Hôm nay (2.3), 59 tỉnh/thành trên cả nước đã đón học sinh trung học phổ thông và sinh viên quay trở lại học tập sau kỳ nghỉ dài phòng dịch COVID-19. Các cơ sở giáo dục đã gấp rút chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo an toàn cho người học, còn tâm trạng chung của học sinh, sinh viên là háo hức khi được trở lại trường.
Học sinh trung học phổ thông ở nhiều tỉnh, thành phố đi học trở lại sau những ngày nghỉ dài. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn.
Trường học sẵn sàng, phụ huynh yên tâm
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến chiều 1.3, trên thế giới có 86.980 ca mắc COVID-19 (tăng 1.768 ca so với ngày 29.2). Tổng số trường hợp tử vong là 2.979. COVID-19 đã lan ra 64 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Còn tại Việt Nam, 16/16 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được điều trị khỏi. Kể từ ngày 13.2 tới thời điểm hiện tại, Việt Nam không ghi nhận trường hợp nào mắc mới.
Căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, khuyến cáo của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 59 địa phương trên cả nước đã quyết định đón học sinh cấp trung học phổ thông, sinh viên trở lại trường từ 2.3. Chỉ riêng Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Thái Bình, học sinh tiếp tục được nghỉ hết 8.3 để phòng dịch.
Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, trong 2 ngày 29.2 và 1.3, cơ sở giáo dục tại các địa phương đã gấp rút thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, chuẩn bị mọi điều kiện như trang bị nước rửa tay, khẩu trang máy đo thân nhiệt, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thúy, đến chiều 1.3, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã nghiêm túc thực hiện vệ sinh trường lớp. Các nhà trường đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên quy trình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và sẽ dành tiết học đầu tiên của ngày thứ hai (2.3) để hướng dẫn tất cả học sinh, học viên, sinh viên (theo đơn vị lớp) thực hiện phòng, chống dịch bệnh được Bộ Y tế, Sở Y tế khuyến cáo.
Tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TX Đông Triều, Quảng Ninh), theo bà Ngô Thị Liêm - Phó Hiệu trưởng nhà trường, ngoài trang bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn ở các lớp học, sáng 2.3, trường sẽ phát khẩu trang miễn phí cho toàn thể học sinh. Mỗi em sẽ có 2 khẩu trang y tế, 2 khẩu trang diệt khuẩn (có thể sử dụng giặt lại 30 lần). Trong các ngày đi học, nhà trường sẽ bố trí giáo viên kiểm tra thân nhiệt của học sinh tại cổng trường và có phòng cách ly tạm thời nếu có trường hợp học sinh bị ho, sốt.
Còn tại Vĩnh Phúc, các cơ sở giáo dục cũng tự tin đón học sinh THPT đi học trở lại từ 2.3 sau thời gian dài nghỉ vì COVID-19. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cho hay, 100% đơn vị, nhà trường đã phun hóa chất khử trùng xong trước 1 ngày khi học sinh bắt đầu đi học; vệ sinh toàn bộ trường lớp, môi trường xung quanh, các phòng chức năng, các thiết bị dạy học và đồ dùng học tập của học sinh, đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Đặc biệt, tại Trường THPT Võ Thị Sáu (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) - nơi từng có 1 học sinh bị nhiễm COVID-19, hiện học sinh này đã xuất viện và tất cả học sinh, giáo viên tiếp xúc với bệnh nhân này đã được rời khu cách ly để trở về nhà. Các xét nghiệm đều cho thấy âm tính với SARS-CoV-2. Cô Phạm Thị Bích Ngọc – giáo viên của trường – cho hay, học sinh và giáo viên của trường đã được tuyên truyền, tập huấn rất kỹ công tác phòng, chống dịch và sẵn sàng ứng phó với các tình huống. Cô mong phụ huynh yên tâm để con em mình đến trường. Khi trở lại trường, cả học sinh và giáo viên sẽ phải đến sớm hơn mọi khi (trước 7h) để thực hiện việc kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt. "Học sinh của Trường THPT Võ Thị Sáu đã vượt qua những ngày khó khăn. Giờ đây, mọi người đều có sức khoẻ tốt sẵn sàng bước vào những ngày học tập mới”- cô Ngọc nhấn mạnh.
Tự nâng cao ý thức phòng dịch
Còn với các trường đại học, theo ghi nhận của Lao Động, ngay từ 1.3, sinh viên đã hối hả chuẩn bị tư trang, sách vở để trở lại trường sau kỳ nghỉ dài ngày phòng dịch COVID-19. Khu ký túc xá của các trường đại học đã có đông sinh viên. Trong khi đó, các trường cũng gấp rút chuẩn bị các điều kiện để mở cửa đón người học vào ngày 2.3. Mọi khâu chuẩn bị để đảm bảo an toàn cho sinh viên được các trường thực hiện rốt ráo, với phương châm nâng cao ý thức tự phòng, chống dịch.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nói rằng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của trường đã xây dựng kịch bản, với các tình huống của cụ thể để đảm bảo an toàn cho sinh viên trong toàn hệ thống có thể đi học từ ngày 2.3. Trong đó, Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Y - Dược của trường sẽ hỗ trợ các trường thành viên thông tin về an toàn phòng ngừa, theo dõi sức khỏe của sinh viên. Đây cũng sẽ là nơi hỗ trợ chăm sóc, cách ly trong trường hợp phát hiện sinh viên có biểu hiện, nghi ngờ mắc COVID-19.
Riêng với sinh viên đến từ các vùng có dịch tại tỉnh Vĩnh Phúc (Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương), Thanh Hóa (xã Định Hòa, Yên Định), các trường thành viên sẽ thực hiện rà soát, báo với Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội để thực hiện khám sàng lọc, lập phiếu điều tra dịch tễ ngay khi tiếp nhận sinh viên trở lại trường. Khu ký túc xá, giảng đường, khuôn viên tất cả trường của Đại học Quốc gia cũng đã được phun thuốc khử khuẩn; các tờ hướng dẫn, chai nước rửa tay diệt khuẩn, khẩu trang... đã được đặt ở nhiều vị trí trong trường, phục vụ sinh viên thực hiện những nguyên tắc vệ sinh an toàn, để phòng chống dịch.
Với những chuẩn chu đáo và đủ điều kiện để chủ động trong mọi tình huống, các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội sẵn sàng đón sinh viên trong nước trở lại trường từ ngày 2.3. Riêng sinh viên, học viên sau đại học, giảng viên, chuyên gia quốc tế có quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ở trong vùng dịch (đang ở tại các quốc gia này) sẽ tiếp tục được nghỉ cho đến khi có thông báo mới.
Còn PGS-TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - cho biết, trường đã gửi khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế về các giải pháp nhằm ngăn ngừa nhiễm bệnh và lây nhiễm dịch đến sinh viên. Để đảm bảo an toàn cho người học, ông cho rằng, ngoài việc nhà trường thực hiện tốt, trang bị đầy đủ cho sinh viên các vật tư y tế, thì ý thức chủ động trong việc phòng dịch của người học là rất quan trọng. PGS Trần Văn Tớp nhấn mạnh: "Chúng tôi khuyến cáo sinh viên tự theo dõi sức khỏe của mình. Hạn chế đến nơi đông người, thực hiện tốt việc vệ sinh tay thường xuyên”.
Theo Báo Lao Động
Chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực và phải bảo đảm môi trường vệ sinh dịch tễ trong trường học an toàn bằng hay thậm chí hơn trụ sở cơ quan nhà nước. Chỉ riêng việc kiểm soát người ra, vào thì các trường học đã có điều kiện hơn khi biết rõ từng học sinh, từng giáo viên trong khi tại các trụ sở cơ quan nhà nước có cả những người không rõ lai lịch, tình trạng sức khoẻ đến làm việc.
Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường trong quân đội năm 2020.
Việc ba trường đại học của Việt Nam được xếp hạng ghi nhận những nỗ lực của hệ thống giáo dục đại học trong nước, mặc dù Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có nền kinh tế cận biên.
Để tránh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định trong dịp học sinh nghỉ học phòng dịch COVID-19, UBND thành phố Thanh Hóa ( tỉnh Thanh Hóa) vừa ra văn bản nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm trong, ngoài nhà trường, kể cả học nhóm…
(HBĐT) - Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 2, huyện Lương Sơn có 95% người khuyến tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục, vượt 35% so với yêu cầu của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC). Đây là một trong những minh chứng rõ nét cho nỗ lực của huyện trong thực hiện công tác PCGD, XMC. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác PCGD, XMC trên địa bàn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học.
Đó là khẳng định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non.