Tại buổi họp báo do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 30.9, nhiều thông tin xoay quanh việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp; sử dụng sách tham khảo thế nào; thi cử, tuyển sinh giai đoạn tới ra sao... đã được giải đáp.


Bộ GD-ĐT yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc HS phải mua tài liệu tham khảo.

Siết quản lý sử dụng sách tham khảo

Xung quanh việc lạm dụng, ép buộc học sinh (HS) mua sách tham khảo vào dịp đầu năm học, ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp năm học, cũng như chấn chỉnh kịp thời tình trạng lạm thu. Bộ yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc HS phải mua tài liệu tham khảo. Các sở GD-ĐT phải tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc cung cấp SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, ông Nam chia sẻ thị trường sách tham khảo rất lớn, đa dạng và phong phú, Bộ không thẩm định nội dung sách tham khảo, nhưng Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quản lý sách tham khảo cho phù hợp hơn trong mỗi trường.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đã có quy định rất chặt chẽ về việc đưa sách vào nhà trường. Đặc biệt, giáo viên (GV) không được đưa vào bài dạy, bài kiểm tra đánh giá những nội dung vượt quá chương trình và nội dung ấy lại xuất hiện trong sách tham khảo.

Sẽ sớm công bố phương án thi và tuyển sinh 2021 - 2025

Xung quanh vấn đề thi tốt nghiệp THPT giai đoạn tới, ông Trần Quang Nam cho biết, căn cứ vào kết quả đổi mới giai đoạn trên, Bộ đã xác định định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. "Bộ đang xây dựng để sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021 - 2025, trên quan điểm phân rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ và trách nhiệm triển khai cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục đối với các kỳ thi và tuyển sinh. Trong đó, tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH trong tuyển sinh; đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh; có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến về giáo dục trên thế giới”, ông Nam nói.
Sẽ hướng dẫn việc cho học sinh sử dụng điện thoại

Ông Trần Quang Nam cho biết Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học Bộ mới ban hành, cho phép HS được sử dụng trong giờ học. Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh, quy định này nhằm hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học chứ không phải HS cứ muốn là mang điện thoại và sử dụng trong lớp học. Việc sử dụng điện thoại chỉ được thực hiện với mục tiêu phục vụ học tập và được GV cho phép và kiểm soát chặt chẽ.

Đặc biệt, ông Nam cho biết: "Tới đây, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn để sử dụng điện thoại trong lớp học, phối hợp với các đơn vị liên quan có chuyên môn về công nghệ thông tin nhằm kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong lớp học, mục tiêu là chỉ phục vụ việc học”.

Chương trình lớp 1 mới có nặng?

Trước câu hỏi về việc trên một số diễn đàn, phụ huynh nói chương trình lớp 1 mới hiện nay là nặng, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết Bộ chưa nhận được bất kỳ phản ánh chính thức nào từ GV, các nhà khoa học về điều này.

Theo ông Tài, lớp 1 có 9 môn học có quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học khi kết thúc năm học. Ông Tài cũng cho biết, trong chương trình mới, Bộ có đưa ra một mục khác với chương trình hiện hành, đó là có sự phát triển, điều chỉnh chương trình trong quá trình thực hiện.

"Như thế, trong quá trình triển khai chương trình, Bộ tiếp tục lắng nghe phản biện những việc phát sinh trong thực tế, khi có đủ thời gian, có đầy đủ căn cứ khoa học đánh giá, lúc đó chương trình sẽ có tổng kết lại để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn triển khai”, ông Tài nói.

Theo Báo Thanh Niên

Các tin khác


Tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã, đang tập trung cho học sinh ôn tập đảm bảo có kết quả tốt nhất. Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo kỳ thi an toàn, chất lượng.

Tổng kết chuyên đề “An toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục mầm non” giai đoạn 2020 - 2024

Ngày 20/5, tại huyện Tân Lạc, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện chuyên đề "An toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN)” giai đoạn 2020 - 2024. 

Hội thi Phụ trách sao giỏi - Sao Nhi đồng chăm ngoan

Ngày 18/5, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Hội thi "Phụ trách sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan” năm 2024 với sự tham gia của 70 đội viên, thiếu niên, nhi đồng của 10 đội thi đến từ các huyện, thành phố.

Trường mầm non Lạc Sỹ: Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Tổng kết cuộc thi xây dựng trường học xanh - an toàn - hiệu quả      

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Cuộc thi Xây dựng trường mầm non "Xanh - an toàn - hiệu quả” và Cuộc thi Xây dựng không gian trường học, lớp học "An toàn - sáng tạo - hiệu quả” cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024.   

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục