(HBĐT) - Trong chuyến tham gia đoàn công tác tặng quà, chúc Tết và thay thu quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhân dịp đón xuân Canh Tý 2020, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với những y, bác sỹ đang công tác tại các bệnh xá trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Vượt lên những khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và những thử thách ở nơi hải đảo đầy nắng gió, những người lính mặc áo bluose trắng đã trở thành điểm tựa vững chắc cho quân dân nơi trùng khơi.


Y, bác sỹ Bệnh xá đảo Trường Sa Đông khám, chữa bệnh cho chiến sỹ công tác trên đảo.

Đến thăm bệnh xá các đảo như: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, An Bang, chúng tôi đều cảm nhận được những khó khăn, vất vả của những y, bác sỹ nơi đảo xa. Nắng gió quanh năm đưa hơi nước biển vào khiến lớp sơn tường nhà lúc nào cũng âm ẩm, việc bảo quản trang thiết bị y tế gặp rất nhiều khó khăn. Thêm nữa, mặc dù luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các bệnh xá trên đảo vẫn còn những thiếu thốn nhất định so với hệ thống y tế ở đất liền. Dù vậy, với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ, những năm qua, các bệnh xá luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, nhiều ngư dân ra khơi đánh bắt đã được cấp cứu kịp thời khi gặp sự cố. Bác sỹ Hoàng Trung Thông, bệnh xá đảo Trường Sa chia sẻ: Cuối năm vừa qua, một bệnh nhân bị đau ruột thừa được đưa lên cấp cứu tại bệnh xá. Do bệnh nhân đã đau nhiều giờ, ruột thừa bị viêm mủ và quặn ngược, khả năng vỡ ruột thừa rất cao nên cần phải tiến hành mổ ngay. Rất may, các y, bác sỹ đã thực hiện ca mổ kịp thời, bệnh nhân được cứu chữa. Hay câu chuyện của ngư dân Nguyễn Thanh Dũng, 56 tuổi, bị nhồi máu cơ tim và được các y, bác sỹ tại đảo Song Tử Tây cứu sống. Vụ việc xảy ra vào cuối tháng 7/2017, khi ông Dũng cùng những ngư dân khác đang câu mực, cách đảo Song Tử Tây khoảng 10 hải lý thì ông Dũng bị nhồi máu cơ tim và ngất xỉu. Trước tình trạng nguy kịch, tài công của tàu đã cho tàu chạy khẩn cấp vào đảo Song Tử Tây xin được trợ giúp. Sau khi nhận tin, Đảo trưởng đảo Song Tử Tây đã chỉ đạo các bộ phận cơ động ra cầu cảng đón, còn kíp quân y triển khai cấp cứu. Sau hơn 1 giờ, ông Dũng đã thoát khỏi cơn nguy kịch. Sau đó, ông nằm lại điều trị trên đảo 17 ngày mới trở lại tàu câu mực.

Đó là những sự hỗ trợ rất kịp thời, giúp người dân yên tâm trong những chuyến ra khơi. Còn đối với những cư dân trên đảo Trường Sa Lớn, những người lính quân y không chỉ là người chăm sóc sức khỏe, mà còn là những người bạn thân thiết. Anh Phan Văn Thanh, nguời dân thị trấn Trường Sa chia sẻ: "Mỗi khi đau ốm, hoặc bị bệnh khi đi đánh cá, chúng tôi đều được các y, bác sỹ ở bệnh xá chăm sóc tận tình. Thầy thuốc trên đảo tận tâm, lành nghề nên chúng tôi rất yên tâm. Các anh còn dạy ngoại ngữ, kiến thức cho con em trên đảo nữa”.

Bác sỹ, thiếu tá Phan Văn Giáp, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Đông cho biết: Với đặc thù của biển có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bộ đội. Cùng với đó là cơ cấu bệnh tật cũng có những đặc thù riêng nên ảnh hưởng không nhỏ đến kinh nghiệm điều trị của bác sỹ. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, các y, bác sỹ thường xuyên đọc sách để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. "Trước khi ra nhận công tác ở các đảo, tất cả cán bộ, chiến sỹ đều được khám sàng lọc và có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, đảo luôn chú trọng công tác vệ sinh, môi trường để phòng dịch bệnh. Bệnh xá cũng được trang bị thiết bị chẩn đoán bệnh từ xa nên dễ dàng kết nối từ đảo với bệnh viện chủ quản. Công tác tại đảo xa có những khó khăn nhất định nhưng chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi được làm việc ở quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng, nỗ lực, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - thiếu tá Giáp chia sẻ.

Bác sỹ, thiếu tá Phan Văn Giáp ra công tác tại Bệnh xá đảo Trường Sa Đông từ tháng 7/2019. Trước đó, anh và những đồng nghiệp tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều công tác ở những bệnh viện lớn của quân đội. Với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và sự ân cần, trách nhiệm, các anh chính là điểm tựa vững chắc cho quân dân Trường Sa và ngư dân vươn khơi, bám biển ở nơi đầu sóng, ngọn gió.

Viết Đào


Các tin khác


Thầm lặng “giữ đèn” giữa trùng khơi

(HBĐT) - Trên quần đảo Trường Sa có 9 ngọn hải đăng. Đây được coi là những "mắt thần” đặc biệt, dù có giông bão thì hải đăng vẫn không bao giờ tắt. Giữa muôn trùng khơi, những người giữ hải đăng ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ hoa tiêu soi đường cho ngư dân và các phương tiện giao thông trên biển. Họ được gọi thân mật là "người giữ đèn”.

Mang hơi ấm đến những vùng đảo xa xôi

(HBĐT) - Biển, đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đó có những chiến sỹ, đồng bào ta vẫn ngày đêm âm thầm bám biển, giữ đất, giữ chủ quyền trên biển của đất nước. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về biển, đảo, đồng thời, thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa gửi hơi ấm, tình cảm đến chiến sỹ và nhân dân những vùng đảo xa xôi.

Sức xuân nơi đầu sóng - Bài 1: Đón Tết ở Trường Sa

 Tết cổ truyền dân tộc, cả nước đã hướng về Trường Sa với tình cảm, trách nhiệm, sự sẻ chia sâu sắc. Nhưng có lẽ những ai có dịp đến tận Trường Sa mới cảm nhận được một cách đầy đủ nhất sự thiêng liêng của một vùng biển đảo quê hương nơi đầu sóng, ngọn gió.

Đá Lát - vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

(HBĐT) - Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, tàu thả neo khi màn đêm đã buông xuống mù mịt, xa xa là những ánh đèn rọi lại cách tàu chúng tôi chừng 2 hải lý. Chỉ huy trưởng cho biết, đó chính là đảo Đá Lát, đảo tiền tiêu nằm gần đất liền nhất trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu.

Khúc vọng Đà giang...

Thời trai trẻ, ông Nguyễn Văn Ước thường theo bạn bè xuôi bờ sông Đà đi ngắm núi Chẹ và xem người ta trèo bẫy chim sáo, trong lòng nhớ như in câu chuyện dân gian người Mường vùng hạ lưu sông Đà vẫn kể. Đó là chuyện ông Đùng đi gánh đá chặn dòng nước sông Đà dữ dằn để bảo vệ dân làng. Hai hòn đá to nặng đã khiến đòn gánh bị gãy, một hòn văng xa mãi tận thác Bờ (nay thuộc thành phố Hòa Bình), một hòn rơi xuống, thành núi Chẹ bây giờ - nên người quanh vùng thường gọi là "núi ông Đùng".

Về miền gạo trắng nước trong

(HBĐT) - "Cần Thơ gạo trắng, nước trong/ Ai đi đến đó, lòng không muốn về…". Câu ca xưa đưa chúng tôi đến với Cần Thơ - thủ phủ của miền Tây Nam Bộ. Mảnh đất Tây Đô nổi tiếng với rộng dài mênh mông sông nước, với những điệu hò mượt mà của những thôn nữ miệt châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục