Nhân dịp 20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Để thu hút được đội ngũ trẻ, giỏi gắn bó với nghề giáo có nhiều yếu tố. Tôi nghĩ khi tham gia hoạt động nghề nghiệp, nhà giáo được phát triển bản thân, được khẳng định mình, có đời sống tốt, phát huy được năng lực… khi đó sẽ thu hút được nhiều hơn những người có năng lực, trình độ”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn sáng 8/11 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về vấn đề thiếu giáo viên. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thưa Bộ trưởng, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một vấn đề được các đại biểu quan tâm là tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt giáo viên ở vùng khó khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Xin hỏi Bộ trưởng, cùng với Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã và đang giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ra sao, đặc biệt là giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018?
Có thể nói chưa bao giờ ngành giáo dục có được một lực lượng nhà giáo đông đảo như thời điểm này, xét về số lượng, cơ cấu, quy mô từ bậc mầm non, cho tới đại học, giáo dục thường xuyên; kể cả lực lượng trực tiếp giảng dạy và quản lý.
Chúng ta vẫn nói hiện nay giáo viên đang thiếu khá nhiều, nhưng đó là xét về mặt nhu cầu để phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và đảm nhiệm đủ người giảng dạy cho số học sinh, trẻ em ngày càng tăng. Còn so với nhiều năm về trước, đây là giai đoạn lực lượng nhà giáo lớn mạnh, đông đảo. Đây là vốn quý nhất, tài sản lớn nhất của ngành để thực hiện những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho.
Ở thời điểm này, nhà giáo cũng được đào tạo tốt hơn hẳn so với giai đoạn trước; được đào tạo cả trong nước, ngoài nước, cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được bồi dưỡng huấn luyện về phương pháp giảng dạy, tiếp cận các phương pháp sư phạm mới, khoa học giáo dục tốt nhất của thời đại. Đăc biệt là giảng viên đại học, tỉ lệ được đào tạo ở nước ngoài, số lượng người có trình độ tiến sĩ tăng đáng kể.
Những năm gần đây tỉ lệ trường ngoài công lập từ mầm non đến đại học cũng gia tăng đã đem lại những nhân tố mới, làm cho lực lượng nhà giáo đông đảo hơn, cho thấy sự đầu tư từ nhiều phía. Luật Giáo dục 2019 đặt vấn đề về nâng chuẩn, đặt yêu cầu cao hơn với việc nâng cao trình độ của nhà giáo một mặt là áp lực, nhưng về tổng thể đã thúc đẩy nhà giáo nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đổi mới, cũng như về chất lượng giáo dục.
Nhìn về tổng thể, toàn bộ lực lượng vẫn giữ được tinh thần, phẩm chất, nhiệt thành của nhà giáo từ trong truyền thống. Trên 1,6 triệu nhà giáo vẫn là những người rất tâm huyết với công việc và sự nghiệp trồng người; vẫn đang tích cực khắc phục khó khăn, thách thức để vẫn yêu nghề, hy sinh vì học trò, chăm lo cho các thế hệ học trò.
Có thể nói rằng, lực lượng nhà giáo cũng đang không ngừng thể hiện tính sáng tạo, tinh thần tự học, tự vươn lên, thích nghi với các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp 4.0 để hoàn thành tốt công việc của mình. Sức sáng tạo và đổi mới của nhà giáo là điều tôi rất ấn tượng và tự hào.
Ví dụ trong thời gian 3 năm chống dịch COVID-19, toàn ngành chuyển sang dạy và học trực tuyến, các nhà giáo thích nghi rất nhanh với công việc, với rất nhiều sáng kiến, sáng tạo. Khi Bộ GD&ĐT phát động cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử để đóng góp vào kho học liệu chung thì trong thời gian rất ngắn đã có trên 40.000 bài giảng đa dạng, phong phú, thiết kế công phu được gửi về. Cho thấy đội ngũ nhà giáo với sức sáng tạo mạnh mẽ.
Nhìn nhận kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà đất nước đạt được trong thời điểm hiên tại - khi chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tầm vóc, vị thế như hiện nay, thì trong đó có phần đóng góp của các thầy cô giáo, của lực lượng làm công tác giáo dục.
Đứng trước những yêu cầu mới của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển đất nước, tôi tin tưởng lực lượng nhà giáo sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu và hoàn toàn có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình.
Trong lực lượng nhà giáo có nhiều tấm gương vượt lên gian khổ để đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Có thể nói, những phẩm chất tốt đẹp từ trong truyền thống cho tới ngày nay của lực lượng nhà giáo khiến tôi rất tin tưởng và tự hào.
Toàn ngành đang đứng trước thách thức rất lớn, thách thức của sự phát triển, đứng trước những áp lực của đổi mới. Nhưng những thách thức, áp lực như vậy cũng là cơ hội để nhà giáo tiếp tục đổi mới, tiếp tục phát triển, tiếp tục trưởng thành.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, trong những năm vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Trung ương giao bổ sung biên chế cho ngành giáo dục và Trung ương đã 2 lần bổ sung biên chế cho ngành giáo dục cho các địa phương (năm 2020 bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên; năm 2022 bổ sung thêm 65.980 biên chế giáo viên cho giai đoạn 2022 - 2026).
Đồng thời, Bộ GD&ĐT tích cực thực hiện các giải pháp để giải quyết vấn đề này, cụ thể như: Ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25/8/2020 quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo nhằm cụ thể hóa về việc bố trí, sử dụng đối tượng này để bảo đảm chất lượng giáo dục nhưng không làm xáo trộn việc giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục; Xây dựng Thông tư thay thế Thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để sử dụng biên chế được giao một cách hiệu quả và tiết kiệm biên chế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc đủ số lượng người làm việc theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT để thực hiện công tác giảng dạy tất cả các môn học và các hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục.
Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2020/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, trong đó cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày.
Bộ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thực hiện công tác xã hội hóa một cách linh hoạt theo điều kiện thực tế của địa phương; Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm để thu hút học sinh vào ngành Sư phạm, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên, nhất là các môn học mới, cấp học còn thiếu nhiều giáo viên; Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, trong đó có đào tạo sinh viên ngành sư phạm...
Thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện các giải pháp đã tiến hành trong nhiều năm qua, chú trọng chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các giải pháp: Xây dựng Đề án phát triển đội ngũ; Rà soát, sắp xếp hệ thống trường lớp: Giảm các trường có quy mô nhỏ, xây dựng trường học có nhiều cấp học, xã hội hóa ở những nơi có điều kiện; Rà soát đội ngũ giáo viên các cấp học, bậc học, bố trí, sắp xếp giáo viên phù hợp trong phạm vi tỉnh, liên huyện, liên xã; bố trí giáo viên các môn đặc thù dạy liên trường, liên cấp; Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP và Nghị định số 141/2020/NĐ-CP; Khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài đặc biệt ở các vũng khó khăn và hỗ trợ thêm cho nhà giáo để đảm bảo an sinh xã hội, mức sống cho nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất, kiến nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sửa đổi một số quy định về tuyển dụng, tiếp nhận viên chức (trong đó có việc tiếp nhận các sinh viên tốt nghiệp theo chương trình đặt hàng đào tạo của địa phương để cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP và Nghị định số 141/2020/NĐ-CP. Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh quy định về việc biệt phái để công tác biệt phái giáo viên được thực hiện có hiệu quả, đảm bảo các chế độ, chính sách cho giáo viên biệt phái, góp phần giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại địa phương.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên là vấn đề thu nhập. Như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời trong phiên chất vấn vừa qua, lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Vậy Bộ GD&ĐT đã có những rà soát như thế nào để đề xuất lương cho giáo viên, đặc biệt ở bậc phổ thông và mầm non. Đời sống của các nhà giáo sẽ được bảo đảm ra sao khi Luật giáo dục 2024 được bàn thảo, thưa Bộ trưởng?
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/CP của Trung ương về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ GD&ĐT đã xây dựng bảng lương cho cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học gửi Bộ Nội vụ.
Theo đó, ngoài bảng lương chung như các đơn vị hành chính sự nghiệp, Bộ GD&ĐT đã đề xuất mức phụ cấp ưu đãi nghề cao hơn, tương xứng với vị trí việc làm của các cấp học, ngành học nhằm giúp thu nhập qua lương của nhà giáo tăng thêm (đặc biệt đối với cấp học mầm non).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng trò chuyện với học sinh lớp 12, Trường THPT Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định vào tháng 6/2023. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN
Ngày 7/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 95/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023. Theo đó, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo với 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo như truyền thông đã đưa tin thời gian qua.
Hiện tại Bộ GD&ĐT đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó Bộ dự kiến tham mưu, đề xuất quy định về chính sách tiền lương đối với nhà giáo đảm bảo thể hiện được tinh thần về cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và quan điểm về việc ưu tiên xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Đồng thời, đề xuất quy định các chính sách hỗ trợ, chính sách thu hút đối với nhà giáo, đặc biệt quan tâm đến nhà giáo trẻ, nhà giáo công tác ở các vùng khó khăn. Những chính sách này nhằm giúp nhà giáo sống được bằng nghề, thu hút được lực lượng lao động vào công tác và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục.
Bộ GD&ĐT mong rằng các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương sẽ luôn đồng hành, ủng hộ Bộ trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo; đồng lòng cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo để các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương có cơ sở ban hành các cơ chế, chính sách liên quan xứng tầm với vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo đã được tuyên ngôn trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; giúp nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết với nghề, đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thưa Bộ trưởng, giáo viên là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp giáo dục. Ngành giáo dục sẽ làm những gì để đội ngũ giáo viên không chỉ đủ về số lượng, mà còn vững vàng về chất lượng, để có thể đáp ứng được các yêu cầu mới: Trước hết là những yêu cầu của đổi mới chương trình, sách giáo khoa; tiếp đó là sự phát triển như vũ bão của công nghệ và các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới?
Định hướng lâu dài của ngành là muốn có nền giáo dục chất lượng cao, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Muốn làm được vậy thì phải thu hút được nhiều người trẻ, người giỏi vào học sư phạm.
Để học sinh muốn thi vào sư phạm phải làm nhiều việc, trong đó yếu tố đời sống bao giờ cũng là yếu tố ban đầu. Nghề giáo ở các quốc gia khác cũng vậy, không phải là một nghề giàu có về mặt lương và thu nhập nhưng ít phải đảm bảo mức sống để người ta có thể sống bằng nghề.
Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ học sinh giỏi, thu hút học sinh giỏi vào học các trường đại học sư phạm bằng việc đặt hàng, hỗ trợ sinh hoạt. Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Từ khi có Nghị định 116 việc thu hút học sinh vào học sư phạm cũng được cải thiện. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sinh hoạt phí và đặt hàng triển khai của địa phương còn một số vấn đề vướng và hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tham mưu Chính phủ để sửa Nghị định 116 theo hướng thu hút được người giỏi vào học sư phạm nhiều hơn.
Còn một việc nữa là làm sao để thu hút được những người đam mê với ngành và người ta thấy rằng nghề giáo thực sự là một công việc vinh quang, cao quý, ở đó người giỏi được khẳng định mình và được ghi nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Nhà giáo được phát triển bản thân, được khẳng định mình, có đời sống tốt, phát huy được năng lực… khi đó sẽ thu hút được nhiều hơn những người có năng lực, trình độ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Các trường học trong quá trình đổi mới cũng cần có những điều chỉnh để môi trường làm việc gia tăng yếu tố dân chủ để khi nhà giáo tham gia hoạt động được sáng tạo nhiều hơn, thể hiện mình tốt hơn, có cơ hội được phát triển và luôn luôn được hỗ trợ. Được quan tâm, được kỳ vọng nhưng phải được hỗ trợ, được tôn vinh.
