Tôi gặp chị lần đầu trong đêm chung kết cuộc thi "Dấu cộng duyên dáng". Đêm hôm đó, chị đã đăng quang ngôi vị "hoa hậu", với chiếc vương miện dành cho người thắng cuộc. Tôi nhớ đêm ấy chị đã khóc rất nhiều. Chồng chị cũng đứng bên cạnh, trên tay bế đứa con. Anh đã ôm lấy chị và lặng lẽ khóc. Có lẽ khi đó họ đang cùng nhau hồi tưởng lại tất cả những năm tháng đã qua, những năm tháng họ đã sống bên nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn để tìm lại hạnh phúc.
Bây giờ người ta gọi chị là "Hoa hậu HIV" một cách đầy yêu quý và chia sẻ, nhưng tôi muốn gọi chị là Hoa hậu của lòng tin và nghị lực trong cuộc sống. Bởi chặng đường mà chị đã đi qua, bởi những điều kì diệu mà chị đã làm - những điều mà không phải người phụ nữ nào cũng làm được… Người đàn bà đi qua nước mắt Tôi đến căn phòng trọ nhỏ bé, khiêm tốn của vợ chồng "Hoa hậu HIV" Trần Thị Huệ trong một con ngõ nhỏ lắt léo trên phố Bạch Mai. Căn phòng giản dị 10m2 đó là tổ ấm của chị suốt mấy năm nay, là nơi vợ chồng chị cùng sống, cùng yêu thương con cái và vượt qua bệnh tật. Giữa cái thời bão giá khiến cho cả những công chức thu nhập ổn định cũng thắt lòng vì lo lắng, trên môi chị vẫn là nụ cười lạc quan, dù hai vợ chồng chị đều đang mang trong mình căn bệnh nan y, dù hai con chị, một đứa bị câm điếc, một đứa cũng bị nhiễm căn bệnh của mẹ. Chị bảo có những ngày trong túi hai vợ chồng chỉ còn vài nghìn đồng, đến tiền mua mớ rau cũng không còn. Nhưng vợ chồng chị đã đi qua những khó khăn, cay cực nhất trong đời, nên chuyện cơm áo gạo tiền, dù vất vả và khó nhọc cũng chẳng làm anh chị mất niềm tin vào cuộc sống. Chị vẫn nhớ ngày chị phát hiện ra chị mang trong mình căn bệnh nan y. Ngày hôm đó, chị đã nghĩ mình đang đi vào bước đường cùng. Nhưng cuộc sống đã dạy chị rằng ở đời không bao giờ có đường cùng, chỉ có những ranh giới. Chị đã vượt qua cái ranh giới đó để bắt đầu một chặng đường khác của đời mình. 19 tuổi, chị yêu và lấy một người thanh niên cùng quê làm thuê trong lò bánh mì. Ngày chị mang người yêu về giới thiệu, mẹ chị quyết liệt phản đối, vì trước đó, bà đã nghe phong thanh về việc người mà con gái mình đem lòng yêu là một chàng trai từng chơi bời đua đòi. Nhưng như bao cô gái trẻ đang yêu khác, chị mù quáng và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình, bởi lúc đó trong mắt chị, người đàn ông mà chị yêu là người hiền lành, tử tế.
Chị lấy chồng năm 19 tuổi, đến năm 22 tuổi đã là mẹ của hai đứa con. Đứa con đầu bị câm điếc do di chứng của một trận ốm năm 2 tuổi. Khi đứa con thứ hai chào đời, chưa kịp vui mừng vì con mình nguyên vẹn, lành lặn, chị đã đau đớn phát hiện ra cả vợ chồng chị và đứa con út đều đã nhiễm HIV. Lúc đó, chồng chị đã chuyển sang giai đoạn cuối. Đó là ngày 20 tháng Chạp. Năm đó, nhà chị không có Tết…
Lúc nhận được tin mình bị nhiễm HIV, chị thương mình một thì thương bố mẹ mười. Bố mẹ chị sinh được hai người con gái, thì cả hai người con đều mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Chị kể: "Chị gái tôi sinh con chưa đầy 1 tháng tuổi thì anh rể tôi mất. Những biểu hiện bệnh tật của anh ấy rõ ràng đến nỗi, dân làng xung quanh đều xì xào, bàn tán. Nếu những đứa bé sơ sinh khác đều được mọi người cưng nựng, yêu thương thì ngay lúc mới chào đời, cháu tôi đã bị mọi người xa lánh. Không một người nào, trừ những người thân trong gia đình dám bế cháu tôi.
Thằng bé có một cái nhọt trên đầu từ lúc mới sinh. Bố tôi đi ra ngoài nghe người ta nói cháu ngoại mình sắp chết vì đã mang mầm bệnh của bố mẹ. Ông chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ về nhà nặn cái nhọt đi cho nó và nói: Để ông nặn nhọt cho cháu ông nhé, cháu ông mau khỏi bệnh nhé. Sau lần được ông nặn cho cái nhọt trên đầu, thằng bé khỏe mạnh, hồng hào hơn hẳn. Ngày cầm trên tay kết quả xét nghiệm âm tính của đứa cháu ngoại, tôi thấy ông khóc.
Thời gian biết tin chị tôi bị bệnh, rất nhiều lần tôi nhìn thấy bố tôi vừa bế cháu vừa lén gạt nước mắt. Chính vì thế, khi tôi bị nhiễm HIV, tôi không sao đủ can đảm nói cho ông biết sự thật phũ phàng đó. Tôi chỉ sợ cú sốc đó sẽ đánh gục ông. Nhưng đó là chuyện không thể giấu mãi được. Bố mẹ chồng tôi cuối cùng cũng kể cho bố tôi tất cả mọi chuyện. Có hai đứa con gái và một đứa cháu ngoại nhiễm HIV, với bố tôi, điều đó chưa bao giờ là dễ dàng.
Có rất nhiều đêm, tôi biết ông không ngủ, mà cứ ngồi bên hiên nhà thẫn thờ từ giờ này sang giờ khác. Bố vẫn nói với tôi rằng: Các con nhất định phải sống khỏe mạnh. Bởi các con khỏe mạnh ngày nào, thì bố mẹ sống được ngày đó. Chúng mày có mệnh hệ gì, chắc bố mẹ cũng không sống nổi. Chính điều đó khiến tôi luôn tự nhủ mình phải vươn lên, không được đầu hàng số phận, phải sống tốt để xoa dịu một phần nỗi đau mà tôi gây ra cho bố mẹ".
Nếu những người phụ nữ khác khi ở trong hoàn cảnh đó sẽ trách móc, chì chiết chồng, thì chị lại chọn cách im lặng chấp nhận. Ngày hai vợ chồng đi nhận kết quả xét nghiệm dương tính về, chị không mở miệng trách chồng nửa lời, cũng chưa từng được nghe anh giải thích về việc anh đã làm gì để đến nông nỗi ấy. Nhưng ngay cả khi đó và sau này vẫn vậy, chị cũng không bao giờ chất vấn anh. Đến tận bây giờ, chị cũng chẳng hề biết lí do, nhưng chị chưa bao giờ coi điều đó là quan trọng. Bởi chị coi đó là số phận của mình. Chính chị đã chọn cho mình số phận đó, khi quyết định lấy anh làm chồng, bất chấp những lời khuyên can của mẹ.
Khi phát hiện ra bệnh, chồng chị đã ở giai đoạn cuối, sức khỏe suy sụp. Bệnh tật đã ảnh hưởng đến thần kinh của anh, khiến anh bị chứng bệnh nấm não tai ngược. Những lần bệnh phát, là những lần anh bị chứng động kinh, co giật hành hạ. Những lúc đó, chị lại quên hết mọi lỗi lầm của anh, chỉ thấy thắt lòng vì thương chồng trong cảnh đau đớn.
Ngày đó, thuốc ARV chưa được phát miễn phí cho những người có H như bây giờ, nghe mọi người mách về loại thuốc có thể làm chậm lại quá trình phát triển của bệnh tật, chị đã chắt chiu từng đồng tiền khó nhọc kiếm được để mua thuốc cho chồng. Chồng chị là người đàn ông yếu đuối. Khi biết mình bệnh tật và lây cả cho vợ con, anh sụp đổ và buông xuôi tất cả. Mọi gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai nhỏ bé của chị.
Vừa nuôi hai con nhỏ, vừa lo đủ tiền thuốc thang đắt đỏ cho chồng, chị đã phải bỏ quê bôn ba vào tận Sài Gòn bán bóng bay. Chị ở trong một căn phòng trọ lụp xụp ở ngoại thành, ăn những bữa cơm đạm bạc chỉ có rau muống và đậu phụ để có tiền mua thuốc cho chồng. Vì chồng, chị chẳng về quê ăn Tết như bao người mà ở lại Sài Gòn bán bóng, bởi đó là lúc chị có thể kiếm được nhiều tiền nhất từ công việc của mình.
Khi những người bình thường nô nức ra ngoài đường đón chờ thời khắc năm mới, thì chị vừa bán bóng vừa nhẩm tính xem số tiền lời lãi kiếm được sẽ mua được mấy liều thuốc cho người chồng bệnh tật. Khi những gia đình khác quây quần bên nhau trong ngày mùng 1 Tết, thì chị trở về căn phòng trọ tồi tàn của mình, cố ngăn những giọt nước mắt vô cớ chảy ra. Khi ấy chị chỉ nghĩ rằng dù vất vả khó khăn đến mấy, chị cũng không thể để con mình mồ côi bố.
Nhưng bàn tay chị quá nhỏ bé, chẳng che nổi cả bầu trời rộng lớn. Đôi vai gầy và sự hi sinh vô điều kiện của chị cho chồng không thể giúp chị chiến thắng được căn bệnh nghiệt ngã mà anh đang mang trong người. Tết năm đó, chị ở lại Sài Gòn bán bóng đến gần cuối tháng Giêng, vì cố dành dụm thêm ít tiền mua cho con chiếc tivi để xem. Nhưng khi sắp đến ngày về thì cũng là lúc chị nhận được điện thoại từ quê nhà gọi vào báo tin chồng chị mất. Chị trở về, lo đám tang cho chồng rồi lại gạt nước mắt ra đi. Bởi chị biết mình còn phải tiếp tục sống, để cứu vớt chính cuộc đời mình, để chuộc lỗi với người cha già và để làm tròn trách nhiệm của một người mẹ với những đứa con thơ.
Điều kì diệu của tình yêu
Có một điều ở chị khiến ai gặp cũng sẽ nhận ra: dù cuộc sống đau khổ thế nào, chị cũng luôn lạc quan. Chính sự lạc quan đó đã đem lại cho Trần Thị Huệ một tình yêu mới, với một chàng trai đồng cảnh ngộ.
Huệ quen Nguyễn Hồng Nghĩa trong một khóa đào tạo thuyết trình viên dành cho người có H ở Hà Nội. Khi bắt đầu khóa đào tạo đó, tất cả mọi học viên đều đứng lên giới thiệu về hoàn cảnh của mình. Biết hoàn cảnh đặc biệt của Huệ, nên không biết tự lúc nào, Nghĩa thường để ý đến cách cư xử của Huệ. Anh ngạc nhiên nhận ra rằng, dù cuộc đời chị đầy bi kịch, nhưng nụ cười trên môi chị chưa bao giờ tắt. Điều đó khiến anh vô cùng cảm động.
Khi kết thúc khóa học, biết nhà anh ở gần bến xe Giáp Bát, chị xin đi nhờ xe anh ra bến xe để về quê. Nhưng lúc đó, vì trót hẹn một người bạn ở gần đó, nên anh đành từ chối. Chị ấm ức mãi vì nghĩ anh thiếu ga lăng, lịch sự mà không biết rằng khi từ chối chị, trong lòng anh tiếc ngẩn tiếc ngơ. Để "làm lành", anh đã quyết định gọi điện hẹn gặp chị. Nhưng khi anh gọi điện, cũng là lúc chị đã lên đường chuẩn bị vào Nam.
Dù ở hai đầu đất nước, nhưng anh bắt đầu thường xuyên gọi điện cho chị. Thời gian đó, mạng điện thoại di động Beeline có dịch vụ khuyến mại, mỗi ngày họ đều gọi điện nói chuyện với nhau 1, 2 tiếng đồng hồ mà không tốn quá nhiều tiền. Họ nói chuyện điện thoại với nhau nhiều đến nỗi cái phím nhựa trên điện thoại của chị chảy ra vì nóng. Tình yêu của anh chị đã bắt đầu được ươm mầm trong những cuộc điện thoại đó, bất chấp mọi khoảng cách địa lý. Sau này chị vẫn đùa, chính chiếc điện thoại di động là thần Cupid của hai anh chị.
Giống như Huệ, Nghĩa cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Nhưng cuộc đời Nghĩa hoàn toàn khác với cuộc đời Huệ. Khi Nghĩa 5 tháng tuổi, bố mẹ anh đã chia tay. Anh sống với mẹ từ bé. Là con một, anh được mẹ hết lòng yêu thương, chăm sóc, nhưng dường như tất cả những điều đó là chưa đủ, bởi như bất cứ đứa trẻ nào khác, anh cũng cần có sự bảo ban, dạy dỗ của một người cha. Ở cái tuổi mới lớn, Nghĩa bắt đầu đua đòi với bạn bè. Anh bắt đầu dính vào ma túy cũng chỉ vì muốn chứng tỏ mình với những người bạn cùng lứa. Bao nhiêu tiền của trong nhà, anh mang nướng hết vào ma túy, bất chấp những lời khuyên can đầy nước mắt của mẹ. Nghĩa sẽ còn tiếp tục hủy hoại cuộc đời mình, nếu như không có cái ngày anh cầm trên tay kết quả xét nghiệm HIV dương tính.
Nghĩa bảo anh vẫn nhớ in ngày hôm đó. Bởi khi đó, để an ủi mẹ anh, bác sĩ tư vấn ở trung tâm xét nghiệm HIV đã động viên bà: "Bà đừng quá buồn. Có những gia đình có cả ba người con đều bị nhiễm HIV. Hoàn cảnh của họ còn đau đớn hơn bà rất nhiều". Chỉ nghe đến đó thôi là mẹ anh khóc òa lên: "Nhưng tôi chỉ có duy nhất mình nó". Đêm hôm đó, Nghĩa không ngủ được. Anh đứng ngoài cửa phòng ngủ của mẹ, nghe tiếng khóc thầm của mẹ trong đêm và thấy cảm giác tội lỗi dâng lên trong lòng. Đó là lúc anh quyết tâm làm lại cuộc đời.
Nghĩa về Thái Bình cai nghiện và ngày ngày đi học giáo lý. Anh bắt đầu theo đạo từ đó, bắt đầu được học những bài học dạy con người ta phải biết sống về người khác. Nhưng Nghĩa bảo, tất cả những điều đó với anh chỉ mãi là lý thuyết, cho đến khi anh gặp Huệ và gắn bó cuộc đời mình với chị.
Nghĩa kể, khi mới quen Huệ trong khóa đào tạo thuyết trình viên, vì không có nhiều thời gian trò chuyện, nên anh không biết chị làm nghề gì. Sau này nói chuyện qua điện thoại, lần đầu tiên nghe chị nói chị đi bán bóng bay, anh còn tưởng mình nghe nhầm. Anh được mẹ yêu chiều từ bé, chưa từng phải đổ mồ hôi nước mắt để kiếm tiền, chưa từng phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, chính vì thế, khi biết người con gái anh yêu đã phải nhọc nhằn như thế để nuôi sống bản thân và gia đình, anh vừa thấy thương chị, vừa thấy hổ thẹn với lòng mình, bởi anh nhận ra từ trước đến giờ anh đã sống một cuộc đời vô nghĩa và đáng buồn.
Anh xin mẹ vào TP HCM bán bóng bay với chị, dù trên đường vào, chính anh cũng lo là không biết mình có chịu được vất vả, khó nhọc không. Anh chị thuê nhà ở ngoại thành, ngày nào cũng phải đi bộ mười mấy cây số dưới trời nắng vào trung tâm quận 1 để bán bóng. Những ngày đầu tiên vào TP HCM đi bán bóng bay dạo, chàng trai Hà thành quen được nuông chiều vừa ngượng ngập, xấu hổ, vừa mệt mỏi vì không chịu được vất vả. Đã có những ngày anh chán nản và muốn từ bỏ. Nhưng cứ mỗi lúc như thế, anh lại nhìn chị đang đứng bên cạnh bán bóng cho khách, gương mặt đầm đìa mồ hôi nhưng đôi mắt vẫn long lanh và gương mặt tràn đầy sức sống, anh thấy cảm phục chị hơn, yêu chị hơn và thấy mình phải cố gắng hơn để xứng đáng với chị, để có thể là bờ vai vững chắc cho chị nương tựa sau những năm tháng khó khăn.
Giữa thành phố phương Nam, sau một quãng thời gian dài đi bán bóng bay dạo với người con gái mình yêu, Nghĩa đã có những kỉ niệm đáng nhớ và đã học được những bài học lớn giúp anh trưởng thành lên rất nhiều. Ngày xưa ở nhà với mẹ, anh có thể ném vài chục triệu vào những cuộc chơi mà không biết xót, nhưng khi tự tay kiếm những đồng tiền mồ hôi nước mắt từ công việc bán bóng dạo, đi mua đồ mất vài chục nghìn, anh cũng ngẩn cả người nói với chị, tiêu tiền tiếc quá em nhỉ. Lúc đó chị chỉ bật cười trêu anh, tiền mình vất vả kiếm ra, làm sao không tiếc?
Nhớ có đêm giao thừa, mải mê bán bóng ở quận 1, đến khi hết hàng thì đồng hồ đã điểm 3h - 4h đêm. Lúc đó đã quá khuya để đi bộ về nhà. Giữa đêm 30 Tết, chẳng thể kiếm đâu ra một chiếc xe ôm, cũng chẳng dám thuê taxi về vì tiếc tiền, anh ôm chị ngủ ngay trên vỉa hè để sáng sớm dậy đi bán hàng tiếp. Vất vả thật đấy, nhưng cái lúc ôm chị ngủ trên vỉa hè sau một ngày mệt nhọc là lúc anh cảm thấy lòng mình bình yên và hạnh phúc nhất. Đó cũng là giấc ngủ ngon nhất trong đời anh.
Những ngày đi bộ hàng chục cây số để bán từng quả bóng bay kiếm 1 - 2 nghìn đồng tiền lãi, Nghĩa không chỉ hiểu sự vất vả của lao động chân chính, mà còn hiểu những cay đắng, tủi nhục của những người bán hàng rong. Nghĩa bảo, một người chủ quán nước bình thường cũng có thể nhìn anh đầy khinh khi và nói: "Ê bóng, đi ra chỗ khác!", một kẻ giang hồ lang thang cũng có thể đến cà khịa với anh, "xin đểu" anh vài chục nghìn.
Có lần, khi bị "bắt nạt" trên đường phố, vốn bản tính chưa bao giờ phải nhường nhịn ai, anh đã lao vào quyết "ăn miếng trả miếng", để rồi hậu quả là mất cả thùng bóng - tài sản kiếm cơm của cả hai anh chị. Hôm đó anh lầm lũi đi bộ về khu trọ và kể cho chị nghe mọi chuyện. Đến lúc kể đến thùng bóng đã mất thì anh nghẹn lại. Chị không trách móc anh bất cứ điều gì, chỉ an ủi anh. Nhưng anh thì cảm thấy có lỗi vô cùng với chị.
Sau lần đó, anh vẫn thường xuyên bị bắt nạt trên đường phố, vẫn bị trêu chọc và cà khịa, đôi khi là xúc phạm. Nhưng anh đã thay đổi cách hành xử của mình. Có lần bị một người chủ quán ven đường chửi bới, gây sự, anh đã nghĩ: "Này, mày làm tao tức rồi đấy nhé. Nhưng tao nhất quyết không làm mất thùng bóng một lần nữa đâu".
Anh đã thay đổi và đã trưởng thành từ lúc nào mà chính anh cũng không hề hay biết…
Vương miện dành cho người phụ nữ nghị lực
Những ngày đầu mới ra Hà Nội sinh sống với mong muốn được gần con cái, anh chị đã khó nhọc vô cùng với chuyện cơm áo. Anh chị thuê căn phòng trọ nhỏ từ đó cho đến giờ, tính toán từng đồng trong việc tiêu pha mỗi ngày để không phải làm phiền cha mẹ hai bên. Vất vả là thế, nhưng tổ ấm của anh chị vẫn hạnh phúc. Cuộc sống của anh chị cũng bớt nhọc nhằn hơn khi chị xin được việc làm trong Trung tâm Sức khỏe phụ nữ, còn anh làm lái xe cho một công ty tư nhân.
Khi anh chị đến với nhau, chị đã qua một đời chồng và có hai con nhỏ, một đứa con câm điếc, một đứa con có H, còn anh thì chưa một lần làm chồng, làm cha. Những ngày mới về sống với nhau, chính anh cũng lo lắng vì không hiểu mình sẽ làm bố thế nào, không hiểu mình có yêu thương được những đứa trẻ không phải ruột thịt của mình không? Anh cũng lo lắng không biết những đứa con của chị có đón nhận anh, có chấp nhận anh như một người cha không?
Chị đã bảo với anh rằng, muốn trẻ con yêu thương mình, thì hãy yêu thương, chăm sóc chúng với tất cả sự chân thành. Anh đã nghe theo lời chị nói, làm theo nó, bằng cách rất riêng của mình. Anh tự tay tắm rửa, chăm sóc cho con chị. Anh đưa đón con chị đến trường mỗi ngày rồi lại ngồi kiên nhẫn bón từng thìa cơm cho nó. Con trai đầu của chị không thể nói, cũng không thể nghe. Anh lại ngồi học cách để giao tiếp với nó.
Anh bảo, dù nó không phải con ruột anh, nhưng khi nó bắt đầu trở nên gần gũi với anh, chủ động ngồi vào lòng anh và chăm chú xem tivi, anh đã thấy lòng mình rộn rã, lâng lâng. Có lần, khi đi học về, con trai chị bỗng ôm lấy anh, cố gắng nói ra những tiếng khó nhọc mà cháu vừa được dạy ở trường. Cháu nói "Con yêu bố" rồi nhìn anh cười. Khoảnh khắc đó, anh thấy sống mũi mình cay cay…
Khi cuộc thi "Dấu cộng duyên dáng" - cuộc thi sắc đẹp dành cho những người phụ nữ có H - diễn ra, anh đã mạnh dạn động viên chị đăng kí tham gia. Anh bảo dù chẳng hi vọng được giải gì, nhưng anh muốn chị đi để có thể nói cho những người khác thấy rằng những người có H vẫn sống một cuộc đời có ý nghĩa, vẫn làm việc và vẫn có thể hạnh phúc như những người bình thường. Anh đã động viên chị đi thi, vì anh muốn những người xung quanh thấy được người phụ nữ anh yêu và lấy làm vợ đã có được một nghị lực phi thường như thế nào khi vượt qua tất cả những cay cực, khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Vì anh, chị đã đồng ý tham gia, dù vẫn đinh ninh "mình sẽ chẳng qua được vòng gửi xe". Chính anh cũng chẳng kì vọng chị sẽ được giải. Nhưng những ngày chị đi thi, anh vẫn đưa đón chị, vẫn đứng xem chị chụp ảnh, quay phim, tập biểu diễn, để những lúc thấy chị mệt, anh lại đến giúp chị lau mồ hôi hay ép chị uống bịch sữa nhỏ để lấy lại sức. Đêm chung kết, khi chị trào nước mắt nghe MC xướng tên mình, cũng là lúc, ở dưới hàng ghế khán giả, anh đứng bật dậy, tung đứa con trai trên tay mình vì không kìm nổi hạnh phúc, khiến thằng bé khóc thét lên vì sợ hãi.
Anh đã ôm con chạy lên với chị, tặng cho chị bó hoa anh đã chuẩn bị sẵn từ nhà, dù lúc mua nó, anh chẳng hề dám mơ chị sẽ được đội lên đầu chiếc vương miện của "Hoa hậu HIV". Họ đã ôm nhau và khóc. Có một phóng viên ảnh nào đó đã kịp ghi lại cái khoảnh khắc xúc động ấy, để ngày hôm sau, khi bức ảnh đó được đăng tải, cũng là lúc câu chuyện xúc động về cuộc đời anh chị bắt đầu được độc giả cả nước biết đến.
Từ khi chị trở thành "Hoa hậu HIV", đi ra đường được nhiều người nhận mặt, cũng là lúc anh bỗng nhiên "nổi tiếng" lây. Rất nhiều phóng viên đến nhà anh chị, viết về anh chị và đưa ảnh anh chị lên báo. Anh không yêu cầu họ che mặt lại, bởi anh tự hào vì đã cùng chị vượt qua những khó khăn, làm lại cuộc đời. Dù anh biết, khi bài báo được đăng tải, rất có thể anh chị sẽ phải đối mặt với sự kì thị của một số ít người không hiểu biết xung quanh.
Và điều đó đã xảy ra. Khi biết anh nhiễm HIV, một giám đốc ở công ty cũ của anh đã gọi điện cho anh, dùng những lời lẽ miệt thị vợ chồng anh và tuyên bố đuổi việc anh. Lúc nghe những lời xúc phạm đó, trong lòng anh buồn vô hạn. Nhưng anh không nổi giận, không "ăn miếng trả miếng", mà chỉ tự nhủ lòng mình "rồi đến ngày nào đó người ta sẽ hiểu". Điều quan trọng nhất với anh là anh chị vẫn ở bên nhau, cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn, thiếu thốn, cùng nhau vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai.
Khi tôi đến thăm căn phòng trọ nhỏ bé đến tuềnh toàng của vợ chồng Huệ và Nghĩa, tôi nhìn thấy một dòng chữ rất lớn ở trên tường: "Đừng hỏi người khác đã làm gì cho mình. Hãy tự hỏi mình đã làm được gì cho những người mà mình yêu thương". Huệ bảo, đó là dòng chữ Nghĩa đã viết khi anh chị mới chuyển về ở căn phòng trọ này. Và tôi nghĩ, nó như một lời nhắc nhở, như một lời dặn dò của Nghĩa dành cho chính anh: rằng anh phải có trách nhiệm làm bờ vai, làm điểm tựa cho cả ba mẹ con chị, để bù đắp cho những bất hạnh của mẹ con chị trong quá khứ. Mái ấm của anh chị có thể rất nhỏ bé và vất vả. Nhưng dưới mái ấm đó luôn có những trái tim biết sống, biết yêu thương và biết hướng về nhau. Và tôi tin, yêu thương sẽ làm nên điều kì diệu; yêu thương sẽ tạo ra hạnh phúc
Theo Báo CAND
Cùng với học tập văn hóa, đồng chí Nguyễn Thanh còn hăng hái phát động phong trào "Tiến quân vào khoa học kỹ thuật" trong thanh niên Công an. Rồi phong trào viết đơn tình nguyện đi B, đoàn viên tập đeo gạch, đeo đá, tập leo rừng, leo núi, tập bơi cứ lan rộng trong thanh niên Công an.
Không chỉ đơn vị Phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát 113 mà Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 cũng thường xuyên diễn ra tình trạng quấy nhiễu từ các số điện thoại "rác". Có tới 20% xe cấp cứu 115 nhận được tin báo sau khi tới nơi thì đã phải trở về không. Nguyên nhân không có nạn nhân... cần cấp cứu.
(HBĐT) - Thực hiện Đề án “Đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở” giai đoạn 2006-2010, Sở VH-TT&DL đã tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động. Việc triển khai đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
(HBĐT) - Sáng ngày 17/3, Công an tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I và đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.
Những năm 1960, cả hai miền đất nước sống trong không khí hào hùng kháng chiến chống Mỹ.
Theo đó, mức độ nguy hiểm được tăng từ mức 4 lên mức 5 trên thang cảnh báo từ 1 tới 8.