Đi tìm quá khứ
Đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 7, tại nghĩa trang Vị Xuyên, tôi thấy người đàn ông mái tóc pha sương cặm cụi thắp từng nén nhang cho những ngôi mộ. Rồi ông dừng lại ở một ngôi mộ trông như bao ngôi mộ khác. ông đứng lặng một lúc lâu, khóe mắt ngấn lệ. Ngôi mộ đề tên liệt sĩ Trần Văn Hồng. Người đàn ông đó là ông Bùi Duy Hiển quê ở Yên Bái, năm nay đã nghỉ hưu. ông tâm sự: 27/7 năm nào tôi cũng lên đây thắp hương cho các anh em. Vừa rồi bận việc quá không lên được. Tối 26/7, tôi được mời dự lễ tri ân ở đây nhưng cũng không dự được. Ngôi mộ này là của một người đồng đội, đã có mộ ở đây nhưng đến giờ vẫn chưa được địa phương công nhận là liệt sĩ. Nhiều nơi làm việc máy móc đòi hỏi nhiều thủ tục, trong khi đó, chiến tranh loạn lạc không thể giữ được giấy tờ nên đến giờ vẫn chưa được công nhận. Trong khi đó từ năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết chế độ cho những người mất giấy tờ.
Đoàn công tác Báo Hòa Bình nghe ông Hoàng Văn Xuyên, bộ đội ở Trung đoàn 524 Trung đoàn đặc công kể chuyện ở Điểm cao 468.
Rồi ông lại sang ngôi mộ anh Lưu Mạnh Cường quê ở Phú Thọ. ông chia sẻ: Anh này làm y tá cứu chữa cho bộ đội. Năm 1984, anh hy sinh. Đơn vị, địa phương nơi đóng quân công nhận anh là liệt sĩ nhưng địa phương nơi anh sinh ra vẫn chưa công nhận. Đến năm 2012, khi đến thăm gia đình được biết địa phương vẫn chưa công nhận. Bố mẹ già mòn mỏi trông đợi 26 năm, thấy thế tôi đã bỏ công 4 tháng đi làm các thủ tục để anh được công nhận liệt sỹ. ở nghĩa trang này còn nhiều trường hợp có mộ ở đây nhưng về địa phương vẫn không được công nhận là liệt sĩ. Tôi cũng đã đi làm nhiều giấy tờ cho các anh em.
Các anh không còn cô đơn
Chị Hoa, phóng viên Báo Hà Giang dẫn chúng tôi lên điểm cao 468 thuộc Đồn biên phòng Thanh Thủy, thành phố Hà Giang quản lý. Đài tưởng niệm vừa được hoàn thiện để kịp lễ cầu siêu cho những liệt sĩ nơi đây. Người đang quản lý, trông coi đài tưởng niệm là ông Hoàng Văn Xuyên trước đây là bộ đội ở Trung đoàn 524, Trung đoàn đặc công. ông kể với chúng tôi những trận đánh ác liệt ở điểm chốt đã cướp đi sinh mạng gần 2.000 chiến sĩ. ông chỉ cho tôi ngọn núi trước mặt cách Đài tưởng niệm 200 - 300 m. Đây là một trong những điểm cao ác liệt nhất. Ta và địch giành nhau từng m đất nơi đây. Để chiếm được điểm cao này là lợi thế để bắn pháo xuống thành phố Hà Giang. Nếu giữ được điểm cao và một số điểm cao khác là giữ được thành phố. Do vậy, ta phải giữ bằng được, địch cũng muốn chiếm bằng được điểm này. Với vị trí quan trọng như vậy nên hai bên tập trung quân ở đây. Đã có hơn 583 chiến sĩ của ta hy sinh ở điểm cao này. Phần lớn bây giờ không tìm thấy xác. ở đây từng hòn đất, viên đá đã nhuộm máu của những chiến sĩ. Sau một thời gian ta chiếm, địch rút, địch chiếm, ta rút nên việc an táng không được thực hiện. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Tôi muốn ở đây để hương khói cho các anh hàng ngày để các anh không còn cô đơn nơi rừng sâu nước thẳm này.
Việt Lâm