Cải thiện mức lương để thầy không phải "sống mòn"; Giáo viên sư phạm phải được tuyển chọn, đào tạo nghiêm túc; Giảm tải chương trình học, thay đổi mục tiêu giáo dục phổ thông là dạy làm người; Nhà giáo là nhà khoa học được giảng dạy theo phương cách riêng.

Những vấn đề về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông đã được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục trao đổi tại hội thảo do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức hôm 15/4.

“Chừng nào người thầy giáo còn dành thời gian dạy thêm để tăng thu nhập, chừng nào mà nhân cách của người thầy giáo còn bị tiền bạc, vật chất cám dỗ thì chừng đó đổi mới giáo dục phổ thông không thể thành công” - TS Đoàn Hữu Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phát biểu.

Giáo viên “sống mòn”: Khó đổi mới giáo dục

GS-TSKH Lê Ngọc Trà phân tích: Vấn đề thiết yếu nhất, thậm chí có tính chất quyết định để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông là vấn đề lương giáo viên và người làm công tác giáo dục. Chúng ta muốn các thầy cô giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục nhưng đồng lương trả cho họ lại không đủ sống. Không thay đổi tình trạng hiện nay, mọi ý định và kế hoạch dù tốt đẹp đến đâu cũng sẽ khó mang lại kết quả thực tế.

Cùng quan điểm, PGS-TS Trần Hữu Tá nêu: “Chất lượng đào tạo giáo viên chỉ có thể đáp ứng đúng mức yêu cầu khi mà đội ngũ giảng viên sư phạm được đãi ngộ, đầu tư xứng đáng. Họ phải được tạm yên tâm về vấn đề kinh tế, không đến nỗi lâm cảnh sống mòn (hiện tiến sĩ cũng chỉ nhận lương tháng non 3 triệu đồng), luôn bị nợ áo cơm ghì sát đất! Quan trọng hơn, họ không sợ bị bào mòn về chuyên môn, được tiếp tục học tập, bồi dưỡng cho những bậc cao hơn, ở những lớp tập huấn dài hạn có chất lượng cả trong và ngoài nước”.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trong một giờ học.

PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, cho biết: “Chất lượng giáo viên phản ánh đầy đủ nhất tiềm lực của một nền giáo dục. Giả sử một thảm họa nào đó, trường học bị cuốn trôi, chương trình và sách giáo khoa bị cháy rụi, thầy và trò phải ra đồng dựng lều mà dạy học thì vẫn còn có hy vọng về một nền giáo dục tốt nếu có những người thầy thạo nghề và tâm huyết. Còn nếu một nền giáo dục mà mọi thứ đều “hoành tráng”, chỉ trừ ông thầy, vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình, vào nghề với sự bất đắc dĩ, vừa dạy học, vừa bươn chải kiếm sống thì có thể nói một cách quả quyết là nền giáo dục đó không có tương lai”.

GS-TSKH Lê Ngọc Trà đề nghị: “Không có thầy giỏi sẽ không có trò giỏi. Những tư tưởng mới, những phương pháp mới phải bắt đầu ở các trường ĐH sư phạm, ở nơi đào tạo các thầy giáo tương lai”. PGS-TS Trần Hữu Tá đồng tình: “Những sản phẩm của các trường ĐH sư phạm chỉ thực sự ưu hạng khi ngay từ khâu tuyển sinh đã thu hút được học sinh giỏi. Đồng thời, sau khi tốt nghiệp ra trường nhất thiết phải có việc làm và phải sống được bằng lương như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã từng đoan quyết thì mới níu chân được người giỏi”.

Đổi mục tiêu, giảm chương trình

Đóng góp về đổi mới giáo dục phổ thông, TS Huỳnh Thanh Triều, Phó Hiệu trưởng, nói: “Chương trình phổ thông của chúng ta quá nặng, đòi hỏi của chúng ta đối với học sinh quá cao. Tôi nghĩ giáo dục phổ thông nên thiên về hình thành con người hơn là vội vàng đào tạo nhân tài. Nhiều phát biểu của học sinh đã tốt nghiệp phổ thông du học ở nước ngoài khiến tôi phải suy nghĩ: Sang đây con mới thấy thế nào là đi học…”. GS Lê Ngọc Trà đồng tình: “Cần xác định lại mục tiêu đào tạo của chúng ta là đào tạo con người. Tôi đề nghị phải kiên quyết cắt giảm nội dung và liều lượng kiến thức được giảng dạy, khắc phục tình trạng quá tải ở trường phổ thông hiện nay. Đồng thời, phải biện luận lại sách giáo khoa theo hướng hiện đại, cho phép giáo viên được sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa để dạy”.

TS Triều đề xuất: “Không nên quản lý chương trình giáo dục phổ thông một cách quá chặt như hiện nay. Nên để cho trường có quyền quyết định nội dung, phương pháp giảng dạy và lịch trình cho hoạt động của mình. Giáo viên phổ thông cũng là những nhà khoa học nên dành cho họ quyền tư duy và hành động theo phương cách riêng của mình”.

                                                                                  Theo Dantri

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành tham gia hội nghị trực tuyến.
Toàn cảnh hội nghị.

Trường THCS Cao Sơn nâng cao chất lượng giáo dục

(HBĐT) - Sau hơn 12 năm phấn đấu là đơn vị tiên tiến của ngành, đầu năm học 2010-2011, thầy và trò trường THCS Cao Sơn (Đà Bắc) có niềm vui mới khi được đón nhận bằng đạt chuẩn Quốc gia. Đây thực sự là động lực để ngôi trường vùng cao này vươn lên trong nâng cao chất lượng giáo dục...

Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội và TP.HCM: Nhiều điểm mới

TPHCM có thêm quận 6 và quận Bình Tân thực hiện tuyển sinh theo hình thức xét tuyển năm học 2011-2012. Trong khi đó, Hà Nội đã phê duyệt phương án tuyển sinh lớp 10 theo hình thức kết hợp thi và xét tuyển.

Loay hoay tìm mô hình dạy song ngữ

Dạy song ngữ Việt Anh là chiêu thức để các trường phổ thông ngoài công lập thu hút học sinh nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm mô hình giảng dạy.

165 học bổng sau đại học tại Nga

Ngày 14-4, Bộ GD-ĐT công bố 165 suất học bổng sau đại học để đào tạo đào tạo trình độ thạc sĩ, nghiên cứu sinh và chuyển tiếp nghiên cứu sinh, thực tập sinh và thực tập sinh cao cấp.

Hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ 2011: Khối C ế ẩm!

Hôm qua 14-4, ngày cuối cùng của thời hạn cho thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 theo tuyến trường THPT và các sở GD-ĐT địa phương. Nhìn vào thống kê hồ sơ của thí sinh, nhiều trường giật mình vì nhận đến 5.000-6.000 hồ sơ ĐKDT nhưng lại không có thí sinh nào dự thi vào khối C. Trước thông tin mới cập nhật này, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, giáo viên các môn xã hội ở các trường THPT choáng váng trước sự lựa chọn của giới trẻ.

Nâng cao chất lượng các trường phổ thông dân tộc nội trú

Trong giáo dục dân tộc, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là loại trường chuyên biệt. Hệ thống các trường này không chỉ góp phần nâng cao dân trí mà còn tạo nguồn cán bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục