Về thăm ngã ba Đông Dương
Những ngày trung tuần tháng 8, đại ngàn Tây Nguyên chìm trong những cơn mưa rừng, hai bên đường từ TP Kom Tum lên cửa khẩu quốc tế Bờ Y mây mù giăng khắp trên các rừng cà phê, cao su bạt ngàn. Nhờ những "cây vàng” đó cùng với sự chịu khó, cần cù của người dân mà sự no ấm đã hiện hữu rõ ở nơi đại ngàn trù phú này. Từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y rẽ trái, rồi theo con đường quanh co qua các triền đồi chừng 10 km là tới cột mốc ngã ba Đông Dương (cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào). Cột mốc này được làm bằng đá hoa cương, nặng 1 tấn, cao 2 mét, nằm ở độ cao 1.086 mét so với mực nước biển. Cột mốc có hình trụ tam giác, mỗi mặt hướng về một quốc gia, trên mỗi mặt hướng về mỗi nước được gắn quốc huy, ghi năm cắm mốc bằng chữ màu đỏ.
Lần đầu đặt chân đến nơi này, chúng tôi đều có những cảm xúc khó tả, ai cũng tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc tại vị trí giao điểm đường biên giới của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. "Đối với những phóng viên trẻ như chúng tôi, chuyến công tác đến Tây Nguyên, đặc biệt là đến thăm cột mốc biên giới tại ngã ba Đông Dương là một trải nghiệm quý báu. Tại đây, chúng tôi được ngắm nhìn vẻ đẹp của quê hương, đất nước và trau dồi thêm nhiều kiến thức bổ ích để làm nghề. Những trải nghiệm như vậy đem đến thật nhiều cảm hứng trong cuộc sống”, phóng viên Thanh Sơn, Báo Hòa Bình chia sẻ
Cột mốc ba biên tại ngã ba Đông Dương thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum).
Còn đối với ông Hoàng Đăng Du, đang công tác tại Báo Kon Tum, một người đã có nhiều lần lên ngã ba Đông Dương thì: "Lần nào đặt chân đến cột mốc ba biên cũng đem lại cho tôi những cảm xúc khó tả. Chúng tôi vẫn ví von rằng, nơi đây, một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe. Lên đây không chỉ được ngắm nhìn đất nước mình và hai nước bạn, mà nó còn như nhắc nhở về truyền thống đoàn kết của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây có thể coi như một trong những biểu tượng về tình đoàn kết đó”.
Cảnh sắc đẹp, biểu tượng đẹp về tình đoàn kết là những yếu tố mà ngã ba Đông Dương đã ngày càng thu hút đông đảo du khách gần xa đến thăm quan. Năm 2012, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án khai thác du lịch tại khu vực đầy sức cuốn hút này. Sau một buổi sáng thăm quan, đoàn chúng tôi hạ sơn trên cong đường vùng biên ngoằn ngoèo. Những cây cà phê xanh mướt, căng tràn sức sống đang dần thay thế cho những bụi lau sậy và cỏ dại. Chuyến hành trình của chúng tôi tiếp tục với việc ghé thăm một bản Mường của bà con Hòa Bình vào định cư từ gần 30 năm về trước.
Bản Mường ấm no ở Bờ Y
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Quách Công Kỵ, thôn Bắc Phong, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Cuộc gặp gỡ không hẹn trước nhưng chủ và khách đều rưng rưng xúc động. ông Kỵ nguyên quán ở xã Tiền Phong (Đà Bắc). Năm 1992, ông cùng nhiều hộ dân ở vùng lòng hồ sông Đà đã có cuộc "đại di dân” lịch sử về vùng đất Tây Nguyên nắng gió để nhường đất đai cho công trình thủy điện Hòa Bình. Sau những cái bắt tay thân mật, những lời hỏi hỏi thăm ân cần về quê nhà, ông Kỵ khoe với chúng tôi rất nhiều chuyện vui.
Chuyện là, những ngày đầu đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên, dù lạ nước, lạ cái, xa quê, nhớ nhà và không ít những đêm thức trắng trằn trọc nhưng cuối cùng, mảnh đất Tây Nguyên đã dang đôi bàn tay che chở cho những con Hòa Bình xa quê. "Ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng được cái thuận lợi là đất đai trong này rộng rãi, màu mỡ. Bà con động viên nhau chăm chỉ khai hoang, làm lụng, trồng lúa, trồng sắn. Lấy ngắn, nuôi dài dần dần cuộc sống cũng vơi dần khó khăn. Đặc biệt, từ khi phát triển trồng cà phê, cao su, bời lời đã tạo ra bước ngoặt lớn, nhiều hộ có hàng chục ha. Hiện nay, đời sống của bà con người Mường mình chuyển vào đều đã ổn định, nhiều hộ có cuộc sống khấm khá lắm”, ông Kỵ phấn khởi cho biết.
Theo ông Kỵ cho biết, hầu hết người dân ở thôn Bắc Phong đều là người dân tộc Mmường. Với hơn 200 ha cây cà phê cùng hàng chục ha cây cao su, bời lời đã đem lại cuộc sống no ấm cho bà con bản Mường nơi miền biên giới này. Không chỉ chịu khó làm kinh tế, những người con Hòa Bình ở nơi đây còn tạo dấu ấn đậm nét về tinh thần hiếu học. Minh chứng là ở bản Mường này hiện có khoảng 20 người làm giáo viên, nhiều người đang giữ chức vụ quan trọng ở chính quyền địa phương. Con trai và con dâu của ông Kỵ là hai trong số những người ở thôn Bắc Phong đang làm nghề "gieo chữ”.
Một điểm đáng trân quý nữa của bà con nơi đây là ý thức gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. "Chúng tôi vẫn giao tiếp bằng tiếng Mường với nhau và dạy cho con cái nói tiếng mẹ đẻ. Trong các dịp lễ, tết, bà con vẫn giữ được những phong tục truyền thống. Đó là những nét đẹp văn hóa nên dù có đi đâu, ở đâu chúng tôi luôn có ý thức giữ gìn và phát huy”, anh Quách Công Hiếm, con trai ông Kỵ bộc bạch.
Thời gian trôi đi thật nhanh, trong khi câu chuyện của chúng tôi vẫn còn đang rôm rả. Chia tay trong những cái bắt tay bịn rịn, chúng tôi cảm thấy tự hào về những người con Hòa Bình đang từng ngày no ấm ở quê hương thứ hai. Bờ Y, nơi miền biên viễn tưởng xa, hóa lại gần như thế.
Viết Đào