(HBĐT) - Sau những ngày mưa lớn bất thường, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng của các huyện, thành phố trong tỉnh, sáng 14/10, chúng tôi có may mắn được tham gia đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh về 3 xã thuộc cụm 2 huyện Đà Bắc. Cũng khá bất ngờ vì đây chính là đoàn xe cơ giới đầu tiên "thông tuyến” trên tuyến đường nối liền tỉnh lộ 433 với các xã Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hòa, Đồng Ruộng sau 4 ngày bị chia cắt do "Nạn hồng thủy” gây ra. Vì là đoàn "Thông tuyến” nên xe ô tô thường xuyên phải cài số chống trơn trượt để "dò dẫm” mới có thể qua vượt được hàng trăm điểm bị sạt lở mới được san ủi.


Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là xóm Hạ, xã Trung Thành. Tại đây không khí tang tóc, não nề vẫn bao trùm trong nếp nhà sàn của gia đình ông Hà Văn Xướng. Chỉ đây 4 ngày, sau những ngày mưa xối xả, ngày 11/10, 2 cụ thân sinh của gia đình ông Xướng (cụ ông Hà Văn Tó và cụ bà Lường Thị Tóm) đang ở trong lều trông mom nương rẫy thì bất ngờ bị hàng trăm mét khối đất đá vùi lấp. Trong hoạn nạn, thương đau mọi người mới cảm nhận được nhiều hơn tình làng, nghĩa xóm. Ông Xướng ngậm ngùi cho biết: khi sự cố xảy ra, hàng trăm người là cán bộ xã, cán bộ thôn, công an, dân quân cùng bà con trong xã tỏa đi tìm kiếm bố mẹ tôi. Khi xác định 2 cụ bị vùi lấp trong đất đá, mọi người lại thay nhau đào bới. Sau khi tìm thấy thi thể cha tôi, đến 23 giờ mọi người mới chịu rời hiện trường và 4 giờ sáng hôm sau đã có mặt để tiếp tục tìm kiếm mẹ tôi. Các cụ đã về nhà trời, trong nỗi đau tột cùng, những người ở lại trong gia đình tôi luôn ghi nhớ công ơn và nghĩa tình của cấp ủy, chính quyền và bà con trong xã đã đùm bọc, giúp đỡ, chia sẻ với nỗi đau không có gì bù đắp được của gia đình tôi.


Tài sản của nhiều hộ gia đình ở xã Yên Hòa bị lũ cuốn trôi.

Cùng với nỗi đau của gia đình ông Hà Văn Xướng, những cơn mưa lớn kéo dài đã làm 8 điểm trên tuyến đường qua địa bàn xã Trung Thành bị ảnh hưởng nặng nề do sạt lở. Đặc biệt, dòng nước cuồn cuộn kéo theo đất đá khiến xóm Sổ vẫn đang bị cô lập và 15 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng hoàn toàn, tình trạng vài ba tháng nữa nhiều hộ gia đình ở Trung Thành xảy ra thiếu đói là điều khó tránh khỏi.


Nhiều điểm trên tuyến đường về xã Trung Thành bị sạt lở nghiêm trọng.

Chúng tôi xuống xã Yên Hòa, đường vẫn trơn trượt, nhấp nhô nên mất khá nhiều thời gian. Khi đến cách trung tâm xã gần 1 km tuyến đường liên xã Trung Thành - Yên Hòa - Đoàn Kết đã bị lũ quét tàn phá nặng nề nên đành "cuốc bộ”. Cụ Lường Văn Tám, ở xóm Kia vẫn chưa hết bàng hoàng: "Tôi năm nay vừa tròn 80 tuổi nhưng lần đầu tiên chứng kiến cảnh mưa lớn kéo dài, gây hiệu quả nặng nề như thế này”. Chỉ những miếng bê tông chổng trơ, những đống gạch lổn nhổn, những tấm tôn méo mó bên bờ suối Lang, không Tám nói: "Thật khủng khiếp, đấy là nhà 2 tầng mới xây của gia đình cháu Lường Văn Lành. Giờ vợ chồng nó phải lên nhà ngoại ở nhờ rồi”. Những ngày mưa lớn kéo dài đã tạo thành lũ ống, lũ quyét khiết 1 người dân ở Yên Hòa bị thương và tử vong. Ông Hà Xuân Ý, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa bùi ngùi: Chị Đinh Thị Nhàn bị lũ cuốn ngay tại cửa nhà và bị thương rất nặng. Do tuyến đường liên xã ra đường tỉnh 433 bị sạt lở gây ách tắc không thể đi được, nên gia đình phải khiêng xuống bến Hạt và thuê thuyền, thuê ô tô để đưa về Bệnh viện Việt - Đức cứu chữa nhưng không qua khỏi. Chị Nhàn ra đi đột ngột để lại 3 đứa con còn nhỏ dại, thật xót xa, đau đớn.


Điểm trường mầm non xã Đoàn kết ngập trong trong bùn đất khiến học sinh phải nghỉ học.

Không chỉ gây người chết, nhà sập, đường xá hư hỏng nặng, mưa lớn kéo dài còn làm tài sản 4 hộ gia đình ở Yên Hòa bị lũ cuốn trôi và hư hỏng toàn bộ; 4 hộ phải di dời khẩn cấp, 30 hộ bị đất đá tràn vào nhà, 19 ha lúa và hoa màu bị vùi lấp và 50 hộ có khả năng thiếu đói.

Trong khó khăn, hoạn nạn người dân Yên Hòa thầm cảm ơn tình cảm, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và CBCS Công an huyện Đà Bắc trực tại trụ sở Cụm Công an số 2. Ông Nguyễn Văn Biền, ở xóm Hòa Yên cho biết: "Nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an thì thiệt hại còn nặng nề hơn rất nhiều. Nằm trên trục đường liên xã nhưng hàng chục hộ nước ngập đến nửa nhà. Giữa trời mưa rất to, nước lũ cuồn cuộn ập về các lực lượng đã tổ chức sơ tán dân và hàng chục em học sinh ở trọ nhà dân rất kịp thời. Đặc biệt, trong đêm tối, lực lượng Công an đã kịp thời đập tường bao, đu dây thép xuống trạm y tế cứu được 3 người bị mắc kẹt khi nước lũ đã dân cao gần 2m và đất đá đang ùa về.

Tại xã Đoàn Kết, 7 km đường có hàng chục điểm bị sạt lở nặng; 40 ha lúa bị vùi lấp. Điểm trường mầm non tại xóm Khem và nhà ở của 2 hộ dân bị sập và hư hỏng hoàn toàn, 5 hộ bị lũ cuốn trôi toàn bộ tài sản và bùn đất tràn vào nhà, 4 con trâu cùng nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, 17 hộ rất cần được cứu trợ lương thực, chăn màn, quần áo. Cùng với việc đề xuất và kiến nghị các giải pháp khắc phục hậu quả, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết khẩn khoản: "Xin các bác hỗ trợ khẩn cấp cho xã vài chục lít xăng để cán bộ xã có điều kiện xuống các xóm, bản nắm tình hình, chỉ đạo giải quyết khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Cả vùng không có cửa hàng xăng dầu, tắc đường nên có tiền cũng không mua được xăng và các loại hàng hóa thiết yếu”.

Đứng trên nền đất còn ngổn ngang vô tuyến, âm ly, gường tủ còn ngập sâu trong bùn đất, chị Đặng Thị Xuyến nức nở: "Lũ quét cuốn theo đất đá bất ngờ tràn về, vợ chồng, con cái chúng cháu chỉ kịp dắt nhau bỏ chạy ra khỏi nhà. Giờ đây ra đình cháu đã mất tất cả nhà cửa, tài sản. Người còn sống là mừng lắm rồi, nhưng cuộc sống trước mắt và lâu dài sẽ còn muôn vàn khó khăn. Chúng cháu rất mong các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ để sớm ổn định cuộc sống.


Đoạn quản lý đường bộ 1 tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ trên đường 433.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành đường về các xã trên địa bàn huyện Đà Bắc cơ bản đã thông tuyến. Điện lưới đã có trở lại. Hệ thống thông tin, liên lạc đã được phục hồi. Nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo của tỉnh, của huyện, các tổ chức, cá nhân đã về kiểm tra, động viên và hỗ trợ, cứu trợ người dân trong cơn hoạn nạn. Tuy nhiên, tới thời điềm này, học sinh ở nhiều xã vẫn chưa được đến trường. Hàng trăm hộ dân đang phải ăn, ở, sinh hoạt trong nhà bạt, lều lát vì nhà cửa nơi ở cũ đã mất trắng và có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Lũ quét, lũ ống, sạt lở đã làm hàng trăm ha ruộng bị ngập úng và bị đất đá vùi lấp, nếu không được cứu trợ kịp thời chắc chắn người dân sẽ bị thiếu đói nghiêm trọng. Sau đợt mưa lớn bất thường, cuộc sống của người dân bị đảo lộn nặng nề, nếu không được phòng ngừa tốt tình hình dịch bệnh rất có thể sẽ xảy ra…Cùng với tinh thần tự lực của người dân, các thôn, bản, xóm xã ở Đà Bắc nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung bị ảnh hưởng do thiên tai đang rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng để từng bước ổn định đời sống.


                                                                                        Đức Phượng

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục