(HBĐT) - Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề. Và "gieo” chữ ở nơi đầu sóng ngọn gió, trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của những người thầy ngày ngày thầm lặng bên những trang giáo án…



Thầy Bành Hữu Tình, trường tiểu học thị trấn Trường Sa tự nguyện viết đơn ra công tác tại quần đảo Trường Sa thân yêu.

Đến thị trấn Trường Sa (còn gọi là đảo Trường Sa Lớn), huyện Trường Sa (Khánh Hòa), chúng tôi có dịp được gặp thầy trò trường tiểu học thị trấn Trường Sa, ngôi trường nhỏ với nhiều điều đặc biệt ở nơi đầu sóng, ngọn gió.

Khác với những lớp học ở đất liền, ở nơi đảo xa, số lượng học sinh ít nên các lớp học được tổ chức theo kiểu "4 trong 1” hay "5 trong 1”. Nghĩa là, một lớp học có học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5 học chung với nhau. Chúng tôi đến thăm lớp học do thầy Bành Hữu Tình phụ trách. Lớp học của thầy Tình có 8 học sinh, có em mới học mẫu giáo, em lớn nhất học lớp 4. Mặc dù lớp học chỉ vài em nhưng căn phòng khá sạch đẹp và hơn hết, tiếng ê a của thầy trò hòa quyện với tiếng rì rào của sóng biển tạo nên không khí vừa thân thuộc, lại có điều gì đó lạ lẫm. Đang say sưa trên bục giảng với lớp học đặc biệt, thấy chúng tôi, thầy Tình mời vào dự giờ tiết học. Đã có 13 năm làm nghề gõ đầu trẻ trước khi đặt chân lên công tác ở đảo tiền tiêu của Tổ quốc, với thầy Tình, dù dạy học ở đâu thì tình yêu với những mầm xanh tương lai của đất nước trong trái tìm của người giáo viên cũng vậy. Trên đảo không có nhiều học sinh đông vui như ở đất liền nhưng bù lại, lớp học ít học sinh các thầy có điều kiện kèm cặp, chỉ dạy được chu đáo hơn cho từng em, thế nên, lực học của các em cũng không thua kém bạn bè đồng trang lứa ở đất liền.

"Tại sao thầy lại chọn ra công tác ở đảo xa, trong khi đang có một công việc tốt ở đất liền?”, chúng tôi có chung thắc mắc. Thầy Tình chia sẻ, đến với Trường Sa là một cơ duyên mà không phải ai cũng may mắn có được: "Được công tác ở Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào lớn lao nên từ lâu, tôi đã mong muốn có cơ hội được ra đây công tác. Do đó, khi biết Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa tuyển giáo viên ra Trường Sa, tôi đã tình nguyện viết đơn và may mắn được lựa chọn. Tôi vẫn còn nhớ, ngày đầu tiên được đặt chân đến Trường Sa, chúng tôi được cán bộ, chiến sỹ và phụ huynh, học sinh trên đảo chào đón rất nồng nhiệt. Qua quá trình công tác, tình cảm thầy trò, quân dân trên đảo ngày càng thân thiết, gắn bó, đó là động lực rất lớn để chúng tôi nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Ở trên đảo, ngoài công việc giảng dạy, thầy Tình cũng tích cực tham gia các hoạt động như tăng gia sản xuất, văn nghệ, thể thao. Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn của thị trấn Trường Sa, thầy Tình luôn quan tâm và phối hợp triển khai nhiều hoạt động để nâng cao đời sống cho đoàn viên. Đồng thời, chủ động cập nhật những kiến thức, không ngừng đổi mới, sáng tạo để truyền thụ kiến thức đến học sinh ở lớp học đặc biệt của mình. "Các thầy không chỉ dạy chữ, mà còn dạy chúng con hát và tổ chức chơi các trò chơi nên mỗi ngày đến lớp, chúng con đều rất vui” - em An Thuyên (lớp 4), học sinh trường tiểu học thị trấn Trường Sa chia sẻ.

Chứng kiến sự tận tâm của người thầy và những mầm xanh của Trường Sa ngày một trưởng thành, những người dân của thị trấn Trường Sa đều vui mừng, xúc động. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà chia sẻ: "Ở trên đảo, các con được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để có môi trường giáo dục tốt. Các thầy luôn tận tình chỉ bảo, dạy dỗ kiến thức, kỹ năng sống cho con, cũng như tình yêu với biển đảo, quê hương đất nước. Ngoài ra, các cán bộ, chiến sỹ trên đảo cũng như những người thầy, các con được các chú bộ đội dạy thêm về tiếng Anh. Bà con ở đất liền trong mỗi chuyến ra đảo cũng mang tặng sách, vở, đồ chơi cho các con. Sau khi học xong tiểu học, các con sẽ vào đất liền để tiếp tục học lên”.

Rời lớp sau khi được dựmột tiết học của thầy trò nơi đảo xa, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh của lớp học đặc biệt với những "lính đảo nhí" say sưa nghe thầy giáo giảng bài. Với sự tận tâm của những người thầy, các em sẽ từng ngày trưởng thành trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.


Viết Đào


Các tin khác


Hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu cam Cao Phong  

Bài 1- Xác lập thương hiệu nông sản đặc trưng, nổi bật


(HBĐT) - Từng long đong, lép vế khi chưa xây dựng được thương hiệu, với quyết tâm và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, người dân, cam Cao Phong đã trở thành thương hiệu nông sản mạnh nhất của tỉnh, một trong những "thương hiệu vàng" của nông nghiệp Việt Nam.

Thầy giáo quân hàm xanh với lớp học đặc biệt “6 trong 1”

(HBĐT) - Ở đảo Hòn Chuối thuộc xã Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), có một lớp học đặc biệt mang tên "Lớp học tình thương” do thầy giáo, binh nhất Lê Hon Đa, Đồn Biên phòng Hòn Chuối (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) đứng lớp. Trong căn phòng nhỏ vài chục m2 nhưng có đến 3 tấm bảng của 3 khối lớp khác nhau. Lớp học thực sự trở thành "mái nhà tình thương” thứ hai của 23 học sinh trên đảo.

Lính quân y – điểm tựa cho quân dân nơi đảo xa

(HBĐT) - Trong chuyến tham gia đoàn công tác tặng quà, chúc Tết và thay thu quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhân dịp đón xuân Canh Tý 2020, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với những y, bác sỹ đang công tác tại các bệnh xá trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Vượt lên những khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và những thử thách ở nơi hải đảo đầy nắng gió, những người lính mặc áo bluose trắng đã trở thành điểm tựa vững chắc cho quân dân nơi trùng khơi.

“Siêu thị” trên “thành phố” của những đảo chìm

(HBĐT) - Đảo Đá Tây được mệnh danh là "thành phố” của những đảo chìm trên quần đảo Trường Sa. Đảo có âu tàu rộng mênh mông, là nơi tránh trú bão an toàn trong những chuyến ra khơi của ngư dân suốt dọc vùng duyên hải từ Thanh Hóa đến cực Nam của Tổ quốc. Đặc biệt, trên đảo còn có một điểm để mua sắm mà ngư dân vẫn ví von là "siêu thị” giữa trùng khơi.

Sức xuân nơi đầu sóng - Bài 3: Ươm những "mầm xanh"

Ở các đảo trên quần đảo Trường Sa, thời tiết khắc nghiệt, với nhiều nắng gió, mưa bão, sỏi đá, san hô và cát. Vậy mà, với tất cả tâm sức, tình yêu và tinh thần cống hiến, những công dân trên đảo vẫn hàng ngày ươm những "mầm xanh", vun bồi sức sống giữa trập trùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sức xuân nơi đầu sóng - Bài 2: Sự kiện đặc biệt trên bong tàu

Tàu 561 là con tàu lớn của Hải quân nhân dân Việt Nam. Không biết bao nhiêu lần con tàu này vượt sóng ra Trường Sa. Mỗi chuyến đi là cả một hành trình dài, có khi cả tháng, với những nhiệm vụ hết sức cao cả, thiêng liêng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục