Ở những xã vùng cao như Thành Sơn, Trung Thành, Trung Sơn của huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá, các thầy cô giáo với mức lương từ 550 nghìn đồng/tháng đến vài triệu đồng một tháng cũng phải vật lộn với giá cả đắt đỏ không kém gì thủ đô

 

Tết này không dám về quê


  

Đi đò qua sông Mã là vào bản Chiềng, thuộc xã Trung Sơn. Ở đây có khu lẻ của trường tiểu học Trung Sơn là một khu nhà cấp 4 cũ nát, có 3 phòng học nhưng phải dành một phòng để làm chỗ ăn ở, sinh hoạt cho hai vợ chồng thầy Ngô Quốc Hoà.


Thầy Hoà lên với giáo dục vùng cao xã Trung Sơn, huyện Quan Hoá từ năm 2003. Sau 5 năm hưởng chế độ thu hút giáo viên lên vùng cao, từ năm 2009 đến nay, thu nhập của cả gia đình anh vào khoảng 3,7 triệu/tháng.


Thầy Hoà may mắn đã vào biên chế, nhưng vợ thầy, chị Hà Thị Điệp là giáo viên mầm non, hưởng lương hợp đồng tỉnh với mức lương 535 nghìn đồng/tháng. Với giá cả sinh hoạt trên các xã vùng cao Quan Hoá như hiện nay, thầy Hoà nói vui, lương của hai vợ chồng anh mỗi tháng chưa đủ để mua 5 yến thịt lợn.


Giá cả thực phẩm ở đây khiến người ta phải “choáng” không kém gì Hà Nội. Gạo rẻ cũng phải 16 nghìn đồng/ kg. Thịt lợn leo giá từng ngày, đến bây giờ đã lên tới hơn 80 nghìn đồng/kg. Rau lại càng là thứ hàng đắt đỏ và xa xỉ: 6 nghìn đồng mới mua được bó rau “ra hồn”. Các cô giáo ở đây đi chợ phải mếu máo khi mua 5 nghìn đồng chỉ được vẻn vẹn 4 cây cải canh.


Thực phẩm hay hàng gia dụng ở đây đều từ xã Co Lương- Mai Châu, thuộc Hoà Bình đưa lên bán nên giá cả đội lên từng ngày theo giá miền xuôi và còn “đội” thêm tiền xăng xe, công sức vận chuyển vất vả gần 50km đường núi của người buôn bán.


Thầy Hoà tâm sự: Hai vợ chồng và con nhỏ hơn 1 tuổi, nếu tiêu pha thắt lưng buộc bụng cũng không đủ để mua sữa cho con. Tết này quyết định không về, cũng chưa biết tính thế nào để có tiền tiêu Tết.


Lao đao đời sống  giáo viên hợp đồng


Do thiếu giáo viên, hàng năm, phòng giáo dục huyện Quan Hoá phải chủ động hợp đồng hàng trăm giáo viên để đảm bảo chương trình dạy và học cho trẻ em vùng cao.


Các thầy cô giáo hợp đồng tỉnh, huyện với mức lương vô cùng ít ỏi (hợp đồng tỉnh 550 nghìn/tháng, có bảo hiểm, hợp đồng huyện (3 tháng một lần) 800 nghìn/tháng đối với hệ trung cấp, 900 nghìn/tháng đối với hệ CĐ- ĐH không có bảo hiểm) nhưng vẫn đang “gánh” mức sống như vậy.

 

Ngoi nha tranh ở giữa bản Bó được ngăn đôi, một nửa làm lớp học cho các bé mầm non, một bửa làm nơi ở cho cô Hà Thị Ti, giáo viên hợp đồng của huyện<><><>
  


Để gieo được con chữ cho trẻ em vùng cao, những thầy cô giáo với đồng lương hợp đồng có khi cả tháng trời không biết đến những mặt hàng xa xỉ như thịt cá hay chỉ biết đợi cuối tuần về xuôi. Nếu trời mưa, đường núi “giam lỏng” chân người, cơ hội về nhà và có thêm phụ cấp, bữa cơm có rau, có thịt đầy đủ cũng chẳng còn hi vọng.


Với các thầy cô giáo lại cắm bản trong các khu lẻ xa xôi thì điều kiện ăn ở vô cùng khó khăn.


Trường mầm non bản Bó, khu lẻ của trường mầm non Trung Sơn thực tế chỉ là một ngôi nhà tranh nhỏ bé bốn bề gió lùa được ngăn đôi để dành một nửa cho cô giáo Hà Thị Ti ở tạm. Mặc dù trường nằm ngay bên đường chính vào xã nhưng có lẽ còn rất lâu nữa, ngôi nhà tranh này mới được xây dựng thành một phòng học kiên cố.


Không chỉ ở bản Bó mà các khu lẻ khác của trường tiểu học, mầm non Trung Sơn, các thầy cô vẫn ở trong những nhà cấp 4 xuống cấp, nhà lá tạm bợ mà người dân dựng lên để có chỗ cho con học lấy cái chữ.


May mắn nhất đối với thầy cô giáo dạy hợp đồng ở các khu chính, khu trung tâm là cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. Nhưng hơn cả là ở đây, họ có các đồng nghiệp hưởng lương biên chế đùm bọc. Mặc dù cũng chỉ 2-3 triệu một tháng nhưng đó đã là mức lương mơ ước của những thầy cô giáo đang dạy hợp đồng.


Ba xã Trung Thành, Trung Sơn, Thành Sơn đều chưa có điện lưới. Để có nước dùng, có điện thắp sáng và xem chương trình thời sự, mỗi tháng, các thầy cô lại phải bỏ ra một khoản không nhỏ cho tiền xăng, dầu máy nổ, máy phát điện.


Thầy Lưu Tuấn Anh chia sẻ, các thầy cô giáo sống trong khu nhà công vụ và góp gạo thổi cơm chung để đùm bọc được nhau. Các thầy cô dạy hợp đồng đóng tiền ăn 500 nghìn/ tháng, còn lại những người trong biên chế “gánh” mức 700-900 nghìn. Cùng với tiền dầu máy nổ, máy phát điện, có tháng các thầy cô trong biên chế phải trả đến 1,5 -2 triệu. Vậy nhưng có thầy cô dạy hợp đồng vẫn cố gắng ăn riêng, mong sao tiết kiệm hơn được chút ít.


Khi mới lên với vùng cao, cuộc sống ở đây khiến cho nhiều thầy cô giáo phải sốc và hằng đêm khóc thầm vì cái rét của rừng, cái cô đơn và nhọc nhằn của nghề. Cô giáo Phạm Thị Sen tâm sự: Mỗi khi đêm xuống, cái lạnh và cái im lặng của đêm rừng, nằm một mình trong ngôi nhà tranh bốn bề trống trải, nước mắt tủi thân, lo sợ cứ thế thi nhau chảy.


Cứ 3 tháng một lần, cô giáo mới được nhận lương. Khu lẻ cái gì cũng đắt đỏ, giá cả dầu gội, xà phòng lên không biết xuống. Có những ngày mưa không dự trữ được thức ăn, cái đói khiến cô phải nhai những chiếc bánh mì khô khốc, đắt đỏ để quên đi. Cũng như cô, giáo viên hợp đồng hầu như đều cầu cứu đến phụ cấp của bố mẹ ở quê nhà.

Động lực chủ yếu để các thầy cô giáo dạy hợp đồng bám trụ lại vùng núi cao đầy khó khăn, gian nan này không chỉ là vì tình yêu đối với nghề, tình thương đối với những mầm non của núi rừng thiệt thòi rất nhiều so với miền xuôi mà còn bởi hi vọng một ngày nào đó, thầy cô sẽ được biên chế chính thức, hưởng đồng lương xứng đáng với công sức bỏ ra vì sự nghiệp giáo dục miền núi.

 


Một phòng học cũ ở khu nhà cấp 4 xuống cấp được tận dụng làm phòng ở của vợ chồng thầy Ngô Quốc Hoà và cô Vũ Thị Điệp ở bản Chiềng, khu lẻ của trường tiểu học và trường mầm non xã Trung Sơn.


Thầy Đỗ Tuấn Anh, hiệu trưởng trường TH Trung Sơn, có 13 năm gắn bó với những mái trường vùng cao Quan Hoá chia sẻ: Đối với các thầy cô giáo dạy hợp đồng, cuộc sống trên vùng cao là cả một thử thách lớn, nhưng họ vẫn bám trụ, chờ đợi biên chế, đó là nghị lực lớn vô cùng.


Các thầy cô giáo ở đây đều rất trẻ tuổi nhưng số năm gắn bó với vùng cao không trẻ chút nào. Hợp đồng thì 3, 4 năm, biên chế ít nhất cũng 5 năm.


Các thầy cô giáo hợp đồng vùng cao không chỉ là chờ đợi vài tháng hay một năm. Ở các xã như Nam Động, Thành Sơn, Trung Sơn, Trung Thành, không ít các thầy cô giáo đã sống với mức lương hợp đồng từ 600 đến 900 nghìn đồng đến 5, 6 năm. Công tác xoá mù chữ và phổ cập Trung học cơ sở có sự đóng góp không nhỏ của những thầy cô giáo dạy hợp đồng, vì số lượng giáo viên như thế này không phải ít ở các trường.


 Như trường Tiểu học Thành Sơn có 20 cán bộ, giáo viên thì đã có tới 9 người hợp đồng huyện, 7 thầy cô đã hợp đồng trên 2 năm, có thầy dạy hợp đồng đã 5 năm. Trường THCS Thành Sơn có 13 giáo viên đứng lớp thì đã có tới 8 giáo viên hợp đồng, chỉ có 5 người biên chế.


Ở xã Trung Sơn, trường THCS Trung Sơn có 13 cán bộ, giáo viên nhưng cũng có tới 6 người hợp đồng. Trường Tiểu học Trung Sơn có 23 cán bộ, giáo viên thì đã có 7 người hợp đồng. Thậm chí, cô kế toán Nguyễn Thị Hà đã hợp đồng đến 8 năm với mức lương hiện tại là 800 nghìn đồng/tháng.


“Người ta đợi được thì mình cũng đợi được. có những người đã đợi đến 5, 6 năm còn chưa vào được biên chế, mình mới chỉ đợi có 3 năm…”- cô giáo Nhự- giáo viên hợp đồng của trường mầm non Trung Sơn tâm sự về chờ đợi biên chế chưa biết đến bao giờ.


Theo báo cáo của UBND huyện Quan Hoá- Thanh Hoá về tình hình giáo dục huyện năm học 2010-2011, tỉnh giao cho Mầm non 142 biên chế và 53 giáo viên hợp đồng, nhưng nhu cầu thực tế cần 324 người, Tiểu học được giao 291 biên chế dôi dư 90 nhưng nhu cầu thực tế cần 514 người, THCS được giao 285 biên chế dôi dư 53 nhưng nhu cầu thực tế cần 411 người. Vì thế, ngành giáo dục huyện Quan Hoá phải chủ động hợp đồng giáo viên, nhân viên còn thiếu để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ năm học.

 Được biết, năm học 2009-2010, ngành giáo dục huyện Quan Hoá có 1171 cán bộ giáo viên, trong đó biên chế là 841 người, hợp đồng tỉnh và huyện là 330 người. Trong đó, Mầm non có lượng giáo viên hợp đồng nhiều nhất là 146/287 người, chiếm hơn một nửa số cán bộ, giáo viên.

 

                                                                       Theo VietNamnet

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Hoàng Phạm Trà Mi và TS. Tạ Quang Đông - trưởng đoàn
Không có hình ảnh

Áp lực người thầy

Chưa bao giờ người thầy phải chịu nhiều áp lực như hiện nay, từ quá tải sĩ số đến thi đua chất lượng dạy học… trong bối cảnh phải oằn mình chống chọi cơn bão giá. Khổ vậy nhưng xem chừng còn chưa khổ bằng phải chịu trận hội chứng “con cưng” khiến danh dự người thầy bị thương tổn.

Đổi mới dạy học với sản phẩm “Skycare- khoa học sống động trong mắt em”

Bộ sản phẩm “Skycare – khoa học sống động trong mắt em” vinh dự được lựa chọn là sản phẩm tiểu biểu cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy.

Cá nhân được tham gia kiểm định chất lượng giáo dục ĐH

Bộ GD - ĐT vừa công bố dự thảo quy định về điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để lấy ý kiến đóng góp.

Thăm và tặng quà trường Tiểu học Tân Pheo A

(HBĐT)- Ngày 9/12, lãnh đạo trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã đến thăm và tặng quà trường Tiểu học Tân Pheo A (Đà Bắc). Đây là hoạt động thường niên của nhà trường nhằm động viên, giúp đỡ giáo viên, học sinh các xã vùng sâu vùng xa vươn lên trong dạy và học.

Đại học xanh ở Việt Nam?

30 diễn giả và hơn 150 khách mời từ nhiều quốc gia vừa tham gia một hội thảo quốc tế tổ chức tại TPHCM để phân tích “Điều gì tạo nên một trường ĐH xanh tại Việt Nam?”

Đình chỉ hiệu trưởng lấy tiền cứu trợ mua đồng phục

Tự ý lấy tiền ủng hộ cho học sinh nghèo để may đồng phục cho giáo viên, bà Lê Thị Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Mỹ (Hà Tĩnh) đã bị đình chỉ đến hết ngày 31/12/2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục