Người dân ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) tấp nập chợ phiên.
Sống trên đá, chết vùi trong đá
Qua huyện Quản Bạ đến huyện Yên Minh, anh bạn đồng nghiệp ở Báo Hà Giang bảo: Hôm nay, anh em mình đi trên con đường Hạnh Phúc mới nhé. Đây là con đường được khởi công từ năm 2015 và chỉ còn ít thời gian nữa thôi là hoàn thành. Con đường mới được trải nhựa hoàn toàn và sẽ rút ngắn được gần 20 cây số so với đường cũ. Con đường cũ được làm từ năm chiến tranh và phải huy động hàng nghìn người phơi mình giữa đá. Công trình thể hiện ý chí, niềm tự hào của Hà Giang chinh phục thiên nhiên. Những năm đó không có phương tiện làm đường mà hầu hết là sử dụng đục, đẽo phá đá bằng tay. Theo năm tháng, với sức người sửa nhiều lần, con đường cũng đi được bằng ô tô. Bởi nằm trên những triền đá nên đường rất nhiều cua. Ai đã từng qua cung đường này đều phải say xe.
Đi trên con đường Hạnh Phúc tôi cảm nhận được con người nhỏ bé trước thiên nhiên. Bà con nơi đây chỉ sống bằng nghề làm nông nghiệp. Cây chủ đạo là ngô và bí đỏ. Ngoài ra còn chăn nuôi gia gia súc, gia cầm. Cây ngô chỉ có giống ngô răng ngựa là "trụ” được ở đất này. Với nỗ lực của ngành nông nghiệp đưa nhiều giống mới lên thử nghiệm nhưng chỉ được một thời gian thì giống không phát triển được bởi sự khắc nghiệt của thời tiết. Nhiều chỗ nương chỉ có đá, bà con bỏ hạt ngô vào khe đá rồi bốc nắm đất chỗ khác thả vào để cây ngô sống. Cứ thế từ đời này qua đời khác đồng bào dân tộc Mông đã sinh tồn ở mảnh đất này.
Đã có người ví ở Đồng Văn, Mèo Vạc là "Sống trên đá, chết vùi trong đá”. Sống đã vậy người mất cũng khổ. Không có đất, khi có người mất nhiều gia đình chỉ đào huyệt sâu chưa đầy mét. Nhiều mộ chỉ lấy đá xếp chặt không có đất phủ.
Dọc qua những triền đá lưng chừng núi thỉnh thoảng có những hồ nước lớn đổ bê tông. Anh bạn đồng nghiệp Báo Hà Giang chia sẻ: Bà con nơi vùng cực Bắc này ngoài khổ về đất thì cũng khổ về nước. Nguồn sinh thủy ở vùng này rất ít nên phụ thuộc vào thiên nhiên là chính. Mùa này còn đỡ, mưa xuống nước chảy qua khe đá bà con có nước dùng. Chuyện tắm, giặt mùa khô là việc xa xỉ. Trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư nhiều cho bà con vùng biên, một trong những dự án là những hồ nước treo. Những hồ này được tích nước vào mùa mưa. Có những hồ đầu tư trên 15 tỷ. Có nước cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn, ít còn cảnh mang từng can đi hứng nước gùi về.
Đất lành chim đậu
Quá ngọ, chúng tôi dừng lại tại thị trấn Đồng Văn. Bữa cơm miền biên viễn có thịt gà, rau bí và món mèn mén để khách thưởng thức. Sau chén rượu ngô, tôi thưởng thức món thịt gà và rau bí. Quả thực đã thịt gà nhiều nơi nhưng vị thịt gà ở đây khác hẳn. Thơm và ngọt của nắng gió và đá. Rau bí ngọt, đậm nhất là nước luộc. Tôi hỏi đùa anh chủ quán: "Anh cho thêm đường à?” Anh cười hiền hậu: "Anh ở đây nhiều sẽ thấy, tất cả những sản phẩm thịt, rau đều ngon và ngọt đậm khác mọi nơi, ăn một lần sẽ không bao giờ quên”. Anh chủ quán tên Tuấn quê ở Phúc Thọ (Hà Nội) lên đây buôn bán gặp một thôn nữ người Giáy rồi quyết định lấy vợ ở đây lập nghiệp. Anh bảo: ở vùng này không chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số mà có nhiều người ở dưới xuôi lên đây lập nghiệp. Nhiều người không muốn về vì đã quen cuộc sống nơi đây.
(Còn nữa)
Việt Lâm
Bài 2: Các anh không còn cô đơn