(HBĐT)- Ngày 12/2/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 287/QĐ-UBND xếp hạng di tích "Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910" huyện Kỳ Sơn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sắp tới, UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức Lễ đón nhận Quyết định xếp hạng di tích và lần đầu tiên tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm cuộc khởi nghĩa nói trên.


Các nhà khoa học cùng lãnh đạo huyện Kỳ Sơn và thân nhân hai cụ tại Hội thảo khoa học lịch sử "Cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909 - 1910".

Đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc huyện Kỳ Sơn nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung. Đó là thành quả hơn 2 năm triển khai các bước công việc rất khẩn trương, nghiêm túc của những người có trách nhiệm liên quan tới việc tiến tới xếp hạng di tích cuộc khởi nghĩa của huyện Kỳ Sơn và các cơ quan trong tỉnh. Bởi lẽ cuộc khởi nghĩa đã diễn ra quá lâu, các nhân chứng của dòng tộc hai cụ còn rất ít và tuổi đã cao. Để tiến tới công nhận Khu căn cứ là di tích lịch sử - văn hóa tất yếu phải qua Hội thảo khoa học, do đó, ngoài các tài liệu lưu trữ, các tư liệu của các nhà sử học rất cần những nhân chứng, hiện vật có liên quan tới cuộc khởi nghĩa và thân thế sự nghiệp của hai cụ Tổng Kiêm và Đốc Bang.

Là người khởi xướng và theo sát các bước tiến tới kết quả như ngày hôm nay, tôi biết những trở ngại mà các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn huyện phải vượt qua. Lúc còn sống, ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên UVTT Uỷ ban MTTQ tỉnh, cháu nội cụ Tổng Kiêm có than phiền với tôi và thất vọng về mong muốn vinh danh cho ông nội mình. Năm 2011, khi đã gần 90 tuổi, ông đưa tôi ra thăm mộ cụ Tổng Kiêm cạnh UBND xã Dân Hòa, vì cảm kích trước khung cảnh ngôi mộ, tôi có làm bài thơ "Thăm thẳm đời người". Lại một lần ghé thăm mảnh vườn của người dân ở xóm Đễnh, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) - vốn là nền đất ngôi nhà cũ của cụ Tổng Kiêm trước đây, có một thanh niên hàng xóm nói vọng sang: "Lại có khách thăm đất vườn của thủ lĩnh giặc cỏ rồi". Nghe vậy, tôi rất băn khoăn và tự hỏi: Tại sao đã hơn trăm năm rồi mà cuộc khởi nghĩa ấy vẫn chưa được xem xét thấu đáo để lớp trẻ ngày nay vẫn nói theo cách nói của kẻ địch? Trang 236, Địa chí Hòa Bình - Nhà XB Chính trị Quốc gia năm 2005 của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình có ghi: "Nhân dân Hòa Bình lại nổi lên chống thống trị. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của nhân dân Mông Hóa dưới sự lãnh đạo của Tổng Kiêm - Đốc Bang". Tôi rất băn khoăn, trăn trở: đây là cuộc "nổi dậy" hay cuộc "khởi nghĩa"? Nếu chỉ là tranh giành ruộng đất ở địa phương thì cớ sao thực dân Pháp lại bỏ tù biệt sứ hai cụ đến hàng chục năm trời ở Côn Đảo và Lạng Sơn?.
         
Đầu năm 2017, tôi có ghé thăm ông Nguyễn Quốc Sự ở xóm Dụ, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn). Ông Sự nguyên là Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, lúc này ông đã 89 tuổi, là cháu cụ Tổng Kiêm (gọi cụ Tổng Kiêm là bác ruột). Tôi có đề xuất làm đơn đề nghị cấp thẩm quyền công nhận khu căn cứ hoạt động của hai cụ Tổng Kiêm - Đốc Bang là di tích lịch sử. Thật may mắn và kịp thời, nếu không đến cuối năm 2017, ông Sự đã không còn minh mẫn để nghe tôi trình bày và cho ý kiến đồng thuận vào tờ trình nữa.
        
 Kết quả cuộc Hội thảo khoa học lịch sử "Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909 -1910" tại huyện Kỳ Sơn ngày 25/12/2017 thật bất ngờ, ngoài sự mong đợi đối với những người tham dự Hội thảo, kể cả nhà sử học Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Theo ông Dương Trung Quốc: Cuộc hội thảo khoa học lịch sử mặc dù tổ chức ở huyện song tầm vóc đã vượt lên tầm cấp huyện và với diễn biến, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa xứng đáng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhưng trước mắt, đề nghị cấp thẩm quyền công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh trước. Kết quả cụ thể cuộc hội thảo đã được UBND huyện Kỳ Sơn biên soạn trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học lịch sử "Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909 -1910" - xuất bản năm 2018. Như vậy, khi biên tập lại và xuất bản Địa chí tỉnh Hòa Bình sau này, với sự kiện ở Mông Hóa cách nay 110 năm sẽ không còn nhìn nhận là một cuộc "nổi dậy" mà phải là một cuộc "khởi nghĩa".

Tại Hội thảo, các nhà sử học còn cho biết: Cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Hòa Bình của hai cụ Tổng Kiêm và Đốc Bang đứng đầu còn có mục đích "chia lửa" cho cuộc khởi nghĩa ở Yên Thế và đã 2 lần cụ Tổng Kiêm gặp cụ Hoàng Hoa Thám ở Lương Sơn - Hòa Bình. Đây là di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với những diễn biến các sự kiện sớm nhất. Vì thế mà ông Lê Văn Bàng, UV BCH Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Sử học tỉnh Hòa Bình viết trong cuốn kỷ yếu nói trên: "Tổng Kiêm - Đốc Bang anh hùng chống Pháp trước khi có Đảng lãnh đạo". Khi ta đặt cuộc khởi nghĩa vào bối cảnh lịch sử lúc đó sẽ càng thấy tầm vóc, ý nghĩa to lớn của nó và tài mưu lược của hai cụ Tổng Kiêm và Đốc Bang.
        
Nhân dịp huyện Kỳ Sơn đón nhận quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nói trên và kỷ niệm 110 năm cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do hai cụ Tổng Kiêm - Đốc Bang đứng đầu, xin có đôi dòng về cuộc khởi nghĩa này, thay cho nén tâm nhang thắp cho hai cụ và những người nông dân ngày ấy tham gia vào cuộc khởi nghĩa. Rất mong cấp ủy và các cấp chính quyền có kế hoạch tuyên truyền tầm vóc, ý nghĩa cũng như thân thế, sự nghiệp của hai cụ đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để tự hào với truyền thống yêu nước của các bậc tiền bối, lấy đó làm tầm gương giáo dục cho các thế hệ con em trên quê hương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Ký của Đinh Đăng Lượng


Các tin khác


“Nóng” tình trạng di dân tự do ở huyện Mai Châu

(HBĐT) - Dù UBND 2 tỉnh Sơn La, Yên Bái đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến khu vực suối Rằm thuộc xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu) để tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. Tuy nhiên, các hộ dân đều không nhất trí trở về địa phương và còn có ý định lôi kéo nhiều người trong dòng tộc ở các tỉnh đến cư trú lâu dài, lập làng mới...

Ngỡ ngàng thành phố hoa hồng

Cái tên thành phố Hoa Hồng xuất hiện trong thi ca và âm nhạc viết về Đồng Hới nhưng theo năm tháng nó như rơi dần vào... cổ tích. Nhưng hôm nay, hoa hồng đã thực sự hồi sinh.

Gạc Ma - ngày ấy, không quên

Những ngày này, các cựu binh Trường Sa tại miền Trung lại tất bật đến nhà đồng đội - những chiến sĩ đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma bởi nòng súng của quân Trung Quốc ngày 14-3-1988. Có người đến tận nhà đồng đội thắp nén hương. Có nơi làm lễ giỗ vọng cho 64 đồng đội như một lời tri ân những người nằm lại Gạc Ma.

Ký ức những chuyến đi biên giới

Mỗi chuyến đi biên giới là một lần để lại ấn tượng sâu sắc. Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến hành trình giúp dân lập bản, gieo chữ của các cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng, các giáo viên cắm bản. Dù hành trình đến với vùng đất ấy còn nhiều khó khăn nhưng không có gì là không thể.

Gắn kết tình quân dân, đắp vun tình hữu nghị

Tháng 3, đường tuần tra biên giới phủ vàng những vạt hoa cải. Tham gia tuần tra biên giới cùng bộ đội biên phòng, Lù Thị Yên và Sùng Thị Thu bước thoăn thoắt giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Trước mắt Yên và Thu là những cột mốc từ 197 đến 199 ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển.

Chuyện chưa kể về cánh rừng thiêng dưới chân đèo Đá Trắng

(HBĐT) - Từ hàng trăm năm qua, cánh rừng dưới chân đèo Đá Trắng (xã Phú Cường, Tân Lạc) vẫn là rừng nguyên sinh. Dù nghèo đói thế nào cũng không ai dám vào rừng đốn củi, lấy măng. Dù rằng ngay phía dưới là quốc lộ 6 chạy qua...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục