết, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng triển khai tuần phim “Mừng Đảng, mừng xuân Giáp Ngọ 2014”.