Bài 2 - Đến chuyện của Đất
(HBĐT) - Không chỉ khai thác vàng mà theo đánh giá của Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) - Công an tỉnh, tình trạng khai thác đất, san lấp mặt bằng trái phép cũng diễn ra tương đối phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh chụp tại xã Tân Minh (Đà Bắc).
Trá hình việc san lấp mặt bằng để khai thác đất
Chúng tôi về xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn), ngay khi rẽ vào xóm Lục, giật mình khi thấy 2 bên đường vốn là những triền đồi thoải bị vục sâu, nham nhở thành ao, thành hố. "Đó là những gì còn lại của việc một số hộ dân trên danh nghĩa cải tạo, san lấp mặt bằng để... bán đất cho một số doanh nghiệp” - một người dân địa phương cho biết.
Không chỉ ở Yên Nghiệp, theo đánh giá của Phòng CSMT (Công an tỉnh), hiện nay, hoạt động khai thác đất san lấp mặt bằng và đất có chứa hàm lượng quặng diễn ra tương đối phổ biến, phức tạp ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng lợi dụng việc quản lý thiếu chặt chẽ để thỏa thuận hộ dân, trá hình việc san lấp mặt bằng để khai thác, tận thu tài nguyên khoáng sản, thu lợi bất chính làm thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu dư luận xã hội, bức xúc trong nhân dân.
Liên quan đến thực trạng này, ngày 2/1/2019, ngay khi phát hiện việc gia đình ông Hà Văn Tăm ở xóm Ênh lợi dụng việc cải tạo, san lấp mặt bằng để bán đất cho các tổ chức, cá nhân chở ra khỏi địa bàn, UBND xã Tân Minh (Đà Bắc) đã lập biên bản, yêu cầu gia đình ông Tăm dừng hoạt động cải tạo, san lấp mặt bằng. Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Đà Bắc cho biết: Ngoài vụ việc UBND xã Tân Minh xử lý, trước đó, khi phát hiện việc gia đình ông Bàn Văn Kim ở xã Đoàn Kết lợi dụng việc cải tạo san lấp mặt bằng để bán đất cho một số cá nhân, doanh nghiệp, Phòng TN&MT đã kiến nghị UBND huyện Đà Bắc ra quyết định đình chỉ hoạt động san lấp, cải tạo mặt bằng. Đồng thời, yêu cầu ông Kim dừng mọi hoạt động san lấp, cải tạo mặt bằng...
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc lợi dụng việc san lấp mặt bằng để khai thác, bán đất đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, xử lý... Bởi thời gian qua, Báo Hoà Bình cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân thông qua đường dây nóng thông tin về việc ở một số xã trên địa bàn huyện Kim Bôi có tình trạng lợi dụng việc san hạ, cải tạo mặt bằng để bán đất. Về vấn đề này, đồng chí Bùi Duy Hưng, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Kim Bôi cho biết: Thời gian qua, UBND huyện thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã trên địa bàn huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để việc lợi dụng cải tạo, san lấp mặt bằng để khai thác, vận chuyển đất trái phép. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm tra đôn đốc ở một số địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời nên tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn một cách triệt để...
Chế tài xử lý chưa đủ mạnh
Theo Thượng tá Chu Thanh Sơn, Phó trưởng phòng CSMT (Công an tỉnh), thời gian qua, song song với công tác phòng ngừa, lực lượng CSMT chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh triển khai kế hoạch đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Trong năm 2018, đơn vị trực tiếp đấu tranh, bắt giữ 42 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các lĩnh vực, lập hồ sơ xử lý 42 vụ việc. Qua đó, đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 740 triệu đồng. Trong đó, có 8 vụ vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên đất, đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 70 triệu đồng. Tính riêng 3 tháng đầu năm nay, đơn vị đã đấu tranh, phát hiện và bắt 8 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, có 3 vụ vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên đất. Trong đó, đã xử phạt 5 triệu đồng với ông Nguyễn Trọng Thủy (SN 1962), hộ khẩu thường trú (HKTT) tại xã Tú Sơn (Kim Bôi) về hành vi khai thác đất trái phép; phạt 4 triệu đồng đối với Nguyễn Trọng Đại (SN 1976), HKTT tại xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) về hành vi khai thác đất trái phép trên địa bàn tỉnh; phạt 4 triệu đồng đối với bà Vũ Thị Bình (SN 1974), HKTT tại xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) về hành vi khai thác đất trái phép...
Tuy nhiên, với mức phạt như trên, theo đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Trưởng đoàn giám sát của MTTQ tỉnh về công tác quản lý Nhà nước về khai thác đất, đá, cát, sỏi trên địa bàn tỉnh thì chế tài xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác đất nói riêng, tài nguyên khoáng sản nói chung tuy đã được quy định nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Do vậy, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nói chung, khai thác đất nói riêng thời gian qua còn xảy ra tương đối phổ biến ở hầu khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, về chủ quan cũng phải thừa nhận là công tác quản lý còn một số bất cập. Đặc biệt là cấp xã ở nhiều nơi, nhiều lúc còn buông lỏng quản lý, việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về việc nghiêm cấm khai thác, vận chuyển đất trái phép chưa chặt chẽ, chưa nghiêm, việc xử lý theo thẩm quyền vẫn còn sự nể nang, ngại va chạm.
Tuy vậy, cũng theo đồng chí Trần Đức Trường, trong quá trình thực hiện công tác giám sát thực tế, khách quan cho thấy, việc ngăn chặn, xử lý ở cơ sở cũng còn nhiều khó khăn như lực lượng hạn chế, nhiều vụ việc xảy ra vượt thẩm quyền. Hơn nữa, hoạt động khai thác trái phép thường diễn ra lén lút, vào ban đêm nên cũng rất khó để kiểm tra, xử lý. Như tại một số địa phương xảy ra tình trạng lợi dụng việc san hạ mặt bằng để bán đất trái phép, khi cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý các đối tượng chuyển sang hoạt động vào ban đêm.
(Còn nữa)
Nhóm PV
(HBĐT) - Nếu như Nam Định là quê hương của Đức Thánh Trần, Hà Nam là kho quân lương lớn nhất của nhà Trần thì Vạn Kiếp, Kiếp Bạc chính là nơi Người đã cống hiến cả cuộc đời và làm nên sự nghiệp lẫy lừng với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi. Đây cũng là nơi Đức Thánh Trần hiển Thánh mất đi. Vậy nên trong tiềm thức dân gian Kiếp Bạc chính là thánh địa thờ Đức Thánh Trần. Cách Kiếp Bạc không xa là di tính Côn Sơn - nơi ẩn dật tu tâm, dưỡng tính của các bậc danh nhân tiêu biểu cho tâm hồn, khí khách tinh hoa văn hóa Việt ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Tất cả hòa quyện tạo nên "Côn Sơn - Kiếp Bạc” - Khu di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Hải Dương.
(HBĐT) - Dù UBND 2 tỉnh Sơn La, Yên Bái đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến khu vực suối Rằm thuộc xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu) để tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. Tuy nhiên, các hộ dân đều không nhất trí trở về địa phương và còn có ý định lôi kéo nhiều người trong dòng tộc ở các tỉnh đến cư trú lâu dài, lập làng mới...
Cái tên thành phố Hoa Hồng xuất hiện trong thi ca và âm nhạc viết về Đồng Hới nhưng theo năm tháng nó như rơi dần vào... cổ tích. Nhưng hôm nay, hoa hồng đã thực sự hồi sinh.
Những ngày này, các cựu binh Trường Sa tại miền Trung lại tất bật đến nhà đồng đội - những chiến sĩ đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma bởi nòng súng của quân Trung Quốc ngày 14-3-1988. Có người đến tận nhà đồng đội thắp nén hương. Có nơi làm lễ giỗ vọng cho 64 đồng đội như một lời tri ân những người nằm lại Gạc Ma.
Mỗi chuyến đi biên giới là một lần để lại ấn tượng sâu sắc. Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến hành trình giúp dân lập bản, gieo chữ của các cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng, các giáo viên cắm bản. Dù hành trình đến với vùng đất ấy còn nhiều khó khăn nhưng không có gì là không thể.
Tháng 3, đường tuần tra biên giới phủ vàng những vạt hoa cải. Tham gia tuần tra biên giới cùng bộ đội biên phòng, Lù Thị Yên và Sùng Thị Thu bước thoăn thoắt giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Trước mắt Yên và Thu là những cột mốc từ 197 đến 199 ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển.