Để tìm hiểu chất lượng gia sư mà những trung tâm gia sư (TTGS) giới thiệu đến phụ huynh, PV Thanh Niên thử nhập vai làm giáo viên đi dạy kèm…

 

Mù tịt, vẫn có giấy giới thiệu

Ngày 5.4, sau khi ký hợp đồng với dịch vụ giới thiệu gia sư ở số 36 Phan Sào Nam, P.11, Q.Tân Bình, chúng tôi được cấp một giấy giới thiệu đến gặp anh L. (hoặc chị N.) là cha (mẹ) của học sinh mà chúng tôi dạy kèm. Nhân viên trung tâm còn cẩn thận ghi 2 số điện thoại để chúng tôi tiện liên lạc. “7 giờ 30 tối mai, chị tới nhận lớp, ba ngày sau quay lại trung tâm để đóng hết số tiền còn lại nhé” - nam nhân viên dặn dò.

 

 Phóng viên Hoài Nam trong vai gia sư đang tiếp xúc với phụ huynh - Ảnh: Bảo Thiên

Đúng 19 giờ 30 ngày 6.4, chúng tôi có mặt để nhận lớp dạy kèm trong một con hẻm trên đường Đào Duy Anh, P.9, Q.Phú Nhuận. Sau khi nghe chúng tôi trình bày được TTGS giới thiệu đến đây dạy kèm, chị N. (chủ nhà) cho biết con chị đang học lớp 10 trường THPT Phú Nhuận, là học sinh giỏi 9 năm liền. Nhiều môn em học điểm rất cao, chỉ môn Hóa là có 7,5 điểm. Do muốn con gái học giỏi đều các môn nên chị tìm gia sư có kinh nghiệm và giỏi để kèm cặp. Mặc dù mù tịt môn Hóa nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vận dụng kiến thức cơ bản của môn này để xin gặp gỡ con gái chị ở buổi đầu tiên. Sau 10 phút nói chuyện, chúng tôi đành hẹn em tuần sau mới bắt đầu học. Tuy vậy, trong lòng thấy dở khóc dở cười vì tình trạng gia sư không bằng cấp, không kiến thức chuyên môn nhưng vẫn được TTGS giới thiệu một cách dễ dàng.

Trong buổi đầu làm quen, chúng tôi tranh thủ hỏi chị N. đã tìm đến TTGS như thế nào. Chị kể: “Chúng tôi mới đăng thông tin tìm người dạy kèm trên mạng internet, kèm số điện thoại của hai vợ chồng. Đã có một số trung tâm gia sư liên hệ và cử gia sư tới tận nhà, nhưng con gái tôi chưa sắp xếp được thời gian để kèm. Tới lượt các em là may mắn hơn vì tuần tới là có thể bắt đầu được rồi”. Sau một hồi trò chuyện, chị N. hỏi: “Không biết cô giáo dạy kèm lấy thù lao bao nhiêu/tháng?”. Chúng tôi cho biết là TTGS thông báo 1,2 triệu đồng. Chị N. nói: “Tiền bạc không thành vấn đề. Quan trọng là chất lượng dạy mà thôi”.

Chúng tôi mới đăng thông tin tìm người dạy kèm trên mạng internet, kèm số điện thoại của hai vợ chồng. Đã có một số trung tâm gia sư liên hệ và cử gia sư tới tận nhà - Phụ huynh tên N. (đường Đào Duy Anh, P.9, Q.Phú Nhuận)

Từ thông tin tìm người dạy kèm của gia đình mình trên mạng internet, chị N. không thể ngờ một số TTGS lợi dụng vào đó để kiếm tiền. Trong số đó, chỉ tính riêng điểm giới thiệu của TTGS trên đường Phan Sào Nam đã kiếm lợi ít nhất 240 ngàn đồng của chúng tôi (chúng tôi đóng trước 50% trong tổng số phí 480 ngàn đồng, tức 40% tháng lương đầu tiên nếu nhận lớp). Và còn bao nhiêu TTGS nữa cũng đã “săn lùng” được địa chỉ của gia đình chị N. và tìm mọi cách ký hợp đồng, thu tiền của những người có nhu cầu làm gia sư?

“Sản xuất” cả thẻ giáo viên!

Sáng 6.4, chúng tôi quay lại TTGS Ngôi Sao để tìm lớp dạy kèm. Sau khi nghe tôi nói đang là giáo viên Hóa ở một trường trung học cơ sở ở Q.12, chẳng cần kiểm tra bất kỳ một loại giấy tờ nào, nữ nhân viên liền vồ vập: “Thầy đi dạy một học sinh lớp 9 ở tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân, tuần 3 buổi với mức lương 2 triệu đồng/tháng nhé”. Sau vài phút đắn đo, tôi cố tình chê xa để không phải ký hợp đồng thì nữ nhân viên này quay sang năn nỉ tôi đi dạy kèm môn Hóa cho một học sinh lớp 10 ở đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), với mức lương 1,4 triệu đồng/tháng. Thấy tôi khẽ gật đầu đồng ý, người này liền ra phía sau liên hệ với phụ huynh. Nhưng mãi nửa tiếng, hai nhân viên ở đây không thể liên lạc được với phụ huynh đành quay lại năn nỉ, thuyết phục tôi nhận kèm cho học sinh lớp 9 ban đầu mà tôi chê xa. “Từ đây xuống chỉ khoảng 10 km thôi mà, thầy cứ nhận đi tụi em chỉ lấy 30% thôi” - nữ nhân viên cố nài nỉ. Còn người đàn ông (nghe nói là giám đốc) cũng thuyết phục: “Nhận lớp 9 đó đi, không xa đâu. Từ đây xuống đó có 10 phút à”.

 

 Giấy giới thiệu của TTGS Ngôi Sao giới thiệu một SV trường CĐ là giáo viên THPT - Ảnh: Hoài Nam

Trong lúc chờ đợi nhân viên liên hệ với phụ huynh, chúng tôi chứng kiến rất nhiều SV đến thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, nhân viên từ chối với nhiều lý do, chẳng hạn: Hẹn hai hôm sau tới, hoặc hẹn ngày hôm trước sao hôm nay mới tới… Cụ thể, thầy giáo tên Minh đến yêu cầu hoàn lại phí. Cô nhân viên cằn nhằn: “Phiếu hẹn ghi 2.4 đến thanh toán mà sao chiều 3.4 anh mới tới?”. Minh nhăn nhó: “Hôm qua phải dạy suốt, đâu rảnh ra được. Tui có gọi điện và được một anh nhân viên ở đây đồng ý hôm nay giải quyết mà”. Cô gái lật quyển sổ dày, đếm lại số người phải hoàn phí trong ngày và tiếp tục trách móc: “Anh không đến đúng hẹn, làm sao tụi em chuẩn bị tiền kịp?”. Đến đây, anh Minh không kiềm được bực bội: “Đằng nào tui cũng bị mất tiền. Lúc ký hợp đồng, trung tâm bảo là giờ giấc tự thỏa thuận với học trò. Nhưng khi liên hệ, học trò cứ một hai đòi dạy trong những giờ cố định là khoảng thời gian tui phải dạy ở trường”. Tìm hiểu thêm chúng tôi mới biết trước đó anh Minh đã phải đóng cho trung tâm này 600 ngàn đồng. Sau một hồi cự nự, cô nhân viên mặt nặng mày nhẹ trả lại anh Minh 540 ngàn đồng. 60 ngàn đồng còn lại “một đi không bao giờ trở lại”, gọi là 10% phí dịch vụ… 

Đáng chú ý, theo lời hẹn của nhân viên TTGS Tài năng Việt, chúng tôi đã đến nhận lớp lá ở Q.8. Tại đây, phụ huynh yêu cầu trình thẻ giáo viên. Theo đúng kịch bản của TTGS hướng dẫn, chúng tôi bảo quên và xin khất bữa sau đến dạy chính thức sẽ mang theo thẻ. Sau đó chúng tôi liên lạc với TTGS Tài năng Việt để xin làm thẻ thì người đàn ông ở TTGS trên nghe máy và nói như đinh đóng cột: “Chuyện nhỏ, mai em mang 1 ảnh 3x4 lên thầy làm cho!”. Đúng hẹn, chúng tôi có mặt, chưa đầy 10 phút sau, chúng tôi đã có trong tay thẻ giáo viên của trường Tiểu học Vân Đồn, với mã số 0851110076 ghi đầy đủ được in ra từ một máy in màu có dòng chữ: “Sở Giáo dục TP.HCM, trường Tiểu học Vân Đồn” nhưng không có dấu.

 

                                                                            Theo Thanhnien

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Xa rời thực tế!

Dự thảo Luật giáo dục đại học còn quá chung chung xa rời thực tế, chưa cụ thể; cần xóa bỏ thi đại học như hiện nay, bỏ chỉ tiêu tuyển sinh, bỏ quy định về xin mở mã ngành, chuyên ngành; tự chủ đại học…

Thi tốt nghiệp THPT 2011: 50% đề thi dành cho vận dụng kiến thức

Thời điểm này, nhiều trường đang gấp rút cho học sinh ôn tập, thi thử để chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với mong muốn đạt được kết quả tốt, nhiều học sinh đã bị quá tải trong việc ôn thi nhưng thực chất vẫn thiếu những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết.

Chưa giải bài toán gốc thì vẫn còn dạy thêm, học thêm

Do chưa bắt tay vào giải quyết bài toán gốc, bên cạnh đó lại thiếu cơ chế để người học phản ánh những hiện tượng bắt ép nên "vấn nạn" dạy thêm học thêm cưỡng bức luôn là nỗi bức xúc của xã hội.

3 cách giúp trẻ tự tin khi vào lớp 1

“Những cặp vợ chồng trẻ thường có tâm lý lo lắng và loay hoay với núi thông tin khi lần đầu có con đi học lớp 1. Điều đó có thể dẫn đến ngợp thông tin và tạp thành áp lực đối với trẻ…”.

Bất hợp lý khối thi tuyển sinh ĐH, CĐ

Tuyển sinh ĐH, CĐ ở nước ta thực hiện theo khối thi. Quy định này từ lâu đã thể hiện sự bất hợp lý dẫn đến việc nhiều môn không liên quan đến ngành học nhưng thí sinh (TS) vẫn phải thi.

Cấm thi ĐH, CĐ 2 năm nếu giả mạo hồ sơ

Tước quyền vào học và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những thí sinh có hành vi giả mạo hồ sơ để hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực hoặc theo đối tượng trong tuyển sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục