(HBĐT) - Quả thực, mảnh đất Lạc Sơn được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp đắm say lòng người. Từ Miền Đồi thơ mộng với thảo nguyên xanh và ruộng bậc thang ngút ngàn đến "con đường thơ” lên 3 xã vùng cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do để ngắm nhìn thác Mu, "rừng lá phong” đổ vàng. Mùa xuân, thời điểm vùng cao trở nên thơ mộng, núi rừng chìm đắm trong khúc nhạc tình tứ.

 


Miền Đồi - xứ sở của những ruộng bậc thang.

 

Mê mẩn với ruộng bậc thang Miền Đồi

Hòa Bình là tỉnh miền núi nên không khó để bắt gặp những thửa ruộng bậc thang ở những huyện vùng cao Mai Châu, Đà Bắc hay ở các xã vùng cao của huyện Tân Lạc. Thế nhưng, chẳng nơi nào có được những thửa ruộng bậc thang rộng lớn, tuyệt đẹp như ở Miền Đồi. "Phải lòng” ngay lần đầu đặt chân đến, hằng năm, chúng tôi đều có chuyến ghé thăm miền sơn cước này. Có dịp lên Miền Đồi đúng vào mùa lúa chín, có khi là thời điểm bà con đang cày cấy, có dạo là vào mùa đông mây mù. Phải thừa nhận rằng, dù là thời điểm nào trong năm thì miền sơn cước này cũng toát lên vẻ đẹp say lòng người.

Miền Đồi là xã thuần nông, thu nhập chủ yếu của bà con nơi đây từ canh tác trên 308 ha lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ khi có đường nhựa, việc giao lưu hàng hóa của Miền Đồi được thuận lợi hơn, kinh tế của bà con có nhiều chuyển biến tích cực. Chính con đường này đã giúp Miền Đồi trở nên gần gũi, mở ra cơ hội cho du khách gần xa khám phá. Tre và Dóm là hai xóm có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất ở Miền Đồi. Tre là cửa ngõ của Miền Đồi, sau khi vượt qua con dốc đầu tiên, những thửa ruộng bậc thang với hàng trăm bậc uốn lượn hiện ra trước mắt. Con suối nhỏ chảy từ thác Điệu đổ xuống ngăn đôi cánh đồng của xóm Tre cũng là một điểm nhấn thú vị. Phía trên bậc thang cao nhất là những nếp nhà sàn truyền thống của bà con người Mường. Tất cả tạo nên cảnh sắc thật hoang sơ, gần gũi biết bao.

Tiếp tục chạy theo con đường nhựa đi qua trụ sở UBND xã, hai bên đường, những thửa ruộng hiện ra như những dải lụa mềm mại. Kia rồi, khu ruộng bậc thang của xóm Dóm, niềm tự hào của người dân Miền Đồi. Trên con đường nhựa trước nhà văn hóa xóm Dóm, cả khu ruộng nằm trong tầm mắt. Đây không chỉ là khu vực có ruộng tập trung rộng lớn nhất mà còn là một kiệt tác của Miền Đồi. "Qua nhiều thế hệ khai hoang mới tạo thành những thửa ruộng như này. Nhiều người ở nơi xa đến, họ đều bất ngờ, không nghĩ trên này có ruộng bậc thang đẹp như vậy. Có người còn ví như ruộng ở Mù Căng Chải (Yên Bái). Vài năm trở lại đây, có nhiều nhóm bạn trẻ lên khám phá, chụp ảnh. Trên tuyến này, ở xóm Vôi Thượng còn có đồi Lè với bãi cỏ may rộng lớn, nhiều cặp đôi lựa chọn để chụp ảnh cưới ở đó”, anh Bùi Văn Thưởng, Trưởng xóm Dóm chia sẻ.

Ruộng bậc thang ngút ngàn, "thảo nguyên” đồi Lè trong lành, lộng gió và thác Điệu chảy quanh năm mát lạnh - những điều cuốn hút ở Miền Đồi. Chưa hết, ở miền sơn cước này, bà con người Mường vẫn giữ được nếp nhà sàn truyền thống và những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến Miền Đồi ngắm ruộng bậc thang rồi về vùng cao ngắm thác Mu, "rừng lá phong” Ngọc Lâu sẽ là một trải nghiệm thú vị cho những ai ưa khám phá.

Vùng cao không chỉ có thắng cảnh thác Mu

ở xã vùng cao Tự Do, thác Mu từ lâu đã được du khách thập phương biết tới. Mùa hè, có thời điểm mỗi ngày có hàng nghìn người đến thác Mu. Con thác kỳ vĩ, nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển là món quà mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho xã vùng cao Tự Do. Đã được khám phá một số địa danh nổi tiếng ở Hòa Bình nhưng Bùi Phương Lam, sinh viên trường Đại học Công Đoàn phải thừa nhận vẻ đẹp đầy cuốn hút của thác nước này: "Trong mùa hè vừa qua, tôi cùng nhóm bạn quyết định đi thác Mu sau bao lần lỡ hẹn. Thác nước cao, dòng nước mát lạnh, xung quanh là núi rừng nguyên sơ và những nếp nhà sàn yên bình khiến chúng tôi rất ấn tượng. Đây là thác đẹp nhất mà tôi từng được khám phá”.

Thế nhưng, vùng cao không chỉ có thác Mu, nơi đây còn nhiều điều bí ẩn. Trên hành trình về Tự Do, nếu không dừng chân ở Ngọc Lâu, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội được ngắm "rừng lá phong” trên thảo nguyên Bãi Bùi ở xóm Khộp. Đó là một bãi cỏ may khá bằng phẳng, rộng hơn 5 ha. Điểm nhấn của Bãi Bùi là bà con nơi đây đã bảo vệ, giữ gìn được hơn 50 cây tlau cổ thụ. Mùa thu, lá tlau chuyển vàng như rừng lá phong, một khung cảnh tuyệt đẹp mà chưa nhiều người biết tới. Theo đồng chí Bùi Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu cho biết: Một số đoàn lên tặng quà bà con, khi đặt chân đến Bãi Bùi đã sửng sốt trước vẻ đẹp nơi này. Đây cũng là địa điểm lý tưởng mà nhiều cặp đôi lựa chọn để chụp ảnh cưới. "Vào tắm ở thác Mu, lúc quay ra ghé Bãi Bùi sẽ là một hành trình hấp dẫn hơn. UBND xã sẽ cố gắng giữ lại Bãi Bùi để tạo điểm nhấn cảnh quan cũng như thúc đẩy du lịch phát triển”, đồng chí Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

Không chỉ có Bãi Bùi, ở xóm Khộp còn có giếng thần với nhiều câu chuyện thú vị về việc giữ rừng, giữ nguồn nước trong lành. Không giống như địa hình có nhiều đồi núi chia cắt ở Tự Do, từ xóm Băng đến Khộp là một thung lũng khá bằng phẳng với những bãi ngô, bãi mía chạy ngút ngàn. Rời Ngọc Lâu, trên hành trình hạ sơn, ở ngay cửa ngõ vào Ngọc Sơn là vị trí không thể thuận lợi hơn để ngắm nhìn các xã thuộc vùng huyện, vùng Quyết Thắng của huyện Lạc Sơn. Chính vị trí cao, cảnh sắc đẹp nên Ngọc Sơn đã từng được lựa chọn để tổ chức giải dù lượn toàn quốc.

Có thể nói, đến với Lạc Sơn là đến với mảnh đất với nhiều thắng cảnh đẹp, một vùng đất vẫn đang gìn giữ và phát huy được những bản sắc truyền thống của dân tộc Mường. Nếu hạ tầng được đầu tư hơn nữa, tin rằng, du lịch sẽ đem lại mùa xuân ấm no ở những điểm dừng chân đầy nhung nhớ này.


Viết Đào 

 


Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục