Giữa trùng khơi sóng gió, giữa muôn vàn gian khó những người lính và những người dân trên đảo vẫn hiên ngang như những cây phong ba bền bỉ đi qua bao mùa bão tố. Để trở thành những cột mốc sống vững vàng giữ đảo, giữ biển, giữa trùng khơi...
Chuyến đi "đặc biệt”
Chúng tôi gọi đây là chuyến đi đặc biệt. Bởi lẽ, ngay trên chuyến tàu quân sự mang số hiệu 14 - 41 - 88 thuộc Lữ đoàn vận tải 273 - Quân khu 3 khi rời bến cảng Cái Rồng thuộc huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) thì tôi là người duy nhất trong đoàn "khoác” áo dân sự. Bởi thế mà theo như thiếu tá Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo Quân khu 3 thông tin thì: để cậu được tham gia chuyến đi này anh em chúng tớ đã phải đề xuất trực tiếp với lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 3. Khi các thủ trưởng đồng ý, chúng tớ mới thông tin cho cậu biết.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Công và kíp lái điều khiển con tàu mang số hiệu 14 - 41 - 88 vươn khơi.
Bé Nguyễn Quang Huy là công dân thứ 74 của đảo Trần.
Cũng chính vì không thuộc biên chế LLVT và cũng là lần đầu tiên được theo đoàn công tác của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đi chúc tết CBCS và nhân dân trên tuyến đảo Đông Bắc của tổ quốc nên ngay khi con tàu mang số hiệu 14 - 41 - 88 rời bến cũng là lúc tôi được thiếu tá Nguyễn Mạnh Dũng trực tiếp "mở lớp” bồi dưỡng cấp tốc về công tác chính trị, tư tưởng ngay trên tàu để nắm, hiểu rõ ý nghĩa, mục đích chuyến đi...
Lần đầu tiên được tham gia cuộc hải trình trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, thế nên tôi đã được ưu tiên đứng vào buồng lái để quan sát, ngắm bình minh trên biển. Nhìn về hướng mặt trời đang dần vươn qua những ngọn núi trên vịnh Cái Rồng, thiếu tá Nguyễn Văn Công, thuyền trưởng con tàu mang số hiệu 14 - 41 - 88 bảo: năm nào anh em chúng tớ cũng đi trên tuyến hải trình này trong những ngày cuối năm thời tiết lạnh giá. Thế nhưng cũng chưa bao giờ được đón bình minh trên biển đẹp như thế này. Thường ở thời điểm rét đậm thế này trên biển hay có sương mù dày đặc, tầm nhìn rất hạn chế. Thời tiết đẹp, chuyến đi này sẽ thuận lợi hơn so với những năm trước.
Cô giáo Hoàng Thị Huyền ngày đêm gieo chữ nơi đảo xa.
Theo hải đồ, con tàu rẽ nước tiến về phía trước với tốc độ tối đa để lại phía sau những vệt sóng dài. "Từ cảng Cái Rồng đến điểm đảo Trần, cứ tốc độ này cũng phải mất hơn 3 tiếng. Mùa này biển động, nếu đi tàu dân sự hoặc tàu cá, nhanh thì cũng phải mất nửa ngày mới ra đến nơi. Bây giờ, tàu vừa ra khỏi mũi Vĩnh Thực, bắt đầu ra vịnh. Đang đi ngược gió nên ngoài khơi gió sẽ to, sóng sẽ lớn, không quen dễ bị say sóng lắm”, thuyền trưởng Nguyễn Văn Công nói như nhắc nhở về những khó khăn phía trước đối với những người lần đầu tiên "vươn khơi”...
Đảo Trần - "Trường Sa” nơi biển Bắc
Không say sóng, nhưng quả thực là khi bị những đợt sóng lớn liên tục "nhồi” cũng không dễ chịu một chút nào. Sau hơn 3 giờ đồng hồ bị sóng biển vần vò, đảo Trần cũng đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ xa, nhìn đảo Trần sừng sững, vững chãi giữa bốn bề sóng nước. Theo hướng chỉ của thuyền trưởng Nguyễn Văn Công thì về phía biển là cầu cảng Vụng Tây, trên đỉnh núi cao nhất đảo là cột cờ với lá cờ đỏ sao vàng đang căng gió và ngọn hải đăng đánh dấu chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đó là điểm tựa cho ngư dân mỗi khi vươn khơi, bám biển.
Hoàn toàn không giống như những gì tôi hình dung trước chuyến hải trình. Đảo Trần không phải là những bãi đá nằm trên mực nước biển một vài mét. Mà theo trung tá Trịnh Hồng Phong, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 242 thì đây là một hòn đảo có những ngọn núi nối tiếp nhau được hình thành qua quá trình kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm nó gắn liền với sự hình thành các tuyến đảo trên vịnh Bắc Bộ. Đây cũng là hòn đảo xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh và vùng vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Đảo nằm dưới sự quản lý về mặt hành chính cấp thôn của xã đảo Thanh Lân huyện đảo Cô Tô. Đảo Trần có diện tích tự nhiên khoảng 443,8ha, là hòn đảo tiền tiêu của vùng Đông Bắc. Về địa giới, hòn đảo này chỉ cách đường phân định ranh giới trên vịnh Bắc Bộ giữa nước ta và Trung Quốc chỉ khoảng 4 - 5km. Đảo Trần có diện tích tuy nhỏ, nhưng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh và đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Cùng với Bạch Long Vỹ, đảo Trần được ví như "con mắt” trấn giữ cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ. Chẳng vậy, trong giới "nhà binh” vẫn ví đảo Trần là "Trường Sa của biển Bắc” với câu ví đầy tự hào "cả nước có Trường Sa - Quân khu 3 có đảo Trần”. Trước đây, đảo không có cư dân sinh sống, chỉ có các đơn vị bộ đội đóng quân tại đây. Do vậy, đảo vẫn còn giữ được những nét gần như hoang sơ với thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thừa nước mặn nhưng thiếu nước ngọt. "Về mùa khô, CBCS phải chia nhau từng thau nước sinh hoạt. Và trong những tháng mùa khô, dằng dẵng ấy, lúc nào đảo cũng nồng khê vị muối, trong từng hơi thở khát cháy vị biển...”, trung tá Trịnh Hồng Phong chia sẻ thêm. Hiện nay trên đảo, ngoài CBCS LLVT làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển còn có nhân viên đèn biển thuộc Xí nghiệp đảm bảo an toàn hàng hải và 16 hộ dân với 74 nhân khẩu sinh sống. Phần lớn họ đều là những gia đình trẻ, làm nghề đi biển, đánh bắt hải sản, tự nguyện rời đất liền ra gắn bó với đảo.
Những "cây phong ba” trên đảo
Thú thực, tôi mới chỉ nghe nói về cây phong ba hiên ngang trước sóng gió, trước những mặn mòi gian khó nơi đảo xa chứ chưa từng được thấy, được gặp. Đến đảo Trần cũng vậy, chúng tôi không gặp những cây phong ba như trong những câu chuyện kể. Thế nhưng, chúng tôi vẫn gặp những cây phong ba giữa đời thực. Chúng tôi gọi họ - những người lính đảo và những người dân đảo - là những cây phong ba. Bởi những gian khó, sóng gió dập vùi họ vẫn hiên ngang như những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng của tổ quốc.
Đảo Trần hiện đang là nơi sinh sống của 16 hộ dân.
Ngoài số CBCS LLVT thuộc tiểu đoàn đảo Trần thuộc Lữ đoàn 242 - Quân khu 3; CBCS đồn Biên phòng Vụng Tây và nhân viên đèn biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thì thì 74 con người ở 16 nóc nhà cũng chính là những cột mốc sống. Giữa biển khơi mặn mòi vị biển, những cột mốc ấy cứ âm thầm bám đảo, giữ đảo như từng cây sú, vẹt bé nhỏ bám rễ sâu vào đất biển bên nhau đan rễ, xen cành ken thành rừng vững vàng trước sóng gió. Giữa nơi trùng khơi ấy, bất chợt tôi thấy có vị cay cay nơi sống mũi khi nghe thiếu tá Bùi Đức Chung, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đảo Trần kể những câu chuyện cổ tích có thật về những người đã nguyện gắn bó cuộc sống của mình với đảo. Theo thiếu tá Chung thì hiện nay trong số những cư dân sinh sống ở đảo Trần, người mới nhất là cô giáo mầm non Bùi Thị Hà Giang, tính đến tết này em mới tới đảo Trần vừa tròn 2 tháng; công dân thứ 74 của đảo là cháu Nguyễn Quang Huy cũng vừa chào đời cách đây cũng vừa tròn 2 tháng. Còn người có thời gian ở đảo lâu nhất là vợ chồng chị Nguyễn Thị Cảnh và anh Hoàng Văn Hiển. Theo đó, năm 2005, đảo đón công dân đầu tiên là cặp vợ chồng chị Cảnh và anh Hiển là những người trẻ đầu tiên tình nguyện ra đảo lập nghiệp. Trò chuyện với chúng tôi, chị Cảnh bảo: 2 vợ chống vốn quê gốc ở xã Phú Hải, huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Trước đây, ở quê cũ có quá nhiều khó khăn nên năm 2005, theo gợi ý của các anh bộ đội ở đảo, vợ chồng mình đã khăn gói ra đảo lập nghiệp với 2 bàn tay trắng và trở thành những công dân đầu tiên của đảo.
Nơi đảo xa, tình cảm quân với dân luôn gắn bó bền chặt.
Ban đầu cả 2 vợ chồng cũng không hình dung được mình sẽ sống ở đó như thế nào với hai bàn tay trắng. Lúc mới ra đảo, sinh sống, vợ chồng chị phải chống chọi với nhiều trận "sóng to, gió lớn”. Những trận bão biển cồn lên dữ dội khiến ngôi nhà tạm bợ của gia đình chị nhiều lần bị tốc mái. Cộng với đó là những khó khăn, thiếu thốn về đồ ăn, nước uống của những ngày biển động, sương mù, tàu thuyền không chuyển hàng ra đảo được... Tưởng chừng những khó khăn, thiếu thốn đó sẽ làm cho đôi vợ chồng trẻ nhụt đi ý chí bám biển, bám đảo. Thế nhưng, bằng sự kiên cường, tình yêu gắn bó với đảo đã giúp vợ chồng chị Cảnh vượt qua để bám trụ cho đến hôm nay. Chị bảo: "Với tôi đảo giờ đã là nhà, là quê hương chính của mình. Vui hơn khi đảo Trần đón thêm nhiều hộ ra đây sinh sống lập nghiệp. Từ khi có thêm các hộ ra đảo, cuộc sống trên đảo rộn thêm tiếng cười. Vui hơn nữa là mọi người đều có chung tâm nguyện bám biển, bám đảo với ý chí vươn lên, khát khao làm giàu trên mảnh đất này. Từ chỗ chỉ có một hộ gia đình sinh sống suốt 8 năm liền, tới nay, Đảo Trần đón nhận một sự thay đổi lớn khi có đến 17 ngôi nhà khang trang được hoàn thiện và hiện đã có thêm 15 hộ dân ra đảo sinh sống đưa tổng số hộ dân sinh sống ở đảo lên 16 hộ. Đến với Đảo Trần, hầu hết các hộ trên đảo đều là gia đình trẻ tự nguyện rời đất liền bám biển, bám đảo. Với họ, ra với biển, gắn bó với đảo Trần không chỉ là khát vọng làm giàu nơi miền đất mới đầy tiềm năng, mà còn trách nhiệm thiêng liêng với chủ quyền biển đảo. Như cô giáo Hoàng Thị Huyền - người đã tạm biệt phố thị Vân Đồn sầm uất để ra với các em học sinh thân yêu trên đảo. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, khát vọng mang con chữ đến với những vùng đất khó khăn, xa xôi nhất nên cô đã chọn đảo Trần là nơi lập thân, lập nghiệp. Trò chuyện với chúng tôi cô gái có đôi mắt sáng, nụ cười duyên chia sẻ: sau khi tốt nghiệp ra trường, năm 2009 em về nhận công tác tại Trường Mầm non xã đảo Thanh Lân (huyện Cô Tô). Sau đó, năm biết tỉnh có chủ trương di dân ra đảo Trần, tháng 9/2014, em đã tình nguyện làm đơn xin chuyển công tác ra đảo Trần. Biết tin em làm đơn tình nguyện ra đảo Trần công tác, lúc đầu gia đình không ai ủng hộ, bạn bè nhiều người can ngăn và ái ngại vì lo con gái một thân một mình lại ra đảo xa xôi còn rất nhiều gian khó, không chịu được gian khổ. Nhưng em vẫn quyết tâm đi vì nghĩ những nơi khó khăn, xa xôi như thế thì mới cần đến tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ. Em vẫn nghĩ, dù có khó khăn nhưng mọi người vẫn sống được thì mình cũng sống được.
Tính ra, cho đến bây giờ, Huyền vẫn là cô giáo có thời gian công tác, gắn bó với đảo Trần lâu nhất. Dù rằng, lớp học của Huyền chỉ có 5 học sinh ở các bậc học khác nhau nhưng chưa bao giờ cô trò vắng tiếng ê a học bài. Bây giờ, ở đảo Trần ngoài Huyền, còn có cô giáo mầm non Bùi Thị Hà Giang, người cũng vừa đến với nơi này chưa lâu. Thế nhưng em cũng đã coi đảo là nhà, là nơi gắn bó dài lâu. Cũng như Huyền, cũng như những người dân như chị Cảnh, chị Sằn, anh Hiển, anh Dinh, hay như các bé Phương Xa, bé Quang Huy... là những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trên đảo, cô giáo Bùi Thị Hà Giang cũng mang trong mình một tình yêu biển đảo tha thiết.
Tình yêu đó đã biến những công dân nơi đảo xa trở thành những cây phong ba vững vàng nơi đầu sóng đầy hiên ngang; trở thành những cột mốc sống tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác để bảo vệ vững chắc một chân lý: biển trời này, đất nước này là của Việt Nam tôi. Rồi đây, những thế hệ công dân mới rồi sẽ lại tiếp tục ra đảo mang trong mình khát vọng, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Trên muôn trùng sóng dữ, họ là những người như cô giáo Huyền âm thầm bám đảo "gieo” chữ, hay nhân viên gác đèn biển luôn vững vàng nơi đầu sóng để "mắt biển” không bao giờ ngừng sáng; hoặc đó là những người lính vững tay súng, bảo vệ từng tấc đất, biển trời quê hương. Đó sẽ là vô vàn con người dù không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ đã làm ra đất nước...
Bài 2 - Gió, cát, phong ba ấm hơi thở đất liền
Mạnh Hùng