Có rất nhiều yếu tố nhưng tôi nghĩ khi tham gia hoạt động nghề nghiệp nhà giáo được phát triển bản thân, được khẳng định mình, có đời sống tốt, phát huy được năng lực… khi đó sẽ thu hút được nhiều hơn những người có năng lực, trình độ. Đặc biệt là khối giáo dục đại học, nếu không thu hút được lực lượng nhân tài để bồi dưỡng, phát triển thành lực lượng chuyên gia, những nhà khoa học đầu ngành sẽ rất khó có một nền khoa học, một nền giáo dục đại học cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, đáp ứng nhân lực ngày càng đòi hỏi cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Như vậy, cần phải có cả cơ chế cho sự phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực khoa học và công nghệ. Cũng trong lĩnh vực giáo dục đại học, cơ chế trong sở hữu trí tuệ, để những sản phẩm trí tuệ được thương mại hoá phục vụ cho sản xuất, cơ chế thông thoáng vừa kích thích đổi mới sáng tạo trong nhà trường, sự đổi mới sáng tạo của từng cá nhân và đó cũng là con đường để thu hút nhân tài tham gia vào lĩnh vực giáo dục đại học.
Trước sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghệ và các phương pháp giáo dục tiên tiên; giáo dục Việt Nam cũng cần có sự chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng mục tiêu "chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” như tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng; chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học, giáo dục khởi nghiệp và giáo dục thích ứng. Điều đó đòi hỏi đội ngũ nhà giáo cần có sự thay đổi cả trong nhận thức và hành động, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục.
Bên cạnh việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên để có đủ giáo viên đứng lớp, chất lượng của đội ngũ giáo viên cũng được Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ bằng các giải pháp đồng bộ.
Một là, tăng cường nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng có tính chất quyết định đến chất lượng giáo dục của đội ngũ nhà giáo. Nhà giáo trong thời gian tới phải là người có kiến thức nền tảng chắc chắn và uyên bác và phải là người tổ chức, dẫn dắt, định hướng cho học trò thích nghi và tự tích lũy kiến thức.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện và triển khai một cách có hiệu quả các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo đã và đang được triển khai trong thời gian qua. Hoàn thành lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ; chú trọng phát triển năng lực số, năng lực tự học, sáng tạo cho nhà giáo các cấp.
Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Chuẩn hóa chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, chuẩn yêu cầu đổi mới giáo dục. Quan tâm tới bồi dưỡng năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, đạo đức nhà giáo đối với sinh viên các trường sư phạm.
Bốn là, cập nhật bổ sung các chương trình bồi dưỡng thường xuyên sát với thực tiễn và nhu cầu của giáo viên. Xây dựng kho học liệu số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng thường xuyên. Quan tâm, hỗ trợ giáo viên đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm theo phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau”.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo. Kiên trì kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền trong việc quan tâm chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, nhất là tiền lương, phụ cấp ưu đãi để đảm bảo cuộc sống, giúp cho nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với Ngành, đồng thời tạo động lực để thu hút người giỏi vào công tác trong ngành Giáo dục.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Báo Tin tức
Phương án này được Bộ GD&ĐT nêu tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì vào ngày 14/11.
Bộ GDĐT vừa tổ chức Hội thảo Tham vấn ý kiến chuyên gia về Dự thảo Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới điều chỉnh sau thử nghiệm.
Tổ chức Elite TALKS Inc (Australia) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố Cần Thơ tổ chức vòng Chung kết cuộc thi BAY Competition mùa 4 năm 2023 vào tối 12/11.
Chiều 13/11, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị tập huấn về công tác truyền thông năm học 2023 – 2024.
Ngày 15/10 vừa qua, tại California, Hoa Kỳ, Học viện Viettel được vinh danh trong lễ trao giải thưởng quốc tế về đào tạo và phát triển LearningElite Award của tổ chức Chief Learning Officer (CLO) cùng 59 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như IBM, Dell, Siemens, Johnson & Johnson, KMPG,... Đây là lần thứ hai liên tiếp Học viện Viettel đoạt giải thưởng và là đơn vị đầu tiên, duy nhất tại Việt Nam đoạt giải thưởng này.
Bộ GD&ĐT đề ra mục tiêu là thu hút trẻ đến trường, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ năm 2030.