HS Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM) đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn trong chương trình khởi động TVMT năm 2012.
Không chú trọng hoành tráng, chương trình Tư vấn mùa thi (TVMT) năm nay của Báo Thanh Niên mong muốn đem đến cho thí sinh những thông tin gần gũi và thiết thực nhất.
Càng xa, càng phải đến
18, 55, 33 và 24.000 - Năm nay chương trình diễn ra tại 18 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lăk, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu. - Chương trình diễn ra liên tục hơn 1 tháng (từ ngày 15.2 đến 19.3) - Có trên 55 trường ĐH-CĐ-TCCN và các trung tâm giáo dục tham gia tư vấn ròng rã trong 33 ngày. - Không kể HS theo dõi trực tiếp qua sóng truyền hình, chỉ tính riêng HS tham gia tại chỗ, chương trình dự kiến thu hút hơn 24.000 HS. |
14 năm thực hiện chương trình, chúng tôi nhận ra rằng ở những thành phố hoặc vùng trung tâm, học sinh (HS) đã có đủ thông tin về tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong khi đó, mỗi lần đoàn tư vấn đến những vùng xa, hẻo lánh, thời gian dường như không bao giờ đủ. Lịch phát sóng trực tiếp trên truyền hình là 2 tiếng đồng hồ nhưng nhiều đài phát thanh - truyền hình địa phương sẵn sàng bố trí thêm giờ. Ấy vẫn chưa đủ, sau khi chương trình đã kết thúc, các thầy cô trong đoàn tư vấn không cách nào rời khỏi những HS hiếu học nhưng đói thông tin. Trong khi ở các thành phố lớn, sau buổi tư vấn, HS thường bỏ lại tờ rơi thông tin của các trường thì tại những vùng xa, các em trân trọng giữ lấy từng tờ rơi như là những tài liệu quý giá.
Trước thực tế đó, khi lên kế hoạch cho chương trình TVMT năm 2012, Báo Thanh Niên đã đặt mục tiêu: Hướng đến những HS cần thông tin - nơi nào cần, chương trình sẽ có mặt. Vì thế, lịch trình năm nay, đoàn tư vấn sẽ đến với HS các trường THPT cách xa thị trấn, trung tâm. Chẳng hạn ngay tại TP.HCM, lần đầu tiên, chương trình mạnh dạn rời xa Q.1, nơi từ trước đến giờ luôn chọn làm điểm khai mạc. Chúng tôi chọn một trường ở Q.7, giáp ranh huyện Nhà Bè để có thể đón HS các trường THPT của Nhà Bè và Cần Giờ tham gia. Ngay trong buổi khởi động chương trình TVMT, chúng tôi cũng chọn Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), sát cạnh tỉnh Tây Ninh vì biết rằng những nơi này HS cần thông tin và giải đáp của các thầy cô tham gia tư vấn.
Nhiều năm qua, khi đến Lâm Đồng, chương trình đều diễn ra ở một trường THPT tại trung tâm TP.Đà Lạt. Năm nay, chúng tôi tổ chức ở các huyện Đức Trọng, Đơn Dương. Cũng trên tinh thần đó, thay vì tập trung tại TP.Đà Nẵng, năm nay TVMT đến với HS của huyện Điện Bàn (Quảng Nam) và các trường THPT xa trung tâm TP.Đà Nẵng. Tại Bình Định, chương trình cũng tập trung vào HS các trường ngoại thành TP.Quy Nhơn.
Năm 2012, TVMT lại đi xa hơn một chút khi quyết định tổ chức thêm chương trình tại Quảng Trị. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nếu mọi năm chương trình thường bắt đầu ở TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) thì năm nay sẽ diễn ra ở thị xã Hồng Ngự. Ở phía bắc, chương trình không diễn ra ở thủ đô Hà Nội mà đi đến các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa…
Tổ chức ở trung tâm thì dễ cho những người thực hiện chương trình nhưng lại chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thật sự của HS. Đi càng xa, chúng tôi càng vất vả. May mắn là chúng tôi nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của thầy cô các trường ĐH-CĐ-THCN tham gia tư vấn, sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo các địa phương. Những khó khăn, vất vả của chúng tôi được bù đắp khi biết rằng HS ở các vùng sâu, vùng xa đang mong ngóng chương trình.
Tiếp cận từng người
Một nét rất riêng của TVMT, vốn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các trường tham gia tư vấn cũng như trường THPT, là chương trình “Chuyên gia đến lớp”. Không chỉ được nghe tư vấn qua chương trình truyền hình trực tiếp của các đài truyền hình, HS còn có cơ hội trao đổi trực diện, không giới hạn thời gian, với đông đảo thầy cô các trường ĐH-CĐ-THCN.
Không dễ gì có được cơ hội cùng một lúc tiếp cận với chuyên gia tư vấn của hàng chục trường, đây là dịp hết sức quý báu giúp HS tìm hiểu đầy đủ thông tin để suy nghĩ và đưa ra quyết định đúng đắn khi đăng ký dự thi.
Năm nay, chuyên gia tư vấn sẽ đến với từng HS lớp 12 nhiều trường THPT xa trung tâm các tỉnh, thành mà chương trình TVMT diễn ra. Ở những buổi như thế này, do không mang tính lễ nghi nên các thầy cô sẽ tư vấn hết sức nhiệt tình, cặn kẽ và rất chân thành để HS có được những thông tin chuẩn xác và đầy đủ. Vì vậy, các HS nên mạnh dạn đặt những câu hỏi từ vĩ mô đến vi mô, thậm chí hết sức cá nhân, tế nhị.
Ai cũng có cơ hội Theo thống kê, hằng năm chỉ có khoảng 25% thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Như vậy, sẽ còn rất nhiều HS chọn các trường trung cấp nghề hay CĐ nghề để bước vào tương lai. Không thể cạnh tranh với chỉ tiêu giới hạn của trường công lập, HS có điều kiện kinh tế sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi dự thi vào các trường ngoài công lập... Theo chiến lược Phát triển giáo dục Việt Nam, đến năm 2020 có khoảng 30% số HS tốt nghiệp THPT vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ sinh viên học trong các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên trong cả nước... Như vậy, rõ ràng con đường vào đời của HS không chỉ có ĐH hay các trường công lập. Mỗi một HS là một cá thể với thế mạnh và điểm yếu khác nhau. Vì thế, chương trình TVMT của Báo Thanh Niên không tập trung hay đặt nặng vào bất kỳ khối trường nào. Quan điểm của chúng tôi là tạo ra một cơ hội để HS tiếp nhận được càng nhiều thông tin càng tốt. Sau đó, các HS sẽ nhìn lại mình, xem xét từng khía cạnh, tham khảo thêm ý kiến của thầy cô và gia đình để đưa ra một quyết định phù hợp về ngành nghề trong tương lai. Với tiêu chí này, các trường tham gia tư vấn tuyển sinh cùng với Báo Thanh Niên gồm cả ĐH, CĐ và TCCN; trong và ngoài công lập. Tất cả các trường, không phân biệt cao thấp, cùng đứng chung một chương trình với mục đích mang đến cho HS những thông tin chuẩn xác và chân thật. Chương trình chỉ có một điều kiện cho các thầy cô tham gia là trường phải có chất lượng và thông tin phải chân thật, mang tính định hướng chứ không áp đặt. |
Nhiều thông tin mới nhất trong ngày khai mạc * Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tham dự Đây là lần đầu tiên, buổi khai mạc chương trình TVMT diễn ra trong ngày thường. Không tổ chức vào cuối tuần, chúng tôi gặp bất lợi về rất nhiều khâu nhưng điều quan trọng mà chúng tôi sẽ làm được là cung cấp cho HS những thông tin nóng hổi nhất về những thay đổi trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012. Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ diễn ra trong ngày 14.2 sẽ có những kết luận cuối cùng liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Ngay sau đó, ngày 15.2, chương trình TVMT sẽ khai mạc. Trong ngày này, đại diện Bộ GD-ĐT - Thứ trưởng Bùi Văn Ga sẽ chính thức thông báo những điểm mới nhất về kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012. Lãnh đạo các trường ĐH-CĐ cũng sẽ mạnh dạn công bố những thay đổi trong tuyển sinh của trường mình... Có lẽ, đây sẽ là chương trình đầu tiên có những thông tin chính thức về tuyển sinh trong năm 2012. Tham gia khai mạc, có lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM, hơn 30 trường ĐH, CĐ, TCCN và khoảng 2.000 HS các trường THPT các quận 4, 7, huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Chương trình sẽ được Đài truyền hình Việt Nam - VTV9 - truyền hình trực tiếp. Trong khi diễn ra chương trình, phụ huynh và HS quan tâm có thể đặt câu hỏi qua số điện thoại Chương trình diễn ra cả ngày: Từ 8 giờ 30 đến chiều sẽ là phần triển lãm gian hàng của các trường ĐH-CĐ-TCCN và các trung tâm đào tạo. Từ 14 giờ truyền hình trực tiếp phần tư vấn tuyển sinh. Sau đó, chuyên gia tư vấn sẽ chia về các nhóm trường theo ngành nghề đào tạo để trả lời trực tiếp thắc mắc của HS. |
Theo ThanhNien
(HBĐT) - Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 trên địa bàn tỉnh quy mô gồm 2.704 phòng học và 1.405 phòng công vụ.
Con bỏ ăn, chẳng màng học hành…, bố mẹ đang lo lắng không hiểu sự tình cũng phải bàng hoàng khi con ném chăn gối, sách vở khóc lóc: “Tại sao Hùng lại thích bạn Ân chứ không phải con?”.
Vẫn còn “sạn”, quá chi tiết... đó là những ý kiến “nổi cộm” khi đề cập đến Dự thảo Luật Giáo dục đại học lần thứ năm tại buổi làm việc của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Quốc hội khoá XIII) với giới chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý lĩnh vực đại học trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía nam ngày 7.2.
Hôm qua, 7-2, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo qui định về dạy thêm học thêm (đối với cả dạy thêm học thêm trong nhà trường và dạy thêm học thêm ngoài nhà trường).
Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và triển khai chỉ thị 6036/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2011 – 2012, Bộ GD-ĐH tổ chức hội nghị Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng vào ngày 14-2 tới, tại Hà Nội.
(HBĐT) - Đến ngày 30/1 (tức mồng 8 tết âm lịch), các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã đi học trở lại sau thời gian nghỉ tết kéo dài.