(HBĐT)-Mưa vẫn rơi, đất đá lở thi thoảng vẫn trôi xuống, bùn đất nhão nhoẹt ngập nửa thân người khiến việc tìm kiếm các nạn nhân xấu số khó khăn ngày một chồng chất. Dẫu vất vả, nhiều nguy hiểm nhưng các chiến sỹ làm nhiệm vụ vẫn miệt mài tìm kiếm, với hy vọng sớm đưa được những nạn nhân ra khỏi khối đất đá khổng lồ.


Vất vả, nguy hiểm nhưng các lực lượng cứu hộ vẫn đang miệt mài tìm kiếm những nạn nhân xấu số còn lại trong thảm họa sạt lở đất tại xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc).

Sau hơn một ngày kể từ khi xảy ra thảm họa sạt lở núi, công tác cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân ở xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc) vẫn diễn ra hết sức khẩn trương. Tranh thủ lúc các chiến sỹ trong đội tìm kiếm của Phòng CSPCCC và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Công an tỉnh (PC66) được nghỉ thay ca, chúng tôi được tiếp cận để tìm hiểu về tình hình tìm kiếm nạn nhân, cũng như những khó khăn mà họ gặp phải. Được biết, ngay sau khi nhận được tin báo xảy ra sạt lở vùi lấp nhà dân ở xóm Khanh, các chiến sỹ Phòng CSPCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã lên đường vào hiện trường. "2 giờ 15 phút nhận được tin báo, 2 giờ 19 phút chúng tôi lên đường vào hiện trường. Vào đến nơi, anh em triển khai chiếu sáng để phục vụ công tác trinh sát và tìm kiếm các nạn nhân. Tuy nhiên, do khối lượng đất đá quá lớn, phạm vi bị vùi lấp rộng nên rất khó để xác định được vị trí các nhà ở bị vùi lấp. Lúc này, chưa có các phương tiện cơ giới nên công cụ tìm kiếm chỉ có đèn chiếu sáng và xẻng. Do đêm tối chưa đánh giá được hết tình hình nên trong quá trình tìm kiếm vẫn còn xảy ra sạt lở, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với anh em”, Trung tá Bùi Vĩnh Lộc cho biết.

 Ưu tiên đầu tiên là tìm kiếm những người có khả năng sống sót nhưng các chiến sỹ lặng người trong vô vọng. Thật khó để tìm kiếm một phép màu kỳ diệu về sự sống khi bị chôn vùi dưới những tảng đá to bằng cả một căn phòng. Quá nhiều người đã bị cướp đi mạng sống, một sự việc thương tâm mà lần đầu tiên chiến sỹ trẻ Nguyễn Đình Kiệm (21 tuổi) được chứng kiến. "Vì lần đầu tham gia, lại có nhiều người bị nạn nên tôi cũng có những áp lực, lo lắng. Nhưng khi bắt tay vào công việc, thì sự bình tĩnh đã trở lại. Tuy nhiên, việc tìm kiếm khó khăn lắm, bùn ngập nửa người, rồi có lúc xảy ra sạt lở phải chạy ra ngoài. Anh em vừa động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, vừa đảm bảo an toàn”, Kiệm chia sẻ.

 Sau ngày đầu tiên luân phiên nhau tìm kiếm, Kiệm cùng đồng đội được các chiến sỹ khác của phòng PC66 vào thay phiên để về nghỉ ngơi. Chân, tay trầy xước, mẩn ngứa vì dầm mưa, lội bùn nhưng họ đang tập trung nghỉ ngơi để sẵn sàng lên đường khi có lệnh. "Hi vọng sớm tìm được các nạn nhân còn lại vì càng kéo dài với diễn biến thời tiết như này thì công tác tìm kiếm sẽ thêm phần khó khăn, mà nguy hiểm thì vẫn luôn rình rập”, Thiếu úy Nguyễn Văn Sơn, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 phòng PC66  bộc bạch.

 Hy vọng là vậy nhưng việc tìm kiếm mỗi lúc một khó khăn hơn. Ngày 13/10, mưa vẫn chưa ngớt, đường vào xóm Khanh nhão nhoẹt bùn đất. Tiếng trống chiêng ai oán, tiếng người khóc nỉ non, nỗi đau khiến ai cũng quặn thắt. Để thuận lợi cho công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn vì nguy cơ sạt lở vẫn hiển hiện, lối vào hiện trường bị phong tỏa, chỉ những người có phận sự mới được vào. Những người thân, hàng xóm, láng giềng, tất cả những ai có mặt ở xóm Khanh lúc này đều hướng mắt về phía lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm và hi vọng, chờ đợi. Ông Bùi Văn Tứa, một người dân xóm Khanh rầu rĩ cho biết: "Đêm qua vẫn sạt lở nên việc tìm kiếm càng khó khăn, nguy hiểm. Hai hôm nay, các chiến sỹ thay nhau liên tục tìm kiếm. Một thảm họa thật khủng khiếp giáng xuống xóm chúng tôi. Giờ chỉ cầu mong việc tìm kiếm thuận lợi, đảm bảo an toàn và sớm tìm được những mắc kẹt để lo hậu sự, đưa họ về với tổ tiên”.

 Từ khu vực hiện trường đi ra ngoài nghỉ ngơi sau khi trực tiếp tham gia tìm kiếm các nạn nhân, đồng chí Đỗ Thanh Đạt, Đội trưởng đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ PC66 cho biết: So với hôm qua, từ sáng nay đến giờ (13/10), công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn vì có nhiều tảng đá lớn. Chúng tôi đã tính đến phương án nổ mìn nhưng không thực hiện được vì đây là những hòn đá lũ. Việc tìm kiếm chủ yếu bây giờ vẫn là sử dụng phương tiện cơ giới và các lực lượng bộ đội, cứu hộ, cứu nạn trực tiếp tìm kiếm.


 Những người dân xóm Khanh đầu đội khăn tang, mắt hướng về phía đống đất đá khổng lồ mong ngóng tin về các nạn nhân.

Khó khăn, vất vả, nguy hiểm vẫn còn phía trước khi mà quá trình tìm kiếm các nạn nhân còn lại gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng, những chiến sỹ, người lính cứu hộ và tất cả mọi người, mọi nhà vẫn đang hướng về bản nghèo sau sự cố đau thương này. Cầu mong, những nạn nhân xấu số còn lại sớm được đưa ra khỏi đống đất đá khổng lồ, để gia đình, người thân được tiễn đưa họ về yên giấc nghìn thu. Những chiến sỹ đang dầm mưa, lội bùn tìm kiếm nạn nhân sớm hoàn thành nhiệm vụ./.

 

 

                                                                                 Viết Đào

Các tin khác


Cuộc vây bắt tử tù trốn trại tại Hòa Bình-lời người trong cuộc

(HBĐT) - Chuyên án bắt giữ 2 tủ tù trốn trại Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình đã khép lạị bằng những nỗ lực của hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an. Ít ai biết rằng, những cánh quân do lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình dẫn đầu, đã luồn rừng về địa bàn huyện Mai Châu, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an tỉnh Sơn La chặn bắt đối tượng Nguyễn Văn Tình khi chỉ còn ít km nữa là hắn vuột mất sang địa bàn Sơn La và có thể sẽ vượt biên sau đó. Ba người cung cấp phương tiện, tiền bạc cho Tình bỏ trốn tại huyện Kỳ Sơn đã bị Công an tỉnh Hòa Bình xác minh, bắt giữ, khai thác nóng thông tin về đối tượng để phục vụ việc vây bắt.

Vụ hành hung phóng viên báo công lý tại xã Hợp Châu (Lương Sơn): Vì quá bức xúc!

(HBĐT) - Trong những ngày qua, trên trang điện tử tv.congly.vn của Báo Công Lý (Cơ quan của TAND tối cao) và một số trang báo điện tử đưa tin về việc phóng viên Nguyễn Văn Hoan hiện đang công tác tại Báo Công Lý bị một số người hành hung dã man trong quá trình điều tra về "vàng tặc” tại xã Hợp Châu (Lương Sơn). Xung quanh sự việc này, phóng viên Báo Hoà Bình đã về Hợp Châu và huyện Lương Sơn để làm rõ vụ việc.

Các anh không còn cô đơn

(HBĐT) - Nhắc đến Hà Giang, ngoài sự hùng vĩ của đá chắc chẳng ai quên được địa danh Vị Xuyên với những trận đánh ác liệt. Tên những điểm cao, các sư đoàn của ta tranh giành từng mét đất với giặc đã đi vào lịch sử.

Bài 1: Sinh tồn trên đá

(HBĐT) - Người ta nói lên Hà Giang chỉ đến thành phố coi như chưa đến Hà Giang. Phải qua con đường Hạnh Phúc, thưởng ngoạn những vách đá cheo leo, những đoạn đường cua tay áo mới thấy người Hà Giang sống như thế nào ở trên đá.

Những người lính viết tiếp “khúc tráng ca” của Đoàn quân Tây Tiến

(HBĐT) - Họ là những chiến sỹ của Trung đoàn 12 Hòa Bình (E12- bộ đội địa phương)- những người lính vừa làm nhiệm vụ giữ gìn ANCT, trật tự an toàn hậu phương vừa xây dựng lực lượng chiến tranh nhân dân chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chỗ, chuẩn bị chiến trường cho bộ đội chủ lực về giải phóng tỉnh nhà. Bằng tinh thần quả cảm, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, họ đã tiếp tục viết "khúc tráng ca” của Đoàn quân Tây Tiến.

Chuyện chưa kể về người giết 7 tên giặc trong trận đánh cầu Vai Réo

(HBĐT) - Giết 7 tên địch, thu 7 khẩu súng về cho bộ đội ta trong một trận đánh - chiến công ấy thuộc về ông Bạch Công Sẻn, người lính cựu giờ đây mắt đã mờ, chân đã chậm. Gặp ông, sau 3 tiếng trò chuyện chúng tôi thực sự được sống trong khí thế sục sôi quyết tâm đánh thắng giặc thù để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục