Nhiều quốc gia trong khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê đang phải giải quyết thách thức kép, vừa nỗ lực ngăn chặn đại dịch, vừa đưa ra các kế hoạch cụ thể vực dậy nền kinh tế đang gặp khủng hoảng nặng nề. Ðây là nhiệm vụ cần sự đồng thuận của chính phủ các nước trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.
Đường phố tại Ri-ô Đề Gia-nê-rô, Bra-xin vắng bóng khách du lịch bởi dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ la-tinh khiến nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trong hầu hết các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội. Khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê dù chưa chiếm tới 10% dân số thế giới, nhưng lại có gần 20% tổng số ca lây nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của toàn khu vực Mỹ la-tinh có thể tăng chậm trở lại trong năm 2021 lên mức 3,7%, sau khi chạm mức tăng trưởng âm 6,9% trong năm 2020. Các quốc gia Mỹ la-tinh đang cố gắng kiểm soát đại dịch thông qua việc triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 đại trà, cam kết tạo điều kiện cho các khoản đầu tư mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Ngoài ra, chính phủ nhiều nước sẽ gặp khó khăn về ngân sách do ảnh hưởng từ sụt giảm nguồn vốn vay nước ngoài. Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định, sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng, là cách thức để các quốc gia trong khu vực duy trì tỷ lệ đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, kỹ thuật số, năng lượng. Các tổ chức đa phương trong khu vực như Ngân hàng Phát triển Mỹ la-tinh (CAF) hay Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng thúc đẩy các dự án phục hồi kinh tế.
Theo khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê thuộc Liên hợp quốc (CEPAL), năm 2021, để giảm tác động từ sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các quốc gia trong khu vực nên tập trung vào các lĩnh vực giúp thúc đẩy thay đổi công nghệ, như năng lượng tái tạo, công nghệ kỹ thuật số hay du lịch bền vững.
Du lịch, ngành công nghiệp từng chiếm 10% thu nhập ngoại hối và 11% tổng số việc làm tại Mỹ la-tinh trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) G. Ghê-va-ra, trong năm 2020, đại dịch đã gây thiệt hại gần 230 tỷ USD và khiến 12,4 triệu người mất việc làm. Dù chính phủ các nước trong khu vực đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, tuy nhiên CEPAL cũng kêu gọi các quốc gia cần tiếp tục tăng cường hợp tác tiểu vùng, trao đổi thông tin y tế và ban hành các chính sách khôi phục việc đi lại của khách du lịch.
Một vấn đề khác chi phối chuỗi cung ứng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại là việc đóng cửa biên giới. Theo báo cáo từ CEPAL, ước tính nhập khẩu trong khu vực suy giảm 20% và xuất khẩu giảm 13% trong năm 2020. Thương mại nội khối chỉ chiếm 15% kim ngạch nhập khẩu, kém xa các khu vực khác trên thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chuyển hướng dòng chảy thương mại sang các nước trong khu vực đòi hỏi phải cải thiện cơ sở hạ tầng và hậu cần, đồng thời tạo ra các chuỗi giá trị khu vực và khả năng điều phối mạng lưới sản xuất giữa các quốc gia. Lợi thế đầy tiềm năng khi sở hữu thị trường với hơn 657 triệu dân càng khẳng định vai trò quan trọng của việc thúc đẩy thương mại giữa các nước trong khu vực sẽ giúp hạn chế đáng kể những tác động của cuộc khủng hoảng từ bên ngoài.
Theo Báo Nhân dân
Theo Roi-tơ, Thứ trưởng Ngoại giao I-ran A.A-rắc-chi cho biết, I-ran đang xem xét đề xuất về một cuộc họp không chính thức giữa các thành viên tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Mỹ. Tê-hê-ran cân nhắc đề xuất của Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU) G.Bo-ren về việc tổ chức cuộc họp này. Phía I-ran cũng đang tham vấn với các đối tác, bao gồm cả Nga và Trung Quốc.
Theo số liệu cập nhật của Worldometers đến 8 giờ 30 phút sáng 20-2 (giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 111.232.756 ca mắc và 2.462.633 ca tử vong do Covid-19. Trong một ngày qua, thế giới ghi nhận thêm 403.036 ca mắc và 10.971 ca tử vong do Covid-19.
‘
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và kêu gọi Iran đàm phán để quay trở lại với thỏa thuận này.
Ngày 18-2, Chính phủ Thái Lan đưa ra cam kết sẽ bảo đảm cơ hội bình đẳng cho tất cả công dân Thái, người nước ngoài và lao động nhập cư trong việc tiếp cận vaccine Covid-19.
Theo số liệu của Reuters, các ca nhiễm mới COVID-19 được báo cáo hàng ngày trong một tháng trên toàn thế giới đã giảm và xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10 vào ngày 18/2.
Bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO đã có cuộc họp nhằm thảo luận tương lai của nhiệm vụ điều động 9.600 binh sỹ hỗ trợ tại Afghanistan