"Đi tìm vé về tuổi thơ là giấc mơ có thật nếu bạn đến và trải nghiệm những trò chơi tại Phố đi bộ Trịnh Công Sơn ở Ngày hội Olympic trò chơi dân gian 2018…”. Dòng chia sẻ ấy tại địa chỉ "Sân Đình - Bảo tồn văn hóa dân gian Việt” trên mạng xã hội Facebook đã đưa tôi tìm tới những người trẻ đầy hoài bão, đang theo đuổi một dự án gìn giữ những trò chơi dân gian.

 

Các em nhỏ trải nghiệm chơi chuyền tại Olympic trò chơi dân gian 2018.



Những trò chơi đi cùng tuổi thơ

Nguyễn Thị Thùy Vân, điều phối viên nhóm Sân Đình đưa tôi xem hồ sơ Dự án Olympic trò chơi dân gian. Ngay trang đầu tiên là những dòng chữ chất chứa tình cảm của những người trẻ nặng lòng với những trò chơi đã đi cùng tuổi thơ của nhiều người: "Đằng sau trò chơi ô ăn quan là câu chuyện về con số 5 linh thiêng của nền văn minh lúa nước, là lối tư duy biện chứng, đúc kết kinh nghiệm đặc trưng của người phương Đông. Đằng sau cây cà kheo là sự bền bỉ, thích nghi với thiên nhiên sông nước… Trò chơi dân gian dạy trẻ em những bài học đầu tiên về cuộc sống: Cách tính toán trong ô ăn quan, cách bước đi qua vùng đầm nước trên chiếc cà kheo, cách dùng tay khéo léo khi nhúp những que chuyền, bện đan con tôm, con dế… Và hơn thế nữa, trò chơi dân gian giúp gắn kết các thành viên, thế hệ trong một gia đình. Thế nhưng, cuộc sống đô thị với quá nhiều thay đổi, không gian dành cho các trò chơi dân gian ngày càng hạn hẹp. Những con chắt, que chuyền dường như không theo kịp bước chân từ làng quê lên phố thị…”.

Càng đọc, tôi càng bị cuốn hút vào những dòng chữ, những trang dự án kia. Tò mò một chút về nhóm Sân Đình thì được Thùy Vân kể rằng, nhóm ra đời từ Chương trình phát triển lãnh đạo thanh niên I COMMIT mùa thứ 10 do Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững CSDS Việt Nam tổ chức. Ban đầu, nhóm chỉ có 5 thành viên gồm cả sinh viên và người đã đi làm. Thời gian dành cho hoạt động của nhóm chủ yếu vào cuối tuần và thời gian trống trong ngày. Trong I COMMIT mùa này, có 4 nhóm dự án, trong đó chỉ riêng nhóm của Thùy Vân là làm về văn hóa, chủ đề chưa từng có trong tất cả 9 mùa I COMMIT trước đó.

Ban đầu, nhóm Sân Đình dự định thực hiện sự kiện đầu tiên về tập tục đi chùa, về cách các bạn trẻ thực hiện lễ nghi, phong tục tại chùa, đình và ý nghĩa của tập tục này. Tuy nhiên, sau nhiều buổi họp với rất nhiều tranh luận, cả nhóm dần chuyển hướng sang trò chơi dân gian. "Có thể do các thành viên có điểm chung là tuổi thơ gắn liền với trò chơi dân gian. Hơn nữa, cả nhóm cũng nhận ra trò chơi dân gian không chỉ là một hình thức giải trí đơn thuần mà còn ẩn chứa rất nhiều giá trị về văn hóa, tinh thần và phát triển các kỹ năng cho trẻ” - Thùy Vân nói. 

Thế rồi cả nhóm nghiên cứu tài liệu, trong đó có những buổi xin tư vấn từ những người am hiểu về trò chơi dân gian như nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Nguyễn Văn Huy cùng một số giảng viên của Trường Đại học Văn hóa, tìm hiểu cách làm của nhiều nhóm từng tham gia hoạt động gìn giữ trò chơi dân gian khác. Nguyễn Thị Thùy Vân kể: "Nhóm Sân Đình không phải là nhóm đầu tiên làm trò chơi dân gian tại Hà Nội. Tuy nhiên, chúng em không chỉ muốn đem trò chơi lên phố đi bộ, các khu công cộng và để đó cho mọi người chơi vào cuối tuần. Vì thế, cả nhóm mới tổ chức Olympic trò chơi dân gian với hy vọng sẽ thổi một làn gió mới để tạo ra sức hút đối với cộng đồng. Hình thức thi Olympic sẽ là các trải nghiệm mang tính cạnh tranh cao nhằm thúc đẩy sự tham gia của người chơi...”.

Ý tưởng tổ chức Olympic trò chơi dân gian với hình thức phi lợi nhuận chỉ là câu nói đùa khi Nguyễn Thị Thùy Vân tới tham vấn một thành viên của nhóm "Tôi xê dịch” (nhà đồng tổ chức sự kiện Olympic trò chơi dân gian với Sân Đình). Ý nghĩ đã có Olympic toán, Olympic tiếng Anh, vật lý... thì sao không có Olympic trò chơi dân gian bỗng bật ra và nhận được sự ủng hộ. "Chưa ai từng làm Olympic trò chơi dân gian thì chúng em làm. Và làm thật lớn thì nó sẽ trở thành một điểm nhấn thú vị. Em nghĩ vậy và cùng các bạn xây dựng kế hoạch làm sự kiện Olympic này, đồng thời viết đề án để nhận bảo trợ của UNESCO Việt Nam về Ngày trò chơi dân gian Việt Nam 18-8 hằng năm. Và chúng em đã bảo vệ thành công”, Thùy Vân cho biết.

Trong dịp tháng 8, nửa đầu tháng 9 vừa qua, Olympic trò chơi dân gian diễn ra tại khu vực Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) đã thu hút cả nghìn lượt người tham gia.

Nuôi ước mơ cùng trò chơi dân gian

Để tổ chức được sự kiện trên, cả nhóm gặp không ít khó khăn. Khó khăn không đến từ việc thiết kế các trải nghiệm, xây dựng chương trình mà đến từ khâu chuẩn bị tổ chức, tìm địa điểm, kinh phí, nhân sự, đối tác, xin tài trợ... Có những giai đoạn các thành viên điều phối nhóm phải tự bỏ kinh phí để mua các vật phẩm, thuê trang thiết bị. Hiện tại, các thành viên trong nhóm vẫn đang đi làm các sự kiện trò chơi dân gian cho các công ty để có nguồn kinh phí bù cho sự kiện Olympic vừa rồi. 

Trong những ngày diễn ra Olympic trò chơi dân gian, đã có không ít phản hồi tích cực từ những người tham gia. Anh Nguyễn Hoàng Dương và cậu con trai Nguyễn Hoàng Minh (Tây Hồ, Hà Nội) thích thú khi tham gia trò chơi ô ăn quan. Anh Hoàng Dương nói: "Khi đến Phố đi bộ Trịnh Công Sơn và tham gia trò chơi mới chợt nhớ ra rằng tuổi thơ của mình đã từng có không ít ngày gắn với trò này. Vì vậy, tôi đã hướng dẫn cậu con trai cùng chơi và cháu hào hứng tham gia”.

Còn ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho hay: "Việc có những sự kiện như Olympic trò chơi dân gian thực sự đã mang đến điều mới mẻ cho hoạt động của Phố đi bộ Trịnh Công Sơn mới được đưa vào khai trương chưa lâu. Khi nhóm Sân Đình đặt vấn đề tổ chức Olympic trò chơi dân gian tại đây, chúng tôi đã ủng hộ ngay. Chúng tôi luôn mong muốn có những hoạt động văn hóa như thế này nên hỗ trợ tối đa về điều kiện cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh trật tự…”.

Olympic trò chơi dân gian đã khép lại, nhưng với một nhóm gồm những thành viên giàu khát vọng, nhiều ước mơ nên đương nhiên còn nhiều điều đọng lại. Nguyễn Thị Thùy Vân bảo rằng: "Có rất nhiều kiến thức, nhiều câu chuyện văn hóa về trò chơi dân gian mà chúng em muốn gửi gắm qua sự kiện nhưng chưa tìm được cách thể hiện thích hợp. Sau dự án đầu tiên này, nhóm cũng học được rất nhiều điều và có thêm được nhiều thành viên để tiếp tục hoạt động từ nay đến sự kiện Olympic sang năm”.

Khát vọng gìn giữ những trò chơi dân gian đã phần nào thành hiện thực. Những thành viên trong nhóm điều phối của Sân Đình khẳng định, sẽ tiếp tục hoạt động về trò chơi dân gian và mở rộng hơn là văn hóa dân gian nói chung trong những năm tới. Hằng năm nhóm vẫn sẽ tổ chức sự kiện Olympic trò chơi dân gian để hưởng ứng Ngày trò chơi dân gian 18-8. Bên cạnh đó sẽ có thêm nhiều sự kiện nhỏ hằng tháng tại trường học và các công ty. 

Ăm ắp ý tưởng, khát khao đóng góp cho cộng đồng là điều dễ thấy nhất ở những thành viên nhóm Sân Đình. Thế nên, cũng không lạ nếu năm sau và những năm sau nữa, trò chơi dân gian được nhiều người đón nhận hơn không chỉ ở những sự kiện do nhóm tổ chức.

 

                TheoHanoimoi

Các tin khác


Gềnh Đá Đĩa “tổ ong khổng lồ” ở xứ hoa vàng, cỏ xanh…

(HBĐT) - Không chỉ nổi tiếng với khung cảnh thơ mộng trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Phú Yên còn được mẹ thiên nhiên ban tặng ghềnh Đá Đĩa, một thắng cảnh độc lạ bậc nhất trên dải đất hình chữ S. Ghềnh này được nhiều người ví von như một tổ ong khổng lồ ven đại dương xanh biếc, quanh năm được sóng biển vỗ bề…

Ngã ba Đồng Lộc – nơi ghi dấu chiến tích anh hùng

(HBĐT) -Một ngày tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), vùng đất huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là lần thứ 2 đến đây nhưng cảm xúc trong tôi vẫn như ngày đầu khi được nghe, được cảm nhận câu chuyện về sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong.

Mãi trong lòng: Những người bạn Nga trên sông Đà

(HBĐT) - Như một sự tình cờ, khi cùng anh Trung Hải ngồi uống cà phê tại một nhà hàng phía dưới chân đập Thủy điện Hòa Bình. âm thanh của một bài hát cũ bỗng vang lên da diết: "Một đêm trăng lên thấp thoáng/ Tôi nghe tiếng Balalaica/ Lặng nghe khúc hát Von-ga/ Bồng bềnh trên sóng nước sông Đà…”. Bài hát "Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà” (lời thơ Quang Huy, nhạc An Thuyên) từng nghe bao lần, lần nào cũng gợi nhớ một thời sôi động trên công trình thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…

Thấy gì trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “thần tốc” ở thành phố Hòa Bình?

(HBĐT) - 3.850,92 m2 đất được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch là đất thương mại - dịch vụ và cơ quan thuộc địa bàn xóm 8, xã Sủ Ngòi. Tuy nhiên, tháng 4/2016, UBND TP Hoà Bình đã giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất nông nghiệp cho 5 hộ, diện tích 2.449,8 m2 theo hình thức công nhận quyền sử dụng đất như giao đất không thu tiền sử dụng đất; giao đất, cấp giấy CNQSD đất nông nghiệp cho 4 hộ, diện tích 1.401,12 m2.

Linh thiêng những “địa chỉ đỏ”

(HBĐT) - Vẫn không thể nào quên, cuối tháng 7/2017, chúng tôi được đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) thắp nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Phía xa kia, biên giới một màu xanh thẳm cây rừng đã không còn vương khói súng. Trên đầu, trời xanh, mây trắng và vẳng đâu đây phía kỳ đài có những chú chim bồ câu vờn nắng. Tiếng cu gù tạo cho không gian thanh bình quá đỗi. Nhưng lòng mỗi người không yên khi được thắp nén hương lên những ngôi mộ không tên.

Thiêng liêng “máu, thịt” Trường Sa!

(HBĐT) - Cũng giống như những chuyến thăm quần đảo Trường Sa, đoàn công tác của tỉnh cùng CB,CS và nhân dân các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Kạn Đắk Nông, Đắk Lắk... đã dành những giây phút tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục