(HBĐT) - Dòng sông Đà ngày đêm miệt mài chảy nối dài quá khứ với hiện tại. Sông Đà xưa gập ghềnh trắc trở, chờ trực thách thức gan dạ của con người muốn chinh phục và là niềm bí ẩn cho biết bao người ước mong khám phá. Nay, sông Đà đã ở trong tâm thế mới khi thượng nguồn là hồ nước rộng mênh mang, luôn sẵn lòng chờ đón, níu giữ bước chân người để tận hưởng những phút giây thư thái, lắng đọng, xuyến xao.

 

 Cảng Bích Hạ sáng sớm còn sương bảng lảng, thuyền nhẹ nhàng lướt sóng ngược thượng nguồn tiến về lòng hồ rộng mênh mang. Sóng nước lăn tăn. ông Nhàn gần cả đời gắn bó với dòng sông Đà, sau nhiều năm góp nhặt cũng đã có con thuyền mới để chở khách thăm quan lòng hồ. Thuyền sạch bong, được trang bị cả karaoke, phòng ngủ chăn ấm, đệm êm. Để phục vụ chuyến đi hồ, theo yêu cầu, nhà thuyền chuẩn bị đầy  đủ thực phẩm để có thể lênh đênh nhiều ngày.   

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình.

Ông Nhàn bộc bạch: Không còn khó khăn như những năm tháng trước đây, lòng hồ sông Đà có sức sống hơn nhiều. Đến bất cứ xóm, bản ven hồ đều có thể mua được thức ăn là các sản vật địa phương, từ nải chuối, măng rừng, đu đủ, rau thơm, muối, mắm. Muốn ăn cá sông Đà rất sẵn, chỉ cần a lô báo trước cho người dân hoặc đến các bè nuôi cá lồng rải rác trên lòng hồ. Gà, lợn cũng toàn loại ngon và sạch. Phần còn lại là chế biến. Hầu hết chủ thuyền và người dân đều là những "đầu bếp” có thể chế biến những món ăn địa phương, các  món ăn đặc sắc của đồng bào Mường mà chỉ nghe thôi cũng đã tốn thật nhiều rượu núi. Cá nướng, cá nấu măng chua, lòng cá chấm đu đủ, lợn quay, gà luộc, cơm lam, muối vừng, hạt dổi, rau tầm bóp… chẳng thiếu, thứ gì cũng ngon, cũng sạch.

 Mặt hồ buổi sớm khá phẳng lặng, gió lùa, sóng nước lăn tăn. Càng tiến sâu vào lòng hồ, gió càng lộng, không gian mở ra. Hồ rộng quá. Mây trắng, trên nền trời xanh bất tận, hòa cùng màu xanh nước biếc của hồ và màu xanh của núi, đẹp mê hồn. Núi tiếp núi giờ thành những hòn đảo xếp lô nhô trước mũi tàu như chốn bồng lai vậy. Hồ đẹp thuần khiết. Thiên nhiên mây nước hoang sơ mỗi nơi mỗi vẻ. Qua xóm Bích - Trụ, xã Thái Thịnh đến Cửa Chương thuộc địa phận xã Hiền Lương (Đà Bắc), lòng hồ mở ra rộng lớn vô cùng.

 

Đi được khoảng 30 phút, thuyền dừng, chúng tôi cập thuyền bên núi, lội bộ thăm đảo Sung - được coi là một trong những vị trí đẹp nhất của hồ. Đảo rộng hơn 150 ha, trông như lớp lớp khối đá vôi chỗ trắng, chỗ xanh, còn nhiều cây cổ thụ chĩa thẳng lên trời xanh. Vượt qua dãy núi đá vôi, tiến vào bên trong hoàn toàn khác hẳn. Cả một vùng thung lũng rộng lớn, gần như bằng phẳng. Những trảng hoa dại mà người ta vẫn gọi là hoa bông hôi tím biếc tạo thành thảm hoa kéo dài ngút mắt có thể mê hoặc, say đắm lòng những người khó tính nhất. Cách đảo Sung mấy chục phút thuyền là đến vịnh Ngòi rộng cả trăm hec ta - vịnh đẹp nhất hồ Hòa Bình. Vịnh như một thủ phủ riêng biệt, sóng hồ thật nhẹ. Xóm Ngòi vẫn nguyên sơ như từ xưa vẫn vậy. Người dân còn nghèo khó nhưng thân thiện và dễ mến.

 

Hồ Hoa cũng thuộc xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) sương khói bảng lảng, nước xanh thẳm, không đo được đáy. Người ta bảo hồ còn nhiều loại cá quý, cá trắm, mè, măng có con nặng hàng chục ký và còn rất nhiều loại thủy sản tiến vua như dầm xanh, anh vũ, cá bỗng, chiên…

 

Phía trên, hồ là hang Khỉ. Trước đây núi này nhiều khỉ lắm trêu đùa nhau choe choét cả ngày.  Bây giờ vẫn còn nhưng chỉ nghe được tiếng khỉ vọng ra từ trong núi cùng, rừng thẳm. 

 

Khu vực hồ còn rất nhiều xóm, bản lưu giữ những nét văn hóa bản địa đã trở thành điểm du lịch cộng đồng như xóm Phủ (Toàn Sơn); xóm Mơ, Ké (Hiền Lương); xóm Đá Bia (Tiền Phong); suối Lốn (Tân Mai), thác Mu, Gò Lào (Phúc Sạn) … Các xóm, bản  ven hồ của  các xã Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng (Đà Bắc) bộn bề khó khăn, giao thông cách trở. Thế nhưng cảm nhận từ khe lạch lại đẹp mê hồn. Càng đi sâu vào các  lạch nhỏ nước trong xanh, cá nhiều vô kể. Suối róc rách ngày đêm, nhiều con suối rơi từ trên trời, trên núi xuống tạo thành thác nước trắng ngần, tung bọt trắng xóa. Các lạch nhỏ ven hồ của xã Trung Hòa (Tân Lạc), xóm Ké (Hiền Lương), cửa Nánh (Suối Nánh)... vẫn còn nhiều cá.

 

Ông Nhàn bộc bạch: Mùa này là mùa du lịch nên tôi đi chở khách. Sang mùa nước hoa mơ tôi lại đi thuyền đánh cá. Mùa cá trứng, cá đẻ, mùa "kiếm” cả của dân cầu và dân thuyền. Cá trạch, cá ngạnh nhiều vô kể. Chỉ thả lưới ngang lạch bắt được hàng chục ký, có khi cả tạ. Người thuyền đánh cá để bán. ăn cá trạch kho, cá ngạnh nướng, ngạnh nấu chuối ở hồ là bình thường chứ dưới xuôi phải tiền triệu.

 

Càng đi lên phía thượng nguồn, nước càng chảy xiết. Dòng sông như thắt lại, điều khiển thuyền phải rất kinh nghiệm. Khu vực hồ trông cứ tưởng bình yên song cũng phải thận trọng. Nhất là từ ngã ba khu vực xóm Suối Lốn, Tân Mai, Phúc Sạn trở ngược ra hồ, gió lớn, nhiều khi có cả giông tố. Phải thật tinh ý và kinh nghiệm điều khiển và neo đậu thuyền nếu không bị giông lốc, thuyền lật úp như chơi.

 

Vượt qua cửa Nánh, chúng tôi đến thành kính thắp hương đền Hang Miếng, tưởng nhớ về bà Đinh Thị Vân, người Mường đã vận động nhân dân cứu giúp đoàn quân vua Lê Lợi ở dòng sông Đà năm nào. Đền Hang Miếng nằm bên dòng sông Đà thơ mộng, thuộc địa phận xã Quang Minh, huyện Vân Hồ (Sơn La), cách cảng Bích Hạ (TP Hòa Bình) hơn 50 km đường thủy. Tương truyền đền linh lắm, du khách thưởng ngoạn hồ hòa Bình có thời gian nhất thiết phải đến đền Hang Miếng cầu an, cầu tự, cầu lộc.

 

                                                            Phóng sự của Lê Chung

 

Các tin khác


Bài 1: Những kẻ u mê bị ma lực đồng tiền cuốn vào cõi chết

(HBĐT) - Sau hơn 20 ngày xét xử liên tục, ngày 21/3 vừa qua HĐXX TAND tỉnh đã kết thúc phiên xét xử bằng việc đưa ra những bản án nghiêm khắc, thích đáng đối với từng bị cáo trong vụ án. Vụ án kết thúc, nhưng phía sau đó vẫn còn những chuyện chưa kể...

Bao giờ ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc khai thác cát, sỏi trái phép?

(HBĐT) - Chỉ có 2 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác cát lòng sông Đà tại xã Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, “cát tặc”, “sỏi tặc” vẫn cắm vòi hút xuống các lòng sông từ huyện Kim Bôi, Mai Châu đến TP Hòa Bình... Điều này không chỉ gây thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường, giao thông đường thủy, sạt lở bờ sông.

Nhức nhối nạn lô, đề trái phép

(HBĐT) - Theo đánh giá của phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an tỉnh, hiện nay tình hình tội phạm đánh bạc diễn ra phức tạp, nhất là nạn lô, đề trái phép. Hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, do vậy công tác đấu tranh, triệt phá của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn...

Cách nào để tránh tình trạng “đá ném ao bèo”?

(HBĐT) - TP Hòa Bình đang tổ chức đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường bấy lâu nay bị lấn chiếm. Đợt ra quân lần này, ngoài lực lượng thanh tra đô thị có lãnh đạo chính quyền, công an các địa phương. Bước đầu đã có sự chuyển biến nhưng làm thế nào để không rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo” như trước đây đang là “bài toán” đối với cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến xã, phường.

Tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế tập thể

(HBĐT) - Năm 2016, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với các chỉ tiêu về nâng cao giá trị kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động khu vực KTTT được đánh giá là “bà đỡ” cho kinh tế hộ gia đình đóng góp tích cực vào phát triển KT -XH của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều HTX đang gặp khó khăn trong đổi mới phương thức, mô hình hoạt động, phương án sản xuất dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đây là những vấn đề cần nhanh chóng tháo gỡ để thúc đẩy KTTT phát triển bền vững, xứng tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Giữ thương hiệu cho cam Cao Phong bằng chất lượng sản phẩm

(HBĐT) - Chính từ tư duy giữ thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm nên thời gian qua, cam Cao Phong đã được người tiêu dùng tin tưởng, tiêu thụ rộng rãi ở các địa phương trong cả nước. Từ cây cam, người dân ở huyện Cao Phong đã và đang hướng đến mục tiêu làm giàu...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục