(HBĐT) - "Trong đời tôi chưa từng thấy đợt mưa lũ nào kinh hoàng đến vậy! Giữa đêm mịt mùng, mưa sầm sập như trút cuốn phăng 10 nóc nhà, làm 4 người mất tích, 2 người bị thương, nhiều nhà bị xiêu vẹo, lúa và hoa màu bị vò nát... ” Những thông tin vắn tắt từ chị Bùi Thị Thắm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Suối Nánh (Đà Bắc) về tình hình mưa lũ tại xã thôi thúc chúng tôi nhanh bước chân đến với đồng bào. Tuy nhiên, lũ núi đã tàn phá nhiều tuyến đường. Mấy ngày sau đợt lũ lịch sử, Suối Nánh vẫn bị cô lập, chỉ còn cách duy nhất tiếp cận bằng đường sông.


Tang thương nơi cửa Nánh

Xuất phát ở cảng Bích Hạ (TP Hòa Bình) từ 4h30’, đến 10h30’ chúng tôi mới đến cửa Nánh. Đây là nơi dòng suối Nánh đổ ra hồ Hòa Bình. Suối không còn cuồn cuộn nhưng dấu vết tàn phá vẫn ngổn ngang. Những hòn đá to bằng cả chiếc ô tô bị vần ra giữa suối. Nước lũ "ngoạm” nham nhở hai bên bờ. Những gốc cây, khúc gỗ, lúa, giày dép, chai lọ… nổi lềnh bềnh mặt hồ. Tiếng khóc ai oán theo bước chân hàng chục người đi tìm thi thể những người bị mất tích. Một bàn thờ với bát hương nghi ngút được lập ra sát mép nước.

Từ cửa Nánh, con đường liên xóm duy nhất dẫn vào trụ sở xã chừng 2 km nhưng có nhiều điểm sạt lở. Cảnh tan hoang hiện hữu hai bên đường. Bà Quách Thị Chơi ở xóm Cơi 2 chưa hết bàng hoàng kể: "Chừng 2h30’ đêm 10/10, cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng nước ào ào từ trên núi ập xuống. Tôi chạy ra, thấy nước tràn qua đường, dồn vào nhà. Nước dưới suối cũng cuộn lên như đang như sôi ùng ục, rồi có tiếng nổ lớn như mìn từ dưới nền nhà. Cả gia đình 5 người chỉ kịp hô hoán nhau chân đất chạy ra khỏi cửa. Một một lúc sau, đất sụt xuống và ngôi nhà bị nghiêng đổ xuống suối Nánh.” Thóc gạo, tài sản phút chốc theo dòng nước đi mất. Gia tài của gia đình bà Cơi giờ chỉ còn lại 1 góc bếp ở phía trong. Quần áo mặc trên người là của hàng xóm cho. Đống quần áo phơi trên sân trống trơn cũng là nhờ hàng xóm vớt lên từ dưới suối ướt sũng. Bữa cơm, giấc ngủ… giờ cũng nhờ họ hàng và những tấm lòng hảo tâm.


Ba ngôi nhà liền kề ở xóm Cơi 2, xã Suối Nánh (Đà Bắc) bị đổ sập xuống suối.

Mấy căn nhà liền kề nhà bà Cơi cũng chung tình cảnh. Sạt lở, lũ cuốn mất nhà, dấu vết còn lại là mấy viên gạch nền, vài tấm lợp vỡ vụn. Ba nhà ở xóm Cơi 3 bị lũ cuốn không còn chút dấu vết nào. Kinh hoàng nhất là cảnh lũ cuốn nhà anh Bùi Văn Hoàng. Đêm 10/10, 20 người trong nhà gồm gia đình anh và hàng xóm, người buôn ngô, bốc vác đến trú nhờ. Ai ngờ, ngôi nhà cách suối Nánh chừng 500m vẫn bị nước lũ cuốn phăng. Mọi người hô nhau chạy toán loạn nhưng 4 người đã không chạy kịp. Cả chiếc ô tô chở ngô cùng lái xe, chủ xe, 1 thanh niên ở xã Đồng Nghê và ông Bùi Văn Hòa ở xóm Cơi 3 bị mất tích.

Anh Bùi Văn Chuẩn, con ông Bùi Văn Hòa nghẹn ngào nói: Nhà ở cạnh suối, thấy mưa to, cả gia đình di chuyển đến nhà anh Bùi Văn Hoàng cách chừng 200m trú nhờ. Không ngờ, nước lũ lại ập vào cả nhà anh ấy. Bố tôi đã không chạy kịp. Giờ chúng tôi sống dựa vào hàng xóm, tương lai chưa biết sẽ ra sao?!” - Anh Bùi Văn Chuẩn rưng rưng kể.


Các đoàn cứu trợ chuyển nhu yếu phẩm đến cho nhân dân xã Suối Nánh (Đà Bắc).

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Chính cho biết: Xã có 5 xóm, tất cả đều bị ảnh hưởng mưa lũ nhưng xóm Cơi 1, Cơi 2, Cơi 3 nặng nhất. Đến ngày 15/10, còn xóm Duốc với 51 hộ bị cô lập. Đoạn đường bê tông dẫn vào xóm qua ngầm suối Dượn bị nước lũ bóc đi hết. Hôm 13/10 có 2 người leo núi ra được xã báo tin xóm có 9 hộ bị sạt lở. Chúng tôi phải dòng dây qua suối để chuyển lương khô, mỳ tôm vào cứu trợ. Từ ngày mùng 9, cả xã mất điện. Cột điện thoại bị hư hỏng, điện thoại hết pin không sạc được, thông tin liên lạc với bên ngoài rất khó khăn. Chúng tôi phải đổ xăng, chạy máy nổ để xạc nhưng số xăng, dầu còn trữ được trong xã không nhiều. Học sinh cũng phải nghỉ học suốt 1 tuần sau lũ, trường lớp ngập ngụa bùn.

Tình người trong lũ dữ

Ngay khi có thông tin về đợt lũ lịch sử, Đoàn thanh niên Khối các cơ quan tỉnh đã vận động các cơ sở Đoàn ủng hộ được trên 50 triệu đồng, cùng nhiều nhu yếu phẩm. Dù nhiều đoàn viên có con nhỏ, thậm chí con ốm nhưng vẫn thức khuya chuẩn bị đồ ăn, dậy sớm để chuyển hàng cứu trợ. Những cán bộ trẻ thường ngày làm việc tại cơ quan luôn sẵn sàng "cõng” gạo, mỳ tôm ngược dốc đến với đồng bào. Không hẹn mà gặp, tại cửa Nánh cũng có 4 đoàn thiện nguyện khác đến hỗ trợ bà con vùng lũ. Cảnh tấp nập bốc hàng từ các thuyền lên bến làm dịu bớt nỗi đau, sự mất mát của họ.


Gia đình bà Quách Thị Chơi, xóm Cơi 2, xã Suối Nánh (Đà Bắc) phơi đống quần áo vừa được hàng xóm vớt giúp từ dưới suối lên.

Cán bộ xã cũng hỗ trợ tích cực việc chuyển hàng đến đồng bào. Chiếc xe Win của Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đinh Anh Tuấn gằn máy khi đi qua đoạn đường sạt lở, rồi "khặc khặc” chết máy. Nhìn xuống dưới là dòng suối Nánh sâu hoắm thách thức. Người dân nơi đây buộc phải quen với cảnh này nên ngay khi đẩy qua đoạn đường nhão nhoét bùn, anh Tuấn lại nhanh như con sóc lên xe chở các nhu yếu phẩm đi tiếp. Anh nói, nhiều gia đình bị cuốn trôi mất nhà, thóc gạo, nồi niêu đang chờ… Anh Tuấn chia sẻ: Chúng tôi rất cảm động vì ngay sau đợt lũ, xã bị cô lập nhưng đến ngày 15/10 đã có 7 đoàn cứu trợ đến bằng đường sông. Ngày 16/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang cũng đã đến kiểm tra tình hình và chỉ đạo việc khắc phục. Nếu không có sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, sự tương thân tương ái của đồng bào và tấm lòng của các nhà hảo tâm không biết sẽ ra sao.


Nhân dân xã Suối Nánh (Đà Bắc) giúp gia đình anh Quách Công Sại di dời nhà cửa.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Chính, đối với các gia đình bị ảnh hưởng mưa lũ, chúng tôi chia thành 3 cấp độ để hỗ trợ. Đầu tiên là không để cho người dân bị đói, bố trí ở xen ghép. Họ hàng, làng xóm đùm bọc nhau, cho ở nhờ. Tiếp theo sẽ huy động dân quân, thanh niên giải tỏa những đoạn đường liên xóm bị sạt lở. Di dời những hộ tiếp tục có nguy cơ bị sạt. Tham mưu với cấp trên bố trí dân vào nơi quy hoạch an toàn hơn.

Ngoài kia, ở xóm Cơi 2, hơn 30 người dân vẫn đang tích cực tháo gỡ ngôi nhà sàn bị đổ nghiêng xuống phía suối Nánh của gia đình anh Quách Công Sại để di dời. Chị Bùi Thị Nhớ ở xóm Bưa Sen thu dọn lại ngôi nhà sàn chẳng mấy rộng rãi để đón 4 người trong gia đình em trai bị cuốn trôi nhà đến ở nhờ. Chị Bùi Thị Lý đi tìm quần áo chia sẻ cho bà Quách Thị Chơi bị lũ cuốn trôi hết nhà, tài sản… Một miếng khi đói bằng một gói khi no, mong có thêm nhiều sự giúp đỡ. Trong hoạn nạn có nhau, tình người được thắp sáng để cùng gượng dậy.

 

Cẩm Lệ

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục