Nữ Anh hùng LLVT Huỳnh Thị Ngọc.
38 năm đã trôi qua, thế nhưng, với người nữ Anh hùng LLVT Huỳnh Thị Ngọc, cảm giác rùng mình, tê tái khi phải chịu những “chiêu” tra tấn tưởng chết đi sống lại của địch, rồi những tháng ngày sống giữa thế giới người điên ở nhà thương điên Biên Hòa thật khó có thể quên…
Nếu chị không có mặt trong đoàn 1000 bà mẹ VNAH và các anh hùng hành quân về Thủ đô Hà Nội nhân dịp Thăng Long-Hà Nội bước sang tuổi 1.000, thì không biết đến bao giờ tôi mới có dịp tiếp xúc trực tiếp với người nữ chiến sĩ “gan vàng dạ sắt” ấy.
Trước mặt tôi, ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, Đền Hùng, là một người phụ nữ đẹp với đôi mắt sáng, dáng người dong dỏng cao. Tôi đã rất tò mò về chị bởi theo lời anh bạn đồng nghiệp, chị chính là người đã sáng tác một bài hát khá dài về Bác ngay trong ngục tù. Mang cái sự tò mò ấy hỏi chị, tôi không thể không cảm phục người phụ nữ kiên trung ấy.
Từ giả câm…
Sinh ngày 20-10-1951 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, ngay từ nhỏ, chị đã sát cánh bên mẹ tham gia hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ.
21 tuổi, chị trực tiếp phụ trách đội biệt động dùng lựu đạn, đánh phủ đầu tên Nguyễn Văn Chức, tân tỉnh trưởng Bình Định, đập tan âm mưu lôi kéo học sinh, sinh viên của y. Buổi lễ ra mắt của tên tân tỉnh trưởng ở sân vận động Quy Nhơn đã trở thành một đêm đáng nhớ. Y bị thương nặng trong khi tên phó tỉnh trưởng và một số sĩ quan cao cấp khác bị tiêu diệt. Trận đánh này được coi như là trận mở đầu cho chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972.
Bọn địch lùng sục ráo riết những người đã thực hiện trận đánh bất ngờ đó, nhưng nữ chiến sĩ Huỳnh Thị Ngọc sẽ không dễ dàng bị bắt nếu không có kẻ vì đầu hàng những đòn tra tấn mà khai ra chị.
Tuy nhiên, bọn địch không biết được gì hơn từ chị ngoài cái tên Nguyễn Thị Thu Cúc hiển hiện trong chứng minh thư chị luôn mang theo bên mình. Điên cuồng, chúng dùng mọi hình thức tra tấn dã man hòng lấy được cung của chị.
“Bị tra tấn, chị chết đi sống lại rất nhiều lần. Bọn chúng bỏ hai con rắn vào trong quần khiến chị “chết” từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau. Lúc tỉnh lại, thấy mình đang bị treo ngược lên mái nhà và bị kết án tử hình mà không cần đưa ra xét xử. Chị muốn được chết trên quê hương chứ không muốn bị thủ tiêu nên chị đã giả câm. Kết thúc cung, không khai thác được gì, bọn chúng đưa chị vào tù. Ở trong đó, chị được chi bộ, tổ chức của mình trong tù bảo vệ, chăm sóc bởi hai chân chị đã bị liệt hoàn toàn, không đi được. Chị em ngày ấy đã đút cho chị từng miếng cơm, miếng cháo. Bọn địch thì vẫn theo dõi nhất cử nhất động của chị”, chị Ngọc nhớ lại.
Giọng run run, chị kể tiếp: “Trong tù, chúng còn tra tấn chị bằng cách rọi đèn cao áp vào mắt. Hay như nhỏ từng giọt nước lên đầu khiến chị tưởng chừng như có ngàn búa tạ bổ vào đầu và chị đã ngất xỉu. Chị có cảm giác như người mình chết đi hàng ngàn lần vậy”.
…Đến giả điên
Theo dõi nhiều ngày, thay đổi các biện pháp tra tấn nhưng bọn địch vẫn không lấy thêm được thông tin nào từ chị Ngọc. Chị cũng chỉ biết giả câm để đánh lừa địch nhưng đấy không phải là biện pháp lâu dài, bởi chị cũng không chắc mình có thể giữ trọn vẹn khí tiết khi cứ bị tra tấn dã man hay không. Vì thế, nhân một lần đồng chí của chị bị tra tấn trong khi chị bị bịt mắt kín mít, chị đã bất ngờ giật chiếc khăn và hét lên. Và cũng thật vô tình, “chị giả điên luôn”.
“Chúng biết là chị giả điên nên tìm mọi cách tra tấn rất dã man như cho kiến cắn hay tiêm thuốc vào người để chị có thể phát ra tiếng kêu đau nhưng chị dứt khoát không. Cuối cùng, hết cách, chúng đưa chị vào Sài Gòn, giấu ở Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia. Sau ba ngày bỏ đói chị, chúng quyết định dựng một trường bắn giả để xác minh chị có thật sự điên hay chỉ giả điên. Chúng bắn cháy xém cả tóc, nhưng chị không có phản ứng gì khác lạ ngoài khóc cười như điên dại thường ngày. Thất vọng, chúng đưa chị đến nhà thương điên Biên Hòa. Mục đích là để khám nghiệm thần kinh của chị vì nghĩ chị giả đò”, người nữ chiến sĩ quả cảm hồi tưởng.
Bị “giam giữ” trong nhà thương điên Biên Hòa, chị đã sống như một người điên giữa thế giới người điên gần ba năm trời. Ghẻ tróc đầy người, bị gọt đầu, tiêm thuốc đến tê liệt, nhưng ý chí của một nữ chiến sĩ kiên cường đã chiến thắng tất cả. Chị cố giữ cho tinh thần mình luôn tỉnh táo bằng cách làm thơ, sáng tác nhạc.
“Trong những tháng ngày gian khổ đó, chị đã nghĩ về đồng đội, nhớ về quê hương, nhớ mẹ và nhớ Bác. Tất cả tấm lòng của chị dồn hết vào bài hát Lao tù nhớ Bác mà giờ chị vẫn nhớ trong tâm. Bài hát chị viết vào tháng 9-1974”, chị Ngọc bồi hồi.
Mắt như nhòe đi khi nhớ về thời điểm sáng tác bài hát, chị bắt đầu hát: “Dù nay Bác đã không còn, nhưng lời Bác vẫn vẳng còn Bác ơi/ Khắc ghi trong dạ đời đời, con nguyện giữ mãi lời thề năm xưa/… Còn quân Mỹ Thiệu con còn đấu tranh/ Đêm nay con thức suốt năm canh, lắng nghe tiếng súng các anh vọng về/ Từ khắp mặt trận bốn bề, mùa xuân hoa nở đang về quê hương/ Nhưng con còn ở khám đường, trong tay bạo ác của phường sói lang/ Bác ơi lòng con mãi luôn mang, thù nhà nợ nước mãi còn khắc ghi”.
Vâng, đúng là “mùa xuân hoa nở”. Ngày 30-4-1975, chị đã hòa cùng đoàn quân chiến thắng giải phóng Sài Gòn.
Hơn 30 năm, giờ mới có cơ hội đứng trên mảnh đất tổ tiên (Đền Hùng), chị không giấu nổi xúc động: “Chị vui, vui lắm. Chị mừng vì đã đặt chân lên mảnh đất của tiên Tổ. Đây là lần đầu và có lẽ không có lần thứ hai. Chị chỉ hơi buồn là đồng đội của chị giờ không còn nhiều nhưng đến được Đền Hùng và vào lăng viếng Bác là chị đã mãn nguyện lắm rồi”.
Theo Báo QĐND
Dù đã có nghị định xử phạt của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về tăng cường quản lý và xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ (VKTS), nhưng số vụ tàng trữ, sử dụng VKTS mà Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) - Công an TP Hà Nội phát hiện sau mỗi đêm tuần tra ngày một tăng thêm. Phải chăng chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn và đẩy lùi thực trạng này?
Điều tra các vụ cố ý gây thương tích, điều tra viên thường gặp rất nhiều vướng mắc, "vướng" bắt đầu từ việc thu thập chứng cứ, xác định tội danh và từ cả phía người bị hại... Có lúc nạn nhân yêu cầu khởi tố hình sự, song có khi họ đơn phương rút đơn tố cáo khiến cơ quan điều tra rất khó khăn trong việc xử lý. Vì vậy, ngoài các biện pháp nghiệp vụ thông thường, điều tra viên phải là người công tâm, thực sự tâm huyết với nghề và linh hoạt trong việc xử lý tài liệu.
Trong thời đại toàn cầu hoá, việc sử dụng và phân bố lao động sống theo nhu cầu thị trường đã trở thành hiện tượng tự nhiên, mang tính toàn cầu và tuân thủ quy luật kinh tế - dòng lao động sống sẽ chuyển dịch tới bất kỳ nơi nào mà ở đó có mức thù lao cao hơn. Để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ cho những người lao động làm việc ở nước ngoài, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã xây dựng quy tắc và hỗ trợ các thành viên hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người đi lao động ở nước ngoài.
Chiều 20/12, tại Hà Nội, Tổng cục An ninh I, Bộ Công an long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) thời kỳ đổi mới cho Cục Ngoại tuyến, Cục Bảo vệ chính trị (BVCT) 6 và Đại tá Đường Minh Hưng, Cục trưởng Cục BVCT 6; phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng 65 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2011).
(HBĐT) - Ngày 19/12, Trung tâm Chữa Bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh đã tiến hành bàn giao 9 học viên cai nghiện ma tuý về với cộng đồng tại hai xã Hang Kia và Pà Cò (Mai Châu).
(HBĐT) - Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình ANCT - TTATXH của tỉnh cơ bản ổn định, QP-AN được củng cố và tăng cường, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Trong điều kiện đó đã tạo thuận lợi nhất định trong thực hiện nhiệm vụ QP - QSĐP.