(HBĐT) - Chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước (NSNN) lên tới hàng tỷ đồng. Trước thực trạng này, các cơ quan tố tụng của tỉnh đã phải lên tiếng cảnh báo.
Với việc mua hóa đơn khống để hợp thức hóa hồ sơ các lớp tập huấn Chương trình OCOP tại huyện Mai Châu, các bị cáo Kiều Văn Cương, Nguyễn Thị Minh, Lê Thị Tâm và Nguyễn Thị Huyền đã "rút ruột” NSNN trên 165 triệu đồng.
Theo thống kê, tính từ năm 2016 đến nay, Viện KSND tỉnh đã thụ lý giải quyết 11 tố giác, tin báo tội phạm liên quan đến những vi phạm và tội phạm mua bán hóa đơn trái phép. Trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố 5 vụ, 8 bị can; đưa ra truy tố xét xử 5 vụ, 5 bị can. Đáng lưu ý, trong 6 vụ án bị khởi tố điều tra thì 4 vụ có người phạm tội là công chức, viên chức công tác tại các cơ quan Nhà nước. Tổng số hóa đơn các bị can thực hiện hành vi mua bán là 102 hóa đơn với tổng số tiền trên 19.622 triệu đồng. Các bị can đã chiếm hưởng trên 1.222 triệu đồng. Điển hình như Nguyễn Thị Sinh, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc và Trần Hùng Cường, nguyên Trạm trưởng Trạm thủy sản vùng hồ sông Đà thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh đã mua 35 hóa đơn mua hàng để hợp thức hóa việc hỗ trợ một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2015 - 2020 từ ngân sách T.Ư, Đề án số 84/QĐ-TTg, ngày 19/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện Đà Bắc. Trong đó, Nguyễn Thị Sinh mua 19 hóa đơn có tổng trị giá trên 9.841 triệu đồng để hưởng lợi trên 836 triệu đồng; Trần Hùng Cường mua 16 hóa đơn mua bán cá giống với tổng giá trị trên 8.978 triệu đồng để hưởng lợi 236,98 7 triệu đồng. Hoặc như vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại Cơ sở cai nghiện ma túy số II (Lạc Sơn) làm thiệt hại cho NSNN hàng trăm triệu đồng. Mới đây, tháng 2/2022, Viện KSND tỉnh phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Bùi Văn Dềnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã và Đinh Văn Độ, công chức tài chính - kế toán xã Mỹ Hòa; Cao Bá Chính, Chủ tịch UBND xã Phong Phú (Tân Lạc) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo kết quả điều tra, cơ quan chức năng đã xác định các bị can có hành vi lập khống hồ sơ nghiệm thu công trình "xây dựng bãi thu gom rác thải tại xóm Chuông, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc” trái với quy định của Luật Xây dựng, Luật NSNN, gây thiệt hại cho NSNN trên 568,976 triệu đồng...
Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Vũ Đức Hòa, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết: Đối tượng vi phạm trong việc bán hóa đơn thường là chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp sau khi được cơ quan thuế đồng ý cho in hóa đơn, vì lợi ích cá nhân đã bán khống cho các cơ quan, tổ chức để họ hợp lý hóa chứng từ thanh quyết toán. Trong khi các giao dịch mua bán không có thật trên thực tế, hoặc có thật nhưng khai tăng giá trị hàng hóa. Những hành vi này là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ khác. Từ đó gây mất đoàn kết nội bộ cơ quan, đơn vị đã mua và sử dụng hóa đơn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng xấu đến hoạt động quản lý kinh tế, quản lý NSNN ở địa phương.
Nguyên nhân của tình trạng này do động cơ vụ lợi và để thanh quyết toán nguồn NSNN, nên người mua và người bán đã vi phạm các quy định của Nhà nước về sử dụng hóa đơn. Đồng thời, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước cho doanh nghiệp được tự in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn. Tuy nhiên, quá trình quản lý, hoạt động của doanh nghiệp còn để xảy ra sai phạm đã phát sinh vi phạm và tội phạm. Bên cạnh đó, do cán bộ của các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng hóa đơn được giao nhiệm vụ liên quan đến giao dịch mua bán hàng hóa chưa chấp hành đúng các quy định về thuế, kế toán; sự phối hợp giữa các hộ kinh doanh và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế đối với các hộ kinh doanh và doanh nghiệp chưa thực sự thường xuyên, liên tục nên việc phát hiện hành vi vi phạm của các đối tượng chưa kịp thời...
Xuất phát từ thực tế trên, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng, theo đồng chí Vũ Đức Hòa, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện; tăng cường kiểm tra sau cấp phép, rà soát việc kê khai thuế đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên xuất hóa đơn nhưng báo lỗ; ngành thuế và các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nắm bắt, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm pháp luật về thuế; phối hợp kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin để tăng cường quản lý, ngăn chặn hành vi vi phạm của người nộp thuế; tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý để đảm bảo tính minh bạch và ngăn ngừa vi phạm; triển khai rộng việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy để giảm việc in, phát hành và ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...
Mạnh Hùng