Những năm qua, LLVT xã An Bình (Lạc Thủy) thường xuyên nâng cao chất lượng công tác huấn luyện SSCĐ, tham gia hội thao LLVT huyện đạt kết quả cao.
Trước nguy cơ thực dân Pháp chuẩn bị đưa quân đánh chiếm Hoà Bình, tháng 3/1947, ủy ban Kháng chiến xã An Bình được thành lập. Lúc này, LLVT xã cũng đã tổ chức lại và được rèn luyện, trang bị thêm vũ khí, trang bị. Nhờ vậy, LLVT xã phối hợp hiệu quả với bộ đội chủ lực trong việc đảm bảo an toàn cho các đơn vị, cơ quan sơ tán, đóng chân trên địa bàn. Đầu tháng 10/1947, thực dân Pháp từ Hà Nam, Ninh Bình mở cuộc tấn công lên Lạc Thuỷ hòng tiêu diệt khu căn cứ kháng chiến của ta. Khi chúng vừa đặt chân đến địa bàn Lạc Thuỷ đã bị du kích xã An Bình phối hợp với du kích xã Xích Thổ (Ninh Bình) và bộ đội chủ lực kịp thời phá cầu, bẫy đá làm tiêu hao sinh lực buộc địch phải quay trở lại.Trải qua các trận đánh, LLVT xã từng bước trưởng thành, lớn mạnh. Thường xuyên được củng cố về số lượng, tổ chức biên chế. Trước sự lớn mạnh, từ cuối năm 1948, trung đội du kích tập trung của xã đã được "thử lửa” đánh đồn Pháp ở Kim Bảng (Hà Nam); đầu năm 1949 được cử tham gia tiêu diệt sào huyệt phản động Quách Tấn ở Bình Hẻm (Lạc Sơn). Đáng kể nhất trong năm 1949, đại đội du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh tan nhiều cuộc càn quét, gây ra nhiều thiệt hại cho địch, bảo vệ an toàn các cơ sở, máy móc thiết bị của các xưởng sản xuất của ta. Đáng nói, trong 9 năm kháng chiến, dù các vùng phụ cận xung quanh đều bị giặc Pháp chiếm đóng nhưng An Bình vẫn là địa bàn tự do, là khu căn cứ kháng chiến của Liên khu. Có được kết quả này là do LLVT xã đã trở thành điểm tựa cho nhân dân địa phương chiến đấu anh dũng, ngoan cường. Quá trình chiến đấu, LLVT xã đã tiêu diệt 15 tên, làm bị thương nhiều tên khác; bắt sống 7 tên phản động.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, LLVT và nhân dân xã tham gia trên 35 nghìn ngày công phục vụ kháng chiến. Nhân dân trong xã ủng hộ hơn 100 tấn gạo, hàng chục tấn thực phẩm cùng hàng nghìn cây gỗ, bương, tre, nứa lá làm kho tàng, doanh trại, nhà máy, trạm xưởng cho bộ đội và các cơ quan của Trung ương, Liên khu và của tỉnh. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã có 21 người con lên đường nhập ngũ, trong đó có 3 liệt sỹ.
Những thành tích trên đã trở thành nền tảng để LLVT và nhân dân trong xã tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng CHXN thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong thời kỳ này, toàn xã có 230 gia đình bộ đội, chiếm 30,4% tổng số hộ. Trong đó có 21 gia đình có 2 con nhập ngũ, 3 gia đình có 3 con nhập ngũ, 18 gia đình có con độc nhất tham gia quân đội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có 31 người con của xã hy sinh, 16 thương, bệnh binh. Nhân dân trong xã huy động đóng góp hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm...
Tổng kết 2 cuộc kháng chiến, toàn xã được Nhà nước tặng thưởng trên 800 huân, huy chương các loại cho các tập thể và cá nhân, 4 cờ đơn vị Quyết thắng.
Mạnh Hùng