Chủ động chuẩn bị cho việc chọn sách giáo khoa
Hiện nay, đã có 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong năm học tới, gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, cùng học để phát triển năng lực, chân trời sáng tạo, vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, cánh diều. Thay bằng việc chỉ có duy nhất 1 bộ SGK như trước đây, việc có đến 5 bộ SGK để các nhà trường chủ động lựa chọn là một bước tiến quan trọng mang tính đột phá trong đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thách thức đặt ra.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT cho biết: Quan điểm của Sở là phải có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng từ rất sớm để việc chọn SGK cho học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021 mới có thể đảm bảo hoàn thành tốt các yêu cầu đề ra. Từ cuối năm 2019 đến nay, Sở GD&ĐT liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức 2 hội nghị tập huấn về việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018, trong đó chọn lựa SGK là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu. Hiện nay, Sở đang hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện có hiệu quả Thông tư số 01 của Bộ GD&ĐT; giám sát việc thành lập hội đồng chọn SGK; quá trình thực hiện nhiệm vụ của hội đồng chọn SGK ở cơ sở. Theo dõi, giúp đỡ, giám sát, kiểm tra các cơ sở trong quá trình triển khai sách đã chọn.
Giáo viên trường tiểu học Đồng Tiến (TP Hòa Bình) chia tổ thảo luận chọn sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đã yêu cầu các đơn vị, nhà trường có các giải pháp tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng để xã hội hiểu và đồng thuận, tham gia giám sát việc lựa chọn SGK.
Để chủ động trong việc chọn sách, từ tháng 1/2020, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tham khảo nội dung, hình thức 5 bộ sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt ở dạng bản mềm trên internet. Từ ngày 6 – 10/2, Sở GD&ĐT phối hợp với Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục cung cấp 4/5 bộ sách ở dạng bản cứng cho 100% trường tiểu học, TH&THCS trên địa bàn tỉnh để hội đồng lựa chọn SGK các nhà trường thuận lợi trong việc chọn lựa (riêng bộ sách Cánh diều không in bản cứng để giới thiệu đến từng nhà trường). Theo kế hoạch, các nhà trường sẽ có 2 tháng nghiên cứu, đến cuối tháng 4 sẽ thống kê số lượng SGK cần sử dụng cho năm học tới để gửi các NXB.
Sách giáo khoa được chọn lựa thế nào?
Theo quy định, các nhà trường sẽ tiếp cận các bộ SGK, đọc, nghiên cứu, thử nghiệm; thành lập hội đồng lựa chọn SGK; công bố bộ sách sẽ sử dụng trong trường và bước cuối cùng là báo cáo Phòng GD&ĐT, đăng ký số lượng với các NXB.
Người đứng đầu cơ sở GDPT (hiệu trưởng) thành lập hội đồng chọn SGK; mỗi trường thành lập một hội đồng từ 7 – 11 thành viên tùy theo số lớp. Hội đồng lựa chọn SGK gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK được lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GDPT. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Giáo viên, tổ chuyên môn sẽ trực tiếp nghiên cứu, thảo luận và chọn lựa cuốn sách phù hợp với đặc điểm KT – XH địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại nhà trường trong 5 bộ sách đã được phê duyệt. Việc lựa chọn các cuốn sách được thực hiện theo từng môn (đầu SGK), không bắt buộc phải lựa chọn theo từng bộ (các trường tự lựa chọn trong 5 bộ sách mỗi bộ một hoặc nhiều hơn một môn học để ghép lại thành một bộ sách hoàn chỉnh).
Ví dụ, có thể chọn sách Tiếng Việt của bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống, chọn sách Toán của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực… Từ kết quả thẩm định, nhận xét, chọn lựa của giáo viên, các tổ chuyên môn, hội đồng chọn lựa sách sẽ bỏ phiếu kín để lựa chọn sách. Sách được chọn đảm bảo có trên 50% thành viên bỏ phiếu đồng ý chọn. Nếu không đủ 50% thành viên bỏ phiếu đồng ý chọn, sẽ họp và phân tích lại, bỏ phiếu lựa chọn lại. Nếu vẫn không đủ 50% thành viên bỏ phiếu đồng ý chọn, sẽ quyết định sách được lựa chọn là sách do tổ chuyên môn chọn với tỷ lệ cao nhất.
Tháo gỡ vướng mắc trong việc chọn sách giáo khoa
Năm đầu tiên thực hiện việc chọn SGK, lại là giao cho các nhà trường chủ động đã phát sinh khá nhiều khó khăn, vướng mắc cần được kịp thời tháo gỡ. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) chia sẻ về những khó khăn trong việc chọn SGK hiện nay: Các trường chủ động chọn SGK sẽ dẫn đến việc hiệu trưởng có thể bị áp lực vì chưa chủ động, thiếu tự tin, không có kỹ năng giải trình, còn trông chờ, ỷ lại hoặc hiệu trưởng thiếu kỹ năng quản lý chương trình học, có thể bị chi phối bởi lợi ích cá nhân... Một số trường còn thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là người hiểu biết về dạy liên môn theo chương trình mới sẽ gặp khó khăn khi thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Mặt khác, trình độ giáo viên chưa đồng bộ, một số nơi thiếu, yếu. Đối với các trường tiểu học nhỏ, lẻ ở vùng sâu, xa, miền núi, nơi đặc biệt khó khăn, lực lượng giáo viên khá mỏng, cộng với kinh nghiệm năng lực chuyên môn còn hạn chế thì việc lựa chọn SGK sẽ trở nên khó khăn, vất vả. Ngoài ra, từ tháng 7/2020, việc chọn SGK giao cho UBND tỉnh, thành phố, điều này có thể sẽ nảy sinh nhiều bất cập và xáo trộn chương trình dạy học cho giáo viên, học sinh các lớp.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là khối lượng 5 bộ SGK nhiều, cần nhiều thời gian đọc, nghiên cứu kỹ SGK để không chọn cảm tính hay chịu một yếu tố tác động nào. Việc để từng giáo viên đọc hết cả bộ sách rồi viết phiếu nhận xét, đánh giá từng cuốn sách sẽ không hiệu quả, do đó, Sở GD&ĐT đã có giải pháp là hướng dẫn các nhà trường thành lập các tổ nghiên cứu, thảo luận đánh giá SGK theo từng bộ môn.
Liên quan đến việc phụ huynh băn khoăn nếu con chuyển trường mà các trường sử dụng những bộ SGK khác nhau, Sở GD&ĐT cũng đã có chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường ngoài số lượng SGK đặt mua cho đủ học sinh lớp 1 thì sẽ phải đặt mua dư thêm 5 – 10 bộ để trang bị làm tài liệu cho thư viện cũng như hỗ trợ SGK cho học sinh chuyển đến trong giữa năm học. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm cho biết thêm: Việc học sinh chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ngữ liệu trong SGK chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo yêu cầu và nhiệm vụ của thầy cô. Khi các địa phương lựa chọn những bộ sách khác nhau, việc kiểm tra, đánh giá vẫn sẽ được đảm bảo. Chúng ta thực hiện "một chương trình nhiều bộ sách” thì việc kiểm tra, đánh giá vẫn phải đáp ứng những yêu cầu cần đạt của chương trình.
Ngoài ra, để giúp các nhà trường không loay hoay trong việc chọn sách, Sở GD&ĐT đã thành lập tổ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán gồm 32 đồng chí có nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDPT và chuẩn bị thực hiện việc lựa chọn SGK lớp 1 theo Chương trình GDPT năm 2018. Nhằm cụ thể hoá tiêu chí chọn SGK phù hợp với địa phương để các cơ sở giáo dục trực thuộc làm căn cứ lựa chọn; Sở đã xây dựng Quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT cấp tiểu học tỉnh Hòa Bình, xin ý kiến các cơ quan, sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc và tham mưu UBND tỉnh ban hành trong tháng 3/2020. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà trường đối chiếu khi chọn lựa SGK sao cho phù hợp.
Việc chọn sách giáo khoa phải bám sát vào bộ tiêu chí của từng địa phương
Chuẩn bị SGK cho học sinh lớp 1 năm học 2020 – 2021, NXB Giáo dục đã cung ứng 4 bộ SGK, mỗi bộ sách gắn với một triết lý riêng. Hiện nay, NXB Giáo dục đã đưa các bộ sách mẫu đến các địa phương, trường học. Ngoài SGK giấy, NXB Giáo dục còn phát triển bộ SGK điện tử, các tư liệu, tài nguyên số để hỗ trợ giảng dạy dành cho giáo viên. NXB Giáo dục sẽ cung cấp đầy đủ, đồng bộ thiết bị và học liệu giáo dục, hỗ trợ cho việc dạy và học hiệu quả trong nhà trường phổ thông.
Để giúp cho các địa phương, nhà trường chọn SGK, chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu, đưa ra bộ tiêu chí lựa chọn SGK. Bộ tiêu chí này tuân thủ các nguyên tắc lựa chọn không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới để làm cơ sở giới thiệu với các sở nghiên cứu. Đây là bộ tiêu chí khung để các địa phương bổ sung thêm tiêu chí phù hợp với đặc thù KT - XH để hình thành bộ tiêu chí riêng. Bộ tiêu chí do các địa phương ban hành sẽ là căn cứ quan trọng để các nhà trường, địa phương lựa chọn SGK. Việc chọn SGK phải kiên quyết bám sát các yêu cầu của bộ tiêu chí do UBND các tỉnh ban hành. Có như vậy mới chọn được bộ SGK phù hợp cho việc giảng dạy tại nhà trường, phát huy hết năng lực, phẩm chất, sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên cũng như học sinh.
Phan Xuân Thành
Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định sách giáo khoa
Thực hiện việc chọn SGK, nhà trường đã chia thành các tổ cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận để xây dựng phiếu nhận xét, đánh giá cho từng cuốn sách. Tuy nhiên hiện nay, chúng tôi đang gặp phải 2 khó khăn lớn.
Thứ nhất là học sinh tiểu học đang nghỉ học đến ngày 15/3 để phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 nên chúng tôi không thể thực hành dạy học sinh để có những nhận xét đánh giá thực tế, sát sao nhất mà việc lựa chọn SGK phải hoàn thành trong vòng hơn 1 tháng nữa.
Thứ hai là thời gian để chọn SGK khá ngắn, chỉ khoảng 2 tháng mà giáo viên phải nghiên cứu số lượng đầu sách khá nhiều, tổng bộ sách là 45 cuốn của 9 môn học và hoạt động giáo dục. Do đó, giáo viên khó có thể nghiên cứu chuyên sâu, kỹ lưỡng được.
Cao Thị Thế hiền
Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Thủy
Phụ huynh đặt trọn kỳ vọng vào trách nhiệm, tâm huyết của hội đồng chọn sách giáo khoa
Năm học tới là năm đầu tiên các nhà trường thực hiện chọn SGK, bản thân tôi sắp có con vào lớp 1 nên rất băn khoăn, lo lắng. Tôi đã tham khảo cả 5 bộ SGK nhưng thực sự không biết bộ sách nào sẽ phù hợp với con mình.
Do đó, phụ huynh chúng tôi đặt trọn kỳ vọng vào sự trách nhiệm, tâm huyết của các thầy, cô giáo, nhất là của hội đồng chọn SGK. Mong các thầy, cô thực sự chuyên tâm, đầu tư công sức, thời gian, trí tuệ và nghiệp vụ chuyên môn cho việc chọn sách; không làm việc qua loa, đại khái, không bị chi phối bởi bất cứ vấn đề ngoài lề nào. Việc chọn SGK phải thực sự phù hợp với điều kiện KT – XH địa phương, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhất là nhận thức của học sinh nhà trường.