(HBĐT) - Không riêng gì ở thành phố Hòa Bình và các huyện trong tỉnh, nhiều nhà hàng, quán ăn trưng biển hiệu “Cá sông Đà”. Thương hiệu nổi tiếng ấy còn cuốn hút nhiều thực khách đến với các nhà hàng lớn ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Đó là sự ghi nhận, tôn vinh giá trị bổ dưỡng, tươi ngon của cá sông Đà trong văn hóa ẩm thực Việt.

 

Thiết thực, hiệu quả nghề nuôi cá lồng trên sông Đà

 

Không riêng gì ở thành phố Hòa Bình và các huyện trong tỉnh, nhiều nhà hàng, quán ăn trưng biển hiệu “Cá sông Đà”. Thương hiệu nổi tiếng ấy còn cuốn hút nhiều thực khách đến với các nhà hàng lớn ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Đó  là sự ghi nhận, tôn vinh giá trị bổ dưỡng, tươi ngon của cá sông Đà trong văn hóa ẩm thực Việt. Những ngư dân gắn bó với dòng sông đã mô tả tận tường: “Lưu vực sông Đà hiện có 174 loài cá thuộc 85 giống, 19 họ, 6 bộ. Trong đó có tới 19 loài  giá trị kinh tế cao, 8 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam, có đủ bộ “ Ngũ quý hà thủy” gồm: chiên, anh vũ, dầm xanh, lăng, bỗng.

 

 

Phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân xã Thung Nai (Cao Phong).

 

Cùng với khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên sông Đà, nhất là ở hồ Hòa Bình đã phát triển mạnh mẽ với số lượng lồng nuôi tăng theo từng năm. Để khai thác tiềm năng mặt hồ, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, hỗ trợ người dân sản xuất, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ khuyến khích, phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ Hoà Bình giai đoạn 2015-2020, hỗ trợ sau đầu tư kinh phí 5.980 triệu đồng cho 201 hộ dân nuôi cá ở các xã: Phúc Sạn, Tân Mai, Tân Dân (Mai Châu) và xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) với tổng số 278 lồng cá, tổng thể tích thực hiện 18.976,5 m3. Các hộ nuôi cá lồng ở huyện Mai Châu và TP Hòa Bình đã nhận đủ số tiền hỗ trợ sau đầu tư theo đăng ký ban đầu để yên tâm phát triển sản xuất. Năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 2.317 lồng, đến cuối năm 2016 đã phát triển lên 4.200 lồng với sản lượng đạt khoảng 3.700 tấn cá/năm, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 1.000 lao động.

 

Với đa số người nuôi cá lồng với quy mô khác nhau đều lựa chọn những nơi mặt nước tĩnh, ít gió, không nằm trong luồng chảy của sông, hồ. Ngược lại có người chọn vùng nước xiết để đặt lồng nuôi cá. Đó là anh Đỗ Văn Nhuận với 80 lồng cá tại khu vực tổ 11, phường Tân Hòa TP Hòa Bình (bến phà Thia cũ). Trong 80 lồng cá của gia đình anh Nhuận, ngoài một vài lồng nuôi cá rô phi Đường Nghiệp với trọng lượng xuất bán tối thiểu 1kg/con, còn lại là cá tầm, loài cá khá nổi tiếng được thị trường ưa chuộng đã trở thành một sản phẩm mới trong nghề nuôi cá lồng trên sông Đà. Anh Nhuận chia sẻ: “Từ trước đến nay chưa ai nghĩ tại TP Hòa Bình, nhất là khu vực hạ lưu Nhà máy thủy điện Hòa Bình lại có điểm nuôi được cá tầm, vì trong quy hoạch phát triển cá nước lạnh của tỉnh là các xã Hiền Lương, Đồng Nghê, Suối Nánh, huyện Đà Bắc”. Sản phẩm “đầu tay” của gia đình anh Nhuận được trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm thành tựu KT-XH nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và chính thức được xuất bán ra thị trường (chủ yếu là Hà Nội) dịp Tết Đinh Dậu với trọng lượng tối thiểu 3 kg/con, giá bán bình quân 250.000 đồng/kg.

 

Đã có sản phẩm đầu tay và dự kiến lớn hơn mà anh Nhuận đang ấp ủ là nuôi cá tầm lấy trứng, bởi trên thị trường, 1 kg trứng cá tầm hảo hạng có giá tới 20.000 USD, 1 kg trứng bình thường cũng có giá tới 10.000 USD. Để ước mơ đó trở thành hiện thực vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở, bởi sau 7 năm cá Tầm mới cho thu hoạch trứng. Anh Nhuận tâm sự: “Với quy mô gần 1 ha, khi triển khai thực hiện, gia đình tôi đã tuân thủ nghiêm túc các quy định của Nhà nước về thú y, thủy sản, môi trường, ATGT đường thủy nội địa…Việc nuôi thành công cá tầm ở vùng hạ du sông Đà là mô hình mới, tạo ra sản phẩm mới. Nhưng để việc nuôi cá lồng ngày càng ổn định và phát triển gia đình tôi rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, vì trong thực tế phải tự xoay xở, vật lộn để tồn tại và phát triển là vấn đề hết sức khó khăn”.

 

“Cuộc chiến” trên sông nước- chưa có hồi kết

 

Gọi là “cuộc chiến” trên sông nước quả là không ngoa chút nào bởi trong thực tế có rất nhiều cách mưu sinh trên sông Đà. Trong đó, không ít người đã có những hoạt động gây sụt giảm, thậm chí gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trên sông Đà nói chung và vùng hồ Hòa Bình nói riêng. Ngoài ra, thương hiệu “cá sông Đà” cũng bị không ít kẻ xấu lợi dụng để trục lợi.

 

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng và ngày càng cạn kiệt về nguồn lợi thủy sản trên sông Đà và hồ Hòa Bình là do hoạt động đánh bắt quá mức của con người bằng các phương tiện hủy diệt như sử dụng xung điện cường độ lớn đánh sâu hàng chục mét, lưới điện, vó đèn, duốc cá bằng vôi bột, bằng bả độc là các loại cây bản địa. Tệ hại hơn còn có đối tượng sử dụng thuốc nổ (mìn) để khai thác thủy sản. Ngoài ra, hiện trên vùng hồ và vùng hạ du sông Đà còn có tới 1.200 tấm lưới 3 lớp và 500 vó đèn. Việc sử dụng những ngư cụ bị cấm, khai thác quá mức mang tính hủy diệt đã phá vỡ môi trường sinh thái, ngày càng làm cho nguồn lợi thủy sản hồ Hòa Bình và trên sông Đà bị cạn kiệt. Đó cũng là nguyên nhân nảy sinh bất đồng và xung đột giữa những người làm ăn chân chính và những kẻ bất lương.

 

Ông Lê Văn Hùng, một “tay câu” có tiếng ở phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) bức xúc cho biết: “Câu cá không phải là nghề nhưng là thú vui của nhiều người. Đã không ít lần chúng tôi xua đuổi, thậm chí dùng gạch, đá ném để ngăn cản những người khai thác, đánh bắt thủy sản bằng xung điện, thuốc nổ, lưới ba lớp. Thực tế, cá trên sông Đà ngày càng cạn kiệt do hoạt động đánh bắt bằng những ngư cụ đã bị cấm diễn ra quanh năm ở mọi khu vực có thể và diễn ra nhiều lần trong ngày. Theo đó, cá bị xua đuổi nên đi đẻ ở các bãi đẻ nhỏ, phân tán ở những nơi hiểm trở, nhiều thác, ghềnh trên vùng thượng nguồn.

 

Tẩy chay “cá bẩn” là một thực tế giữa các hộ nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình. ông T (đề nghị giấu tên) chủ của hơn 20 lồng cá ở xã Thung Nai (Cao Phong) cho biết: “Thương hiệu cá sông Đà đã bị một số kẻ xấu lợi dụng và không ít lần chúng tôi tẩy chay, đả phá. Trong thực tế, 6 tháng là chu kỳ nuôi và thu hoạch các loại cá như trắm, chép. Nhưng chúng tôi nghi ngờ và theo dõi một số hộ thu hoạch cá với chu kỳ nuôi khoảng 1 tháng. Sau khi bị chúng tôi “Phục kích” bắt quả tang, những hộ này thú nhận là mua “cá bẩn” với giá rẻ đánh bắt từ các đầm, ao, hồ ở Hà Nội và sông Kinh Thầy ở Hải Dương đem về thả vào lồng để “làm sạch” và lấy thương hiệu cá Sông Đà bán cho được giá. Hành vi này rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng mới có thể giải quyết triệt để”.

 

Ô nhiễm môi trường nước cũng là nỗi lo canh cánh của những người nuôi cá lồng trên sông Đà và vùng hồ Hòa Bình. Anh Đỗ Văn Nhuận trăn trở: “Trước đây, nước thải sinh hoạt đều được đưa vào hệ thống bể chức hoặc qua các hồ, ao để xử lý nhưng mấy năm gần đây lại xả thẳng ra sông. Đây là vấn đề đáng lo ngại. Bên cạnh đó, việc mua và sử dụng cá vụn làm thức ăn cho cá lồng cũng gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng nhưng chưa được các ngành chức năng kiểm tra, xử lý”.

 

Sản xuất CN-TTCN ảnh hưởng đến môi trường nước trên vùng hồ Hòa Bình cũng là vấn đề đáng quan tâm. ông Hà Văn Phan ở xã Phúc Sạn (Mai Châu) phàn nàn: “Chỉ riêng khu vực Bãi Sang đã có 4 cơ sở sản xuất đũa. Theo đó, hóa chất, diêm sinh xả thẳng ra sông làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ nuôi cá lồng. Các hộ dân ở đây đã kiến nghị nhiều lần nhưng thực trạng này không được giải quyết dứt điểm”

 

Giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản

 

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT,  để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông Đà và vùng hồ Hòa Bình, trước mắt cũng như lâu dài, việc thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản và các văn bản liên quan, làm tốt công tác quản lý và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản là giải pháp bắt buộc. Trong đó, để triển khai hiệu quả các giải pháp đưa Luật Thủy sản vào cuộc sống cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về thực hiện Luật Thủy sản cho người dân ven sông và vùng hồ. Việc nuôi trồng, khai thác thủy sản cần được đặt dưới sự quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương. Các huyện, thành phố dọc sông Đà và vùng hồ Hòa Bình nghiên cứu xây dựng mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản có sự tham gia của cộng đồng, triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ phát triển KT-XH vùng hồ, vùng hạ lưu sông Đà, giảm áp lực đánh bắt thủy sản. Xây dựng cơ chế, chính sách khai thác diện tích mặt nước hồ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất thủy sản.

 

Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động đánh bắt thủy sản trái pháp luật, nhất là các hoạt động đánh bắt mang tính hủy diệt, tàn phá nguồn lợi thủy sản và môi trường. Đặc biệt, rong thời gian tới, tiếp tục phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới nhằm đa dạng sản phẩm, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập, duy trì và mở rộng hình thức nuôi, khai thác, tạo việc làm thu hút lao động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động để người dân có đầy đủ thông tin về hiệu quả của nuôi cá lồng bè, yên tâm gắn bó với nghề. Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật nuôi, cập nhật, chuyển giao kỹ thuật làm lồng mới cho người dân để tăng hiệu quả, giảm bớt ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh cho cá. Quản lý chặt các hoạt động về cung cấp giống, thức ăn, xử lý các trường hợp dịch bệnh, thiên tai, chú trọng bảo vệ môi trường nước. Hỗ trợ các cơ sở (hộ, nhóm hộ, HTX, trang trại) nuôi thủy sản bằng lồng bè có quy mô 50 m3 trở lên thuộc vùng quy hoạch nuôi thủy sản tập trung được UBND tỉnh phê duyệt.

                                                                                        

                                                                         

                                                                 Đức Phượng

 

 

 

 

Các tin khác


Những người canh rừng trước giao thừa ở Thượng Tiến

(HBĐT) - Những người âm thầm, lặng lẽ đi giữa đại ngàn từ ngày này qua tháng khác. Họ sống bên rừng, thức với rừng để cho những đồi cây xanh hơn, những con thú được bình yên dù đời sống của họ còn muôn vàn khó khăn. Họ là những người giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Thượng Tiến.

Niềm tự hào trên “dòng sông ánh sáng”

(HBĐT) - “Trị con sông Đà. Chịt nó lại, buộc nó phải vọt tóe ra thành lửa cao thế, thành lò cừ làm ra của cải cho sự sống con người. Điều mơ lớn bao niên, nay đang là hiện thực…” - Nhà văn Nguyễn Tuân đã háo hức mở đầu như vậy trong tùy bút “Sông Đà đỏ” khi ông từ miền xuôi ngược lên thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình) để tận mắt chứng kiến những dấu hiệu đầu tiên của công cuộc trị thủy sông Đà. Đó là vào cuối năm 1976, tức 3 năm trước khi khởi công xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình và 18 năm trước khi “kỳ tích của thế kỷ XX” chính thức ngự trị để biến con sông Đà hung dữ trở thành dòng sông năng lượng mang ánh sáng dồi dào đến với mọi miền của Tổ quốc.

Xuân ở "Thung lũng trường thọ"

(HBĐT) - Chẳng biết có phải do nằm ở độ cao với bốn bề là núi cao dựng đứng, trùng điệp nối tiếp, quanh năm chờn vờn mây phủ mà mùa xuân ở Lũng Vân (Tân Lạc) thường đến sớm. Tiết xuân ở vùng đất này cũng thật lạ. Nó làm người ta muốn đi, muốn đến. Đến để trầm mình trong cái vương vấn rét ngọt cuối đông; đến để thấy nắng xuân bung tỏa trên những nếp nhà. Và còn hơn thế nữa, đến để nhớ da diết những con người thuần hậu, chất phác đang ân hưởng tuổi giời ở nơi vốn được nhiều người coi là “thung lũng trường thọ”...

Tâm huyết bảo tồn, truyền bá chữ Tày cổ

(HBĐT) - Chẳng biết được hình thành tự bao giờ, chữ viết của người Tày cổ cứ thế lưu truyền từ đời này đến đời khác và tồn tại đến ngày nay. ở tỉnh ta, người Tày tập trung đông nhất ở huyện Đà Bắc, chiếm 40,75%. Tại nơi đây, những con người mang trong mình dòng máu của dân tộc Tày với lòng đam mê cùng nhiệt huyết và sự “thai nghén” đang từng ngày duy trì và phát huy giá trị của bộ chữ Tày cổ ấy.

Náo nức vùng cao Lạc Sơn đón Tết

(HBĐT) - Một dịp trở lại nơi vùng cao của huyện Lạc Sơn vào thời điểm giáp Tết, chúng tôi cảm nhận sự ấm áp, nồng hậu của những con người bình dị, chân chất xua tan giá buốt của mùa đông. Về vùng cao lần này, chứng kiến sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của bà con, chúng tôi biết rằng, năm nay, cái Tết của họ sẽ thực sự là “tết no, tết đủ”.

Tản mạn về hạ tầng và trật tự giao thông ở Hàn Quốc

(HBĐT) - Trải qua hơn 5 thập kỷ, từ một nước nghèo, Hàn Quốc vươn mình trở thành quốc gia kinh tế vượt trội của châu á, nằm trong nhóm cường quốc phát triển hàng đầu thế giới. Thành công đó có đóng góp không nhỏ của hạ tầng giao thông vốn được coi là động lực phát triển kinh tế của đất nước này. Trong chuyến thăm “xứ sở Kim Chi”, đoàn chúng tôi không khỏi thán phục trước những kỳ tích của nước bạn về phát triển hạ tầng giao thông, trong khi cũng với điều kiện tương tự như nước ta, địa hình của nước bạn chiếm tới 70% là đồi, núi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục