(HBĐT) - “Trị con sông Đà. Chịt nó lại, buộc nó phải vọt tóe ra thành lửa cao thế, thành lò cừ làm ra của cải cho sự sống con người. Điều mơ lớn bao niên, nay đang là hiện thực…” - Nhà văn Nguyễn Tuân đã háo hức mở đầu như vậy trong tùy bút “Sông Đà đỏ” khi ông từ miền xuôi ngược lên thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình) để tận mắt chứng kiến những dấu hiệu đầu tiên của công cuộc trị thủy sông Đà. Đó là vào cuối năm 1976, tức 3 năm trước khi khởi công xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình và 18 năm trước khi “kỳ tích của thế kỷ XX” chính thức ngự trị để biến con sông Đà hung dữ trở thành dòng sông năng lượng mang ánh sáng dồi dào đến với mọi miền của Tổ quốc.

Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào trên “dòng sông ánh sáng”.

 

Đã 40 năm có lẻ kể từ ngày đó đến nay. Vào thời điểm Nguyễn Tuân tham gia đoàn khảo sát địa chất để tiến hành trị thủy sông Đà, dấu hiệu của đại công trường Thanh niên Cộng sản xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình tuy mới chỉ manh nha xuất hiện nhưng đã khiến lòng người nao nức với biết bao phác họa và hình dung. Còn đối với những ai được tận mắt chứng kiến sự hiện thân vĩ đại của công trình thế kỷ này, niềm tự hào chắc chắn sẽ nhân lên gấp bội. Bà Trần Thị Duyên (phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình) vẫn nhớ như in ấn tượng của mình trong ngày 20/12/1994 khi bà xúc động chứng kiến lễ khánh thành Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đó là một ngày thực sự ý nghĩa, khép lại 15 năm “dãi nắng dầm mưa” trên công trường của bà cũng như hàng vạn người “lính” công nhân sông Đà khác. Bà Duyên đã rời quê hương đi theo tiếng gọi của “dòng sông ánh sáng” để tham gia xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình từ cuối những năm 1970. Đối với bà, 15 năm (1979 - 1994) xây dựng công trình là 15 năm đáng nhớ nhất trong cuộc đời, gian khó nhất nhưng cũng tự hào nhất. Bằng sức mạnh của khối óc và bàn tay, những người thợ sông Đà đã cùng nhau thực hiện khối lượng công việc đồ sộ: Xây dựng hàng trăm ngàn m2 nhà xưởng; đào đất, đá 10 triệu m3; đào hầm 16.000 m dài; đắp đập 20 triệu m3, bê tông 1,5 triệu m3, kết cấu thép 85.000 tấn…

 

Thực tiễn trên công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã chứng minh nhân tố con người có ý nghĩa quyết định trong mọi điều kiện, mọi thời điểm. Chính những con người trẻ tuổi đã đứng vững trong mưa bão, lũ lụt, trong nắng bụi cháy da, trong những đường hầm thiếu dưỡng khí… để làm nên những kỳ tích đáng tự hào. Khép lại 15 năm xây dựng, công trình thủy điện Hòa Bình đã mở ra một kỳ tích dường như chỉ có trong huyền thoại. Kỳ tích được tạo dựng bằng trí óc, công sức, mồ hôi và máu của bao người. Đó là một kỳ tích của thế kỷ XX, nhưng chắc chắn sẽ mãi là niềm tự hào của nhiều thế hệ sau này. 

 

Ngày nay, không còn ai nghi ngờ về những lợi ích to lớn mà công trình thủy điện Hòa Bình mang lại cho đất nước. Trong 28 năm vận hành, nhà máy luôn giữ vai trò là công trình nguồn điện quan trọng bậc nhất trong hệ thống điện Việt Nam. Với 8 tổ máy có tổng công suất lắp đặt 1.920 MW, sản lượng thiết kế bình quân 8,16 tỉ KW/năm, đến nay, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã sản xuất đạt mốc sản lượng trên 200 tỉ Kwh điện cung cấp lên hệ thống điện quốc gia. Đây là mốc sản lượng mà cho đến nay chưa có nhà máy điện nào ở Việt Nam đạt được. Với việc chinh phục sông Đà từ một con sông hung bạo trở thành “dòng sông ánh sáng” thiết thực phục vụ cho đời sống của con người, công trình thủy điện Hòa Bình đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh trong công cuộc “xẻ núi, ngăn sông” tưởng chừng như vượt quá giới hạn của cả con người và máy móc.

 

Một lượng nước khổng lồ đạt gần 9,5 tỉ m3 đã được chế ngự thành công bằng một công trình đồ sộ được đánh giá là phức tạp bậc nhất cho tới tận thời điểm này. Từ trên cao nhìn xuống toàn cảnh công trình, ấn tượng hoành tráng nhất là con đập khổng lồ chạy theo một đường vòng cung bao chặn lấy con sông Đà giờ đây đã hoàn toàn bị chinh phục. Do hiểu rõ những hóc hiểm và bất trắc của dòng sông Đà hung dữ nên những kỹ sư vĩ đại của thế kỷ XX đã thiết lập giải pháp thi công màng chống thấm, xây dựng con đập đất đá có khả năng chịu được động đất lên tới cấp 8. Đây là hạng mục lớn nhất của công trình thủy điện Hòa Bình và cho tới thời điểm này vẫn được đánh giá là có mức độ phức tạp bậc nhất so với những con đập được xây dựng tại Việt Nam. Đập có chiều cao từ đáy sông lên đỉnh đập 128 m, tương đương với chiều cao của tòa nhà 35 tầng, chiều dài trên mặt đập 640 m và phía dưới lòng sông 300 m. Con đập ngăn dòng chảy của sông Đà tạo thành một hồ trữ nước khổng lồ, đồng thời trở thành điểm nhấn đặc sắc trên quần thể công trình thủy điện.

 

Con sông Đà hung dữ đã trở thành dòng sông năng lượng, mang ánh sáng đến mọi miền Tổ quốc.

 

Cũng nằm trong quần thể công trình mang tầm vóc thế kỷ đó, có một đài tưởng niệm được xây dựng khang trang nhằm tưởng nhớ đến những hy sinh vì dòng điện của Tổ quốc. Cách nhà máy thủy điện khoảng 300 m về phía hạ lưu sông Đà, nơi đây được thiết kế thi công như một hình tháp có 6 cánh vươn rộng, kết cấu bên trong mô phỏng biểu tượng của tua bin tổ máy, các hạng mục chi tiết được bố cục hài hoà. Tấm bia chính trang trọng khắc 6 chữ “Tổ quốc ghi công các anh”. Bên trong, 168 tấm bia nhỏ quây đúng thành một vòng tròn đặt vừa vặn dưới chân ngọn tháp, ghi danh 168 cán bộ, công nhân, viên chức đã ngã xuống trong quá trình xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. Khi công trình thế kỷ chính thức biến dòng nước sông Đà thành dòng điện quốc gia cũng là khi đài tưởng niệm được dựng lên với 168 bát hương tưởng nhớ 168 người đã ngã xuống. Họ hầu hết đều còn rất trẻ. Xương máu của họ đã góp phần dựng nên một công trình vĩ đại. Sự hy sinh của họ đã góp phần viết nên một bản tráng ca thể hiện tinh thần “dời non, lấp biển” của một thế hệ lao động anh hùng. Tinh thần đó chính là niềm tự hào bất diệt để “dòng sông ánh sáng” mãi âm vang trong lòng các thế hệ mai sau.

 

                                                                        Thu Trang

 

Các tin khác


Xóm Chếch - chông chênh trong hành trình xoá đói, giảm nghèo

(HBĐT) - Xóm Chếch, xã Đông Lai (Tân Lạc) là 1 trong 36 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh. Xóm có hơn 30 nóc nhà này nằm ở vị trí cao nhất xã, đường giao thông trắc trở nên hành trình XĐ-GN của bà con nơi đây vẫn bộn bề  gian khó.

Đảo Đá Tây - “thành phố” của những đảo chìm

(HBĐT) - Những người lính Trường Sa thường gọi Trường Sa Lớn là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa và đảo Đá Tây là “thành phố” của những đảo chìm. Thật may mắn vì trong hải trình thăm cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi được cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân đến cả hai điểm đặc biệt này. Cụm đảo chim Đá Tây với 3 điểm đảo: Đá Tây A, Đá Tây B, Đá Tây C để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc, cảm nhận và trải nghiệm sâu sắc, bất ngờ.

Gặp những người bạn Lào - thắm mãi tình cảm với Việt Nam

(HBĐT) - Lần đầu được đến với đất nước Lào tươi đẹp, thật có biết bao cảm nhận mới, thiêng liêng và đáng trân trọng. Truyền thống lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, những nét tương đồng, các di tích lịch sử, danh thắng…đều tạo được dấu ấn đẹp đẽ trong lần đầu gặp gỡ. Nhưng điều đáng nhớ đầu tiên và chắc chắn sẽ lưu mãi trong lòng chính là tình cảm chân thành của người dân các bộ tộc Lào, những người bạn mới. Nét hồn hậu, thân thiện, bình dị đã chiếm lĩnh được tình cảm của mỗi thành viên. Cao hơn, toát lên là sự thủy chung son sắt khi các bạn nhắc đến tình hữu nghị Việt - Lào từng được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước gây dựng, bồi đắp…

Sững sờ vẻ đẹp động Nam Sơn

(HBĐT) - Tháng giêng năm 2004, một số người dân xã Nam Sơn (Tân Lạc) trong khi đi làm nương ở lưng chừng núi đã phát hiện một cửa hang nhỏ. Chui qua cửa hang, họ vô cùng sửng sốt khi bên trong là động đá tuyệt đẹp. Đến năm 2007, động Nam Sơn (động Tớn) chính thức được công nhận di tích danh thắng quốc gia.

Sớm giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm của các nhà máy xi măng ở khu công nghiệp Nam Lương Sơn

(HBĐT) - Trong các ngày 26 - 27/10 vừa qua, người dân xóm Ao Kềnh, Quán Trắng, xã Thành Lập (Lương Sơn) tụ tập đông người trước cổng nhà máy xi măng (NMXM) Vĩnh Sơn để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường (ôNMT) do nhà máy gây ra. Đó là lần đầu tiên nhưng đây chưa hẳn là lần duy nhất người dân tổ chức tụ tập đông người để phản đối nếu tình trạng ôNMT do các nhà máy xi măng trong khu vực gây ra vẫn tiếp diễn.

Sông Đà trong dặm dài lịch sử

(HBĐT) - Dòng sông của ánh sáng, của thơ và nhạc... đó là những ngôn từ mà những người nghệ sỹ đương đại thường dùng để đặt tên cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí miêu tả về dòng sông Đà hiền hoà, thơ mộng. Đọc, nghe và ngày ngày soi mình trong bóng nước sông Đà lững lờ nơi hạ lưu đập thủy điện Hoà Bình, tôi cũng ngộ như vậy. Thế nhưng, một ngày, tôi đã hăm hở ngược dòng thời gian để tìm về cội nguồn của con sông Đà huyền thoại trong dặm dài lịch sử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục