(HBĐT) - Thời gian qua, nhiều nông dân ở xã Liên Vũ (Lạc Sơn) “đứng ngồi trên lửa” khi ớt đã vào thời điểm chín rộ mà việc thu mua của công ty không đều. ớt chín đỏ rụng đầy ruộng. Nhiều hộ đành ngậm ngùi nhổ ớt để đầy gầm nhà sàn. Có hộ thì chất đống bờ rào để lấy đất cấy lúa. Tiền thu được theo tính toán của một số hộ không bõ công trồng và chăm sóc.

 

Đỏ mắt ngóng người mua ớt

 

Vốn là xã thuần nông, quỹ đất sản xuất hạn chế (bình quân mỗi khẩu  khoảng 300 - 400 m2), vì vậy, ngoài 2 vụ cấy lúa chính, nông dân xã Liên Vũ đều tận dụng đưa các loại rau, đậu, ngô, bí, dưa... vào canh tác. Vụ đông 2016, doanh nghiệp tư nhân xuất nhập khẩu nông sản Phú Sĩ, địa chỉ tại thôn Làng Sen, xã Định Bình, huyện Yên Định (Thanh Hoá) đã ký hợp đồng với UBND xã Liên Vũ đưa cây ớt vào trồng và thu mua. Theo sự vận động của xã, gần 100 hộ ở 5 xóm: Chiềng, Cả, Cháy, Côm và Beo đã trồng hơn 4 ha.

 

Theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên, doanh nghiệp (DN) sẽ đầu tư ứng trước vật tư gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo từng thời điểm sâu bệnh; phối hợp với xã hướng dẫn quy trình kỹ thuật, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khi kết thúc thời vụ thu hoạch và quan trọng nhất là công ty chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên diện tích hơn 4 ha với giá tối thiểu 5.000 đồng/1 kg, cao điểm 8.000 đồng/kg. Công ty cũng cam kết đây là giá ổn định trong suốt thời vụ sản xuất kể cả giá thị trường có xuống thấp.

 

 

Chờ không có người đến thu mua, gia đình anh Bùi Văn Khải, xóm Chiềng, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) phải nhổ ớt về chất ở sân nhà để lấy đất cấy lúa kịp thời vụ.

 

Theo phản ảnh của các hộ trồng ớt, từ ngày 12/12/2016, nông dân xã Liên Vũ bắt đầu vào vụ thu hoạch ớt. Trong tháng 12, DN đến thu mua được 3 đợt ớt xanh với giá 8.000 đồng/kg nhưng chỉ đợt 1 được trả tiền. Suốt tháng 1/2017, ớt chín đỏ nhưng DN không đến thu mua. Vì gần vào thời điểm cấy vụ chiêm xuân, bà con trong xã hoang mang không biết nên giữ lại ớt chờ bán hay nhổ đi để làm đất cấy lúa.

 

Xóm Chiềng có 6 hộ tham gia trồng ớt với diện tích gần 1 ha. Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng ớt chín đỏ, ông Bùi Văn Ninh, trưởng xóm Chiềng không khỏi bức xúc: Cứ tưởng được xã đứng ra định hướng trồng, đấu mối, ký hợp đồng với DN, lại được đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm là “chắc ăn”, nhiều nhà đã bỏ ngô trồng ớt. Khi ớt  chín rộ, với giá thu mua 8.000 đồng/ kg, nếu DN thu mua đều thì so với trồng lúa hay trồng ngô sẽ không lỗ. Nhưng không hiểu sao suốt tháng 1, DN ngừng thu mua coi như chúng tôi “công cốc”.

 

Lật giở từng trang sổ ghi chép theo dõi việc trồng ớt, ông Ninh cho biết: Nhà tôi tham gia trồng 700 m2 ớt ở đất bãi với khoảng 2.000 gốc, tiền giống và phân hết khoảng 1,6 triệu đồng. Đợt 1 và đợt 2 nhà tôi bán 269 kg được 1,4 triệu đồng, chưa đủ tiền giống và phân. Đợt 3 và đợt 4 bán 136 kg nhưng công ty không trực tiếp lên thu mua mà nhờ người ở xã Tân Mỹ lên mua và chưa trả tiền. Lý do đưa ra là số lượng ít nên DN nhờ thương lái thu gom hộ. Với cách thu mua như này không biết bao giờ DN trả tiền nên chúng tôi không dám hái bán. Giờ DN không thu mua, lời đâu chẳng thấy, có muốn thu hồi tiền vốn bỏ ra cũng khó.

 

Cùng chung tâm trạng như ông Ninh, ông Bùi Văn Vị, hộ trồng ớt xóm Chiềng chia sẻ: “Mọi năm vụ đông gia đình tôi trồng ngô cũng thu được vài triệu. Nhưng theo vận động của xã và tính toán của DN trồng ớt cho lợi nhuận hơn nên gia đình tôi trồng hơn 500 m2. Bán 2 lần đầu được gần 100 kg nhưng không được trả tiền, nên gia đình tôi không bán nữa mà nhổ bỏ chất đầy ngoài hàng rào để lấy đất trồng ngô vụ xuân”. Hộ anh Bùi Văn Khải trồng hơn 9.000 cây ớt trên diện tích ruộng 3.000 m2. Vì không thấy DN đến thu mua, gia đình anh phải nhổ bỏ để lấy đất cấy lúa cho kịp thời vụ.

 

Doanh nghiệp trả lời: Vẫn tiếp tục thu mua

 

Trao đổi với ông Bùi Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Liên Vũ được biết: Theo hợp đồng đã ký giữa UBND xã với DN tư nhân xuất - nhập khẩu nông sản Phú Sĩ thì DN sẽ đầu tư giống và phân bón cho nhân dân với giá trị hợp đồng 50 triệu đồng và thu mua liên tục hết tháng 2 với giá tối thiểu 5.000 đồng/kg, kể cả khi giá thị trường xuống thấp 2.000 - 3.000 đồng/kg. Những đợt đầu, để khuyến khích bà con, DN thu mua với giá 8.000 đồng/kg và trả tiền nghiêm túc. Nhưng trên thực tế, do nhiều cây chết, năng suất sản lượng không đạt như mong muốn, DN mới thu mua được khoảng 30 triệu đồng tính theo giá trị hợp đồng vẫn chưa đủ nên DN chưa trả tiền. Hiện, DN vẫn nhờ người trung gian thu mua ớt cho bà con với giá 5.000 đồng/kg.

 

Đem những bức xúc của nông dân trồng ớt xã Liên Vũ chia sẻ với đồng chí Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn, được biết: Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và liên kết tiêu thụ nông sản giữa DN với nông dân được huyện khuyến khích. Việc liên kết trồng ớt ở Liên Vũ huyện có nắm được thông tin nhưng DN trực tiếp ký hợp đồng với xã nên huyện chỉ tư vấn với xã khi ký hợp đồng phải có những điều khoản chặt chẽ bảo vệ quyền lợi của bà con, tránh trường hợp DN có những mánh khoé gây thất thiệt cho người nông dân.

 

Trước những ý kiến của người dân, ông Nguyễn Văn Sĩ, Giám đốc DN cho biết: Trên thực tế, DN có thông báo thu mua ớt theo từng đợt ớt xanh và ớt chín nhưng người dân không hợp tác. Vì chúng tôi ký hợp đồng làm việc với xã chứ không phải làm việc với từng hộ dân, nên chỉ có trách nhiệm thanh toán với xã. Đến nay, DN mới thu mua được gần 10 tấn ớt, chưa đủ sản lượng theo giá trị đầu tư trong hợp đồng. Quan điểm của DN là vẫn tiếp tục thu mua ớt cho người dân kể cả ớt chín đã nhổ với giá 5.000 đồng/kg.

 

Thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa có lợi cho cả hai phía: hộ nông dân và doanh nghiệp. Đối với nông dân, đây là lời giải cho đầu ra của sản phẩm nông sản với giá cả ổn định và được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong sản xuất. Mong rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp và nông dân cần “bắt tay” thật chặt trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Thế nhưng, việc ký hợp đồng rồi thu mua đứt quãng của DN gây khó khăn cho người dân trồng ớt xã Liên Vũ. Vòng sinh trưởng của cây ớt chỉ hơn 4 tháng, nếu một đợt quả chín rộ không kịp thu mua thì coi như bao nhiêu công sức, lời lãi của bà con mất hết... những thất thiệt của người nông dân là điều khó tránh khỏi.

 

Người nông dân vùng thuần nông đã quen với sản xuất nhỏ lẻ, tự phát nên khi vận động chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa không hề dễ. Một khi thiệt hại đến thu nhập, mất lòng tin của người dân thì khi có một loại cây trồng muốn phát triển thành cây hàng hóa, việc vận động bà con chuyển đổi sẽ rất khó. Đấy cũng là sự trăn trở của đội ngũ lãnh đạo xã Liên Vũ.

 

                                                                              Đinh Thắng

Các tin khác


Chung một dòng sông

(HBĐT) - Sống ở thành phố bên sông Đà và hưởng lợi từ công trình thế kỷ - thủy điện Hòa Bình, tôi những mong một ngày được ngược dòng sông Đà lên Tây Bắc để tận mắt ngắm cỗ máy bê tông, cốt thép thứ 2 đặt ở bến Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La - Nhà máy thủy điện Sơn La và rồi tôi đã được thỏa nguyện. Đứng trên mặt đập thủy điện Sơn La, ngắm mặt hồ mênh mông sóng nước, nghĩ về sông Đà với tầm vóc mới, sứ mệnh mới…, tôi cảm nhận rõ hơn sức mạnh từ bàn tay, khối óc của con người.

Nước Nga - vẫn cháy trong tôi một tình yêu

(HBĐT) - Liên bang Xô - viết trước đây hay nước Nga ngày nay có một vị trí đặc biệt trong tình cảm phần lớn người Việt Nam. Với tôi cũng vậy. Bởi tôi đã từng du học ở Liên- xô, nơi mãi ghi dấu ấn kỷ niệm thời trai trẻ. Thật may mắn, vào cuối tháng 8/2016, sau 30 năm, tôi mới có dịp cùng bạn bè trở lại thăm nước Nga để trải nghiệm và chiêm ngưỡng.

Xa-bai-đi - lời chào từ đất nước Triệu Voi

(HBĐT) - Bước lên máy bay của hãng hàng không Lào, bắt gặp ngay hình ảnh nữ tiếp viên Lào trong trang phục dân tộc màu xanh nước biển, chắp tay chào cùng nụ cười rạng rỡ: “Xa-bai-đi”- Xin chào… Lời chào dễ thương, cởi mở cùng bông hoa Chăm pa cài duyên trên mái tóc khiến du khách có cảm giác “gặp gỡ” thêm những ngày xuân, ngày vui trên đất nước Triệu Voi thân thiện, mến khách và yên bình…

Khúc hát Trường Sa

(HBĐT) - Trong những ngày áp Tết bận rộn, hối hả, tôi được trò chuyện, chứng kiến những nghệ sĩ, ca sĩ Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã từng tham gia hải trình đến với Trường Sa thân yêu. Họ miệt mài luyện tập cho chương trình nghệ thuật đặc biệt biểu diễn trong đêm Giao thừa chào xuân 2017. Thời khắc chuẩn bị chuyển giao năm mới thường khiến cho tâm trạng mỗi người trộn rộn khó tả. Năm nay, cảm xúc của chúng tôi lại đặc biệt hơn bao giờ hết bởi trong năm, chúng tôi cùng là những “chiến sĩ” được tham gia hải trình đến với Trường Sa. Những kỷ niệm, khoảnh khắc đặc biệt, trân trọng cứ hiện hữu gần gũi, yêu thương về khúc hát Trường Sa mùa

Những người canh rừng trước giao thừa ở Thượng Tiến

(HBĐT) - Những người âm thầm, lặng lẽ đi giữa đại ngàn từ ngày này qua tháng khác. Họ sống bên rừng, thức với rừng để cho những đồi cây xanh hơn, những con thú được bình yên dù đời sống của họ còn muôn vàn khó khăn. Họ là những người giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Thượng Tiến.

Niềm tự hào trên “dòng sông ánh sáng”

(HBĐT) - “Trị con sông Đà. Chịt nó lại, buộc nó phải vọt tóe ra thành lửa cao thế, thành lò cừ làm ra của cải cho sự sống con người. Điều mơ lớn bao niên, nay đang là hiện thực…” - Nhà văn Nguyễn Tuân đã háo hức mở đầu như vậy trong tùy bút “Sông Đà đỏ” khi ông từ miền xuôi ngược lên thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình) để tận mắt chứng kiến những dấu hiệu đầu tiên của công cuộc trị thủy sông Đà. Đó là vào cuối năm 1976, tức 3 năm trước khi khởi công xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình và 18 năm trước khi “kỳ tích của thế kỷ XX” chính thức ngự trị để biến con sông Đà hung dữ trở thành dòng sông năng lượng mang ánh sáng dồi dào đến với mọi miền của Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục