Thời điểm này, nhiều trường đang gấp rút cho học sinh ôn tập, thi thử để chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với mong muốn đạt được kết quả tốt, nhiều học sinh đã bị quá tải trong việc ôn thi nhưng thực chất vẫn thiếu những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết.

Thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp thpt năm 2010 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi về điều này, ông Trần Văn Kiên, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết:

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 về cơ bản ổn định như năm 2010. Riêng đề thi và hình thức thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 8255 ngày 7-12-2010 về việc thi tốt nghiệp THPT năm 2011 gửi các sở GD-ĐT. Trong đó nêu rõ đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Như vậy thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản ở mức thuộc bài có thể đạt điểm trung bình. Để đạt điểm cao, thí sinh cần đạt yêu cầu cao hơn là thông hiểu và biết vận dụng kiến thức để trả lời các câu hỏi trong đề thi. Số điểm dành cho yêu cầu này là 50%. Các trường khi ôn tập cho học sinh cần bám sát yêu cầu đề thi, tránh việc ôn tập lan man, nặng nề, gây quá tải cho thí sinh.

* Những năm trước các đề thi ra theo hướng mở, phát huy sáng tạo của học sinh được dư luận ủng hộ, vậy đề thi năm nay có những câu hỏi dạng này nữa không? Với cấu trúc đề thi gồm phần bắt buộc và tự chọn, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục có lưu ý gì để thí sinh có cách lựa chọn hợp lý, đạt hiệu quả?

- Từ năm 2009, đề thi các môn tự luận được ra theo hướng mở nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức và sáng tạo của học sinh, nhất là đề thi môn ngữ văn, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Đề thi năm 2011 tiếp tục phát huy theo hướng tích cực này. Những câu hỏi mở là cơ hội cho thí sinh có học lực tốt giành mức điểm khá, giỏi.

Với đề thi có hai phần (phần bắt buộc và phần tự chọn), thí sinh không bắt buộc phải chọn phần nằm trong chương trình đã học mà nên quyết định lựa chọn làm phần nào phù hợp với năng lực, sự hiểu biết của mình để có điểm bài làm cao hơn. Tôi lưu ý thí sinh cần cân nhắc lựa chọn làm phần nào trước, phần nào sau nhưng không nên mất quá nhiều thời gian cho việc cân nhắc này vì sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm bài. Ngoài ra, thí sinh không được làm cả hai phần tự chọn, nếu làm cả hai phần tự chọn là phạm quy, không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.

* Theo ông, thí sinh có nên thi thử nhiều lần để rèn luyện kỹ năng làm bài thi không?

- Sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp, nhiều trường tổ chức cho học sinh thi thử trong thời gian ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Nếu nhà trường tổ chức thi thử giống như một kỳ thi tốt nghiệp thì có tác dụng giúp học sinh làm quen với kỳ thi, bước vào kỳ thi chính thức sẽ bình tĩnh và tự tin hơn. Mặt khác, qua thi thử học sinh tự đánh giá được học lực của mình để có kế hoạch ôn tập hợp lý và hiệu quả cho bản thân (môn nào còn hạn chế, môn nào khả quan...). Tuy nhiên không nên tổ chức thi thử nhiều quá gây áp lực cho học sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý, tốn kém về tài chính và mất thời gian ôn tập của học sinh. Tốt nhất chỉ nên tổ chức thi thử khi có kế hoạch của nhà trường, có sự bàn bạc và đồng thuận của phụ huynh, có sự đồng tình hưởng ứng của học sinh. Qua kỳ thi thử, nhà trường, thầy cô giáo cần giúp học sinh rút ra bài học, khắc phục những thiếu sót bộc lộ trong bài thi.

* Bước vào thi, thí sinh cần ghi nhớ những điểm gì để không bị trừ điểm, chế tài, đặc biệt ở bài thi trắc nghiệm?

- Vào phòng thi, thí sinh cần lưu ý quy định trong quy chế thi về những vật dụng thí sinh được mang và không được mang vào phòng thi, đặc biệt lưu ý không được mang điện thoại di động trong người. Một số thí sinh để quên điện thoại di động trong người dù đã tắt máy nếu bị phát hiện đang trong giờ làm bài sẽ bị đình chỉ thi, bị phát hiện có tài liệu liên quan đến môn thi đang trong giờ làm bài vẫn bị đình chỉ thi dù đã sử dụng hay chưa sử dụng.

Quy chế thi cũng quy định trách nhiệm của thí sinh trong phòng thi, trong đó lưu ý khi làm bài tuyệt đối không được trao đổi, bàn bạc, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận trong phòng thi.

Bài thi tự luận phải viết rõ ràng bằng một loại mực, không viết tắt, viết ký hiệu khác thường.

Về bài thi trắc nghiệm: trong phòng thi thí sinh phải chú ý hướng dẫn của giám thị, các thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm ghi bằng bút mực; tô mã số báo danh, mã đề thi và trả lời câu hỏi thi bằng bút chì. Tô bút chì phải đậm và kín hết ô, không được tô hai phương án trả lời cho một câu hỏi. Khi thay đổi phương án trả lời phải tẩy sạch phương án cũ trước khi tô phương án mới.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

                                                                           Theo Báo Tuoitre

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Dự án ký túc xá sinh viên - những hệ lụy khi tiến độ kéo dài

(HBĐT)- Theo mô phỏng và thiết kế kỹ thuật, dự án ký túc xá (phường Chăm Mát – TPHB) là một công trình hiện đại, hết sức tiện ích cho HS- SV các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Đó là một tòa nhà 9 tầng với sức chứa 18.000 người cùng các công trình phụ trợ, các dịch vụ thương mại, y tế, văn hóa, thể thao hoàn chỉnh. Tuy nhiên, sau lễ khởi công (tháng 11/2009), đến nay, dự án mới chỉ dừng lại ở một vài công việc mang tính khởi động với hệ thống tường rào bảo vệ đạt khoảng 90% cùng một vài chiếc cọc móng trên khu đất rộng trên 1,28 ha.

Dự thảo Luật Giáo dục Đại học: Luật mới, nội dung không mới

Luật giáo dục đại học phải xác lập được quyền tự chủ của các trường ĐH theo tinh thần tự trị ĐH, có những quy định rõ ràng và nhất quán với các văn bản hiện hành về tài chính và quyền sở hữu...

Lưu ý nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường

Thí sinh (TS) nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) trực tiếp tại các trường ĐH-CĐ cần lưu ý một số quy định để hồ sơ (HS) không bị thất lạc hoặc sai sót.

Mỏi mòn chờ miễn, giảm học phí

Quy định mới về miễn, giảm học phí đã khiến nhiều gia đình chới với...Đầu năm 2011, sau khi được nhà trường xác nhận thuộc diện miễn, giảm học phí, Phan Thị Ý Nhi - sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế - đã gửi ngay giấy xác nhận này về để gia đình nộp cho địa phương.

Giáo dục phổ thông: Chú trọng dạy làm người

Cải thiện mức lương để thầy không phải "sống mòn"; Giáo viên sư phạm phải được tuyển chọn, đào tạo nghiêm túc; Giảm tải chương trình học, thay đổi mục tiêu giáo dục phổ thông là dạy làm người; Nhà giáo là nhà khoa học được giảng dạy theo phương cách riêng.

Chất lượng và độ an toàn của đồ chơi trong trường học: Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư quy định về trang bị, quản lý, sử dụng đồ chơi trong các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, có hiệu lực từ ngày 1-6-2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục