Việc khu vực đồng euro tăng trưởng gần bằng 0 trong quý 3 làm dấy lên lo ngại châu Âu đang trượt nhanh vào suy thoái do giới kinh doanh và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.
Một nhà đầu tư lo lắng theo dõi diễn biến trên sàn chứng khoán Tây Ban Nha. Nền kinh tế Tây Ban Nha có thể tăng trưởng âm trong năm 2012 - Ảnh: Reuters |
Những con số “báo bão”: Cơ quan Thống kê châu Âu cho biết khối đồng euro (gồm 17 nước) trong quý 3 chỉ tăng trưởng 0,2% so với quý 2, tăng trưởng GDP của 27 nước thuộc Liên minh châu Âu cũng chỉ ở mức 0,2%. Các nhà kinh tế dự báo các nền kinh tế của châu Âu sẽ còn sụt giảm mạnh vào cuối năm. Một loạt nền kinh tế như Ý và Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ tăng trưởng âm.
Hai nền kinh tế trụ cột của khối đồng euro là Đức và Pháp, vốn chiếm 50% GDP của khối đồng euro, ít có khả năng làm “hầu bao” cứu vớt các nước khác trong khối đồng euro. Đức phục hồi nhẹ ở mức tăng trưởng hằng năm là 2%, gấp đôi quý 2, còn Pháp tăng trưởng 1,6% sau quý 2 đình trệ. Giới chuyên môn dự báo sau hai năm tăng trưởng mạnh, nền kinh tế Đức sẽ chững lại vào cuối năm nay. Dù vậy, theo báo Wall Street Journal, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ đứng vững để vượt qua sóng gió hoặc chỉ bị tụt giảm nhẹ mà không chịu tổn thất quá lớn, nhưng sẽ không làm được gì nhiều cho các nước láng giềng.
Cú sốc lớn
Chuyên gia kinh tế Greg Fuzesi ở London, Anh nhận định: “Thông điệp khá rõ ràng: khối đồng euro đang bước vào thời kỳ suy thoái, nền kinh tế bắt đầu thu hẹp và bao trùm cả khu vực”. Ông Fuzesi cho rằng sản xuất của khối đồng euro sẽ tụt giảm trong quý 4 năm nay và ba quý đầu năm 2012. “Khu vực sẽ rất khó tránh khỏi suy thoái kinh tế trong quý 4-2011 - Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế Martin van Vliet thuộc Hãng NG Groep NV (Hà Lan) dự báo - Nguy cơ suy thoái sẽ khiến khủng hoảng nợ châu Âu càng trầm trọng thêm”.
Lãnh đạo bộ phận kinh tế Ủy ban châu Âu Marco Buti cho rằng cuộc suy thoái mới có thể kéo dài do khủng hoảng thị trường tài chính. Suy thoái sẽ là cú sốc lớn nhất với nền kinh tế Ý. Nếu dự báo Ý tăng trưởng -1,5% trong năm 2012 của JPMorgan trở thành sự thật, nước này sẽ rất khó thuyết phục các thị trường tài chính tiếp tục cho vay và sẽ vỡ nợ. Khi đó khủng hoảng nợ châu Âu sẽ bùng nổ vượt ngoài tầm kiểm soát. “Ý vỡ nợ sẽ giống như vụ sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu” - các nhà phân tích của Ngân hàng Wells Fargo nhận định.
“Thập kỷ mất mát”
Châu Âu suy thoái sẽ là tin dữ cho cả Mỹ và châu Á. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn chủ chốt của các nền kinh tế châu Á và là thị trường lớn thứ hai của Mỹ chỉ sau Canada. Mỹ bán khoảng 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu cho châu Âu. “Thật không may, chúng ta không thể tách rời khỏi châu Âu. Những gì xảy ra ở đó đều ảnh hưởng tới chúng ta” - chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke than thở. Nguy hiểm hơn, thị trường tài chính châu Âu và Mỹ gắn kết quá chặt chẽ, do đó khủng hoảng ở châu Âu sẽ nhanh chóng di chuyển sang Mỹ.
Nhiều chuyên gia nhận định châu Âu sẽ phải trải qua một thời kỳ đen tối kéo dài. “Tôi e rằng châu Âu đang phải đối mặt với một thập kỷ mất mát - AFP dẫn lời Tổng thống Cộng hòa Czech Vaclav Klaus, một cựu chuyên gia kinh tế - Một thập kỷ không có tăng trưởng kinh tế, một thập kỷ cắt giảm thường xuyên và các gói thắt lưng buộc bụng, một thập kỷ của bất ổn xã hội”.
Cụm từ “thập kỷ mất mát” ám chỉ khoảng thời gian những năm 1990 ở Nhật khi bong bóng bất động sản tan vỡ, kéo đất nước này vào vòng xoáy nợ nần gia tăng và phát triển èo uột.
Theo TuoiTre
Hãng AP đưa tin, một nhà hoạt động nhân quyền kỳ cựu đã được bầu làm tân tổng thống lâm thời của Tunisia.
Liên minh châu Âu (EU) vừa tuyên bố quyết định nới rộng quy mô trừng phạt chế độ Damas, trong đó áp đặt những biện pháp này với cả các cá nhân và nhiều tổ chức tài chính, tăng áo lực với chính quyền Syria.
Các lãnh đạo của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa kết thúc 2 ngày họp tại Hawaii, với “Tuyên bố Honolulu - Hướng tới một nền kinh tế khu vực”, trong đó thống nhất giảm thuế hải quan để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.
Libya hôm qua lên tiếng kịch liệt phản đối đề nghị ân xá của Niger cho người con trai thứ ba của cố Đại tá Muammar Gaddafi, gọi đó là "hành động khiêu khích và thách thức".
Cái tên Mario Monti, thủ tướng tạm quyền của Ý, đã trở thành tâm điểm chú ý của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sau khi được trao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới để lèo lái nước Ý đang trên bờ vực phá sản.
Tổng thống Italia Giorgio Napolitano vừa chính thức đề cử ông Mario Monti, cựu ủy viên châu Âu về bảo vệ tự do mậu dịch, làm tân thủ tướng với nhiệm vụ lãnh đạo quốc gia thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ.