Lịch sử đã đưa Thiếu tướng Phan Khắc Hy sát cánh cùng cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, gắn bó với đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, con đường huyết mạch cung cấp binh lực, lương thực, vũ khí cho miền nam. Năm nay dù đã 92 tuổi, nhưng những hồi ức hào hùng, anh dũng vẫn đậm trong ông.


Vượt đường Trường Sơn vào chiến trường. Ảnh tư liệu

Những kỷ niệm trên con đường huyết mạch

Do yêu cầu của chiến trường, tháng 5-1971, tướng Phan Khắc Hy được điều vào làm Chính ủy Đoàn 470, phụ trách cung đường từ nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia đến nam bộ, với nhiệm vụ vận tải chi viện cho chiến trường miền nam.

Vào đến Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559), ông gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (được mệnh danh là "người giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn”, "kiến trúc sư hệ thống đường hầm mầu lam”), vốn là bạn chiến đấu ở quê hương Quảng Bình. Ông Nguyên vui mừng giữ ông lại, rồi điện đề nghị Quân ủy Trung ương để ông làm Phó Tư lệnh Đoàn 559 kiêm phụ trách Tổng cục Hậu cần Tiền phương.

Trường Sơn, nơi chiến trường không quân Mỹ tập trung khí tài, phương tiện hiện đại nhất, đã thực hiện 733 nghìn trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống hơn bốn triệu tấn bom đạn các loại - nên cũng ác liệt nhất và man rợ nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Nhưng đây cũng là nơi mà ý chí của con người đã chiến thắng mọi tàn bạo của chiến tranh, mọi khó khăn, trở ngại của thiên nhiên khắc nghiệt trên núi rừng Trường Sơn - thể hiện khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Bản thân tướng Phan Khắc Hy cũng bị thương nặng bởi bom từ trường. Đó là tháng 10-1971, trong chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị của các đơn vị. Khi đến Binh trạm 12 trên đường 12, lực lượng công binh rà soát, phát hiện một quả bom khoan sâu xuống đất. Đơn vị công binh cho xe phóng từ đi qua thì quả bom không nổ, nên đoán là bom nổ chậm. Nhưng kỳ thực, đó là bom từ trường đã cải tiến lần ba, cài chương trình hẹn giờ của ngòi nổ, lúc tắt, lúc mở. Nên đoàn kiểm tra quyết định cho xe đi qua nhanh để tránh bom. Nhưng xe vừa đi qua thì quả bom phát nổ, đồng chí Binh trạm trưởng hy sinh. Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy cùng với Chính trị viên Tiểu đoàn Công binh, một vệ binh và tài xế bị thương nặng. Ông được đưa về Binh trạm 12 để phẫu thuật, rồi ra Bệnh viện Quân y 108 ở Hà Nội điều trị hai tháng.

Nơi đây, ông vẫn giữ những kỷ niệm đẹp như bảo đảm an toàn trong hành trình của lãnh tụ Cu Ba Phiđen Caxtơrô vào tháng 9-1973 thăm đường 9, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Cam Lộ (Quảng Trị). Hình ảnh vị Tổng Tư lệnh với bộ quân phục mầu xanh ôliu đứng trên đỉnh đồi phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng là sự cổ vũ vô cùng to lớn đối với đồng bào chiến sĩ ta lúc đó.

Tuy tuổi đã cao nhưng trí nhớ tướng Hy vẫn minh mẫn. Ông cho biết, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một công trường lao động vĩ đại, một chiến trường tổng hợp đánh bại cuộc chiến tranh dài ngày ác liệt nhất, với vũ khí hiện đại nhất. Lịch sử ghi đậm thời khắc hào hùng này, 60 năm trước, 19-5-1959, ngày sinh nhật Bác Hồ, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559, do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền nam. Biết bao khó khăn, gian khổ đã đến với Đoàn trong điều kiện"Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Vì sự nghiệp giải phóng miền nam, Đoàn 559 vừa thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược vừa xây dựng và phát triển. Sau hai năm thành lập, ban đầu chỉ với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, ngày 23-10-1961, Đoàn 559 đã trở thành đơn vị tương đương cấp sư đoàn. Được sự đồng ý của hai Đảng, hai Nhà nước Lào - Việt Nam, ngày 16-4-1961, Đoàn 559 đã chính thức lật cánh từ đông sang tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện trên đất bạn Lào, mở ra một thời cơ mới, điều kiện mới để xây dựng và phát triển tuyến chi viện. Chưa đầy 5 năm thành lập, ngày 3-4-1965, Đoàn công tác quân sự đặc biệt trở thành Bộ Tư lệnh 559, đơn vị tương đương cấp quân khu. Cũng từ đây, Bộ Tư lệnh 559 đã chuyển sang vận chuyển chủ yếu bằng cơ giới chi viện cho chiến trường.

Ngày 29-7-1970, Bộ Tư lệnh 559 phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn - đơn vị cấp quân khu. Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn trải rộng trên địa bàn của 11 tỉnh Việt Nam, bảy tỉnh nam Lào và bốn tỉnh đông bắc Cam-pu-chia, thống nhất chỉ huy các lực lượng của Việt Nam hoạt động ở Trung và Hạ Lào. Từ năm 1973 đến 1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu, với chín sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và một vạn thanh niên xung phong. Trong 16 năm xây dựng phát triển, Bộ đội Trường Sơn dũng cảm, mưu trí phục vụ hiệu quả các chiến dịch tổng tiến công, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước mùa xuân 1975.

 

Thiếu tướng Phan Khắc Hy.

"Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo lịch sử vĩ đại của Đảng và quân đội ta. Là con đường chiến lược, anh hùng và huyền thoại, với hệ thống đường bộ gồm năm trục dọc, 21 trục ngang ở đông và tây Trường Sơn, với tổng chiều dài 20 nghìn km; xây dựng 1.400 km đường ống xăng dầu từ Quảng Bình xuyên Trường Sơn vào tới tỉnh Bình Phước; xây dựng 4.000 km đường dây tải ba và 11.569 km đường dây bọc hữu tuyến; đào đắp, san lấp 29 triệu m³ đất, đá, san lấp 78 nghìn hố bom; phá 13.400 quả bom và 85.100 quả mìn các loại; bắn rơi 2.455 máy bay; đánh 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến đấu 18.740 tên địch. Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù và muôn vàn khó khăn, gian khổ, thử thách, khốc liệt, vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa bao gồm: vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men… và 317.600 tấn xăng, dầu, qua dãy Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền nam, giúp nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Đưa, đón hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ dân chính Đảng vào, ra Trường Sơn an toàn, chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn và từ miền nam ra bắc học tập, công tác. Đánh giá thành tích của Bộ đội Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu rõ: "Bộ đội Trường Sơn đã thấm nhuần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm, kiên cường, thông minh, sáng tạo, vượt qua biết bao gian khổ, khó khăn, ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường, đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ với tinh thần "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, bảo đảm sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn”.

Hòa bình lập lại, là Bộ đội Cụ Hồ trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân cũ và mới, ông luôn khắc ghi lời của Bác Hồ kính yêu: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cuộc kháng chiến đã hoàn toàn thắng lợi cho thấy quyết tâm bảo vệ độc lập, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, phát triển của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tướng Hy rất vui khi thăm lại con đường mòn trong chiến trận trước đây nay đã trở thành đường Hồ Chí Minh của thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa khai thác tiềm năng kinh tế phía tây đất nước.

 

                   TheoNhandan

Các tin khác


Sức trẻ trên con đường 12B

(HBĐT) - Cách đây đúng 60 năm, tại vùng rừng núi Kim Bôi hiểm trở và khắc nghiệt, được coi là "túi sốt rét”, Đội thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng tuyến đường bộ 12B Hòa Bình thành lập để thực hiện nhiệm vụ quan trọng, đó là mở đường 12B. Tại mảnh đất anh hùng ngày ấy, hơn 4.000 chàng trai, cô gái đến từ 14 tỉnh, thành phố trên cả nước đang độ tuổi 20 hăng hái lên đường làm nhiệm vụ.

Chuyện của những người trở về từ bom đạn chiến tranh

(HBĐT) - Không cùng một quê, nhưng họ cùng ra trận khi tuổi đời còn rất trẻ. Nơi chiến trường gian khổ, ác liệt họ trở thành những người lính gạn dạ, dũng cảm. Dù cuộc chiến đã trôi xa, nhưng chiến trận ác liệt trên đường "tiến về Sài Gòn” vẫn vẹn nguyên trong câu chuyện kể của những người lính...

Khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép - cái nhìn từ thực tế

Bài 4 - Giải quyết tình trạng khai thác khoáng sản trái phép - Kinh nghiệm ở những địa bàn trọng điểm

(HBĐT) - Từng là địa bàn trọng điểm về khai thác khoáng sản trái phép, nhưng do phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là huy động sự tham gia của người dân, nhiều nơi đã "chuyển hóa” trở thành địa bàn ổn định, đẩy lùi tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép - cái nhìn từ thực tế

Bài 3 - Câu chuyện của cát

(HBĐT) - "Nóng” không kém tình trạng khai thác vàng trái phép. Hiện nay, theo đánh giá của cơ quan chức năng tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông Đà, sông Mã, sông Bôi... tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép - cái nhìn từ thực tế

Bài 2 - Đến chuyện của Đất

(HBĐT) - Không chỉ khai thác vàng mà theo đánh giá của Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) - Công an tỉnh, tình trạng khai thác đất, san lấp mặt bằng trái phép cũng diễn ra tương đối phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Dấu ấn lịch sử cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang

(HBĐT)- Ngày 12/2/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 287/QĐ-UBND xếp hạng di tích "Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910" huyện Kỳ Sơn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sắp tới, UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức Lễ đón nhận Quyết định xếp hạng di tích và lần đầu tiên tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm cuộc khởi nghĩa nói trên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục