(HBĐT) - Dù không còn ở đảo. Nhưng trung tá Nguyễn Anh Tuấn, tham mưu phó Lữ đoàn 242 - Quân khu 3 vẫn không thể quên những năm tháng làm "lính đảo” cách đây hơn chục năm trước. Bởi trong những năm tháng gian khó ấy, người lính đảo luôn có một hậu phương vững chắc.


Hậu phương nơi biên cương

Hậu phương của trung tá Nguyễn Anh Tuấn và các thế hệ người lính đảo đó mãi là tình cảm nồng ấm, chân thành; là sự gắn kết giữa người lính với nhân dân trên đảo. Chẳng vậy mà trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, trung tá Nguyễn Anh Tuấn vẫn luôn nhắc nhiều, nói nhiều về những kỷ niệm, ký ức gắn bó máu thịt giữa quân với dân khi anh còn là tiểu đội trưởng ở tiểu đoàn Cô Tô cách đây hàng chục năm. Anh kể: tớ quê ở Nam Định, nhưng không phải ở vùng biển nên khi mới ra đảo, mọi thứ còn lạ lẫm lắm. Cái gì cũng phải tập để làm quen từ cái nhỏ nhất như việc ăn uống, tắm giặt sinh hoạt hàng ngày. Bởi ngày ấy ở đảo Cô Tô dân cư còn thưa thớt chứ chưa sầm uất như bây giờ. Do vậy, mọi thứ đều vô cùng khó khăn và khan hiếm. Tuy ở đảo cũng có nước ngọt nhưng nước sạch, rau xanh vẫn là những thứ khan hiếm và quý nhất nên quá trình sử dụng đều phải chắt chiu, tiết kiệm. Đất ở đảo thì chỉ chỉ yếu là đá, cát, thời tiết khắc nghiệt nên để trồng được một cây rau người ta phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức. Thế nên, chúng tớ lúc nào cũng chỉ thèm được ăn một bữa rau xanh đã đời. Khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng cái tình cảm gắn bó giữa quân với dân nơi đầu sóng, ngọn gió lúc nào cũng thắm thiết chân tình. Chẳng vậy mà khi ở đảo cánh lính chúng tớ ai cũng có ít nhất một ông bố, một bà mẹ và những người anh em coi như ruột thịt. Đó là hậu phương vững chắc để chúng tớ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền biển, đảo phên dậu của Tổ quốc.


Sợi dây tình cảm đã kết nối đảo xa gần hơn với đất liền.

Cho đến bây giờ, sau 20 năm tròn dù không còn là lính đảo, nhưng mỗi khi có dịp đến công tác tại tuyến đảo Đông Bắc, bao giờ trung tá Nguyễn Anh Tuấn cũng đến thăm hỏi những người đã từng là hậu phương của mình. Trong đó, ngôi nhà của mẹ Hoàng Thị Miến ở đảo Cô Tô là nơi anh cùng đồng đội vẫn thường tới. Ngôi nhà nhỏ ấy 20 năm trước đã từng ghi dấu kỷ niệm của nhiều người lính đảo. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn kể: khi tôi mới ra đảo, chính mẹ Miến và các con đã luôn động viên, khích lệ chúng tôi vượt lên muôn trùng gian khó để hoàn thành nhiệm vụ. Và cũng chính trong ngôi nhà ấy, chúng tôi được ăn những củ khoai củ sắn ngọt bùi vị biển do chính mẹ đổ biết bao mồ hôi trồng nên. Và cả những khi thiếu thốn trong mùa biển động gánh rau với củ khoai, củ sắn nghĩa tình của mẹ như mang cả đất liền, cả quê hương về gần hơn với lính đảo...

Còn đối với người dân trên đảo, nói như đồng chí Hoàng Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã đảo Thanh Lân thì: giữa trùng khơi những người lính, CBCS LLVT đã trở thành điểm tựa vững vàng để cho người dân chúng tôi yên tâm bám biển tích cực tham gia giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

Suốt chuyến hải trình, có một điều đặc biệt là trong các cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và những người lính đã có nhiều năm gắn bó với biển đảo phên dậu biên cương vùng biển Đông Bắc như thượng tá Phạm Văn Chính, Đồn Trưởng đồn biên phòng Thanh Lân, đại uý Ngô Văn Dũng, Chính trị viên tiểu đoàn đảo Trần, trung tá Ngô Công Hưng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng đảo Ngọc Vừng, đại úy Đỗ Gia Hải, Chính trị viên đảo Ngọc Vừng... tất cả đều có chung một cảm nhận: dù ở nơi trùng khơi sóng dữ còn gian khó nhưng những người lính đảo vẫn luôn cảm nhận được hơi ấm từ đất liền; sự gắn kết chân thành, bền chặt của những người dân sinh sống trên đảo.

Giữa trùng khơi thắm sắc đào

Trong suốt tuyến hải trình có một điều làm chúng tôi vô cùng thích thú đó là đến đâu, ở đảo nào cũng được người dân đón tiếp bằng tình cảm chân thành, nồng hậu. Hơn nữa, dù ở điểm đảo xa xôi, khó khăn nhất như đảo Trần chúng tôi thấy ở đó sắc đào luôn thắm cùng lính đảo và người dân để đón một mùa xuân ấm áp. Dường như "đọc” được sự ngạc nhiên, thích thú của chúng tôi khi thấy giữa nơi trùng khơi vẫn thắm sắc đào đúng dịp đón tết cổ truyền, đại úy Phạm Thế Hùng, trợ lý Phòng Biên phòng - Quân khu 3 cũng là một người Hòa Bình nhiều lần tham gia đoàn công tác đến thăm, động viên CBCS ở tuyến đảo trong dịp tết chia sẻ: Đón Xuân trên đảo không náo nhiệt như ở trong đất liền vì không có phiên chợ Tết, không có rực rỡ sắc màu của phố hoa. Nhưng giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, ngày Tết trên đảo cũng có đầy đủ hương vị của đất liền. Trước đây ở đảo do việc đi lại khó khăn, sự kết nối với đất liền còn rất hạn chế nên hầu như cái gì cũng thiếu thế nhưng thiếu gì thì thiếu, ngày tết ở đảo lúc nào cũng thắm sắc mai, đào.


 

Quân với dân trên đảo Trần chuẩn bị cho cái tết đủ đầy.

 

Theo như đại úy Nguyễn Anh Tuấn, bác sỹ Quân y Tiểu đoàn đảo Trần thì: Hoa mai ở đảo tết nào cũng có, bởi nó được làm từ những bàn tay khéo léo của người lính đảo. Chỉ cần một cành cây xú, vẹt chặt ở ven biển, thêm ít giấy màu và keo dán. Chỉ thế thôi, anh em xúm vào làm, nửa buổi là có ngay một chậu mai khoe sắc vàng rực rỡ không thua kém bất cứ một chậu mai bonsai nào trong đất liền để chưng tết. Còn đào thì đơn giản hơn, vì ở đảo nào cũng có. Trước đây, phải mang từ đất liền ra, nhưng sau này từ những cành đào đó, chưng tết xong, anh em mang đi trồng ngay trên khuôn viên của đơn vị, nhờ chăm sóc tốt nên những cây đào đã bén rễ đâm hoa nảy lộc ở giữa trùng khơi gian khó này. Nhờ vậy, năm nào ở đảo cũng có cành đào thắm sắc hoa để chưng tết. Sắc mai vàng rực cùng với hồng đào thắm sắc đã làm cho những người lính đảo xa nhà thấy gần hơn với quê hương và ấm lòng với tết.

Đại úy Ngô Văn Dũng, Chính trị viên Tiểu đoàn đảo Trần cho biết thêm: Có những chiến sĩ lần đầu đón Tết tại đảo nhưng không cảm thấy buồn, vì bên cạnh luôn có tình cảm nồng ấm của đồng chí, đồng đội và người dân. Đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay, toàn đơn vị thi đua thực hiện đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, SSCĐ cao. Đảng ủy, chỉ huy đơn vị đã tập trung bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Ngoài chế độ của cấp trên, đơn vị còn đưa thêm vào bữa ăn nhiều loại thực phẩm, từ sản phẩm tăng gia sản xuất như rau, củ, quả, thịt lợn, thịt bò... Bên cạnh đó, trong dịp Tết này, đơn vị cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Ở đảo xa, nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi luôn xác định tốt tinh thần "vui xuân mới, không quên nhiệm vụ”, anh em CBCS trong toàn đơn vị luôn sát cánh bên nhau, thực hiện nghiêm các chế độ trực SSCĐ, xứng đáng là "lá chắn thép”, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Còn binh nhất Nguyễn Văn Sáu, chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội 8 Tiểu đoàn đảo Trần chia sẻ: Đây là năm đầu tiên em đón tết tại đảo. Không khí tết ở đảo không náo nhiệt như ở đất liền, nhưng cũng có đầy đủ hương vị Tết với cành đào, bánh chưng... Những ngày qua, em rất vui vì được cùng đồng đội tự tay trang trí cành đào, đã tạo nên một không khí đón tết trong toàn đơn vị đầm ấm như ở nhà. Không chỉ có vậy, ở đây cũng vui vì không khí vui xuân, đón Tết của bộ đội với người dân trên đảo đầm ấm như trong một gia đình.

Luôn vững vàng nơi đầu sóng, đầu gió

Khi hương xuân gõ cửa mọi nhà, cũng là lúc những chiến sĩ trên các đảo gác lại việc riêng tư vững tay súng, kiên cường bám biển, bám đảo hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Với họ, tình yêu đất nước đã hòa quyện cùng tình yêu gia đình tạo thành sức mạnh giúp họ bền gan, vững chí canh giữ biển trời Tổ quốc. Đại úy Ngô Văn Dũng, Chính trị viên Tiểu đoàn đảo Trần chia sẻ: Trong những ngày tết, toàn đơn vị vẫn luôn xác định thực hiện tốt tư tưởng, trong tư thế SSCĐ cao. Là đảo tiền tiêu nên anh em trong đơn vị luôn xác định quyết tâm SSCĐ không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Do vậy, dù trong những ngày Tết trên trận địa chiến đấu, CBCS của đơn vị vẫn luôn chắc tay súng, vững vàng trước sóng gió biển khơi.


Giữ trùng khơi sóng dữ, CBCS LLVT luôn đề cao tinh thần SSCĐ, không để bị động.

Tinh thần này đã luôn được thể hiện rõ nét trong toàn thể CBCS LLVT trên tuyến đảo. Thượng tá Phạm Văn Chính, Đồn trưởng đồn Biên phòng Thanh Lân cho biết: trong dịp tết nguyên đán 2018, đơn vị đã quán triệt sâu sắc mệnh lệnh của cấp trên. Luôn duy trì nghiêm các chế độ trực SSCĐ, đảm bảo quân số, phương tiện sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, không để bị động bất ngờ. Cùng với đó, đơn vị cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Nhờ vậy, trong những tháng đầu năm 2018 đơn vị đã phát hiện, đẩy đuổi 25 lượt tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, ngay trong ngày đầu năm mới (ngày 01/1/2018) đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 2 tàu cá nước ngoài xâm phạm sâu vào vùng biển của ta. Đơn vị đã hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý phục vụ cho công tác đấu tranh ngoại giao và tổ chức phóng thích 2 tàu cá trên về nước. Quá trình làm nhiệm vụ, CBCS đơn vị cũng đã kêu gọi được 1.243 lượng phương tiện với 3.545 lượt ngư dân đang hành nghề khai thác thủy sản trên biển vào nơi tránh trú các cơn bão an toàn, tránh thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, đơn vị cũng đã tham gia tổ chức tìm kiếm cứu nạn 4 vụ tai nạn trên biển, tìm vớt được 4 ngư dân tử nạn, giao lại cho thân nhân đưa về quê an táng.

Hay như đồn Biên Phòng đảo Ngọc Vừng, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 cũng đã ngăn chặn, xua đuổi 30 tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam đánh bắt trộm hải sản; tham gia cứu hộ, cứu nạn 6 vụ tàu cá của ngư dân va chạm trên biển bị chìm đã đưa vào bờ an toàn và đưa 11 người dân trên địa bàn xã đảo Ngọc Vừng đi vào đất liền cấp cứu kịp thời, trong đó có 1 du khách người nước ngoài đến thăm quan, du lịch.

Có thể nói, với tinh thần SSCĐ cao, CBCS LLVT các đơn vị trên tuyến đảo vùng Đông Bắc đã luôn xứng đáng là những "lá chắn thép” trong việc bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Tổng tiến công mùa Xuân 1968: Ký ức về một thời “hoa lửa”

Đã 50 năm trôi qua nhưng những chiến công, trận đánh vang dội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều nhân chứng lịch sử về một thời "hoa lửa.”

“Thành phố hòa bình” ở miền đất thiêng

Đã từ rất lâu rồi, tỉnh Quảng Trị - nơi chịu nhiều đau thương, mất mát vì chiến tranh - đã ấp ủ việc xây dựng 1 thành phố - là biểu tượng của hòa bình trên nền móng miền đất thiêng Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).

Ghé thăm người trồng đào trước độ xuân về

Xuân Mậu Tuất đang đến thật gần trên từng góc làng, ngõ phố. Đây cũng là thời điểm, người dân trồng đào khắp nơi đang tất bật với các công việc chăm sóc, trông, chăm đào chuẩn bị đón xuân. Những cành đào như đang "trở mình” trước gió. Giá cả và các loại đào cũng vô chừng, vô kể, có cả những cây đào "danh bất, hư truyền” có giá lên tới vài trăm triệu đồng.

Sức hút từ cực Bắc: Ngọc trời tam giác mạch

Từ loài hoa dại, tam giác mạch trở thành thương hiệu của Hà Giang. Không chỉ thu hút khách du lịch ngắm hoa, hàng loạt sản vật được người dân chế biến như bánh tam giác mạch, rượu và có cả đề án làm bia tam giác mạch.

Người con dũng sĩ ở Trung đoàn Rừng Sác anh hùng

(HBĐT) - Sau khi tốt nghiệp trường trung cấp sửa chữa vô tuyến điện, năm 1965, chiến sĩ Bùi Xuân Yêm (hiện ở tổ dân phố 16, phường Đồng Tiến - TP Hòa Bình) được điều vào xưởng sửa chữa vô tuyến điện đại tu máy bay của Cục không quân. Năm 1966, anh được vào Trung đoàn 10 đặc khu Rừng Sác. Đây là đơn vị được Bộ chỉ huy miền Nam giao chuyên đánh giặc ở vùng sông nước; chủ công đánh ở sông Lòng Tàu và cảng Nhà Bè.

Kỳ án ở Nam Định: Tên cướp có hàm răng xỉn

Đặc biệt, tên cướp có hàm răng màu xỉn tối, bẩn. Gã mặc chiếc áo rét màu xanh, quần màu tối, xách một chiếc ba lô con cóc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục