Từ hôm nay, học sinh các trường phổ thông ở nhiều địa phương đã bắt đầu học trực tuyến. Trong khi đó, hầu hết các trường đại học đã thông báo lịch học trực tuyến trong 2 tuần đầu sau kỳ nghỉ tết.


Để học trực tuyến hiệu quả, học sinh, sinh viên cần có thái độ chủ động, tự giác và tích cực
ĐÀO NGỌC THẠCH

Vậy, người học cần chuẩn bị gì để bắt nhịp với học kỳ mới một cách hiệu quả?

Cần có thái độ chủ động, tự giác, tích cực

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, qua hơn 1 năm bùng phát dịch bệnh Covid-19, cả giảng viên và sinh viên (SV) đều đã dần quen với hình thức học tập trực tuyến.

Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ tết, tiến sĩ Thụy cho rằng mỗi SV cần làm 3 việc để bắt đầu một học kỳ mới hiệu quả.

Thứ nhất, cập nhật ngay lịch học và tài liệu học tập của từng môn, được chia sẻ từ giảng viên thông qua trang LMS của trường. Điều này rất quan trọng khi bắt đầu nắm bắt tổng quan môn học và kế hoạch giảng dạy của giảng viên nhằm chủ động trong quá trình học tập.

Thứ hai, cần chủ động thảo luận và thành lập các nhóm học tập của từng môn học bởi hầu hết các môn học, giảng viên sẽ giao bài tập nhóm, dự án để SV thảo luận và thực hiện cũng như thuyết trình. Hoạt động này không chỉ giúp SV nắm bắt nội dung, ứng dụng vào thực tiễn mà còn giúp tăng tương tác trong khi học trực tuyến.

"Cuối cùng, các em cần có một tâm thế tốt và chủ động trong quá trình học trực tuyến thay vì bị động chỉ ngồi nghe giảng viên mà không ghi chép. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị một không gian yên tĩnh cho từng buổi học để khi chuyển sang hình thức học tập trung sẽ không bị động với tiến độ giảng dạy và học tập”, tiến sĩ Thụy nhìn nhận.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thoa, Trưởng khoa Chính trị - Luật, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: "Ngay sau tết, các em cần xác định kế hoạch và mục tiêu học kỳ, từ đó cụ thể hóa vào từng môn học và kiên trì để đạt được kết quả đó. Muốn làm được điều này, cần có tinh thần tự giác học tập và kiên định với mục tiêu của mình. Để học trực tuyến hiệu quả, cần phải có không gian học tập riêng tư, đảm bảo sự tập trung. Các em nên xây dựng kế hoạch học tập trực tuyến một cách rõ ràng, chi tiết, phù hợp với kế hoạch tổng thể của học kỳ”.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Thoa, SV cần có thái độ học tập nghiêm túc, tích cực tương tác với giảng viên bằng câu hỏi, tham gia thảo luận và phải ghi chép đầy đủ những gì giảng viên trình bày vào tập hoặc sổ tay. Đồng thời thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về bài tập cá nhân, bài tập nhóm... và nghiên cứu trước tài liệu cho buổi học trực tuyến tiếp theo, theo yêu cầu của giảng viên.

Bỏ thói quen ngày tết

Không thể phủ nhận kỳ nghỉ tết kéo dài sẽ khiến không ít SV chưa thể ngay lập tức bắt nhịp với việc học.

Ông Nguyễn Minh Trí, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đánh giá và đưa ra lời khuyên: "SV nghỉ tết lâu ngày dễ xuất hiện tình trạng thụ động và chi phối về mặt tinh thần. Chính vì thế, việc lấy lại tinh thần học tập vô cùng quan trọng. Những ngày cuối kỳ nghỉ tết, các em cần thường xuyên theo dõi thông báo của giảng viên trên hệ thống quản trị học tập của trường để kịp thời nắm bắt những thông tin mới nhất từ nhà trường và giảng viên, tránh bỏ lỡ những thông tin cần thiết. Các em cũng nên xem qua đề cương môn học và giáo trình để nắm bắt tinh thần môn học, đồng thời mấy ngày này cần xem lại bài, bắt tay vào chuẩn bị cho môn học trong học kỳ mới trước khi quay lại việc học”.

Giảng viên Nguyễn Minh Trí cũng nhận định việc tham gia học trực tuyến hiện đang gây nhiều khó khăn cho SV, chủ yếu vì SV đã quen với việc học trực tiếp trên lớp. "Để chuẩn bị tốt cho việc học trực tuyến ngay sau tết, SV cần chuẩn bị năng lực sử dụng công nghệ thông tin để có thể ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản trị như LMS, Moodle, Google Classroom hay các công cụ học tập và giảng dạy như Zoom, Google Meet...”, ông Trí chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc triển khai học trực tuyến đa phần ở các môn thiên về lý thuyết. "SV cần đọc trước giáo trình, ghi chú, gạch dưới những nội dung chưa rõ để có thể trao đổi cùng giảng viên. SV cũng cần đảm bảo điều kiện đường truyền/mạng ổn định để có thể theo dõi xuyên suốt bài giảng của thầy cô”, thạc sĩ Bảo Khôi lưu ý.

Ngoài ra, đa số giảng viên sẽ căn cứ vào thời khóa biểu đã được phân công để tiến hành tiết dạy trực tuyến nên thạc sĩ Khôi khuyên SV cần theo dõi và ghi chú cụ thể thời khóa biểu để không bỏ lỡ giờ học. Hơn thế, khi học trực tuyến, SV cần mở webcam/camera vì thao tác đó không chỉ phục vụ cho việc điểm danh mà còn là một cách thể hiện sự tôn trọng với giảng viên, cũng như SV có thể nhanh chóng, kịp thời phản hồi, tương tác với giảng viên nhằm tăng hiệu quả học tập.

Theo Báo Thanh niên


Các tin khác


Cần chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 từ sớm, không lơ là, chủ quan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp phiên đầu tiên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024

Ngày 16/5, Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ XVI, năm 2023 và tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Nhiều bất cập với giáo viên được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo

Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, thực tế đội ngũ nhà giáo còn có một số bất cập.

Đồng bộ giải pháp đảm bảo đủ SGK cho năm học mới

Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.

Những lưu ý trong tuyển sinh

Hiện nay, các trường đại học bắt đầu triển khai các phương thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh năm 2024. Để hạn chế các sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã đưa ra các lưu ý để thí sinh, trường đại học và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chức danh, chuẩn nhà giáo, chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục