(HBĐT) - Bây giờ dòng sông Đà đã được ngăn cách bởi những con đập hiên ngang chắn qua, tạo thành những trảng cát trắng ngút mắt. Bờ bãi rau, màu xanh rì phía hạ lưu. Thượng lưu là hồ nước mênh mang, trùng điệp đầy mộng mơ. Những ký ức xưa về một dòng sông Đà huyền bí luôn sục sôi, đầy nghiệt ngã, thách thức ý chí con người và cũng đẹp vô ngần luôn in sâu tâm khảm biết bao người.
Cùng đoàn cán bộ Sở VH -TT&DL khảo khảo sát lòng hồ sông Đà - nơi vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Con thuyền lênh đênh lướt sóng. Đến từng địa điểm đều in đậm những dấu ấn về con sông đầy kỳ vĩ, trắc trở, ám ảnh dân thuyền, nhưng cũng đầy mộng mơ.
Bình yên sông Đà.
Chủ thuyền là ông Nguyễn Văn Nhàn năm nay ngoài 50 tuổi, Nhưng cả đời gắn bó với dòng sông Đà. Gia đình ông quê ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) lên định cư ở chợ Bờ suối Rút. Năm 1954 bố mẹ ông cưới nhau bên bờ sông Đà. Mãi đến năm 1965 mới có ông và sinh sống lập nghiệp trên dòng sông huyền thoại này. ông Nhàn người nhỏ gọn, nước da nhuốm màu thời gian, sương gió. Giọng ông sang sảng. Cái gì cũng hay, rượu tốt, thuốc giỏi, lại cả thơ phú. Làm nghề thuyền từ lúc theo cha mẹ đánh bắt cá, tôm, chở hàng gỗ, thực phẩm phục vụ người dân chợ Bờ, suối Rút chính vì thế, sông Đà, nghề thuyền là nghiệp của đời ông. Hơn ai hết, ông thấm và hiểu nghề thuyền qua bút lực của nhà văn Nguyễn Tuân xưa khi nói về người lái đò sông Đà năm nào. Sông Đà vô cùng trắc trở, lắm thác, nhiều ghềnh, đá xếp hàng ba, hàng bốn dựng đứng, chỗ thắt lại chẳng nhìn thấy mặt trời, chỗ rộng mênh mang. Dòng sông của tiếng gầm rít của thác, của “hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gầm ghè suốt năm”. Dòng sông là dòng lửa, “Rống lên” ầm ĩ như “hàng ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữ rừng vầu rừng tre nứa nổ lùa”, “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Dòng sông của những “thạch trận” luôn sẵn sàng nuốt chửng con người…
Ông Nhàn cho thuyền thả trôi ở khu vực gần ngã ba cửa Chương, bên kia là địa phận xã Hiền Lương, kế bên là xã Vầy Nưa và Thung Nai, xa nữa là Tiền Phong. Trời đẹp xanh mướt cùng màu xanh của núi rừng, hoa cũng màu xanh của núi non trùng điệp. Thuyền lững lờ trôi trong men rượu nồng. Cá nướng thơm lừng và những kỷ niệm về sông Đà năm nào cũng dào dạt hiện về. ông Nhàn kể: Ngày xưa Thác Bờ rất đẹp ngày đêm tung bọt trắng trời và cũng rất nguy hiểm. Chỗ đảo Sung bây giờ trước đây là cửa Hàm Rồng mà ngay cả dân thuyền dày dạn cũng phải toát mô hôi khi lái thuyền, mảng vượt qua đây. Nói là Hàm Rồng vì dòng sông Đà từng hàng lớn nước chảy tạo thành trông như miệng hổ, hàm rồng không cẩn thận là mất mạng như chơi. Điều khiển thuyền phải lựa theo con nước và phải thật kinh nghiệm, hiểu con nước, phải ghìm lái thật chắc và khéo léo. Nếu sơ sểnh, cả bè, thuyền, mảng lập tức bị cuốn vào cửa Hàm Rồng tan tành, mất xác. Khu vực này đã nhấn chìm biết bao bè mảng và cả xác người trôi về tận hạ nguồn chảy ra sông Hồng.
Trên đoàn khảo sát lòng hồ có Phó Giám đốc Sở VHTT &DL Lưu Huy Linh, cũng là người có nhiều kỷ niệm gắn bó với sông Đà. ông Linh nhớ lại, không thể hình dung được sự thay đổi trong cuộc sống và bộ mặt các xã ven hồ. Hồi ấy, ông Linh chỉ là cậu bé ngày ngày gian khó theo gia đình bán hàng phụ phẩm kẹo lạc, thuốc lào, đường mỳ chính dọc sông Đà, từ phố thia theo thuyền, đi bộ lên các xã Mường Tuổng, Đồng Nghê, Tân Mai, Phúc Sạn, Ngòi Hòa.
Ông Linh chia sẻ: Ngày xưa đường bộ còn rất khó khăn. Sông Đà là tuyến giao thông đường thủy quan trọng kết nối, giao thương giữa miền xuôi và miền ngược. Việc đi lại lên các xã huyện vùng cao Mai Châu, Đà Bắc chủ yếu là trông vào tuyến sông Đà, đi lại bằng bè, mảng, thuyền lắp co le máy đẩy. Người lái đò, lái thuyền phải là người lớn gan, bạo phổi, dày dạn kinh nghiệm sông nước và chủ yếu là người ở vùng hạ lưu sông Đà, sông Hồng ngược lên. Sông Đà là con sông dữ, lắm thác, nhiều ghềnh, đá từng hàng, chỗ nhọn hoắt chỉa lên trọc trời xếp ngang sông, tạo thành khe, luồng nước xoáy gầm rú kinh hoàng, sẵn sàng chờ trực nuốt người, nuốt bè, mảng, thuyền. Phố Bờ ngày xưa là khu vực sầm uất nhất vùng. Đền Bờ, bia Lê Lợi xưa nằm sát ven sông. Hồ Hoa rộng hàng héc ta, ngày xưa phía trên hồ là hang Khỉ. Vì nhiều khỉ lắm. Giờ cũng còn những chỉ nghe được tiếng kêu trong núi cùng, rừng thẳm…Chuyện về dòng sông xưa lan man theo con nước hồ kể mãi chẳng hết.
Rượu vài tuần ông Nhàn chợt ngâm nga “ Chợ Bờ đẹp nhất hòn Ngai / Thác Bờ đẹp nhất cô Mai bán hàng”…” Ai đưa ta đến chốn tiên này / Bên kia núi Ngái, bên này Ngòi Hoa”. Hòn Ngai là tảng đá phảng rộng cả trăm mét, trông tựa ngai vua có thể làm nơi thư giãn, nghỉ chân, bày rộng tới cả chục mâm cơm. Những năm 1980, bắt đầu công cuộc khảo sát, đắp đập ngăn sông xây dựng thủy điện Hòa Bình, diễn ra cuộc cách mạng di dời nhân dân các xã vùng hồ. Người dân vén nhà theo con nước lên. Bây giờ đã thành bản làng tươi đẹp trên núi, dưới hồ. Phố chợ Bờ, suối Rút, cửa Chương, Hàm Rồng, hòn Nghia … tất cả giờ chìm sâu trong hàng trăm mét nước dưới hồ thủy điện. Tất cả chỉ còn trong ký ức luyến nhớ về một dòng sông hung dữ, dòng sông kiên cường bao dung cho bộ đội dân làng những ngày chống Mỹ, dòng sông trắc trở nhưng cũng rất đỗi thơ mộng, hiền hòa. Dòng sông Đà năm xưa hùng vĩ, hào sảng và đầy trắc trở bao nhiêu thì nay trở thành nỗi niềm quyến luyến bước chân người trong mê mẩn khám phá.
(Còn nữa)
Bài 2: Thưởng ngoạn hồ Hòa Bình
(HBĐT) - Chỉ có 2 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác cát lòng sông Đà tại xã Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, “cát tặc”, “sỏi tặc” vẫn cắm vòi hút xuống các lòng sông từ huyện Kim Bôi, Mai Châu đến TP Hòa Bình... Điều này không chỉ gây thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường, giao thông đường thủy, sạt lở bờ sông.
(HBĐT) - Theo đánh giá của phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an tỉnh, hiện nay tình hình tội phạm đánh bạc diễn ra phức tạp, nhất là nạn lô, đề trái phép. Hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, do vậy công tác đấu tranh, triệt phá của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn...
(HBĐT) - TP Hòa Bình đang tổ chức đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường bấy lâu nay bị lấn chiếm. Đợt ra quân lần này, ngoài lực lượng thanh tra đô thị có lãnh đạo chính quyền, công an các địa phương. Bước đầu đã có sự chuyển biến nhưng làm thế nào để không rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo” như trước đây đang là “bài toán” đối với cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến xã, phường.
(HBĐT) - Năm 2016, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với các chỉ tiêu về nâng cao giá trị kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động khu vực KTTT được đánh giá là “bà đỡ” cho kinh tế hộ gia đình đóng góp tích cực vào phát triển KT -XH của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều HTX đang gặp khó khăn trong đổi mới phương thức, mô hình hoạt động, phương án sản xuất dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đây là những vấn đề cần nhanh chóng tháo gỡ để thúc đẩy KTTT phát triển bền vững, xứng tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
(HBĐT) - Chính từ tư duy giữ thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm nên thời gian qua, cam Cao Phong đã được người tiêu dùng tin tưởng, tiêu thụ rộng rãi ở các địa phương trong cả nước. Từ cây cam, người dân ở huyện Cao Phong đã và đang hướng đến mục tiêu làm giàu...
(HBĐT) - Thời gian qua, nhiều nông dân ở xã Liên Vũ (Lạc Sơn) “đứng ngồi trên lửa” khi ớt đã vào thời điểm chín rộ mà việc thu mua của công ty không đều. ớt chín đỏ rụng đầy ruộng. Nhiều hộ đành ngậm ngùi nhổ ớt để đầy gầm nhà sàn. Có hộ thì chất đống bờ rào để lấy đất cấy lúa. Tiền thu được theo tính toán của một số hộ không bõ công trồng và chăm sóc.